Xu hướng điêu khắc trong thời trang ngày càng siêu thực

“Tôi muốn trở thành điêu khắc gia – với tôi, làm việc với vải vóc hay đá cũng như nhau”, nhà thiết kế thời trang huyền thoại Madame Grès

Iris Van Herpen dẫn đầu xu hướng về những hình khối điêu khắc trong thời trang. Ảnh: ImaxTree

Một trong những xu hướng chủ đạo của năm 2025 là thời trang lấy cảm hứng từ điêu khắc. Tuy nhiên trào lưu này đã có lịch sử lâu đời. Ra đời vào thời Hy Lạp cổ đại, điêu khắc cho phép nghệ sĩ “làm việc” với nhiều chất liệu trong không gian ba chiều.

Rất nhiều nhà thiết kế thời trang vĩ đại chịu ảnh hưởng từ kiến trúc và điêu khắc. Những hình thức nghệ thuật này cung cấp cho các nhà tạo mẫu nguồn cảm hứng phong phú, giúp họ nắm bắt nhiều dáng hình, kết cấu chất liệu, tỷ lệ và cả những tầng sâu ý nghĩa văn hóa. Ý tưởng thiết kế trang phục từ những chất liệu phi truyền thống để từ đó nhấn mạnh, phóng đại hoặc phá vỡ tỷ lệ cơ thể thông thường đã xuất hiện nhiều.

Từ khi Paco Rabanne cách mạng hóa thời trang với các tấm nhôm, thạch anh, kim loại hay nhiều vật liệu khác, ngày càng nhiều nhà thiết kế khám phá sâu hơn về điêu khắc, để biến trang phục trở thành các tác phẩm nghệ thuật mặc được (Wearable Art).

Xu hướng điêu khắc trong thời trang năm 2025 là cuộc hôn phối siêu thực (Surrealism)

Suốt năm 2024 và sang đến 2025, nhiều bộ sưu tập khám phá cách trang phục và các yếu tố điêu khắc hội tụ, tương tác với nhau. Các chất liệu như voan, da, cotton và lụa được uốn cong thành nhiều hình thù, tạo ra những phom dáng ngoạn mục tựa như tác phẩm nghệ thuật sắp đặt.

Iris Van Herpen Haute Couture Thu Đông 2024. Ảnh: ImaxTree

Một tượng đài của thời trang lấy cảm hứng từ điêu khắc, Iris van Herpen, thậm chí còn biến các thiết kế và người mẫu của mình trở thành những bức tượng trong bộ sưu tập Haute Couture Thu Đông 2024. Điêu khắc và thời trang có nhiều điểm chung: tạo mẫu, xếp nếp, cắt, định hình, đúc khuôn… Iris van Herpen khẳng định điêu khắc và kiến trúc là đam mê của mình trong hành trình sáng tạo thời trang. Các thiết kế ở chiều kích 3D phá vỡ quy chuẩn thông thường của thời trang được nhà thiết kế người Hà Lan sử dụng từ nhựa tái chế và chất liệu thân thiện với môi trường.

Bạn đừng nghĩ trang phục 3D sẽ cứng ngắc hay thiếu tính uyển chuyển. Hãy nhìn cách Iris van Herpen tạo hình dáng cho tulle, Loewe, Victoria Beckham, Alaïa xử lý chất liệu thượng thừa để tạo phom dáng nhưng vẫn giữ được vẻ bay bổng, mềm rủ của chất liệu. Xu hướng thời trang này cho phép các nhà thiết kế tự do với óc sáng tạo, thử nghiệm nhiều chất liệu khác nhau.

Jonathan Anderson từng mang chiếc áo hoodie và quần shorts tạo hình từ đất sét mở màn cho show diễn của thương hiệu cá nhân JW Anderson. Trong show diễn Xuân Hè 2025, Anderson còn mang đến các thiết kế từ da, xà cừ tạo hình mới lạ cho Loewe.

Victoria Beckham, bằng cách xử lý chất liệu và tạo khung điêu luyện, mang đến các trang phục bay bổng tựa như những tác phẩm điêu khắc cổ điển. Các thiết kế này không chỉ đậm dấu ấn nghệ thuật mà còn cho phép chúng ta tái định hình tỷ lệ cơ thể, che khuyết điểm và nhấn mạnh vào các ưu điểm hiệu quả.

Trong khi đó, bộ đôi nhà thiết kế người Hà Lan Viktor Horsting và Rolf Snoeren lại không chỉ nhìn trang phục như các thiết kế che phủ cơ thể. Viktor&Rolf chơi đùa với nhiều chất liệu khác nhau, thao tác và thay đổi chức năng thông thường của trang phục để từ đó tạo hiệu ứng thị giác, biến đổi cả vóc dáng.

“Lấy cảm hứng từ nghệ thuật điêu khắc cổ điển, trang phục xu hướng điêu khắc cho phép nhà thiết kế tự do sử dụng chất liệu, phom dáng, hình khối”

Cơ thể con người trong thời trang điêu khắc cũng đóng vai trò như một phương tiện, được biến đổi sống động thông qua hình dáng và đường nét điêu khắc, để từ đó trông thật ấn tượng và độc đáo.

Rick Owens là bậc thầy khi mang đến các tác phẩm xếp nếp, draping điêu khắc trên cơ thể con người. Demna Gvasalia của Balenciaga cũng ứng dụng các kỹ thuật này, để tạo nên các đường cong và xếp nếp tựa như những bức tượng cẩm thạch cổ điển cho trang phục. Kể từ khi tiếp quản Schiaparelli, Daniel Roseberry tiếp tục chạm khắc và mang kỹ thuật draping phủ lên trang phục. Anh cho hay: “Tôi muốn mang lại cảm giác tự do, ngẫu hứng, đậm tính hội họa cho trang phục”.

Xu hướng điêu khắc trong thời trang hé lộ bản chất nghệ thuật của ngành mốt. Chúng nhấn mạnh tính biểu tượng và mang đến cho trang phục nhiều ý nghĩa hơn. Xu hướng này được ví von như giao lộ của thời trang và nghệ thuật, để mang đến những tác phẩm. Lúc ấy, thời trang trở thành một dạng thức của nghệ thuật, để các nhà thiết kế tự do biểu đạt cái tôi sáng tạo của mình.

CÁC SÀN DIỄN XUÂN HÈ 2025 MANG CẢM HỨNG ĐIÊU KHẮC:

Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm