Súc miệng bằng dầu có thật sự làm trắng răng, sạch miệng?

Chúng ta đều biết dầu có tác dụng tẩy trang rất tốt nhưng Gwyneth Paltrow lại cho rằng dùng dầu súc miệng lại tốt hơn cả. Điều này có thật?

Súc miệng bằng dầu có thật sự làm trắng răng, sạch miệng?

Gwyneth Paltrow và Shailene Woodley, hai “fan cứng” của phương pháp súc miệng bằng dầu tự nhiên, cho dù là dầu dừa hay dầu mè

Súc miệng bằng dầu dừa (oil pulling) là một trào lưu được nhiều ngôi sao theo phong trào làm đẹp tự nhiên lăng-xê. Cả hai nữ diễn viên Gwyneth Paltrow và Shailene Woodley đều ca tụng phương pháp này. “Tôi vừa bắt đầu sử dụng oil pulling và nó rất tốt cho sức khỏe răng miệng, đồng thời làm răng bạn trắng hơn”, Gwyneth Paltrow nói. Shailene Woodley còn giải thích cặn kẽ tác dụng của phương pháp này:Nó thật sự làm răng bạn trắng hơn, bởi vì các chất bẩn trong răng chúng ta không hòa tan trong nước mà hòa tan trong chất béo, mà chất béo (lipid) sẽ dễ dàng phân hủy trong dầu.

Thực hư điều này thế nào? Bạn có nên súc miệng bằng dầu dừa? Hãy cùng Harper’s Bazaar tìm hiểu kỹ về trào lưu làm đẹp thiên nhiên này.

Súc miệng bằng dầu (oil pulling) là gì?

Phương pháp súc miệng bằng dầu, đúng như cái tên, sử dụng dầu nấu ăn – có thể là dầu mè, dầu dừa, dầu đậu nành, dầu hạt cải – để làm sạch miệng thay vì dùng nước súc miệng. Đây là một biện pháp làm sạch răng miệng đến từ y học Ayurveda cổ truyền của Ấn Độ. Y học Ấn Độ còn cho rằng, súc miệng bằng dầu như một biện pháp thải độc cơ thể, nên được thực hiện buổi sáng khi bụng đói, để có hiệu quả tốt nhất.

CÁCH THỰC HIỆN

• Sách y học Ấn Độ viết rằng, dầu nên được ngậm trong miệng khoảng 10 phút và súc đều. Hành động súc miệng sẽ đánh bật chất bẩn và vi khuẩn. Nếu ngậm dầu trong miệng 20 phút khiến bạn khó chịu, bạn có thể đánh lạc hướng bằng cách để bản thân bận rộn với những việc khác như đi lại trong nhà hoặc tắm.

• Sau đó, bạn nhổ dầu ra chứ đừng nuốt. Vì lúc này dầu đã nhiều vi khuẩn và độc tố cần được cơ thể thải ra.

• Lúc này, bạn có thể súc miệng lại bằng nước ấm hoặc nước muối, cạo sạch lưỡi và đánh răng để tống hết lượng dầu ra ngoài.

• Các loại dầu được khuyên sử dụng cho phương pháp súc miệng bằng dầu là dầu ôliu, dầu dừa hoặc dầu mè.

Dầu dừa được đề nghị dùng để súc miệng buổi sáng trước khi ăn uống

Súc miệng bằng dầu có tốt không?

Những lợi ích…

Y học Ấn Độ cổ tin rằng, dầu kích hoạt tuyến nước bọt, từ đó kéo các độc tố khỏi cơ thể qua đường nước bọt và miệng. Súc miệng bằng dầu một ngày ba lần, trước khi đánh răng, được cho là hạn chế khả năng viêm nướu, ngừa sâu răng, chống lại bệnh khô miệng gây mùi hôi khó chịu. Cách chăm sóc răng miệng này được đề nghị cho những ai khó đánh răng vì đang có mụn nhọt mọc trong miệng.

Một nghiên cứu năm 2009 đăng tải trong chuyên san nha khoa Ấn Độ Indian Journal of Dental Research kết luận rằng, súc miệng bằng dầu mè có tác dụng tương đương súc miệng bằng nước súc bạc hà trong việc làm giảm cao răng, ngăn ngừa vôi răng, chống viêm nướu.

Hai nghiên cứu khác cũng được thực hiện tại Ấn Độ, năm 2011năm 2014, so sánh khả năng giảm mùi hôi miệng khi súc miệng bằng dầu dừa và khi súc bằng nước súc nha khoa. Cả hai nghiên cứu này đều kết luận rằng hiệu ứng của chúng là tương đương.

…và ý kiến trái chiều

Thực chất thì, những đề nghị trên là ý kiến chủ quan. Chưa có nhiều nghiên cứu khoa học hiện đại xác minh các hiệu ứng của việc súc miệng bằng dầu dừa. Số lượng nghiên cứu có hạn, số lượng đối tượng tham gia cũng khá ít ỏi.

Ví dụ, y học Ayurveda cho rằng dầu dừa, dầu oliu hoặc dầu mè là lựa chọn tốt để súc miệng, vì chúng chứa hoạt chất làm sạch miệng. Dầu dừa chứa axít lauric, khi tương tác với các chất kiềm trong nước bọt, sẽ tạo ra sodium laureate – một hoạt chất tẩy rửa thường được tìm thấy trong xà phòng. Dầu ôliu và dầu mè thì chứa các hợp chất phenol có tính năng kháng khuẩn và chống ôxy hóa, vì vậy mà giúp chống bệnh hôi miệng. Tuy nhiên, một nghiên cứu năm 2011 lại cho rằng, chính hành động súc mới có giá trị đẩy bật chất dơ trong miệng, chứ các hoạt chất từ dầu thì không hiệu quả mấy.

Nhiều người cho rằng súc miệng với dầu không mang lại bất kỳ nguy hiểm gì. Tuy nhiên, nghiên cứu đến từ Hàn Quốc năm 2014 cho thấy, việc súc miệng với dầu dừa có thể dẫn đến nguy cơ hít phải dầu vào đường phổi, gây viêm phổi lipid (một triệu chứng cũng thường thấy khi hút thuốc lá điện tử).

Nguy cơ để dầu lọt vào phổi trong quá trình súc miệng có thể mang đến bệnh khôn lường

>>> Xem thêm: DETOX BẰNG DẦU OLIU CÓ THẬT SỰ HIỆU QUẢ, THỰC HƯ RA SAO?

Kết luận: Có nên súc miệng bằng dầu?

Tôi cho rằng, ở thời cổ, khi người ta không có những phương pháp chăm sóc răng miệng hiện đại, việc súc miệng bằng dầu dừa hay dầu mè có lẽ là biện pháp tốt để làm sạch miệng. Nói chung, việc súc miệng, cho dù là với nước muối hay dầu, đều có tác dụng đánh bật những miếng thức ăn bám lại giữa những kẽ răng.

Ở thời hiện đại, không gì có thể vượt qua sự hiệu quả của việc đánh răng bằng bàn chải và kem đánh răng. Nếu bạn áp dụng việc súc miệng bằng dầu và bỏ qua việc đánh răng, đây là một sai lầm rất lớn!

Tuy nhiên, những ai đang có vết rách hay mụn nhọt trong miệng, bị đau rát khi tiếp xúc với nước súc miệng bạc hà, có thể thử súc miệng bằng dầu vì dầu không gây rát tương tự. Chỉ cần khoảng 3-5 phút là được, không cần lâu hơn, tránh việc hít phải dầu xuống phổi gây viêm phổi lipid.

>>> Xem thêm: NHỮNG TÁC HẠI VÀ LỢI ÍCH BẤT NGỜ CỦA VIỆC NHAI KẸO CAO SU

Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm