Những công dụng kỳ diệu của tế bào gốc giúp tái sinh cơ thể

Tế bào gốc được chứng minh là có thể cứu sống con người khỏi những bệnh tật nguy hiểm. Vậy tế bào gốc là gì và có thể tìm thấy ở đâu? Hãy cùng Harper's Bazaar Vietnam tìm hiểu nhé!

Tế bào gốc là gì?

Tế bào gốc là gì?

Tế bào gốc là vật chất thô tạo nên cơ thể. Tất cả các tế bào chức năng đều được tạo thành từ tế bào gốc. Ở điều kiện lý tưởng trong cơ thể hoặc trong phòng thí nghiệm, tế bào gốc sẽ phân chia để hình thành các tế bào con.

Các tế bào con này hoặc sẽ trở thành những tế bào gốc mới, hoặc trở thành tế bào chức năng, chẳng hạn như tế bào máu, tế bào não, tế bào cơ tim hay tế bào xương. Ngoài tế bào gốc, không có tế bào nào khác trong cơ thể có khả năng tạo ra chủng tế bào mới.

Tế bào gốc có tác dụng gì? Các công dụng của tế bào gốc

Tế bào gốc rất được chú trọng trong y học. Các nhà nghiên cứu và giới y khoa hy vọng tế bào gốc có thể giúp họ hiểu được vì sao bệnh tật lại xuất hiện và làm cách nào để chữa bệnh. Sau đây là ba công dụng của tế bào gốc đã được y học chứng minh:

1. Sản xuất tế bào khỏe mạnh để thay thế cho tế bào bệnh tật

công dụng của tế bào gốc

Tế bào gốc có thể phân chia thành những tế bào chức năng

Đối với những người bị chấn thương cột sống, teo cơ xơ cứng, tiểu đường loại 1, bệnh tim mạch, đột quỵ, bị phỏng, ung thư, viêm xương khớp, bệnh mất trí nhớ, bệnh tự miễn… thì tế bào gốc chính là một phương pháp chữa trị hữu hiệu. Công dụng của tế bào gốc có thể được sử dụng để sửa chữa các mô bệnh và mô tổn thương.

Tế bào gốc có thể được nuôi cấy trở thành thế bào mới, để ứng dụng trong phẫu thuật cấy ghép và tái tạo.

Tế bào gốc cũng có thể đẩy nhanh tốc độ tái tạo da, thúc đẩy cơ thể sản xuất collagen, kích thích tóc mọc ở người bị hói đầu, thay thế mô sẹo bằng mô lành khỏe mạnh.

2. Công dụng của tế bào gốc để thử nghiệm độ an toàn và hiệu quả của thuốc

Trước khi sử dụng thuốc lên con người, các nhà khoa học có thể dùng tế bào gốc để thử chất lượng và độ an toàn của thuốc. Chẳng hạn, tế bào gốc thần kinh được sử dụng để kiểm tra thuốc trị bệnh thần kinh, để xem tế bào có bị tổn hại hay không trước khi áp dụng lên người sống. Hình thức này đã có hiệu quả trực tiếp cho loại thuốc dùng để chữa bệnh nhiễm độc tim.

3. Công dụng của tế bào gốc thực vật giúp trẻ hóa nhan sắc

Tế bào gốc thực vật giúp trẻ hóa nhan sắc

Bên cạnh tế bào gốc lấy từ cơ thể người, khoa học đã đạt tới một bước tiến táo bạo khác khi nuôi dưỡng tế bào gốc từ thực vật để phục vụ cho kỹ nghệ làm đẹp. 

Các chiết xuất từ thực vật thường nhiễm thuốc trừ sâu, bị nước nhiễm bẩn thâm nhập… nhưng tế bào gốc thực vật được chăm sóc trong phòng thí nghiệm sẽ không vấp phải những vấn đề này. Chúng có công năng chống oxy hóa rất tốt, giúp ngăn ngừa nếp nhăn, trị thâm và mụn, cho làn da săn chắc và căng đầy, sáng bóng.

Có rất nhiều loại thực vật tham gia cung cấp tế bào gốc, chẳng hạn táo, cà chua, gừng, tử đinh hương, cây quả mọng, rong biển… Mỗi loại có công dụng khác nhau, chẳng hạn tế bào gốc từ gừng giúp thu nhỏ lỗ chân lông. Tế bào gốc từ táo ngăn ngừa nếp nhăn quanh mắt…

Lấy tế bào gốc ở đâu?

nghiên cứu trong phòng thí nghiệm

Các nhà khoa học đã tìm ra một số nguồn tế bào gốc có thể sử dụng:

– Tế bào gốc phôi: Tế bào này lấy từ những phôi thai mới được 3-5 ngày tuổi. Ở giai đoạn này, một phôi thai được gọi là phôi bào và có chừng 150 tế bào. Đây đều là những tế bào gốc đa năng, nghĩa là chúng có thể phân chia thành các tế bào mới hoặc biến thành bất kì loại tế bào nào trong cơ thể. Tính linh hoạt này khiến tế bào phôi thai được sử dụng để tái tạo hoặc sửa chữa những mô và các cơ quan mắc bệnh.

– Tế bào gốc trưởng thành: Các tế bào gốc này được tìm thấy ở một vài mô của người trưởng thành, chẳng hạn tủy xương hay mỡ. So với tế bào gốc phôi thai thì tế bào gốc ở người trưởng thành chỉ có một số ít khả năng phát sinh thành những tế bào khác trong cơ thể.

Trước đây, các nhà khoa học cho rằng tế bào gốc ở người trưởng thành chỉ có thể tạo ra cùng loại tế bào. Chẳng hạn tế bào gốc tủy xương chỉ có thể phát sinh thành tế bào máu. Tuy nhiên, các nghiên cứu sau này cho thấy tế bào gốc tủy xương cũng có thể tạo ra tế bào cơ tim hoặc tế bào xương. Do đó, hiện nay người ta vẫn không ngừng tìm hiểu về mức độ linh hoạt của tế bào gốc trưởng thành.

Cụ thể, các nhà khoa học đã sửa đổi gene trên tế bào trưởng thành, rồi lập trình cho nó có những đặc tính như tế bào phôi thai. Cách làm này giúp các tế bào gốc trưởng thành có khả năng được sử dụng rộng rãi hơn trong chữa bệnh, hạn chế tình trạng đào thải có thể xảy ra khi sử dụng tế bào phôi thai.

– Tế bào gốc chu sinh: Các nhà khoa học đã tìm thấy tế bào gốc trong nước ối và máu cuống rốn. Chúng cũng có khả năng tạo ra tế bào chức năng. Hiện nay có một số bố mẹ muốn lưu trữ máu cuống rốn cho con, xem như chiếc phao cứu sinh vì chẳng biết bé lớn lên sẽ mắc những bệnh gì. Chi phí cho lần đầu tiên trích máu và đưa vào lưu trữ ở Bệnh viện truyền máu huyết học khoảng từ 20 triệu đồng, phí thường niên khoảng 2 triệu đồng

Liệu pháp tế bào gốc là gì?

công dụng của tế bào gốc

Liệu pháp tế bào gốc chính là tương lai của phương pháp cấy ghép tạng. Muốn ghép tạng thì phải có người hiến tạng phù hợp và khỏe mạnh, do đó việc tìm được tạng để ghép là rất khó khăn. Tế bào gốc có thể chấm dứt tình trạng này.

Các nhà khoa học sẽ nuôi tế bào gốc trong phòng thí nghiệm, các tế bào gốc này sẽ được chuyển hóa thành tế bào chức năng, sau đó được đưa vào cơ thể. Chẳng hạn, muốn chữa trị cho người mắc bệnh tim, người ta sẽ tiêm tế bào mới này vào cơ tim. Các tế bào mới này sẽ góp phần sửa chữa những tế bào cũ bị lỗi.

Hiện nay giới y khoa còn đi xa hơn khi nghiên cứu ra một phương pháp gọi là ”nhân bản trị liệu”. Trong đó người ta tạo ra một phôi bào bằng cách tiêm nhân bào từ người hiến tặng vào một quả trứng chưa thụ tinh. Phôi bào này chứa các tế bào gốc mang bộ gene giống y bộ gene của người hiến tặng. Đó được gọi là phôi bào nhân bản.

Các nhà khoa học tin rằng tế bào gốc lấy từ phôi bào nhân bản sẽ tốt hơn tế bào gốc lấy từ phôi thai. Bởi vì các tế bào mới được tạo ra từ tế bào phôi thai, có thể bị đào thải khi cấy ghép vào cơ thể người hiến tặng. Nhưng tế bào mới tạo ra từ phôi bào nhân bản khi được đưa trở lại cơ thể người hiến tặng thì lại không bị đào thải.

Chẳng hạn, một người chồng bị bệnh tim, bác sĩ có thể lấy nhân bào (nhân tế bào) từ cơ thể người chồng rồi đưa vào trứng (chưa thụ tinh) của người vợ để tạo phôi bào nhân bản. Sau đó lấy tế bào gốc từ phôi bào nhân bản này để phân chia thành các tế bào mới, rồi cấy vào trong cơ thể người chồng để chữa bệnh.

Nghe có vẻ rất tiềm năng nhưng phương pháp này mới chỉ thành công ở động vật và chưa được ứng dụng trên người. Tuy nhiên, tế bào gốc có thể xem như là câu trả lời cho những chứng bệnh nan y mà con người đang gần như đầu hàng.

Hy vọng các thông tin trên đã giúp bạn hiểu rõ các công dụng của tế bào gốc trong y học.

>>> Xem thêm: DIOR RA MẮT SIÊU PHẨM KHÔI PHỤC TẾ BÀO GỐC DIOR CAPTURE TOTALE

Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm