Du lịch bền vững là gì, vì sao trở thành xu hướng được quan tâm

Theo khảo sát, 76% du khách cho biết họ muốn đi du lịch bền vững (sustainable travel) hơn các hình thức du lịch truyền thống

Du lịch bền vững

Du lịch bền vững là một hình thức nên được áp dụng rộng rãi. Ảnh: Shutterstock

Ngành du lịch đang ở ngã ba đường. Đó là đối mặt với thách thức cân bằng giữa tăng trưởng và tính bền vững. Trong hai thập kỷ qua, số lượng khách du lịch quốc tế đã tăng gấp đôi, vượt qua 1,4 tỷ vào năm 2019. Mặc dù sự bùng nổ du lịch này thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và sự hoàn thiện bản thân, song nó thường đi kèm với cái giá phải trả.

Khi du lịch tăng vọt, nó đi kèm với sự ô nhiễm tăng cao, đường phố đông đúc khó di chuyển, sự chỉnh trang đô thị (gentrify) làm mất đi môi trường sống của người địa phương.

Khi người du lịch ngày càng hiểu biết về những vấn đề trên, theo khảo sát của Booking.com, 76% du khách cho biết họ muốn đi du lịch bền vững (sustainable travel) hơn. Mặc dù tư duy thay đổi này là một dấu hiệu đầy hứa hẹn nhưng nhiều du khách không biết bắt đầu từ đâu. Hãy cùng tham khảo một số gợi ý từ Harper’s Bazaar.

Xu hướng du lịch truyền thống có thể mang đến nhiều tác động tiêu cực

Vịnh Maya, Thái Lan. Ảnh: Shutterstock

Trong những năm gần đây, các điểm du lịch bắt đầu thực hiện nhiều biện pháp để chống lại tác động tiêu cực của du lịch không bền vững.

Cụ thể, Hawaii, Mỹ cấm bán kem chống nắng độc hại với rạn san hô. Nhiều bờ biển tại đây cung cấp miễn phí kem chống nắng vật lý chứa zinc oxide với khẩu hiệu ghi chú rõ ràng để du khách hiểu về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường biển.

Dubrovnik, Croatia hạn chế số lượng tàu du lịch có thể cập cảng mỗi ngày. Hành động này giúp duy trì làn nước trong, sạch nổi tiếng của quốc gia châu Âu này.

Barcelona, Tây Ban Nha trấn áp các hoạt động cho thuê nhà nghỉ dưỡng bất hợp pháp. Mục tiêu của họ là ngăn ngừa nạn đẩy giá thuê, mua nhà lên quá cao khiến người dân địa phương phải rời bỏ thành phố này khi không còn đủ khả năng chi trả cho cuộc sống tại đây.

Vịnh Maya ở nước láng giềng Thái Lan, nơi từng xuất hiện trong phim Hollywood The Beach, đã phải đóng cửa trong suốt 3 năm (2020–2022) để phục hồi môi trường biển. Dù tình hình đã có cải thiện, nhưng địa phương vẫn kiểm soát nghiêm ngặt số lượng thuyền cập bến, số du khách được phép đến thăm và bơi lội. Đặc biệt, chính quyền vẫn đóng cửa vịnh Maya 2 tháng mỗi năm để thiên nhiên được “nghỉ ngơi”, kịp hồi phục.

Tất cả những ví dụ trên cho thấy rằng việc du khách mê đổ xô đến một nơi để check-in, nghỉ dưỡng vô hình chung đã mang đến nhiều điều tiêu cực. Từ đó, xu hướng du lịch bền vững lên ngôi, khi nhiều người dù thích đi trải nghiệm song muốn hạn chế sự ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường và con người địa phương.

Du lịch bền vững là gì?

Chúng ta hãy làm rõ ý nghĩa của du lịch bền vững.

Mọi người thường nghĩ về tính bền vững là giảm thiểu “dấu chân môi trường” của chúng ta. Tuy nhiên, du lịch bền vựng bao trùm nhiều điều hơn thế.

Du lịch bền vững là tổng hợp sự cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế, phúc lợi của con người và sức khỏe môi trường. Nó tập trung vào việc giảm thiểu tác động tiêu cực của du lịch. Đồng thời tối đa hóa lợi ích tích cực đối với cộng đồng, nền văn hóa, hệ sinh thái và trái đất. Du lịch bền vững bao gồm cả những tác động tức thời ở hiện tại, cũng như những tác động dài hạn mà các thế hệ tương lai sẽ trải qua.

Bạn có thể đã thấy những thuật ngữ thông dụng khác như ecotourism – du lịch sinh thái, regenerative travel – du lịch tái tạo, community-based tourism – du lịch dựa vào cộng đồng, ethical travel – du lịch đạo đức, hoặc nature-tourism – du lịch thiên nhiên. Và bạn tự hỏi chúng khác gì với sustainable tourism – du lịch bền vững.

Nếu không đi sâu vào sắc thái của từng thuật ngữ, thì về cơ bản, mỗi loại hình có xu hướng hẹp hơn về phạm vi. Bên cạnh đó là chỉ tập trung vào các ứng dụng hoặc vài khía cạnh cụ thể của du lịch bền vững. Ví dụ, du lịch sinh thái nhắm đến các khu vực tự nhiên và kêu gọi trách nhiệm về bảo vệ thiên nhiên nói chung. Trong khi du lịch tái tạo tập trung nhiều hơn vào việc phục hồi những địa điểm đã từng rất đẹp, đồng thời sửa chữa những thiệt hại đã xảy ra. Du lịch có đạo đức, trách nhiệm là thuật ngữ chỉ hành vi và phong cách của từng du khách phù hợp với việc tạo ra tác động tích cực đến điểm đến thay vì tác động tiêu cực.

Du lịch bền vững là một phần của giải pháp chống lại biến đổi khí hậu

Để giảm ô nhiễm khí thải, ngày càng nhiều người sử dụng xe đạp điện cho những chuyến khám phá gần. Ảnh: Shutterstock

Khi khí hậu toàn cầu xấu đi với tốc độ chưa từng có, nhu cầu thay đổi cách bạn đi du lịch để giảm thiểu tác động của mình đến môi trường ngày càng tăng. Bằng cách duy trì tính bền vững bất kể bạn đi đâu, bạn có thể đảm bảo rằng mình đang giúp ích cho hành tinh và các thế hệ tương lai.

Du lịch bền vững là lúc bạn dành thời gian suy nghĩ về cách mọi khía cạnh trong hành trình của mình có thể thân thiện với môi trường hơn. Từ đó bạn có thể giảm thiểu tác động từ các hoạt động của mình đến môi trường.

Du lịch chiếm 8-10% lượng khí thải nhà kính trên toàn thế giới. Nhiều phương tiện giao thông cần thiết cho việc di chuyển, như máy bay và ô tô, thải ra khí nhà kính ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường và cũng gây hại cho sức khỏe con người.

Ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến các cộng đồng trên toàn thế giới, khiến mọi người khó thở hơn. Thậm chí làm tăng nguy cơ mắc các tình trạng sức khỏe lâu dài như ung thư. Hơn nữa, ô nhiễm ở một địa điểm cũng có thể di chuyển đến các khu vực khác trên thế giới, khiến nó trở thành vấn đề thực sự mang tính toàn cầu. Nó cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ hệ sinh thái, bao gồm cả thực vật và động vật hoang dã.

Khi bạn đi du lịch, điều quan trọng là trở thành một phần của giải pháp thay vì góp phần gây ra vấn đề. Khi bạn nỗ lực đi du lịch bền vững, bạn có thể giúp đảm bảo rằng những địa điểm bạn ghé thăm trong chuyến phiêu lưu của mình luôn đẹp và dễ tiếp cận đối với cộng đồng địa phương sinh sống cũng như những người bạn đồng hành.

Những biện pháp hành xử thân thiện với môi trường khi đi du lịch

Di chuyển đường dài bằng xe điện là giải pháp không phát thải, bảo vệ môi trường. Ảnh: Shutterstock

Cho dù là đi chơi hay công tác, bạn có thể thực hiện một số bước để đảm bảo chuyến đi của mình thân thiện với môi trường nhất có thể.

Tất cả bắt đầu bằng việc lên kế hoạch cho chuyến đi. Nếu bạn lái xe, hãy lên kế hoạch cho lộ trình của mình để không lãng phí nhiên liệu. Trước khi khởi hành, hãy xác định nơi bạn sẽ ở, những gì bạn sẽ ăn và những điểm dừng chân trên đường đi.

Đặc biệt, nơi bạn ăn trong khi đi du lịch có thể cực kỳ quan trọng. Bằng cách ăn thực phẩm có nguồn gốc tại địa phương, bạn sẽ được thưởng thức những món ngon và ủng hộ nông dân lẫn doanh nghiệp địa phương. Hơn nữa, khi bạn bỏ qua các chuỗi nhà hàng và cửa hàng lớn, bạn sẽ giảm nhu cầu vận chuyển từ các điểm đến xa xôi để giao hàng cho các doanh nghiệp này.

Một cách để giảm chất thải và giảm thiểu ô nhiễm nhựa là tránh sử dụng nhựa dùng một lần. Khi đến nhà hàng, chỉ gọi những gì bạn định ăn để bạn không cần hộp đựng mang về. Hoặc mang theo hộp đựng có thể tái sử dụng của riêng bạn. Bạn cũng nên mang theo một chai nước riêng và đổ đầy nước trên đường đi.

Dù bạn đi đâu, hãy tuân theo một trong những nguyên tắc du lịch bền vững chính. Đó là giữ nguyên vẹn mọi nơi như khi bạn đến. Điều này đặc biệt đúng khi bạn đi vào thiên nhiên hoặc vùng hoang dã. Đừng để rác thải nằm xung quanh hoặc tạo ra quá nhiều rác thải. Để giữ cho những khu vực này thậm chí còn tốt hơn khi bạn đến, hãy nhặt bất kỳ mảnh rác mà người khác bỏ lại. Đây là những hành động vô cùng đơn giản nhưng chúng có thể tạo ra sự khác biệt lớn.

Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm