Sử dụng sản phẩm tẩy tế bào chết hóa học sao cho an toàn và hiệu quả?

Những sản phẩm tẩy tế bào chết tối tân nhất sử dụng axít để tạo nên điều diệu kỳ cho da mặt. Tuy nhiên, phải sử dụng chúng đúng cách để không phát huy phản ứng ngược.

Khi nhắc đến tẩy tế bào chết, chúng ta lập tức nghĩ đến các loại sản phẩm chứa các hạt mát-xa thiên nhiên như đường nâu, bã cà phê, bột gạo, than hoạt tính v.v. Gọi nôm na là tẩy tế bào chết vật lý. Xin thưa, đã qua rồi thời kỳ của những sản phẩm này. Chào mừng các bạn đến với kỷ nguyên của công nghệ tẩy tế bào chết hóa học.

Nhiếp ảnh gia Peyman Naderi

Vì sao tẩy tế bào chết vật lý mang lại nhiều rủi ro cho làn da

St. Ives, thương hiệu mỹ phẩm bình dân của Mỹ, từng bị kiện năm 2017 vì sản phẩm tẩy tế bào chết chứa vỏ quả óc chó nghiền. Người đâm đơn cáo buộc rằng những mảnh này quá sắc và cứa vào da họ. Sau hơn một năm, đơn kiện này bị bác bỏ. Vì theo lời bác sỹ da liễu, “không có minh chứng khoa học cho thấy vỏ quả óc chó gây hại cho da, nếu như nó được nghiền đủ nhỏ và mịn.” Chắc hẳn người tiêu dùng đã thao tác sai, dẫn đến tình trạng da xấu đi.

Tuy nhiên, vụ việc này chứng tỏ một điều: Bạn có thể gây thương tổn cho da nếu sử dụng sản phẩm tẩy tế bào chết vật lý sai cách.

Khi chọn các hạt mát-xa cho mặt, chúng ta thường mắc nhiều sai lầm như: chọn loại hạt không đủ mềm, quá sắc, quá to hay thô. Đặc biệt là với trường hợp tự pha hỗn hợp chà da mặt tại nhà. Thêm các thao tác sai như chà quá mạnh hay tẩy tế bào chết quá thường xuyên.

Sản phẩm tẩy tế bào chết vật lý còn bao gồm cả máy rửa mặt, cọ hay khăn chà mặt. Nếu những vật dụng này không được vệ sinh thường xuyên và đúng cách, chúng sẽ tích tụ vi khuẩn. Và mang chúng chà mặt chẳng khác nào quét vi khuẩn ngược trở lại da mặt bạn.

Tất cả những vấn đề trên có thể được giải quyết khi bạn sử dụng sản phẩm tẩy tế bào chết hóa học.

Các hạt tẩy tế bào chết vật lý có thể làm tổn thương da nếu dùng sai cách

Các hạt tẩy tế bào chết vật lý có thể làm tổn thương da nếu dùng sai cách

Tẩy tế bào chết hóa học là gì?

Hóa chất tẩy da làm thực chất đều là các loại axít. Chúng làm mịn da bằng cách hòa tan lớp dầu thừa, tế bào chết và bụi bẩn bám trên bề mặt da. Không cần đến thao tác kỳ cọ như khi sử dụng sản phẩm tẩy tế bào chết vật lý, nhưng vẫn có thể tách lớp bẩn ra khỏi da tương tự.

Các hóa chất tẩy tế bào chết còn có một tính năng mà tẩy tế bào chết vật lý không đạt được: Khả năng tác động đến sự tái sinh da ở cấp độ tế bào. Chúng thấm vào biểu bì và thúc đẩy việc sản sinh tế bào da mới. Chính vì vậy, sử dụng sản phẩm tẩy tế bào chết hóa học còn mang lại làn da non mịn, sáng bóng.

Bây giờ bạn đã biết vì sao nên ưu tiên sử dụng tẩy tế bào chết hóa học. Tuy nhiên, hai chữ “hóa học” rất quan trọng. Bạn phải sử dụng đúng loại hóa chất cho đúng mục đích dưỡng da, mới phát huy toàn bộ công năng của sản phẩm.

Hiện tại, thị trường có các nhóm sản phẩm AHA, BHA và PHA cho bạn lựa chọn.

Bạn có thể chọn sản phẩm AHA, BHA hay PHA riêng biệt. Hoặc tìm đến một sản phẩm có chung nhiều thành phần.

Bạn có thể chọn sản phẩm AHA, BHA hay PHA riêng biệt. Hoặc tìm đến một sản phẩm có chung nhiều thành phần.

Phân biệt giữa AHA, BHA và PHA

(1) AHA, tức Alpha Hydroxy Acid

Nhóm axít hoà tan trong nước. Vì tính chất này, nhóm axít AHA không làm mất đi lượng dầu trong da. Theo các nhà nghiên cứu, AHA tăng liều ion canxi cho da, gây “đột tử” tế bào cũ ở bề mặt da. Hiệu ứng dẫn đến tính năng tẩy tế bào chết. Khi các tế bào cũ mất đi, làn da được kích thích, tái sinh collagen và các tế bào trẻ. Sự kích thích này đi đôi với triệu chứng mẩn đỏ trong thời gian đầu sử dụng AHA. Chính vì vậy, các sản phẩm chứa AHA được đề nghị cho da khô và những ai muốn xóa mờ nếp nhăn, ví dụ làn da chớm lão hóa.

Một số loại AHA phổ thông gồm glycolic acid (chiết xuất đường mía); lactic acid (chiết xuất từ sữa); malic acid (chiết xuất từ táo); citric acid (chiết xuất từ họ cam quýt)…

(2) BHA, tức Beta Hydroxy Acid

Nhóm axít hoà tan trong dầu. Hiện tại, loại BHA duy nhất trên thị trường là axít salicylic, chiết xuất từ vỏ gỗ cây liễu trắng. Do hòa tan trong dầu, BHA có khả năng loại bỏ dầu thừa đọng trong lỗ chân lông, đánh bật mụn ẩn dưới da. Phân tử BHA cũng to hơn so với AHA, không thấm sâu vào tế bào da, nên nó sẽ ít gây kích ứng hơn. Axít salicylic còn là “họ hàng gần” của aspirin, nên nó cũng có tác dụng kháng viêm. Vì các yếu tố trên, các sản phẩm chứa BHA được đề nghị cho da dầu, da mụn và da nhạy cảm.

Những ngày đầu sử dụng BHA, bạn sẽ thấy da của mình dường như xuất hiện nhiều mụn hơn. Thực chất đây là các gốc mụn ẩn đang được đẩy ra ngoài lỗ chân lông. Tiếng Anh gọi là purging. Sau khi những nhân mụn này được loại bỏ khỏi da, da bạn sẽ mịn hơn và lỗ chân lông nhỏ hơn.

(3) PHA, viết tắt của Poly Hydroxy Acid

Nhóm axít tẩy tế bào chết ít ai biết nhất. Chúng được đề xuất đặc biệt cho những ai có làn da nhạy cảm. Đây là vì phân tử PHA to hơn nhiều lần so với AHA và BHA, khó thấm vào biểu bì như hai nhóm axít kia. PHA còn là một hợp chất tự nhiên trong cơ thể chúng ta – chiết xuất từ đường glucose tìm thấy trong máu. Chính vì vậy, nó ít gây kích ứng cho da hơn. PHA được đề xuất cho làn da nhạy cảm, da có cơ địa dị ứng, hay da bị chàm eczema hay trứng cá đỏ rosacea.

PHA là một phát hiện tương đối mới, chỉ sau 1990. Chính vì vậy, nó cũng xuất hiện trong sản phẩm chăm sóc da tương đối trễ hơn AHA và BHA (phát hiện những năm 1970). Đi đôi là giá thành cao hơn của mỹ phẩm chứa PHA. Bạn có thể nhận diện PHA qua các nguyên liệu gluconolactone hay lactobionic acid trên sản phẩm.

Cần cẩn thận khi kết hợp các mỹ phẩm khác nhau với axít tẩy tế bào chết da mặt. Ảnh: The Ordinary

Cần cẩn thận khi kết hợp các mỹ phẩm khác nhau với axít tẩy tế bào chết da mặt. Ảnh: The Ordinary

Cách kết hợp các axít tẩy da mặt vào quy trình dưỡng da

Các hóa chất tẩy tế bào chết chuyên dụng có dạng lỏng như toner. Cách tốt nhất để áp dụng chúng là sau khi rửa mặt, trước serum. Các bước thông dụng là rửa mặt >> sử dụng hóa chất tẩy tế bào chết >> serum và rồi kem dưỡng da. Không cần phải rửa lại mặt sau khi dùng axít tẩy tế bào chết.

Thấm một lượng cỡ hạt đỗ vào bông gòn, thoa lên khắp mặt, tránh vùng mắt. Sau đó, bạn chờ khoảng 20-30 phút trước khi sử dụng serum kế tiếp. Thời gian chờ giúp sản phẩm tạo ra tác dụng tối ưu nhất cho làn da bạn. Các sản phẩm chứa axít cần môi trường có độ pH thấp để hoạt động. Nếu bạn sử dụng serum hay kem dưỡng ngay sau khi tẩy da chết, các mỹ phẩm này có thể làm tăng độ pH của da mặt bạn, khiến axít không còn tác dụng. Ngoài ra, Bazaar kiến nghị bạn dùng hóa chất tẩy tế bào chết ban đêm, để làn da có cả đêm để phục hồi.

Khi da mặt đã quen với axít, bạn có thể sử dụng sản phẩm này hàng ngày. Không cần phải hạn chế ở mức độ 1,2 lần/tuần như khi dùng sản phẩm tẩy tế bào chết vật lý. Bạn cũng dễ dàng nhận ra nếu mình tẩy tế bào chết quá độ. Da bạn sẽ ửng đỏ, nổi mẩn, sần sùi và có thể xuất hiện nhiều tầng da khô, bong tróc.

Những lưu ý khi tẩy tế bào chết hóa học

(1) Khi bắt đầu, bạn nên tập cho da quen với axít dưỡng da. Bạn có thể bắt đầu bằng một sản phẩm có nồng độ axít thấp, ví dụ 5% glycolic acid hoặc 0.5% salicylic acid. Sau đó tăng nồng độ axít lên sau khi đã sử dụng hết mỹ phẩm đầu tiên. Hoặc bắt đầu bằng tẩy tế bào chết chỉ một lần/tuần, sau đó tăng lần sử dụng lên.

(2) Hạn chế kết hợp mỹ phẩm tẩy tế bào chết hóa học với những loại mỹ phẩm có tính năng gây kích thích khác, như Retinol hay Niacinamide. Chúng có thể khiến da bạn trở nên quá nhạy cảm. Cách tốt nhất là sử dụng chúng xen kẽ. Ví dụ, axít tẩy hóa chết 1 đêm, Retinol một đêm khác…hoặc sử dụng xen kẽ một sản phẩm buổi sáng, một sản phẩm buổi tối.

(3) Những sản phẩm rất thích hợp cho da ngay sau khi tẩy tế bào chết hóa học là ceramides, axít hyaluronic hay serum peptides.

(3) Tăng cường dùng kem chống nắng. Làn da đang được tái tạo sau khi sử dụng axít sẽ càng dễ bắt nắng hơn. Nếu không sử dụng kem chống nắng khi tẩy tế bào chết, da bạn còn có thể lão hóa nhanh hơn.

(4) Không áp dụng lên da vùng mắt, da tổn thương (ví dụ bị xước hay chảy máu), hoặc da đang bị kích ứng (triệu chứng mẩn đỏ, ngứa).

Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm