Y/Project giải thể sau 14 năm hoạt động

Y/Project không phải thương hiệu thời trang được săn đón bậc nhất, nhưng họ đã có những thiết kế di sản của riêng mình. Việc thương hiệu phải giải thể do khó khăn trong quá trình tìm nhà đầu tư thực sự vẽ ra một bức tranh ảm đạm cho ngành thời trang, đặc biệt với những thương hiệu độc lập

BZVN-THUMB-Y-PROJECT-GIAI-THE

Hình ảnh trên website của Y/PROJECT, có sự góp mặt của CEO và giám đốc sáng tạo cuối cùng của thương hiệu. Ảnh: Y/PROJECT

Ngày 9/1, thông tin về sự giải thể của Y/PROJECT đưa giới mộ điệu vào một cú sốc. Đội ngũ thương hiệu  đã thay đổi trạng thái của website trở thành thông báo chính thức về việc giải thể:

“Sau 14 năm rực rỡ, Y/PROJECT đã đi đến quyết định khó khăn là giải thể. Đội ngũ thương hiệu gửi lời cảm ơn chân thành đến những đối tác và những khách hàng vì sự ủng hộ to lớn của các trong suốt những năm qua. Chúng tôi đặc biệt muốn cảm ơn Glenn Martens, CEO Pascal Conte-Jodra và nhà đồng sáng lập quá cố, ngài Gilles Elalouf, vì đã tạo ra không gian cho phép đội ngũ được sáng tạo và phát triển.”

Thông tin gây nhiều tiếc nuối cả với những người hâm mộ các thiết kế của Y/PROJECT và giới mộ điệu nói chung. Bởi nguyên nhân dẫn đến cái kết của Y/PROJECT phản ánh tình hình ảm đạm của thị trường thời trang hiện tại.

Nguyên nhân cho sự tan rã của thương hiệu độc lập Y/PROJECT

Y/PROJECT được thành lập vào năm 2010 bởi NTK Yohan Serfaty (ông là đại diện cho ký tự Y trong tên gọi thương hiệu) và doanh nhân Gilles Elalouf. Chỉ ba năm sau, Yohan Serfaty đã mất vì bạo bệnh, và Glenn Martens là người thay thế cho ông ở vai trò giám đốc sáng tạo.

Khi tiếp quản thương hiệu, Glenn cho biết khi đó đội ngũ chỉ có 5 người: “Tình hình tài chính của thương hiệu không mấy khả quan, vì chúng tôi đã luôn là một thương hiệu độc lập.” Tất cả đều đau xót trước sự ra đi của Yohan Serfaty. Glenn, với sự tôn trọng tuyệt đối dành cho cố NTK, giữ đúng mã gen sáng tạo của thương hiệu trong khoảng thời gian đầu tại nhà mốt. Trong vòng hai năm sau đó, anh dần dần đưa thêm những sáng tạo cá nhân của mình, để rồi định danh lại thương hiệu bằng BST thời trang nữ, trình diễn tại tuần lễ thời trang đầu tiên mà Y/PROJECT góp mặt: BST Thu Đông 2016.

BST Y/Project Thu Đông 2016. Ảnh: CRASH

BST Y/Project Thu Đông 2016. Ảnh: Getty

Dưới sự dẫn dắt của Glenn, Y/PROJECT là một trong những thương hiệu trẻ, độc lập đáng chú ý trong làng thời trang. Thương hiệu có những thiết kế denim giải cấu trúc nổi bật, nhấn mạnh vào phong cách đường phố unisex cùng những phom dáng, họa tiết hiệu ứng trompe l’oeil rất biết khiêu khích ánh nhìn. Show diễn của Y/PROJECT được đánh giá cao trong ngành.

Renzo Rosso, chủ tịch Diesel, phát hiện ra tài năng của Glenn và mời anh trở thành giám đốc sáng tạo Diesel vào năm 2020 cũng nhờ những thiết kế trước đó mà anh thực hiện tại Y/PROJECT.

Về mặt thương mại, Y/PROJECT có những thành công nhất định. Năm 2020, thương hiệu đã xây đựng được một đội ngũ gồm 20 người, với sản phẩm được bán lẻ ở khoảng 150 cửa hàng, trong khi vẫn giữ được sự độc lập trong tài chính. Trước đó, Y/PROJECT chỉ nhận khoản hỗ trợ tài chính khi thắng giải thưởng ANDAM vào năm 2017.

Vào đại dịch COVID-19, Y/PROJECT, tương tự như rất nhiều thương hiệu khác, gặp khó khăn lớn. “25% lượng khách hàng của chúng tôi hủy đơn đặt hàng thời trang nữ. May sao BST thời trang nam Thu Đông 2020 là một trong những BST bán chạy nhất, nên chúng tôi không quá lao đao. Lần đầu tiên sau 5 năm, thương hiệu không tăng trưởng”, Glenn chia sẻ với báo giới về tình hình lúc bấy giờ.

bzvn-y-project-giai-the (9)

BST Thu Đông 2022 của Y/Project được đánh giá rất cao. Ảnh: Y/Project

bzvn-y-project-giai-the (10)

BST Thu Đông 2022 của Y/Project được đánh giá rất cao. Ảnh: Y/Project

Nhưng bất cứ ai theo dõi thị trường thời trang đều nhận ra địa hạt này đang chịu rất nhiều ảnh hưởng nặng nè do khủng hoảng kinh tế hậu đại dịch. Việc Y/PROJECT đưa ra BST kết hợp cùng Jean Paul Gaultier thành công rực rỡ hồi 2022 cũng chỉ là nốt thăng rất ngắn trong giai đoạn trầm kéo dài.

Thương hiệu hiện có 24 nhân viên (lượng nhân viên tăng rất ít này có thể phần nào cho bạn thấy được quy mô của thương hiệu không mấy tăng trưởng) và trong năm 2023, doanh thu của họ chỉ đạt gần 11 triệu Euro.

bzvn-y-project-giai-the (1)

Cố doanh nhân Gilles Elalouf (trái) và cựu giám đốc sáng tạo Glenn Martens (phải). Ảnh: ANDAM

Từ năm 2024, Y/PROJECT tìm cách kêu gọi các khoản đầu tư từ bên ngoài. Thương hiệu đã hủy show diễn Tuần lễ thời trang Thu Đông 2024 của mình hồi tháng 3/2024 để “tập trung cho những khoản đầu tư nội bộ”. Không may, vào tháng 6/2024, doanh nhân Gilles Elalouf, nhà đồng sáng lập thương hiệu, qua đời. Ông đã luôn là người quan trọng trong hoạt động của Y/PROJECT, đặc biệt là về khía cạnh kinh doanh.

Chỉ ba tháng sau, giám đốc sáng tạo Glenn Martens cũng từ chức sau 11 năm làm việc. Sau cái chết của Gilles, Y/PROJECT được đặt dưới sự quản lý của tòa thương mại Paris. Một công ty quản lý tài sản từ Hồng Kông, AA Investments, thể hiện sự hứng thú đầu tư cho thương hiệu nhưng có lẽ việc mất đi hai gương mặt trụ cột suốt hơn một thập kỷ khiến Y/PROJECT không chỉ gặp khó khăn trong tài chính, mà bản thân những người còn lại cũng không còn động lực thúc đẩy.

Kết quả, vào khoảng tháng 10/2024, Y/PROJECT tổ chức chương trình khuyến mãi lớn trên website. Cuối cùng, họ chính thức giải thể vào tháng 1/2025.

bzvn-y-project-giai-the (12)

Sàn diễn cuối cùng của Y/Project – BST Xuân Hè 2024. Ảnh: Y/Project

Ta sẽ không bao giờ được nhìn thấy các thiết kế của Y/PROJECT nữa?

May mắn là thương hiệu đã quyết định quyên góp một vài thiết kế xuất sắc từ trong kho lưu trữ cho Viện bảo tàng Mỹ thuật Metropolitan tại New York, Hoa Kỳ; bảo tàng thời trang MoMu ở Antwerp, Bỉ; bảo tàng Palais Galliera và bảo tàng Musée des Arts Décoratifs tại Paris, Pháp.

Thị trường thời trang xa xỉ tiếp tục có những dấu hiệu ảm đạm

Thời trang không chỉ đơn giản là sự thăng hoa trên sàn diễn, sự so bì sáng tạo xem ai có thể thiết kế ấn tượng hơn ai. Sau khi ánh đèn ở mỗi show diễn tắt, đó là cả một quá trình kinh doanh cân não.

Trước tiên, thời trang xa xỉ không phải sản phẩm, dịch vụ thiết yếu. Khi tiền bạc trở nên eo hẹp, thì những thứ không thiết yếu (cạnh thời trang là du lịch, trải nghiệm ẩm thực cao cấp, dịch vụ giải trí…) sẽ là những thứ chịu ảnh hưởng lớn. Sự thật mất lòng rằng rất nhiều khách hàng sử dụng thời trang xa xỉ để chứng minh đẳng cấp, đặc biệt ở thị trường châu Á.

Vậy với những thương hiệu độc lập có tệp khách hàng và tên tuổi lan tỏa ở phạm vi nhỏ như Y/PROJECT, họ có gì để thuyết phục khách hàng chi tiền cho mình trong giai đoạn suy thoái hiện tại, dù có những thiết kế vô cùng đẹp mắt?

bzvn-y-project-giai-the (6)

Ảnh: Y/PROJECT

Mỗi khi những đế chế thời trang khổng lồ gặp tình hình kinh doanh không khả quan, họ có thể thay đổi giám đốc sáng tạo, hoặc đưa ra chiến lược mới bằng nguồn vốn và nhân lực khổng lồ. Họ có nhiều tài nguyên để thử nghiệm dài hơi. Nhưng với thương hiệu độc lập thì không dễ dàng như thế. Như trường hợp của Y/PROJECT, họ chọn giải thể để gìn giữ di sản gắn với thương hiệu.

Gucci hiện đang là một trong những thương hiệu lớn nhưng kinh doanh sa sút ở thời điểm hiện tại. Hình trên là doanh thu của các thương hiệu trực thuộc tập đoàn Kering trong Quý 3/2024. Ảnh: Kering

Trong năm 2024, ngoài Y/PROJECT còn có Dion Lee đóng cửa. Tập đoàn bán lẻ thời trang Cue Clothing Co rút cổ phần khỏi thương hiệu sau một thời gian kinh doanh thua lỗ nhưng vẫn cần thêm vốn cho tầm nhìn phát triển toàn cầu. Cue Clothing Co không thể tiếp tục bơm vốn để đáp ứng đường hướng của Dion Lee.

dion lee giai the 2024 00 thumb

Dion Lee, dù nhận được sự hậu thuẫn về truyền thông từ nhiều ngôi sao, vẫn không thể trụ lại.

Trong bối cảnh thị trường thời trang thống trị bởi những đế chế thời trang xa xỉ khổng lồ, mà bản thân những đế chế này cũng đang sa sút vì vấn đề liên quan đến chuỗi cung ứng, thị hiếu khách hàng… những thương hiệu có phạm vi hoạt động nhỏ như Y/PROJECT, hiển nhiên, để có thể trụ lại, thực sự rất khó khăn.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:

Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm