Lịch sử Tuần lễ Thời trang Thượng Hải (Shanghai Fashion Week) từ A – Z

Tuần lễ Thời trang Thượng Hải là cơ hội để các thương hiệu nội địa buộc thế giới phải có cái nhìn khác về “Made in China” – một khái niệm từng bị gắn cho những loại hàng hóa rẻ tiền, kém chất lượng.

Lịch sử Tuần lễ Thời trang Thượng Hải (Shanghai Fashion Week)

Bộ sưu tập Spring/Summer của thương hiệu Comme Moi tại Shanghai Fashion Week diễn ta từ ngày 22 đến 30-9-2022. Ảnh: Comme Moi

Tuần lễ Thời trang Thượng Hải vẫn bị xem là fashion week hạng 2 so với “Big Four” của làng thời trang thế giới, mặc dù các thương hiệu lớn vẫn không ngừng dòm ngó túi tiền của giới trung lưu giàu có đông đảo ở Trung Quốc. Chỉ trong năm 2017, ngành công nghiệp thời trang ở đất nước tỉ dân đã tăng lên tới 624 tỉ USD, so với 464 tỉ USD vào năm 2015. Người ta thắc mắc liệu Trung Quốc có trở thành thủ phủ thời trang mới của thế giới?

Từ lâu, các thương hiệu “hồng huyết, lam huyết” như Dior, Gucci, Chanel, Louis Vuitton… đã thống lĩnh thị trường thời trang cao cấp ở đại lục. Nhưng sự ra đời của Tuần lễ Thời trang Thượng Hải đã góp phần cân bằng cán cân xuất – nhập thời trang của Trung Quốc. Thông qua Shanghai Fashion Week, rất nhiều tài năng thiết kế trẻ người Hoa đã tìm được đường đến với quốc tế, cũng như khẳng định tên tuổi tại nội địa.

Bộ sưu tập Spring/Summer của thương hiệu Angel Chen
Bộ sưu tập Spring/Summer của thương hiệu Angel Chen

2 mẫu thiết kế trong Bộ sưu tập Spring/Summer của thương hiệu Angel Chen ra mắt tại Fashion Week hồi tháng 9-2022. Ảnh: Angel Chen

Lịch diễn ra Tuần lễ Thời trang Thượng Hải – Shanghai Fashion Week

Shanghai Fashion Week diễn ra hai lần mỗi năm, mỗi lần kéo dài từ 7-9 ngày. Sự kiện nằm trong khuôn khổ Festival Văn hóa Thời trang Quốc tế Thượng Hải (Shanghai International Fashion Culture Festival) thường kéo dài suốt 1 tháng.

Shanghai Fashion Week diễn ra sau “Big 4”. Cụ thể, fashion week mùa Autumn/Winter diễn ra vào cuối tháng 3 – đầu tháng 4, trong khi mùa Spring/Summer diễn ra vào cuối tháng 9 – đầu tháng 10.

Shanghai Fashion Week Spring 2016

Bộ sưu tập ready-to-wear của thương hiệu Black Spoon tại Shanghai Fashion Week Spring 2016. Ảnh: Black Spoon

>>> Đọc thêm: LỊCH SỬ TUẦN LỄ THỜI TRANG PARIS (PARIS FASHION WEEK) TỪ A – Z

Lịch sử ra đời Tuần lễ Thời trang Thượng Hải

Tuần lễ Thời trang Thượng Hải đầu tiên ra mắt vào năm 2001. Ban đầu nó giống một hội chợ hơn là một tuần lễ thời trang chính thống, vì thiếu sự ủng hộ của những người có tầm ảnh hưởng trong giới.

Theo thời gian, Shanghai Fashion Week tìm ra lối đi của riêng mình chứ không bắt chước những gã khổng lồ phương Tây. Dưới sự hỗ trợ của Bộ Thương Mại, Shanghai Fashion Week trở thành một sự kiện văn hóa và kinh doanh do chính quyền thành phố Thượng Hải chủ trì.

Với sự tham gia ngày càng đông đảo các nhà thiết kế và người mẫu trẻ, Shanghai Fashion Week trở thành sân khấu chuyên nghiệp mang tầm quốc tế, thu hút các nhà thiết kế hàng đầu thế giới.

Lịch sử ra đời Tuần lễ Thời trang Thượng Hải

Các “túp lều” tổ chức Shanghai Fashion Week tại Tân Thiên Địa, Thượng Hải. Ảnh: SHFW

Hiện tại, Shanghai Fashion Week do Tập đoàn May mặc Thượng Hải tổ chức. Kết hợp với lãnh sự quán các nước, Shanghai Fashion Week mời những nhà thiết kế quốc tế mang bộ sưu tập của họ tới Trung Quốc. Đây cũng là cơ hội cho những nhà mốt muốn tấn công thị trường Trung Quốc.

Chính quyền thường xuyên tổ chức các sự kiện trao đổi văn hóa, chẳng hạn China-Britian Cutural Exchange Year để trao đổi văn hóa với Anh, rồi các nước khác như Ý và Pháp. Những sự kiện này thu hút các sinh viên tốt nghiệp từ những trường thời trang uy tín nhất ở Anh và Mỹ, trở về quê hương của họ để lập nghiệp.

Sara Sozzani Maino, Giám đốc Vogue Talents và phó giám đốc Vogue Italia, nhận định: “Được học tập ở các quốc gia như Anh, Ý, Mỹ… các nhà thiết kế trẻ Trung Quốc đã tạo ra những sản phẩm thời trang có chất lượng. Dù họ vẫn không ngừng cố gắng để lại dấu ấn ở các thủ phủ thời trang lớn như Paris, Milan, London hay New York, nhưng có không ít tài năng vẫn tìm về Thượng Hải để phát triển”.

Thương hiệu Private Policy

Thương hiệu Private Policy có trụ sở tại New York, do 2 nhà thiết kế tốt nghiệp Trường Parsons, Haoran Li và Siying Qu sáng lập. Ảnh: Labelhood

>>> Đọc thêm: LỊCH SỬ TUẦN LỄ THỜI TRANG LONDON (LONDON FASHION WEEK) TỪ A – Z

Shanghai Fashion Week trên nền tảng mạng xã hội

Nếu như các tuần lễ thời trang thế giới được quảng bá rộng rãi trên Instagram và Twitter, thì Shanghai Fashion Week lại hợp tác với Douyin (phiên bản TikTok ở Trung Quốc). Khá nhiều thương hiệu và nhà thiết kế được kêu gọi đăng tải hình ảnh và vlog để thu hút khán giả online.

Sự kết hợp này đã đem lại tương tác khủng trên Douyin. Ngoài các video chính thức do thương hiệu đăng tải, người dùng còn tạo ra vô số video có tính thu hút cao. Trong sự kiện Shanghai Fashion Week diễn ra từ ngày 22 đến 30-9-2022, hashtag #ShanghaiFashionWeek đã được xem tới 1.27 tỉ lần.

Labelhood, một tổ chức cộng đồng các nhà thiết kế trẻ, đã thu hút người tiêu dùng bằng cách tặng vé cho họ đi xem show. Hình thức này không chỉ thu hút lượng tương tác online và offline, mà còn phá vỡ những khuôn mẫu truyền thống rằng fashion week chỉ dành cho báo chí, người nổi tiếng, các thương hiệu và khách VIP.

Shanghai Fashion Week được livestream trên mạng xã hội

Shanghai Fashion Week được livestream trên mạng xã hội. Ảnh: east-media

Theo thống kê chính thức, những người từ 21 đến 30 tuổi chiếm 40% lượng khán giả của Shanghai Fashion Week diễn ra hồi tháng 4-2021. Ngoài Thượng Hải thì khán giả ở tỉnh Giang Tô và Chiết Giang cũng bị thu hút. Người mua, truyền thông và người trong ngành công nghiệp thời trang chiếm tới 67% lượng khán giả quan tâm. Đáng chú ý, các chuyên gia tài chính và đầu tư (chiếm 8%) cũng có mặt.

Gần 100 nghệ sĩ và KOL sản xuất các video và bài viết, bao gồm các vlog Shanghai Fashion Week và bài phỏng vấn với nhà thiết kế. Profile của các KOL nổi tiếng trên 3 nền tảng lớn là Tiểu Hồng Thư, Douyin và Bilibili có sức ảnh hưởng khá lớn đến Shanghai Fashion Week.

KOL thời trang Gloria Gao

KOL thời trang Gloria Gao giới thiệu về Shanghai Fashion Week Spring/Summer 2022 trên tài khoản Bilibili của mình. Ảnh: Gloria Gao

Ở Trung Quốc phát triển rất mạnh mẽ hình thức livestream bán hàng trên Taobao, TMall và các hệ thống bán hàng trực tuyến khác. Những streamer nổi tiếng như Vi Á (hiện bị cấm sóng do trốn thuế) và Lý Gia Kỳ có thể đạt được doanh thu hàng chục triệu USD thông qua hàng triệu giao dịch trong những ngày diễn ra Shanghai Fashion Week.

>>> Đọc thêm: LỊCH SỬ TUẦN LỄ THỜI TRANG MILAN (MILAN FASHION WEEK) TỪ A-Z

Các thương hiệu tham gia Shanghai Fashion Week

Mỗi mùa Shanghai Fashion Week có hơn 100 thương hiệu tham gia với hàng trăm show diễn online và offline. Một số nhà thiết kế đã chọn tổ chức show bên ngoài lịch chính thức như Susan Fang, Windowsen, Märrchen, Ximon Lee và Shuting Qiu, Caroline Hu, Jason Wu, Li Gong.

Vào mùa Shanghai Fashion Week diễn ra từ ngày 6 đến 13-4-2021, các thương hiệu Thượng Hải chiếm hơn 50% tổng số show diễn. 40% các nhãn hàng tập trung vào nguyên liệu bền vững, 20% tập trung vào di sản văn hóa phi vật thể của Trung Quốc, 50% hợp tác với các thương hiệu quốc tế.

Các nhãn hàng thương mại như INXX và Skechers gây tiếng vang bên cạnh những nhà thiết kế độc lập như Vecco Zhao, C+plus Series và Mayali cùng những cái tên mới như Dawi và Mithworld.

Bộ sưu tập Autumn/Winter 2022 của Angel Chen

Một mẫu thiết kế trong Bộ sưu tập Autumn/Winter 2022 của Angel Chen. Ảnh: Angel Chen

Sáng giá nhất trong số các tài năng trẻ ở Trung Quốc là nhà thiết kế Angel Chen, từng lọt vào danh sách “30 under 30” của Forbes năm 2016. Từng du học ngành thiết kế tại London, Angel Chen debut tại Shanghai Fashion Week vào năm 2014. Cô rất giỏi kết hợp những tông màu tương phản rực rỡ cùng với các biểu tượng đặc trưng của văn hóa phương Đông như rồng, cò hay cá koi…

Jason Wu là nhà thiết kế gốc Hoa lừng danh thế giới. Anh từng thiết kế trang phục cho cựu Đệ nhất phu nhân Michelle Obama và làm giám đốc sáng tạo của Hugo Boss trong 5 năm.

Jason Wu

Phu nhân Tổng thống Mỹ Michelle Obama đã nhiều lần diện thiết kế của Jason Wu trong các sự kiện quan trọng. Ảnh: Getty Images

Ngoài ra, trong khuôn khổ Shanghai Fashion Week còn có các sự kiện thương mại như Ontimeshow, Mode Shanghai, Tube Showroom, Alter Showroom, Not Showroom, Dadashow, Lab Showroom, DFO International, HCH Showroom, Tudoo Showroom, Blooming Showroom… thu hút hàng trăm thương hiệu lớn nhỏ tham gia.

Tại các triển lãm thương mại này, người mua được xem trước các thiết kế trong bộ sưu tập của các nhà mốt lớn, trao đổi riêng tư với các nhà thiết kế và xem video trực tuyến 360 độ kèm thuyết trình về sản phẩm. Những triển lãm này thu hút hàng chục nghìn người mua và đem lại hàng trăm triệu nhân dân tệ doanh thu cho các thương hiệu.

Ontimeshow

Ontimeshow hợp tác với 224 thương hiệu tại Shanghai Fashion Week tháng 9-2022. Ảnh: Ontimeshow

Địa điểm diễn ra Shanghai Fashion Week

Sau 13 năm gắn bó với Shanghai Fashion Week, phố cổ du lịch Tân Thiên Địa đã trở thành địa điểm hiệu quả để tổ chức runway, với hơn 40 thương hiệu chọn nơi này để ra mắt bộ sưu tập của họ trong suốt 8 ngày diễn ra Fashion Week hồi tháng 4-2021.

Ngoài ra còn có Trung tâm nghệ thuật Tank Shanghai, Trung tâm thương mại Jing An Kerry Center và Công viên sáng tạo 800Show đều thuộc quận Tĩnh An ở Thượng Hải.

Trung tâm nghệ thuật Tank Shanghai

Trung tâm nghệ thuật Tank Shanghai. Ảnh: TANK Shanghai

Trung tâm thương mại Jing An Kerry Center

Trung tâm thương mại Jing An Kerry Center. Ảnh: kpf

Công viên sáng tạo 800Show

Công viên sáng tạo 800Show. Ảnh: designcities

thiết kế của Susan Fang

Nhà thiết kế Susan Fang từng tổ chức show tại Bảo tàng nghệ thuật đương đại Power Station of Art. Ảnh: Shanghai Fashion Week

>>> Đọc thêm: LỊCH SỬ TUẦN LỄ THỜI TRANG NEW YORK (NEW YORK FASHION WEEK) TỪ A – Z

Sức mua “hủy diệt” của người tiêu dùng thời trang Trung Quốc

Trung Quốc không chỉ nhiều nhân tài mà cũng không thiếu những người thượng cấp (siêu giàu). Thị trường thời trang và bán lẻ của đất nước này đủ sức vượt Mỹ. Mức độ chi tiêu của người Trung Quốc trên thị trường xa xỉ toàn cầu đã tăng 32% trong năm 2019 so với năm trước đó, và dự báo tăng 45% trong năm 2025, theo báo cáo của Công ty Tư vấn Bain. Giới trung lưu ở Trung Quốc đã chứng tỏ sức mạnh mua sắm lớn nhất thế giới, thu hút rất nhiều thương hiệu lớn đầu tư vào miếng bánh béo bở này.

Từ chỗ là người hâm mộ vô điều kiện đối với thương hiệu ngoại (sính ngoại), người tiêu dùng Trung Quốc đã ngày càng trưởng thành hơn. Nhiều người đã chuyển sự quan tâm sang các thương hiệu nội địa chất lượng cao, giúp các nhãn hàng trẻ có được sự nhận dạng tốt hơn.

Chính trị cũng là một yếu tố góp phần đánh bật các thương hiệu ngoại ra khỏi thị trường nội địa, đỉnh điểm là sự kiện bông Tân Cương vào năm 2021. Việc các thương hiệu ngoại làm ăn ở Trung Quốc, kiếm tiền từ người Trung Quốc nhưng lại tuyên bố không hợp tác với bất kỳ nhà máy may mặc nào ở Tân Cương, không mua bông của Tân Cương… đã trực tiếp đánh vào lòng tự hào của người Trung.

Hàng loạt thương hiệu ngoại như H&M, Adidas, New Balance, Burberry… bị tẩy chay. Việc ngôi sao hot nhất xứ Trung, Vương Nhất Bác, tuyên bố hủy hợp tác với Nike đã là ngòi nổ dẫn tới quả bom chấm dứt hợp tác của hàng loạt người nổi tiếng với nhãn hàng ngoại. Giới giải trí ngóng chờ từng ngày xem rốt cuộc Vương Nhất Bác sẽ đi giày của hãng nào. Như một cú tát bồi, Vương Nhất Bác ngay sau đó hợp tác với ANTA – thương hiệu thời trang thể thao số một Trung Quốc tài trợ cho Olympic Mùa đông Bắc Kinh 2022. Cùng với Xtep và Li-ning (do ngôi sao Tiêu Chiến đại diện), các thương hiệu thời trang nội ngày càng được yêu thích khi hợp tác với những người nổi tiếng trong nước. Sản phẩm của họ cũng ngày càng hợp gu người tiêu dùng hơn.

Vương Nhất Bác

Vương Nhất Bác là đại diện toàn cầu cấp cao nhất của ANTA.

Người Trung Quốc đã phải chờ đợi quá lâu trước khi lệnh phong tỏa dịch bệnh kết thúc, nhu cầu mua mua sắm và du lịch cần được giải phóng hơn bao giờ hết. Một số thương hiệu nội địa như Shushu/Tong và Calvin Luo đã tự mở cửa hàng độc lập mà không cần tài trợ, đánh dấu cột mốc quan trọng với các nhà thiết kế độc lập.

Không còn bị dịch bệnh níu kéo, lại thêm sự trợ giúp của mạng xã hội và thói quen mua sắm “lượm liền” chóng mặt của người Trung Quốc, các nhà thiết kế nội địa đang đứng trước cơ hội và thách thức lớn. Họ cần học cách “hòa nhập mà không hòa tan”, giữ gìn nền móng văn hóa Trung Quốc trước cuộc đua vĩ mô toàn cầu. Và Shanghai Fashion Week chính là bệ phóng để họ thực hiện điều đó.

Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm