Vì sao chúng ta trang trí cây thông Noel khi Giáng sinh về?

Hàng năm khi Giáng sinh về, cho dù chúng ta hưởng ứng Giáng sinh xanh hay Giáng sinh trắng thì chúng ta có thói quen trang trí thông Noel. Từ khi nào ý tưởng này trở thành truyền thống thường niên?

Vì sao chúng ta trang trí cây thông Noel hàng năm khi Giáng sinh đến? Ảnh: Annie Spratt on Unsplash

Lịch sử của cây thông Noel có nhiều nguồn gốc, từ việc sử dụng cây thường xanh ở Ai Cập và La Mã cổ đại cho đến truyền thống trang trí cây thông Giáng sinh của người Đức. Tuy Giáng sinh thường được xem là một ngày lễ quan trọng đối với Thiên chúa giáo, thì kể từ trước khi Thiên chúa giáo ra đời, con người cũng đã có truyền thống dùng cây xanh để làm biểu tượng của hy vọng và sự sống trong đêm đen mùa đông.

Quay ngược dòng lịch sử, truy tìm nguồn gốc trang trí nhà cửa với cây thông Noel

Thời cổ đại, tại nhiều quốc gia, con người tin rằng trang trí nhà cửa với các loại cây xanh và thảo mộc sẽ xua đuổi phù thủy, ma quỷ, tà ma và bệnh tật. Đặc biệt trong mùa đông, mùa lạnh khiến người ta dễ ngã bệnh hơn bao giờ hết.

Bên cạnh đó, cây xanh còn gắn liền với ngày Đông Chí ở Bắc bán cầu – ngày ngắn nhất và đêm dài nhất trong năm, thường rơi vào ngày 21 hoặc 22 tháng 12 hàng năm.

Người Ai Cập cổ đại tin rằng mặt trời là một vị thần – thần Ra. Thần Ra có đầu chim ưng và đội mặt trời như một đĩa lửa trên vương miện. Mùa đông đến hàng năm vì thần mặt trời ngã bệnh và trở nên yếu ớt. Đây cũng là bệnh cuối cùng của thần mặt trời trong năm. Việc trang trí nhà bằng những cành cây thường xanh nhắc nhở họ rằng cuộc sống sẽ ấm áp và xanh tươi khi thần mặt trời khỏe mạnh và mùa hè trở lại. Ở Ai Cập cổ đại, cây cọ xanh và cây sậy cói được dùng để tượng trưng cho chiến thắng của sự sống trước cái chết.

Người La Mã thì dùng cây thường xanh cho lễ hội tế thần Saturnalia, một nghi lễ tôn vinh vị thần nông nghiệp Saturn. Người La Mã biết rằng sau khi ngày Đông Chí qua đi, các khu vườn của họ sẽ lại xanh tươi và sung túc. Để đánh dấu sự kiện này, họ trang trí nhà cửa và đền thờ của mình bằng những cành cây thường xanh.

Ở Bắc Âu, các Druid – giáo sĩ của người Celt cổ đại – cũng trang trí đền thờ của họ bằng những cành cây thường xanh như một biểu tượng của sự sống vĩnh cửu. Những cái cây hoặc cành cây này tượng trưng cho sự sống trong những đêm đông lạnh giá và tối tăm.

Những tập tục từ các đế chế cổ đại này đã được Công giáo học hỏi. Qua nhiều thế kỷ, việc dùng cây xanh trang trí đã trở thành truyền thống trưng cây thông Noel.

Ảnh: Movenpick Resort Cam Ranh

Người Đức khai sinh truyền thống trang trí nhà với cây Noel vào dịp Giáng sinh

Nước Đức được cho là quốc gia đã khởi xướng truyền thống dùng cây thông Noel trang trí nhà cửa vào dịp Giáng Sinh. Các ghi chép cho thấy vào thế kỷ 16, những người sùng đạo Thiên chúa đã mang cây thông vào nhà của họ.

Lý do vì tại các lễ hội Thiên chúa giáo ở Đức vào dịp Giáng sinh luôn có những vở kịch. Trong số đó, được yêu thích có vở kịch Cây Thiên Đường, được cho là đại diện cho Vườn Địa đàng. Các nhà sử gia cho rằng con người đã cắt cây thông đưa vào nhà như một cách tái hiện ma thuật của Cây thiên đường từ Vườn Địa đàng trong nhà mình.

Vì sao chúng ta trang trí cây thông Noel với đèn và quả châu lấp lánh?

Đèn lấp lánh tựa những ngôi sao nhấp nháy. Ảnh: Valentin Petkov on Unsplash

Các ghi chép cho rằng ông Martin Luther, một nhà cải cách của đạo Tin lành trong thế kỷ 16, là người đầu tiên ra ý tưởng dùng nến trang trí cây thông Noel.

Lời kể cho rằng khi đang đi bộ về nhà vào một buổi tối mùa đông, Martin Luther đã vô cùng kinh ngạc khi chiêm ngưỡng những vì sao trên trời lấp ló qua tán cây thường xanh. Để tái hiện lại cảnh tượng đó cho gia đình mình, ông đã dựng một cái cây trong phòng chính và buộc những ngọn nến thắp sáng vào các cành cây.

Vì lẽ đó, bây giờ chúng ta thường trang trí cây thông Noel với những dây đèn nhấp nháy.

Vì sao trang trí cây thông Noel với quả châu? Ảnh: Hert Niks on Unsplash

Về lý do vì sao chúng ta dùng quả châu để trang trí cây thông Giáng sinh, đây cũng là một truyền thống bắt nguồn từ nước Đức.

Thời cổ xưa, trái cây thật – đặc biệt là táo – được dùng làm đồ trang trí cây. Tuy nhiên, do chúng dễ hỏng và khan hiếm trong mùa đông, các bản sao bằng thủy tinh đã được dùng để thay thế.

Quả châu thủy tinh nguyên bản có nguồn gốc từ thị trấn Lauscha ở Đức. Khu vực này nổi tiếng với truyền thống thổi thủy tinh có từ năm 1597. Sự phong phú của các vật liệu trong rừng Thuringian kề bên Lauscha – gỗ để tạo lửa, cát để nấu chảy thành thủy tinh và đá vôi để làm cứng – đã biến Lauscha và các cộng đồng xung quanh trở thành một trong những vùng sản xuất thủy tinh quan trọng nhất ở Trung Âu.

Theo truyền thuyết, quả châu Giáng sinh được phát minh ở Lauscha vào những năm 1830. Người ta kể rằng, một người thổi thủy tinh không đủ tiền mua trái cây tươi và các loại hạt để trang trí cây thông Noel của mình đã quyết định làm phiên bản thủy tinh của những món ăn này. Cũng có ghi chép cho rằng Hans Greiner, một người sáng lập xưởng sản xuất thủy tinh tại Lauscha, đã lên ý tưởng sản xuất đồ trang trí cây thông bằng thủy tinh vào những năm 1800.

Ý nghĩa của một số các món đồ trang trí cây thông Noel phổ biến

Harper's Bazaar_Học làm nến Giáng sinh tại DMia_02

Ảnh: D’Mia

Các thiên thần: tượng trưng cho sự bảo vệ gia đình, sự chăm sóc và tình yêu. Trong truyền thống Thiên chúa giáo, các thiên thần là sứ giả của Chúa và mang ý nghĩa linh thiêng trong mùa lễ Giáng sinh.

Chuông phát ra âm thanh vui tươi, báo hiệu tin tốt lành mừng ngày Chúa giáng sinh.

Các quả châu hình trái cây: Gợi nhắc về truyền thống dùng trái cây thật để trang trí cây thông Noel. Loại trái cây phổ biến nhất chắc chắn là táo (cũng vì lẽ đó mà nhiều quả châu thủy tinh được thổi với hình cầu). Táo là loại trái cây trong Kinh thánh được hái từ cây tri thức thiện ác, và màu đỏ của chúng tượng trưng cho tình yêu. Trong một số nền văn hóa, táo cũng biểu thị sức khỏe và khả năng sinh sản.

Kẹo candy cane sọc trắng và đỏ. Tượng trưng cho cây gậy của Người chăn cừu, dùng để đưa con chiên lạc lối trở về. Hình dạng của nó cũng giống chữ “J” trong tên Chúa Jesus. Màu đỏ tượng trưng cho sự hy sinh và màu trắng tượng trưng cho sự trong sạch.

Ngôi sao, nằm trên đỉnh chóp cây thông, gợi nhớ đến Ngôi sao Bethlehem dẫn đường cho Ba Vua. Đây là biểu tượng của hy vọng, sự dẫn dắt và ánh sáng trong bóng tối.

Ảnh: JW Marriott

Màu sắc của những quả châu treo trên cây thông cũng có ý nghĩa.

Màu đỏ tượng trưng cho máu của chúa Jesus, đại diện cho sự hy sinh và tình yêu. Đồng thời, đây cũng là màu của quả táo và của trái holly (quả bùi), một loại trái cây sinh trưởng vào mùa đông.

Màu vàng đại diện cho ánh sáng. Trong đêm tối, các quả châu ánh vàng lung linh, gợi nhắc về một cuộc sống ấm áp và sung túc hơn.

Màu xanh lá cây chính là màu của cây thường xanh, của niềm tin cho cuộc sống tốt đẹp hơn.

Ngày nay, các phụ kiện dùng để trang trí cây thông Noel đã đa dạng, rực rỡ cả về màu sắc, hình hài và ý nghĩa hơn xưa kia.

TRUYỀN THỐNG GIÁNG SINH:

Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm