Việt Nam hiện đang đón chào sự bùng nổ của các triển lãm. Trong thời gian qua, có vô số các triển lãm đã ra mắt. Nếu cách đây khoảng 10 năm, lâu lâu mới có một triển lãm gây dấu ấn lớn trên truyền thông, thì bây giờ, một tháng đôi khi sẽ có đến hai, ba hoạt động.
Tuy nhiên, hầu hết các triển lãm ở Việt Nam hiện tại đều thuộc thể loại triển lãm mỹ thuật, nghệ thuật sắp đặt. Còn lượng triển lãm thời trang lại vô cùng ít ỏi, có thể đếm trên đầu ngón tay.
Đến nay đã có một số triển lãm lưu động ngắn ngày trình làng vật phẩm thời trang và trang sức, do những thương hiệu nước ngoài thực hiện, gồm Hermès, Louis Vuitton, Dior, Bulgari…
Còn về triển lãm thời trang thuần Việt, chúng ta có thể kể tên vanh vách các triển lãm thời trang gây ấn tượng: Cục Im Lặng của NTK Nguyễn Công Trí (2019), Mộng Bình Thường của NTK Thủy Nguyễn (2020 và 2023), Lịch sử áo dài tại Bảo tàng Áo dài do NTK Sĩ Hoàng thực hiện. Năm nay có thêm Vietnam’s Fashion Journey 2000 – 2023 do Harper’s Bazaar tổ chức, nhìn lại chặng đường của thời trang Việt Nam sau 2 thập niên đầu thế kỷ 21.
Vậy, vì sao các triển lãm thời trang lại hiếm hoi đến như vậy? Câu trả lời vì chúng quá khó khăn để tổ chức.
ĐỌC NHANH: “Triển lãm” theo cách hiểu thông thường là một sự trình bày có tổ chức và trưng bày một số các hiện vật nhằm phục vụ cho trải nghiệm tương tác nhất định. Tùy theo các mục đích và loại hình triển lãm, có sự xuất hiện của các trải nghiệm đa dạng từ, quan sát, thực hành, lắng nghe và sự phổ biến gần đây là hình thức trải nghiệm đa giác quan. |
Các triển lãm thời trang là xu thế được công chúng đón nhận nhiệt liệt
Theo lịch sử ghi nhận, những triển lãm thời trang đầu tiên diễn ra ở Tây phương diễn ra từ cuối thế kỷ 18. Trong khi đó, một cuộc trưng bày trang phục thường xuyên và kéo dài đầu tiên ở một bảo tàng nói tiếng Anh mở cửa vào năm 1911.
Tuy nhiên, thời trang chỉ thật sự được công nhận như một hình thức nghệ thuật vào những năm 1980, sau khi viện bảo tàng The Metropolitan Museum of Art (viết tắt là The Met) thành công tổ chức triển lãm tôn vinh nhà thiết kế Yves Saint Laurent năm 1983-84.
Nhưng từ đó đến nay, tất cả những triển lãm thời trang trên thế giới đều được công chúng đón nhận, đôi khi hơn cả những triển lãm về mỹ thuật cổ điển.
Ví dụ, khi mở cửa triển lãm Alexander McQueen: Savage Beauty (2015), bảo tàng Victoria & Albert (viết tắt là V&A) ở London đã đón nhận lượng khách là 480.000 người. Trong khi đó, triển lãm Heavenly Bodies (2018) tại bảo tàng The Met ở New York đón chào 1,7 triệu người trong chỉ một năm! Tất cả những triển lãm thời trang này đều đạt lượt tham quan kỷ lục, gấp nhiều lần so với những phòng trưng bày khác ở các bảo tàng này.
Nhận thấy sự quan tâm của công chúng cho triển lãm thời trang, những thương hiệu xa xỉ hàng đầu đã liên tiếp đưa những vật phẩm của mình đi trưng bày quanh thế giới. Chẳng hạn, triển lãm Bulgari Serpenti 75 Years of Infinite Tales kỷ niệm biểu tượng chú rắn của thương hiệu kim hoàn Ý, nay đã đi du ngoạn từ Milan, Dubai qua đến Seoul, Sài Gòn, Thượng Hải… Christian Dior: Designer of Dreams cũng tương tự đã chu du thế giới, lan tỏa vẻ đẹp Pháp đến với công chúng, và vẫn luôn cháy vé.
>>> XEM THÊM: THỜI TRANG CÓ PHẢI LÀ NGHỆ THUẬT?
Vì sao cần triển lãm thời trang?
Sở dĩ các thương hiệu thời trang đẩy mạnh việc triển lãm thời trang bởi đây là cơ hội quan trọng để giới thiệu câu chuyện di sản của bản thân đến với công chúng. So sánh với một show diễn thời trang chỉ được trình làng thoáng qua trong vòng 15 phút, một triển lãm không giới hạn thời gian tiếp cận của người xem tạo ra trải nghiệm sâu sắc hơn.
“Rất nhiều hãng thời trang hiện đã có kho lưu trữ của riêng mình vì họ nhận ra tầm quan trọng của việc có được một di sản để đời, và nhận ra rằng công chúng quan tâm đến phần lịch sử ấy”, theo Oriole Cullen, nhà giám tuyển triển lãm Christian Dior: Designer of Dreams cho bảo tàng V&A.
Việc chia sẻ lịch sử lại càng quan trọng ở Việt Nam, nơi đã có sự phát triển bùng nổ về kinh tế nói chung và thời trang nói riêng trong những thập kỷ kể từ khi chính sách Đổi mới được áp dụng và quốc gia mở cửa giao thương. Bởi nếu không có triển lãm, chúng ta sẽ quên mất về những điều lớn lao ngành thời trang Việt đã đạt được trong quãng thời gian ngắn ngủi vừa qua.
Tuy vậy, tại sao triển lãm thời trang lại quá ít ỏi ở Việt Nam?
Có thể thấy các triển lãm thời trang là xu thế, không chỉ trên thế giới mà còn ở Việt Nam. Còn nhớ khi NTK Nguyễn Công Trí giới thiệu Cục Im Lặng năm 2019, tất cả giới ngôi sao, nghệ sỹ và cánh báo chí đã phải chí ít một lần đến đấy check-in và đắm chìm trong không gian nghệ thuật. Tuy nhiên, lý do vì sao Việt Nam lại vô cùng ít ỏi, thiếu vắng các triển lãm thời trang có quy mô, bởi vì những lý do khách quan sau đây.
• Triển lãm thời trang cần sự chuẩn bị bài bản từ cả năm trời
Trước hết là vấn đề sản phẩm triển lãm. Với những nhà thiết kế thực hiện triển lãm cá nhân, công việc của họ được đơn giản hóa bởi họ có thể linh hoạt sử dụng sản phẩm của chính mình. Còn với những triển lãm như Vietnam’s Fashion Journey 2000 – 2023 quy tụ hàng chục nhà thiết kế và trưng bày lên đến 100 mẫu vật, thời gian đi tìm vật phẩm kéo dài và vô cùng vất vả. Nhiều nhà thiết kế thậm chí không lưu lại sản phẩm cũ của mình, bởi họ ưu tiên bán sạch hàng tồn kho để tạo vốn lưu động vận hành doanh nghiệp. Lúc này, ban tổ chức lại phải nhờ họ hỗ trợ mượn sản phẩm từ các khách hàng của chính họ. Nếu không chuẩn bị trước, triển lãm thời trang sẽ khó thành công.
Bên cạnh đó, nhà tổ chức triển lãm phải nâng niu các thiết kế để có thể hoàn trả chúng nguyên vẹn. Từ những khâu trước triển lãm như lưu trữ vật phẩm trong phòng lạnh, đóng gói và vận chuyển, bảo quản vật phẩm ngay trong triển lãm để tránh bị phá hoại hay trộm cắp… tất cả đều đòi hỏi sự kỹ lưỡng.
• Vấn đề đầu tư và lợi nhuận
Mỗi buổi triển lãm cần đến rất nhiều tiền bạc lẫn công sức, vậy nên lợi nhuận luôn là điều đương nhiên được nhắm đến. Với các thương hiệu, tổ chức buổi triển lãm mang tới nguồn thu nhiều đầu, vừa là doanh thu từ bán vé, vừa tạo sức hút cho thương hiệu giúp đẩy mạnh khát khao mua sắm từ các tín đồ thời trang.
Với các thương hiệu lớn, có sẵn trong tay một kho lưu trữ đồ sộ, họ đã dành ngân sách tổ chức triển lãm thời trang như một hoạt động marketing. Như trường hợp của triển lãm Christian Dior: Designer of Dreams năm 2019 đã ghi nhận doanh thu khổng lồ lên đến hơn 9,260,000 bảng Anh (xấp xỉ 280 tỷ đồng) với gần 600.000 người đến tham quan. Tuy nhiên, do Dior là thương hiệu nổi danh toàn cầu, rất nhiều người đã đổ xô tới từ các quốc gia để tham quan triển lãm.
Còn ở Việt Nam, chưa có thương hiệu nào thật sự vang danh thế giới một cách tương tự. Nếu tổ chức triển lãm, các nhà thiết kế chưa chắc đã thu lại được lợi nhuận tương đương. Bên cạnh đó, để có thể tìm ra một không gian đủ rộng, sẵn sàng hợp tác để triển lãm kéo dài trong nhiều ngày, tuần hoặc tháng là điều không dễ dàng. Việc thuê mannequin, in ấn, set-up… đều ngốn nhiều kinh phí. Do đó mà không nhiều người sẵn sàng tổ chức một triển lãm thời trang.
Dẫu khó khăn, Harper’s Bazaar vẫn quyết tâm tổ chức triển lãm thời trang quy mô, được đầu tư bài bản
Dù phải đối mặt với những khó khăn kể trên khi tổ chức một buổi triển lãm thời trang tầm cỡ, Harper’s Bazaar Việt Nam vẫn trung thành với mục tiêu đã đặt ra. Triển lãm lần này là một hoạt động phi lợi nhuận doanh nghiệp vì cộng đồng và xã hội (Corporate Social Responsibility – CSR) để chúng tôi chung tay ghi lại hành trình rực rỡ của ngành thời trang Việt trong giai đoạn đầu thế kỷ 21.
Trích lời chị Trần Nguyễn Thiên Hương, chủ biên tạp chí Harper’s Bazaar:
“Các triển lãm thời trang trên thế giới thường được tài trợ bởi chính phủ hoặc các tổ chức phi chính phủ. Còn chúng tôi phải dựa vào nguồn kinh phí riêng, mà đã được căng trước đó do khủng hoảng kinh tế đang diễn ra. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng chúng tôi đầy hạnh phúc và tự hào. Chúng tôi xem việc tổ chức triển lãm này không chỉ là một trách nhiệm mà còn là một trách nhiệm để đóng góp vào sự phát triển của ngành công nghiệp thời trang địa phương”.
Đây là một sự tri ân từ Harper’s Bazaar Việt Nam dành cho làng thời trang Việt. Triển lãm là sự bảo tồn và trân trọng mỗi công sức đóng góp cho làng thời trang từ những cá nhân. Đồng thời, tạo cơ hội để công chúng có thể tiếp cận thời trang nước nhà một cách có quy mô, có tổ chức hơn.
Ngoài ra, sự kiện cũng là cơ hội cho những người yêu thích thời trang, yêu thích các thiết kế từng ra mắt trên sàn runway nhưng chưa có cơ hội tận mắt đi xem.
THÔNG TIN CHO BẠNTriển lãm Vietnam’s Fashion Journey 2000–2023 nhìn lại chặng đường hành trình của thời trang Việt Nam trong 1/4 dịp đầu thế kỷ 21 do Harper’s Bazaar Việt Nam tổ chức. Địa điểm: The Global City – Trung tâm mới của TP. Hồ Chí Minh Thời gian: Từ 15 đến 23/12/2023 Vào cửa: Triển lãm mở cửa miễn phí, từ 9h00 đến 18h00 hàng ngày. |
>>> XEM CHI TIẾT VỀ TRIỂN LÃM VIETNAM’S FASHION JOURNEY 2000–2023
Trích dẫn Forbes
Tạp chí Thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam