Waterless Beauty: Mỹ phẩm không chứa nước là gì, có thực sự thân thiện với môi trường?

Waterless Beauty – mỹ phẩm không chứa nước được xem là tương lai của ngành làm đẹp, nhưng nó có thật sự thân thiện với môi trường như được quảng cáo?

Dưỡng ẩm dạng thỏi là một loại mỹ phẩm không chứa nước. Ảnh: Kahi

Nước xuất hiện trong hầu hết các quy trình sản xuất mỹ phẩm. Từ  thu hoạch nguyên liệu, làm sạch  đến hiện hữu trong bảng thành phần. Tưởng chừng là thành phần không thể thiếu, nhưng các thương hiệu làm đẹp lớn như L’Oréal, Unilever và P&G đã cam kết giảm lượng nước tiêu thụ trong quy trình sản xuất mỹ phẩm. Từ đó cho ra đời xu hướng mỹ phẩm không chứa nước – Waterless Beauty.

Nước đóng vai trò gì trong sản phẩm làm đẹp?

Trên nhãn mác của mỹ phẩm truyền thống, nếu nhìn bảng thành phần, không quá khó để bạn bắt gặp chữ Aqua, Water, Eau – có nghĩa là nước. Nước thường là một trong top 5 nguyên liệu đứng đầu bảng thành phần. Trung bình, các sản phẩm làm đẹp chứa khoảng 75% nước; một số có thể chứa đến 95%.

Điều ngạc nhiên là nước trong mỹ phẩm không có khả năng cấp nước hay giữ ẩm cho da. Vì khi bôi lên da, nước sẽ bốc hơi. Đôi khi nó là một dung môi giúp hoà hợp các thành phần khác. Hoặc nước được dùng để tăng cảm giác mềm mại cho mỹ phẩm khi thoa lên da.

Bên cạnh đó, mỹ phẩm chứa nước có thể sinh sôi vi khuẩn, do đó cần phải có chất bảo quản. Cuối cùng, sản phẩm chứa nước khá nặng, do đó tốn kém trong khâu vận chuyển.

waterless-beauty-my-pham-khong-chua-nuoc-tot-hay-xau

Ảnh: Pinterest

Những lợi ích của mỹ phẩm không chứa nước

Trong sự lên ngôi của mỹ phẩm thiên nhiên và sự đòi hỏi của người tiêu dùng về các loại mỹ phẩm không chất bảo quản, xu hướng mỹ phẩm không chứa nước – waterless beauty – ra đời.

1. Lợi ích về môi trường.

Mỹ phẩm dạng nén có thể tích nhỏ, không tốn nhiều bao bì như loại dạng lỏng. Mỹ phẩm dạng bột hợp để đóng gói trong bao bì bằng giấy có thể phân hủy thiên nhiên, giảm việc phụ thuộc vào bao bì nhựa. Không chứa nước, mỹ phẩm sẽ nhẹ cân hơn, không hao tốn nhiều nhiên liệu khi vận chuyển, giảm thiểu lượng khí carbon thải ra môi trường.

2. Mỹ phẩm không chứa nước có tuổi thọ lâu hơn, kéo dài cả hạn sử dụng lẫn sự an toàn cho làn da người tiêu dùng.

Susanne Langmuir, nhà sáng lập và giám đốc điều hành của thương hiệu chăm sóc da không nước AN/HYDRA có trụ sở tại Toronto, cho biết: “Ở đâu có nước, ở đó có vi khuẩn. Cũng giống như thực phẩm cần được bảo quản trong tủ lạnh, các sản phẩm chứa nhiều nước sẽ không còn ổn định trong thời hạn sử dụng nếu không được bổ sung chất bảo quản giúp tiêu diệt vi khuẩn và giảm sự phát triển của vi sinh vật”.

waterless-beauty-my-pham-khong-chua-nuoc-tot-hay-xau

Mỹ phẩm dạng khô hoặc nén là loại duy nhất không cần chất bảo quản. Tuổi thọ cũng lâu hơn khi so với mỹ phẩm chứa nước như kem, bọt… Mỹ phẩm gốc dầu không cần chất bảo quản nhưng cần chất ổn định ngăn ngừa dầu ôxy-hóa. Ảnh: Dermstore

3. Khi giảm lượng nước, mỹ phẩm sẽ phải gia tăng khối lượng các hoạt chất tốt, do đó trở nên cô đặc hơn.

Xét về mặt hiệu quả cho da và tác động môi trường, mỹ phẩm chứa nước hại nhiều hơn lợi. Vì vậy, các chuyên gia đang từng bước loại bỏ nước ra khỏi công thức. Việc công thức cô đặc luôn có lợi cho chất lượng sản phẩm. Từ đó, hiệu quả của sản phẩm trên da cũng được thể hiện rõ rệt.

4. Hạn chế gây khô da.

Cuối cùng, như Harper’s Bazaar đã thảo luận ở trên, nước trong mỹ phẩm sẽ bốc hơi khi tiếp xúc với da. Nước bốc hơi có thể lấy đi lớp dầu tự nhiên trên da, khiến da bị khô và mất độ ẩm tự nhiên*. Mỹ phẩm không chứa nước sẽ hạn chế tình trạng này.

*Đây cũng là lý do một số sản phẩm dành cho da dầu sử dụng dầu làm nền thay vì nước, tránh gây tình trạng khô da, khiến da bị kích thích và sản sinh càng nhiều dầu.

BZ-duong-da-chong-anh-sang-xanh-sunday-riley-antioxidant-superfood-face-oil

Tinh dầu dưỡng da không chứa nước của Sunday Riley. Ảnh: Instagram @sundayriley

5. Dễ mang theo khi đi du lịch.

Những ai thường xuyên đi du lịch thuộc nằm lòng quy định hạn chế mang theo mỹ phẩm chứa nước thể tích vượt 100mL / 3 fl. oz khi lên máy bay. Do đó, bạn phải hì hụi chiết xuất mỹ phẩm để mang theo mình trước mỗi chuyến đi. Điều này sẽ không còn xảy ra với mỹ phẩm dạng khô hoặc nén. Do không chứa nước, chúng không bị hạn chế khi mang lên máy bay, dễ dàng theo chân bạn trong những chuyến đi.

Nhược điểm của mỹ phẩm không chứa nước

1. Giá thành cao.

Mỹ phẩm càng cô đặc thì giá thành sản phẩm cũng tăng. Nhiều người tiêu dùng sẽ chùn chân khi mua mỹ phẩm không chứa nước vì cảm thấy rằng, “Sao kích cỡ nhỏ thế mà giá lại cao thế”.

Bên cạnh đó, các nhà sản xuất sẽ phải mất rất nhiều năm để tìm ra công thức không chứa nước. Điều này cũng khiến giá bán sản phẩm tăng, khi chi phí R&D (nghiên cứu và phát triển) được tích hợp vào giá thành sản xuất.

2. Quy trình sản xuất vẫn có thể tốn nhiều nước

Tuy chính sản phẩm không sử dụng nước, nhưng quy trình sản xuất có thể khá hao tổn nước hoặc năng lượng. Ví dụ, nhiều nguyên liệu sẽ được đun nóng trong thời gian dài để sấy khô. Việc hao tốn năng lượng trong giai đoạn sản xuất cũng có hại cho môi trường không kém.

3. Không phải loại mỹ phẩm nào cũng phù hợp với công thức không chứa nước.

Một số loại nguyên liệu dưỡng da chỉ có thể được kích hoạt khi có nước, ví dụ như AHA, vitamin C, và peptide. Hoặc, một số tạo tác cho da dầu cần nước như dung môi tạo độ nhẹ, giúp các hoạt chất thấm vào trong da. Cũng đừng quên, nước cần thiết để tạo cảm giác khoan khoái khi thoa mỹ phẩm. Nếu sản phẩm không tạo cảm giác dễ chịu, có lẽ bạn cũng sẽ hạn chế không sử dụng chúng.

4. Nhân đây chúng ta cần thảo luận về mỹ phẩm cô đặc.

Một số nguyên liệu không thật sự phù hợp để áp dụng trực tiếp lên da ở hàm lượng cô đặc. Lấy ví dụ như L-Ascorbic Acid, phiên bản mạnh nhất của vitamin C thoa ngoài da. Không cẩn thận khi sử dụng sản phẩm cô đặc, bạn có thể khiến da cảm thấy rát bỏng. Với một số những mỹ phẩm không nước, cần phải được pha loãng khi sử dụng, tính cô đặc này có thể là “con dao hai lưỡi” – đặc biệt nếu người tiêu dùng sơ suất.

BZ-dieu-tri-nam-da-vitamin-c

Mỹ phẩm chứa vitamin C chủ yếu là sản phẩm gốc nước. Ảnh: Instagram @sephora.

>>> XEM THÊM: NÊN KẾT HỢP VITAMIN C VỚI NHỮNG HOẠT CHẤT NÀO TRONG CHU TRÌNH DƯỠNG DA?

Loại mỹ phẩm nào có thể áp dụng công thức không chứa nước?

Dù xu hướng mỹ phẩm không chứa nước còn mới, nhiều thuơng hiệu đã thử nghiệm để cho ra mắt các sản phẩm thực tiễn. Sau đây là một số những loại mỹ phẩm không chứa nước đang nhận được sự tán dương của giới làm đẹp bởi sự tiện lợi.

• Thỏi rửa mặt (Stick cleanser). Đúng với cái tên, sản phẩm rửa mặt có hình thỏi thay vì chứa nước. Để rửa mặt, bạn làm ướt mặt, sau đó lăn thỏi cleanser khắp mặt để tẩy trang, loại bỏ bụi bẩn, v.v.

Các loại tẩy trang dạng thỏi của Bliss

• Phấn chống nắng. Phấn chống nắng có thêm công dụng kiềm dầu. Các thương hiệu mỹ phẩm đã thiết kế vỏ đựng theo kiểu đầu cọ. Giúp bạn tiện lợi khi phủ phấn chống nắng đều mà không cần thoa trực tiếp bằng tay trên da mặt.

Sunforgettable SPF Mineral Powder Sunscreen & Makeup, phấn nắng dạng bột kiêm phấn phủ

• Dưỡng ẩm dạng thỏi: Thỏi dưỡng ẩm có diện mạo như cây son thường xuất hiện trong bộ phim Hàn dài tập. Thành phần có trong thỏi dưỡng ẩm thường được chiết xuất từ tinh dầu tự nhiên.

• Serum dạng nén: Serum không nước được nén dưới dạng sệt như kem. Nhưng không gây cảm giác nặng nề vì không có thành phần sáp cetyl hoặc stearyl cótrong kem dưỡng. Với serum nén bạn có thể “nén 2 bước trong 1”, bỏ bước kem dưỡng để tiết kiệm thời gian.

The Serum Stick, tinh chất dạng thỏi của Tatcha

• Kem đánh răng dạng bột: Kem đánh răng là một trong những loại mỹ phẩm có bao bì hại nhất vì dùng tuýp nhựa. Loại dạng bột có thể được đựng trong hũ thủy tinh, đổ trực tiếp vào trong miệng khi chà răng.

Bột đánh răng Toothy Tab của Lush. Ảnh: Lush

NHỮNG XU HƯỚNG DƯỠNG DA MỚI:

Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm