15 câu hỏi cần đặt ra trước khi phẫu thuật nâng ngực

Nhìn những quảng cáo hoặc các người mẫu với số đo của thần Vệ Nữ, bạn ngưỡng mộ và muốn đi nâng ngực ngay để đẹp xinh, quyến rũ như họ? Gượm đã! Hãy đọc 15 câu hỏi này, rồi hãy quyết định

BZ-02-21-BEAUTY-TECHNIQUE-NANG-NGUC-KYLIE

Nếu muốn nâng ngực để có vòng một đẫy đà như Kylie Jenner, sau đây là những điều cần biết trước khi phẫu thuật nâng ngực Ảnh: Instagram @kyliejenner

Ngày càng nhiều phụ nữ quan tâm đến nâng ngực để có đôi gò bồng đảo đẹp hơn. Phẫu thuật nâng ngực đã trở thành phổ biến. Làm đẹp là quyền lợi, và trách nhiệm của phụ nữ. Nếu có điều kiện, tại sao bạn không đầu tư cho bản thân chứ. Chưa kể nhan sắc thực sự… hái ra tiền.

Nhưng trước khi quyết định có nâng ngực hay không, bạn nên tìm hiểu kỹ mọi góc độ (tích cực và tiêu cực) của liệu pháp thẩm mỹ này. Sau đây là 15 câu hỏi giúp trả lời khái quát những điều cần biết trước khi phẫu thuật nâng ngực.

1. Vì sao tôi lại muốn phẫu thuật ngực?

Bạn đã suy nghĩ về việc phẫu thuật nâng ngực trong bao lâu? Bạn bè hay người thân xung quanh đã có ai phẫu thuật nâng ngực chưa? Và ý kiến của họ về việc nâng ngực như thế nào?

Hơn nữa, bạn quyết định nâng ngực vì vẻ hoàn thiện của bản thân hay do tác động từ bạn bè, người thân xung quanh? Vòng một nếu được cải thiện sẽ đem lại cho bạn những lợi ích gì trong công việc và cuộc sống?

2. Tôi cảm thấy như thế nào khi tiến tới quyết định này?

Cảm nhận của bạn khi nghĩ đến việc phẫu thuật nâng ngực ra sao? Hãy gõ từ khóa “phẫu thuật nâng ngực” vào công cụ tìm kiếm trên internet. Bạn sẽ thấy hàng loạt thông tin, ý kiến của những người đã, đang và sẽ trải qua điều này. Bạn sẽ có cái nhìn tổng quát và khách quan hơn về quyết định sắp tới của mình.

3. Nâng ngực liệu có gây ung thư vú?

Sau khi nâng ngực, trong tháng đầu tiên,  bạn phải theo dõi các triệu chứng.  Sau 5–10 năm từ khi nâng ngực, bạn nên khám định kỳ xem có hiện tượng rò dịch hoặc u cục gì không.

Ung thư vú là loại ung thư thường gặp ở phụ nữ. Người không đặt ngực cũng có nguy cơ ung thư vú. Nhưng nếu đã phẫu thuật nâng ngực, bạn nên theo dõi thường xuyên. Một khuyến cáo của bác sĩ Nhật Bản là nên chọn các dị chất tạo hình đưa vào cơ thể ở size nhỏ nhất. Khối lượng/trọng lượng của dị chất tỷ lệ thuận với nguy cơ biến chứng. Vì thế vật liệu nâng càng nhỏ thì càng ít nguy cơ.

BZ-02-21-BEAUTY-TECHNIQUE-KYLIE-2

Ảnh: Instagram @kyliejenner

Thường thường, các bác sĩ Việt Nam hiện nay hay sử dụng loại túi hạt nhỏ, mềm. Trong khi túi liên quan đến các ca ung thư vú (được ghi nhận tại Pháp và Mỹ), chủ yếu là túi vỏ nhám hạt to.

Biến chứng phổ biến sau khi nâng ngực là co bao xơ. Đó là hiện tượng cơ bị sẹo co lại, túi nâng bị bóp méo, ngực mất hình dạng. Từ đó gây đau nhức, và các triệu chứng khác như khó thở, đau lưng…

4. Chất liệu túi ngực nào phù hợp với mình?

Hiện nay, phẫu thuật nâng ngực có hai hình thức: Nâng ngực bằng mỡ tự thân và nâng ngực nội soi. Với nâng ngực nội soi, có nhiều chất liệu túi ngực như túi nước biển, silicone; hay “gummy bear” kết dính.

Đối với hình thức nâng ngực tự thân, bạn cần lấy 500 gam đến 1.300 gam chất béo của chính mình để tiêm vào ngực.

Để quyết định chọn hình thức nâng ngực, bác sĩ sẽ cho bạn lời khuyên nên áp dụng hình thức nào, dựa trên tình trạng sức khỏe cũng như cơ địa của bạn.

Hiện nay các chị em phụ nữ có xu hướng chọn chất liệu túi ngực “gummy bear” trong phẫu thuật nâng ngực.

BZ_21_02_Beauty_Technique_Nangnguc

5. Một số chất liệu túi ngực có thể ảnh hưởng đến sức khỏe

Một số túi ngực có liên quan đến một loại ung thư được gọi là ALCL (lympho lớn bất thục sản).

Các nghiên cứu khoa học cho thấy tình trạng ung thư vú vừa qua liên quan mật thiết với kết cấu của bề mặt túi độn ngực.

Bạn nên hỏi bác sĩ kỹ về loại túi ngực mà mình sắp sử dụng. Bạn cũng cần tra cứu thông tin, xem thương hiệu túi ngực mình chọn có nằm trong nhóm bị thu hồi do ảnh hưởng đến sức khỏe hay không.

>>> Xem thêm: THU HỒI TÚI NGỰC NHÁM VÌ NGUY CƠ GÂY UNG THƯ CHẾT NGƯỜI

6. Size ngực nào phù hợp với mình?

Chọn kích cỡ túi ngực phù hợp là câu hỏi và quyết định khó khăn cho cả bệnh nhân lẫn bác sĩ thẩm mỹ. Điều này phản ánh trình độ chuyên môn cũng như tay nghề của một bác sĩ giỏi.

Khi bạn phẫu thuật nâng ngực với kích cỡ nhỏ, bạn có thể tăng kích cỡ ở lần nâng sau đó. Tuy nhiên, nếu bạn đã nâng ngực với kích cỡ túi ngực lớn; rất khó để bạn thay đổi thành kích cỡ nhỏ hơn. Theo quan điểm của một số người, càng “bự” thì càng đẹp. Đó là một sai lầm.

Kích cỡ túi ngực phải phù hợp với lượng mô bao phủ, kích thước vòng 1 và chiều rộng của thành ngực. Bất kỳ túi ngực nào được đưa vào cơ thể cũng sẽ tạo áp lực ít nhiều lên ngực và da; và làm mỏng các mô.

Theo thống kê, trên thế giới có khoảng 30% ca bệnh phải phẫu thuật lại do liên quan tới các vấn đề chọn kích cỡ túi ngực không phù hợp. Bạn hãy yêu cầu thẩm mỹ viện đưa ra hình ảnh túi ngực có độ nhô khác nhau; và thử các túi độn tại thẩm mỹ viện vào một chiếc áo ngực đặc biệt.

Từ đó, bạn và bác sĩ thẩm mỹ có thể đánh giá, kết hợp với số đo 3 vòng, chiều cao, cân nặng để chọn lựa kích cỡ túi ngực phù hợp và an toàn nhất với bạn.

Một số thẩm mỹ viện còn có trang bị thiết bị 3D hiện đại để xác định kích cỡ túi ngực thích hợp cho từng cá nhân.

7. Nâng ngực nên thực hiện đường mổ nào?

Có bốn loại đường rạch chính được sử dụng trong quá trình nâng ngực: đường nách, đường quầng vú, đường nếp gấp chân ngực và đường rốn.

Nếu bạn có quầng vú nhỏ, điều này có thể khiến việc rạch quầng vú sẽ khó khăn hơn.

Tùy vào cơ địa mà bác sĩ thẩm mỹ sẽ đưa ra lời khuyên cho bạn về đường rạch mà họ sẽ sử dụng; vì sẹo sau phẫu thuật cũng là một điều cần cân nhắc.

8. Phẫu thuật nâng ngực có ảnh hưởng đến quá trình cho con bú sau này không?

Túi ngực thường được đặt sau tuyến sữa hoặc bên dưới cơ ngực. Điều này không gây ảnh hưởng đến nguồn sữa.

Tuy nhiên, ảnh hưởng ra sao đến quá trình cho con bú sau phẫu thuật nâng ngực, phải kể đến đường rạch mà bác sĩ đã sử dụng trong quá trình phẫu thuật.

Đường rạch dưới nếp gấp chân ngực, qua nách hoặc rốn ít có khả năng cản trở việc cho con bú hơn đường rạch ngay quầng vú (núm vú). Vì các dây thần kinh xung quanh núm vú đóng vai trò rất quan trọng trong việc cho con bú. Đặc biệt, khi trẻ bú sẽ làm tăng nồng độ hormone prolactin và oxytocin. Hormone prolactin sẽ kích thích cơ thể sản xuất sữa mẹ.

Khi phẫu thuật rạch quầng vú, các dây thần kinh này bị tổn thương. Cảm giác sẽ giảm đi và ít nhiều việc sản xuất sữa của cơ thể sẽ bị ảnh hưởng.

9. Có nên tập thể dục sau phẫu thuật nâng ngực?

bz-02-21-BEAUTY-TECHNIQUE-KYLIE-4

Ảnh: Instagram @kyliejenner

Bất cứ cuộc phẫu thuật nào cũng cần thời gian nghỉ dưỡng và phục hồi. Thông thường để phục hồi hoàn toàn sau phẫu thuật nâng ngực, bạn cần khoảng 6–8 tuần.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận những lợi ích của việc tập thể dục sau phẫu thuật đối với cơ thể. Tập thể dục đúng cách còn giúp vết mổ mau lành và cơ thể nhanh chóng lấy lại sức đề kháng.

Ngoài ra, các động tác thể dục nhẹ nhàng còn thúc đẩy quá trình trao đổi chất của cơ thể; đồng thời tránh được những biến chứng sau phẫu thuật.

Để áp dụng những bài tập thích hợp cho tình trạng sức khỏe của mình, bạn nên trao đổi với bác sĩ và chỉ tập những bài tập nhẹ nhàng sau phẫu thuật nâng ngực 6 tuần.

>>> Xem thêm: CHĂM SÓC NGỰC SAU PHẪU THUẬT: TẬP LUYỆN THẾ NÀO ĐỂ CÓ DÁNG NGỰC ĐẸP?

10. Những rủi ro tiềm ẩn sau phẫu thuật nâng ngực

Những rủi ro sau nâng ngực có thể xảy ra là: hai bên bầu ngực không cân xứng; co thắt bao xơ làm bầu vú bị căng cứng và khó chịu. Trong vài ngày đầu có thể có sự phù nề nhẹ, bầm tím ở vết mổ. Đau bại cánh tay, đau lưng cũng là tình trạng nhiều chị em mắc phải sau phẫu thuật nâng ngực.

11. Nâng ngực giữ được bao lâu?

Hình thức nâng ngực bằng mỡ tự thân có “hạn sử dụng” từ 6 tháng đến 1 năm.

Với hình thức nâng ngực nội soi bằng túi gel silicone thì có thể giữ tới 10-15 năm; tùy vào cơ địa và sức khỏe của mỗi người.

Ngoài ra, kỹ thuật phẫu thuật của bác sĩ cùng với chất lượng của túi ngực sẽ quyết định tuổi thọ của một bộ ngực nâng. Chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi sau phẫu thuật cũng là yếu tố quan trọng.

12. Ảnh hưởng đến quá trình tầm soát ung thư vú?

Một số ý kiến cho rằng việc phẫu thuật nâng ngực sẽ khiến cho việc tầm soát ung thư vú trở nên khó khăn hơn. Thật ra, khi làm các xét nghiệm, bác sĩ và kỹ thuật viên sẽ biết cách phân loại các miếng độn ngực và phần ngực trong quá trình chụp X-quang tuyến vú.

13 & 14. Ngực sẽ trông như thế nào nếu tôi phẫu thuật tháo bỏ túi ngực? Và điều đó có gây khó khăn hay ảnh hưởng gì đến sức khỏe hay không?

Thực ra, túi độn ngực không tồn tại vĩnh viễn. Chúng cần được thay mới sau mỗi 10-15 năm. Tháo bỏ túi độn ngực sẽ giúp bạn tránh được rủi ro mắc phải ALCL – một dạng ung thư hiếm gặp liên quan tới túi ngực vỏ nhám.

Tháo bỏ túi ngực sẽ thay đổi hình dạng và kích cỡ ngực tự nhiên của bạn. Bác sĩ phẫu thuật cũng sẽ rất khó dự đoán được chính xác hình dạng ngực của bạn thế nào sau khi lấy túi ra. Ngực có nguy cơ mất sự căng đầy, xuất hiện da thừa và chảy xệ.

Ngoài ra, hình dạng hai bên ngực có thể mất cân đối và khả năng đàn hồi. Tuy nhiên, nếu túi độn càng nhỏ, thời gian đặt túi càng ít; thì sau khi phẫu thuật tháo bỏ, cơ hội ngực trở lại trạng thái như lúc đầu càng cao.

bz-02-21-BEAUTY-TECHNIQUE-KYLIE-5

15. Sau khi nâng ngực có bị thay đổi nội tiết tố không?

Có nhận xét rằng sau phẫu thuật nâng ngực, nội tiết tố có thể ảnh hưởng ít nhiều. Da có thể khô hơn, hoặc dễ lên mụn hơn. Giấc ngủ có thể bị ảnh hưởng. Túi ngực lớn quá có thể đè lên tim khi ngủ, làm bạn khó thở. Cần tham khảo ý kiến của bác sĩ về vấn đề nội tiết thay đổi; để bổ sung dinh dưỡng phù hợp sau phẫu thuật nâng ngực.

>>> Xem thêm: TẠO HÌNH THÀNH BỤNG: CÔNG NGHỆ THẨM MỸ ĐEM LẠI EO THON BỤNG PHẲNG

Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm