Bệnh sỏi mật là gì và cách ngăn ngừa

Sỏi mật có kích thước từ hạt cát đến quả bóng golf. Bạn có thể không biết mình bị sỏi mật trừ khi chúng làm tắc ống mật, gây ra những cơn đau cần phải điều trị ngay lập tức

Bỗng một ngày bạn có cảm giác đau dữ dội ở vùng bụng trên bên phải hoặc ngay vị trí dạ dày. Cảm giác giống với đau ruột thừa cấp. Có thể bạn đang mắc bệnh sỏi mật.

Khái quát về bệnh sỏi mật

Túi mật là cơ quan nhỏ nằm ở vùng bụng trên bên phải, ngay dưới gan. Đó là túi chứa mật. Mật là chất lỏng màu vàng xanh hỗ trợ tiêu hóa. Túi mật gặp vấn đề khi có vật chặn ống mật, chẳng hạn như sỏi mật.

Hầu hết sỏi mật được tạo ra khi các chất có trong mật như cholesterol cứng lại. Sỏi mật là bệnh rất phổ biến và thường không có triệu chứng. Tuy nhiên, những người được chẩn đoán mắc bệnh sỏi mật sẽ có những triệu chứng có thể nhận biết được trong vòng 5 năm.

Có hai loại sỏi mật chính. Đó là sỏi cholesterol và sỏi sắc tố.

Sỏi cholesterol thường có màu vàng xanh. Đây là dạng sỏi phổ biến nhất, chiếm đến 80% ở các bệnh nhân mắc phải. Sỏi hắc sắc tố có kích thước nhỏ hơn và có màu nâu hoặc đen. Chúng được tạo ra từ sắc tố mật bilirubin.

Dấu hiệu và triệu chứng của bệnh sỏi mật

Bạn sẽ gặp những cơn đau ở vùng bụng trên bên phải hoặc giữa dạ dày. Đôi khi, bạn sẽ bị đau sau khi ăn thức ăn chứa nhiều chất béo. Chẳng hạn như các món chiên rán. Tuy vậy, cơn đau có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Cơn đau gây ra do sỏi mật thường kéo dài trong vài giờ, và có thể đau nghiêm trọng.

Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể xuất hiện thêm các triệu chứng khác:

• Thân nhiệt tăng cao

• Tim đập nhanh

• Vàng da, tròng trắng chuyển màu vàng

• Ngứa da

• Tiêu chảy

• Ớn lạnh

• Chán ăn

• Lú lẫn

Những triệu chứng này có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng túi mật hoặc viêm túi mật, gan, tuyến tụy. Các triệu chứng này giống với đau viêm ruột thừa và viêm tụy cấp.

Nguyên nhân gây nên bệnh sỏi mật

Nguyên nhân gây nên bệnh sỏi mật được cho là do sự mất cân bằng hóa học của dịch mật bên trong túi mật. Khi nguyên do vì sao gây nên sự mất cân bằng này chưa được rõ ràng, một số nguyên nhân có thể là:

• Cơ thể thừa cholesterol, có thể dẫn đến sỏi cholesterol có màu vàng. Những viên sỏi cứng này sẽ tăng kích thước nếu gan của bạn tạo ra cholesterol nhiều hơn lượng dịch mật có thể hòa tan chúng.

• Quá nhiều bilirubin trong mật của bạn. Bilirubin là một chất hóa học được tạo ra trong quá trình phân hủy bình thường của các tế bào hồng cầu. Sau khi được tạo ra, bilirubin đi qua gan và cuối cùng được đào thải ra khỏi cơ thể. Trong một số trường hợp như tổn thương gan và rối loạn máu khiến gan sản xuất nhiều bilirubin hơn mức bình thường. Sỏi mật hình thành khi túi mật không thể đào thải bilirubin dư thừa. Những viên sỏi mật này là sỏi hắc tố.

• Mật cô đặc do túi mật đầy. Túi mật cần đào thải sạch mật để hoạt động bình thường. Nếu túi mật không có khả năng này, mật sẽ trở nên cô đặc quá mức và hình thành sỏi mật.

Phương pháp chẩn đoán bệnh sỏi mật

Bác sĩ sẽ thực hiện việc kiểm tra sức khỏe bao gồm kiểm tra tròng mắt và da để chẩn đoán. Màu da và tròng trắng mắt hơi vàng có thể là dấu hiệu của bệnh vàng da − kết quả của mức độ bilirubin cao trong cơ thể.

Bạn cần làm thêm các xét nghiệm cụ thể để việc chẩn đoán chính xác hơn, bao gồm: siêu âm, chụp CT bụng, chụp xạ hình túi mật. Ngoài ra, bác sĩ sẽ chỉ định cho bệnh nhân làm xét nghiệm máu để đo lượng bilirubin có trong máu. Xét nghiệm máu cũng giúp bác sĩ xác định gan đang hoạt động như thế nào.

Các phương pháp điều trị bệnh sỏi mật

Thông thường, bạn không cần điều trị sỏi mật trừ khi chúng gây ra những cơn đau. Lúc đó, bạn cần đến gặp bác sĩ để thăm khám. Phương pháp phẫu thuật sỏi mật thường được ưu tiên bởi nguy cơ tái phát rất cao.

1. Phẫu thuật

Cắt bỏ túi mật là một trong những phẫu thuật phổ biến nhất. Túi mật không phải là một cơ quan thiết yếu, nên bạn vẫn có thể sống khỏe mạnh dù không có nó. Có hai phương pháp phẫu thuật cắt bỏ túi mật.

• Mổ nội soi cắt bỏ túi mật: Đây là ca phẫu thuật gây mê hoàn toàn. Bác sĩ sẽ rạch ba đến bốn đường trên vùng bụng và đưa một thiết bị nhỏ có gắn đèn vào trong. Thiết bị sẽ giúp kiểm tra sỏi và cắt bỏ túi mật kỹ càng.

• Mổ mở cắt túi mật: Phẫu thuật mổ mở thường được thực hiện khi túi mật bị viêm, nhiễm trùng hoặc có sẹo. Nếu trong quá trình mổ nội soi gặp vấn đề, bác sĩ sẽ áp dụng thêm phương pháp mổ hở để can thiệp.

Sau khi cắt bỏ túi mật, bạn sẽ thấy đi ngoài phân trở nên lỏng hơn. Cắt bỏ túi mật ảnh hưởng đến việc định tuyến lại mật từ gan đến ruột non. Mật không còn đi qua túi mật và ít cô đặc hơn. Do đó, nó sẽ thúc đẩy cơ thể nhuận tràng và gây tiêu chảy.

Với phương pháp mổ nội soi, bệnh nhân có thể về nhà ngay trong ngày hoặc qua ngày hôm sau, và trở lại sinh hoạt bình thường trong vòng một tuần.

Với phương pháp mổ mở, bệnh nhân phải ở lại bệnh viện một tuần để theo dõi. Sau 1 tháng kể từ khi phẫu thuật, bệnh nhân mới có thể trở lại sinh hoạt bình thường. Bệnh nhân phải giữ cho vết mổ luôn sạch và khô ráo, thay băng thường xuyên và sử dụng thuốc giảm đau thông dụng để kiểm soát cơn đau.

Chế độ ăn uống cũng có chút thay đổi. Sau phẫu thuật, bệnh nhân nên ăn những bữa ăn nhẹ, ít chất béo trong vài tuần đầu. Thậm chí mỗi bệnh nhân cần theo một chế độ ăn riêng biệt tùy thuộc vào mức độ cơ thể phản ứng với việc không có túi mật.

2. Phi phẫu thuật

Nếu không thể phẫu thuật cắt bỏ túi mật, chẳng hạn đối với cho bệnh nhân lớn tuổi, bác sĩ sẽ
áp dụng các phương thức điều trị sau:

• Sử dụng thuốc uống ursodiol (Actigall) và chenodiol (Chenix) chứa axit mật để làm tan sỏi mật. Phương pháp này phù hợp để điều trị sỏi cholesterol với kích thước nhỏ và mất nhiều tháng hoặc nhiều năm để giải quyết triệt để.

• Tán sỏi bằng sóng xung kích. Máy tán sỏi tạo ra sóng xung kích truyền qua người. Sóng xung kích làm vỡ sỏi mật thành các viên sỏi có kích thước nhỏ hơn. Phương pháp này chỉ có hiệu quả đối với sỏi mật có kích thước dưới 2 cm.

• Dẫn lưu túi mật qua da. Với phương pháp này, bác sĩ sẽ đặt cây kim vô trùng vào túi mật để rút mật. Sau đó, một ống được đưa vào để giúp đào thải dịch. Tuy vậy, phương pháp này không phải là lựa chọn đầu tiên trừ khi khi bệnh nhân không phù hợp với những phương pháp điều trị khác.

Lưu ý

Tránh các món ăn nhiều bơ, béo để kiểm soát hàm lượng cholesterol

Không có cách nào để ngăn ngừa hoàn toàn bệnh sỏi mật. Tuy nhiên, mức độ cholesterol lại đóng vai trò chính trong sự hình thành sỏi mật.

Nếu gia đình bạn có tiền sử mắc bệnh sỏi mật, hãy hạn chế tiêu thụ thực phẩm có chất béo bão hòa cao như: thịt mỡ, xúc xích, thịt xông khói, bánh ngọt, kem và phô mai. Ngoài ra, những người béo phì dễ mắc sỏi mật hơn. Vì thế, bạn nên giữ cân nặng ở mức vừa phải để hạn chế khả năng hình thành sỏi mật.

CHẾ ĐỘ ĂN UỐNG GIÚP GIẢM NGUY CƠ MẮC BỆNH SỎI MẬT

  • Ăn ít carbs tinh chế (bánh quy, bánh mì trắng), đường tinh chế.
  • Tăng cường dung nạp chất béo lành mạnh như dầu cá, dầu ô-liu. Chất béo lành mạnh giúp túi mật co bóp và làm rỗng túi mật thường xuyên.
  • Bổ sung đủ lượng chất xơ mỗi ngày (nữ giới cần 25 gam chất xơ/ngày và nam giới cần 38 gam chất xơ/ngày).
  • Tập thể dục thường xuyên.
  • Luôn bổ sung đủ nước cho cơ thể.
  • Nếu bạn có kế hoạch giảm cân, hãy thực hiện từ từ. Giảm cân đột ngột có thể làm tăng nguy cơ mắc sỏi mật và các vấn đề sức khỏe khác.

Tạp chí Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm