Blazer: Chiếc áo khoác của giới thượng lưu trở thành thời trang công sở

Chiếc áo khoác này từng mang cảm hứng hàng hải, dành riêng cho đối tượng thượng lưu, nhưng sau đó trở thành sản phẩm bất kỳ ai cũng có thể mặc

Áo blazer là gì? Đó là kiểu áo khoác dễ sử dụng để xuống phố hay đi chơi, hoặc đi làm trong môi trường business casual. Nam nữ mặc đều đẹp. Ảnh: Instagram @alessandraambrosio

Trong tiếng Việt, tôi thấy có nhiều người dùng từ áo vest/suit và áo khoác blazer một cách tương đồng. Nếu là áo khoác mặc cùng quần tây hay chân váy đồng bộ, họ gọi là suit/vest. Còn áo khoác không có quần đồng bộ thì gọi là blazer. Thực ra, suy nghĩ này chỉ mới đúng một phần.

Về mặt căn bản, hai sản phẩm này tương đối giống nhau. Tuy nhiên vẫn có nhiều điểm khác biệt nhỏ, nằm ở những phom dáng, chất liệu vải… Áo khoác blazer và áo khoác vest cũng chỉ phù hợp với một số những quy chuẩn ăn mặc (dress code) nhất định.

Hãy cùng Harper’s Bazaar tìm hiểu áo khoác blazer là gì, giống/khác áo vest ở những chi tiết nào, và tiêu chuẩn phối đồ cùng áo khoác blazer.

Sự ra đời của chiếc áo khoác blazer

Áo khoác blazer là một biến tấu từ triều phục châu Âu của nam giới.

Chữ jacket đến từ jaquette, mẫu áo khoác dáng dài trong triều phục hoàng gia châu Âu từ khoảng thế kỷ 14. Áo jaquette dài đến ngang gối, được thêu, chèn bông hoặc viền lông thú cho ấm áp.

Rồi chiếc áo khoác này ngắn dần. Nhiều chất liệu và màu sắc khác nhau được áp dụng vào may áo khoác. Giới quý tộc chế tác ra một kiểu áo tương tự jaquette, nhưng chỉ ngắn đến hông và làm bằng vải tweed để giữ ấm khi đi săn. Đây là chiếc áo sport coat mà ngày nay vẫn thịnh hành trong thời trang nam.

Câu lạc bộ đua thuyền Lady Margaret Boat Club của trường St. John thuộc đại học Cambridge. Ảnh: Cambridge

Nhiều nguồn ghi chép cho rằng, áo blazer lần đầu tiên xuất hiện như một đồng phục cho nữ giới. Năm 1825, Câu lạc bộ Chèo thuyền Lady Margaret tại trường đại học Cambridge sử dụng một chiếc áo khoác cài nút bó sát để làm đồng phục. Chiếc áo này có màu đỏ nồng cháy (blazing red), nên được thuận miệng gọi là blazer.

Ngày nay, các câu lạc bộ đua thuyền vẫn mặc áo blazer như đồng phục. Tuy nhiên, với sự tiến hóa trong thời trang, áo blazer chèo thuyền không còn bị bó buộc trong khuôn khổ màu đỏ.

Daniel Craig mặc đồng phục Hải quân Hoàng gia Anh trong loạt phim điệp viên 007 James Bond. Đây là phiên bản blazer nam đầu tiên, với vạt đắp chéo, kèm hai hàng cúc vàng ánh kim.

Một nguồn ghi chép khác lại cho rằng, áo blazer là tạo phẩm của Hải quân Hoàng gia Anh. Cái tên blazer đến từ chiến hạm HMS Blazer, nơi năm 1837 nhận cuộc viếng thăm của nữ hoàng Victoria. Để đón tiếp nữ hoàng, quân nhân đã đổi đồng phục cho trang trọng. Họ sử dụng một chiếc áo khoác ôm bằng vải xanh biển, có hai hàng nút (double-breasted) màu vàng đồng khắc huy hiệu của chiến hạm.

Thời bấy giờ, Hải quân Hoàng gia Anh không có đồng phục quy chuẩn. Mỗi chiến hạm toàn quyền quyết định đồng phục của mình. Tương truyền, nữ hoàng Victoria đã quá yêu thích mẫu thiết kế của chiến hạm HMS Blazer nên bà yêu cầu Hải quân Hoàng gia Anh sử dụng nó như đồng phục chung. Năm 1857, khi được áp dụng chính thức, chiếc áo blazer đã tạo nên hiện tượng tại Anh Quốc và từ đó lan rộng đi khắp thế giới.

Sản phẩm của giới thượng lưu trở thành trang phục được giới trẻ học theo

Lịch sử áo khoác blazer cho thấy rằng nó từng là đồng phục giúp nhận diện một bộ phận có quyền lực trong xã hội Đế quốc Anh. Đó là những trường đại học danh giá, nơi có đủ kinh phí để tài trợ cho một câu lạc bộ đua thuyền đắt đỏ. Và hải quân Anh, nơi có sự tuyển chọn gắt gao để tìm ra những tay lính thủy quân tinh nhuệ.

BST Brooks Brothers thực hiện cho phim The Great Gatsby mô phỏng thời trang thập niên 1920. Áo khoác blazer có sọc (bên phải) được ưa chuộng thời bấy giờ. Ảnh: Brooks Brothers

Tuy nhiên, chiếc áo này dần du nhập vào tầng lớp bình dân từ thế kỷ 20 trở đi. Vào thập niên 1910 và 1920, kiểu áo khoác blazer có sọc đặc biệt được ưa thích bởi bộ phận những chàng trai đỏm dáng (dandy) ở Mỹ, nhờ sự quảng cáo từ thương hiệu Brooks Brothers.

Phom dáng suôn thẳng của blazer cũng được ưa thích bởi giới Mod ở Anh Quốc vào thập niên 1960. Từ đó, áo blazer trở thành một item định hình cho phong cách thanh lịch chuẩn Anh.

Đồng phục của một đội tuyển tham gia cuộc đua chèo thuyền hoàng gia Henley Royal Regatta năm 2021. Huy hiệu được thêu đồng bộ trên túi áo blazer và cà vạt. Ảnh: Henley Royal Regatta

Dù vậy, áo blazer vẫn chưa hoàn toàn mất đi tính chất sang giàu của nó. Ngày nay, những cuộc thi đấu được ưa chuộng bởi giới thượng lưu như đua thuyền, chèo thuyền, cưỡi ngựa,… vẫn sử dụng áo blazer như đồng phục. Những chiếc áo blazer này luôn được thêu đính phù hiệu của đội thi đua, của gia tộc, hoặc đơn vị hỗ trợ tài chính cho đội tuyển, chứng tỏ địa vị xã hội của người mặc.

Những tính chất đặc trưng của kiểu áo khoác blazer là gì?

Trên: Vai áo vest. Dưới: Vai áo blazer. Ảnh: Lanieri

Vai suôn mềm. Áo vest/suit có miếng độn ở cầu vai, ống tay may hơi phồng khi so với vai. Còn áo blazer thường không có miếng độn vai, tay áo suôn phẳng.

Phom dáng thoải mái. Áo blazer được thiết kế để có thể mặc chồng bên ngoài nhiều lớp áo trong, ví dụ như áo hoodie. Do đó nó có phom dáng rộng rãi, không ôm sát như áo vest/suit. Bên cạnh đó, nó không được lót với vải dày để tránh gây cộm khi mặc.

Blazer phải đủ rộng, thoải mái và nhẹ để layer. Áo blazer, Stella McCartney.

Được thiết kế để mặc cùng quần không đồng bộ. Đó có thể là quần jeans, quần sweat, jogger, quần cargo, quần vải lanh…

Chất liệu đa dạng hơn suit. Suit cần sự đồng bộ. Do đó chất liệu vải phải bền, khó sờn rách, để phù hợp may quần. Áo blazer ngược lại, do không cần đồng bộ nên có thể thoải mái thử nghiệm với nhiều chất liệu, kể cả loại mỏng manh như lụa tơ tằm.

Có nhiều biến tấu hiện đại. Ngày nay, blazer còn được biến tấu thành đầm cho các chị em để phù hợp mặc đến công sở. Bên cạnh đó, kiểu áo này có rất nhiều kiểu nút, độ dài và thiết kế ve áo.

Một mẫu đầm dạng blazer bằng chất liệu silk twill từ 100% lụa tơ tằm. Ảnh: Silk Maison

Áo blazer phù hợp để sử dụng cho quy chuẩn ăn mặc (dress code) tương đối thoải mái là business casual và casual chic, hoặc khi đi ăn tối fine dining. Tuy nhiên, nó không phù hợp để mặc trong các buổi họp trang trọng, tiệc tối black tie hoặc white tie.

VUI VUI

Nhiều mẫu blazer hiện đại được lấy cảm hứng từ bộ tuxedo Le Smoking do Yves Saint Laurent thiết kế vào thập niên 1960. Phom dáng của chiếc áo khoác Le Smoking có phần phi giới tính (unisex), suôn thẳng, không ôm sát, và tạo cảm giác nữ quyền cho người mặc.

Trích dẫn The Gentleman’s Gazette, Lanieri
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam

Mới nhất về Blazer: Chiếc áo khoác của giới thượng lưu trở thành thời trang công sở

Xem thêm