Vải Tiến Trường An tái hiện thời thịnh Đường tinh xảo đến từng chi tiết

Không chỉ là một bộ phim cổ trang thuần giải trí, Vải Tiến Trường An chính là cuốn bách khoa toàn thư sống động về văn hóa thời nhà Đường.

Ảnh: Weibo Vải Tiến Trường An

Phim Trung Quốc lấy bối cảnh lịch sử có thật ngày càng dành nhiều thời gian đầu tư để tái hiện lịch sử một cách chắc chắn nhất. Ví dụ mới nhất là Vải Tiến Trường An, lấy bối cảnh thời nhà Đường. Công chúng mê lịch sử theo dõi phim không chỉ bởi cốt truyện kịch tính, mà còn bởi độ tỉ mỉ và tính xác thực trong tạo hình dựa trên bối cảnh thời nhà Đường.

Từng bộ phục sức, kiểu tóc, đạo cụ và trang trí bối cảnh đều có cơ sở khảo cổ cụ thể. Nhiều đạo cụ từng chỉ nằm trong tủ kính bảo tàng được phục dựng sống động trên màn ảnh nhỏ. Đứng sau bức màn ấy là hàng thập kỷ nghiên cứu phục dựng của các học giả đầu ngành.

Trang phục thời nhà Đường từ bảo tàng lên màn ảnh Vải Tiến Trường An

Ảnh: Weibo

Nếu chỉ xét riêng về phần phục trang, Vải Tiến Trường An đã đủ khiến giới mộ điệu ngả mũ.

Chuyên gia phục trang Trần Thi Vũ, người đứng sau loạt phục trang trong phim, là một học giả kỳ cựu trong lĩnh vực phục dựng y phục cổ đại. Ông cùng đội ngũ của mình đã mất ba đến bốn tháng để thiết kế hệ thống trang phục cho Vải Tiến Trường An, ứng dụng những kết quả khảo cổ học mới nhất, đồng thời hợp tác cùng nhiều bảo tàng lớn nhỏ để tái hiện hình ảnh trang phục thời Thiên Bảo.

Bối cảnh phim Vải Tiến Trường An được đặt vào năm Thiên Bảo thứ 13, giai đoạn chuyển giao từ thịnh Đường sang trung Đường. Thời điểm này, thẩm mỹ trang phục ưa chuộng sự phóng khoáng, dùng màu sắc sặc sỡ để thể hiện hoành tráng.

Ảnh: Weibo

Ảnh: Weibo

Đội ngũ phục trang đã tham khảo những tượng đất nung, bích họa Tây An và các di vật khai quật từ thời kỳ thịnh Đường để tái hiện trang phục một cách chi tiết. Những chiếc áo cổ tròn rộng, mềm rũ là xu hướng chủ đạo lúc bấy giờ. Do đó trên phim, nhiều nhân vật nam diện áo cổ tròn, có vạt, với hoa văn hình quả trám hay họa tiết thêu chìm.

Ảnh: Weibo Vải Tiến Trường An

Chiếc áo xanh cổ tròn của nam chính Lý Thiện Đức (Lôi Giai Âm) không đơn thuần là thiết kế cổ trang thông thường, mà được phục dựng chính xác theo thanh lăng bào dành cho quan viên cấp thấp dưới triều Đường. Mỗi hoa văn hình thoi trên vạt áo đều được tra cứu từ các bích họa ở hang Mạc Cao, nơi lưu giữ tinh hoa mỹ thuật tôn giáo và dân gian thời Đường.

Ảnh: Weibo Vải Tiến Trường An

Thập Thất Nương (Trương Thiên Ái) lại khiến khán giả ấn tượng với chiếc áo choàng xanh điểm hoa văn “bảo tướng hoa”. Đây không phải là sản phẩm tưởng tượng, mà được phục dựng từ một tấm gấm hoa lớn thời Đường đang được lưu giữ tại Chính Thương Viện, Nhật Bản. Đây là một trong những mẫu vải lớn nhất từ thời Đường còn nguyên vẹn sau hàng nghìn năm.

Sự rực rỡ và sống động của tấm vải này đã được Trần Thi Vũ lựa chọn làm nền tảng tạo hình cho nhân vật, thể hiện khí chất kiêu kỳ và đài các của Thập Thất Nương. Dáng hình quý tộc từ kiểu tóc búi nửa đầu, đến trâm vàng, bộ dao vàng (trang sức tóc lắc khi đi lại), tất cả đều lấy cảm hứng từ tranh vẽ Phu nhân Đô đốc lễ Phật tại Đôn Hoàng.

Không chỉ phục trang, nghệ thuật trang điểm cũng được êkíp Vải Tiến Trường An phục dựng tỉ mỉ: từ hoa điền (miếng trang trí trên trán) bằng vàng, ngọc, đến kiểu vẽ lông mày và phấn má hồng theo đúng chuẩn mực “khuôn tròn, da hồng”, vẻ đẹp được tôn sùng dưới triều Đường.

Chi tiết lịch sử: Lĩnh Nam “tụt hậu thời trang” so với Trường An

Ảnh: Weibo

Một điểm thú vị khác trong phim là sự phân hóa rõ nét giữa phong cách trang phục vùng Trường An, thủ đô trào lưu và Lĩnh Nam, nơi xa xôi hẻo lánh.

Đạo diễn Tào Thuẫn chủ ý xây dựng sự “trễ nhịp” về thời trang tại Lĩnh Nam, từ kiểu tóc cho đến kiểu dáng quần áo, nhằm nêu lên sự xa hoa thịnh vượng của kinh đô.

Nhân vật Vân Thanh ở Lĩnh Nam có phục trang vẫn sang trọng, nhưng kiểu tóc lại đơn giản và cổ điển hơn hẳn vợ của Lý Thiện Đức tại Trường An, người mang tóc búi lớn, phồng xòe đúng chuẩn mốt Thiên Bảo. Sự đối lập này không chỉ có ý nghĩa thẩm mỹ mà còn giúp khán giả hiểu hơn về sự phân tầng văn hóa giữa các vùng.

Ảnh: Weibo Vải Tiến Trường An

Làm thế nào để đoàn phim tìm được nguồn tư liệu chính xác đến vậy? Câu trả lời nằm ở hệ thống dữ liệu phục trang cổ đại mà đội ngũ của Trần Thi Vũ đã xây dựng hơn một thập kỷ qua. Họ phân loại hiện vật dựa trên niên đại, vùng miền, địa vị và hoàn cảnh sử dụng, từ đó tạo nên một kho tàng thông tin phục vụ cho phim ảnh, sân khấu và truyền hình.

Kiểu tóc đồ sộ của thời thịnh Đường và phụ kiện “ấm tai” lần đầu lên phim ảnh

Ảnh: Weibo Vải Tiến Trường An

Tạo hình của Thập Thất Nương với kiểu tóc như tượng gốm là một điểm nhấn thẩm mỹ mới lạ. Kiểu tóc này vốn phổ biến trong giới quý tộc Trường An thời Thiên Bảo, nhưng hiếm khi được tái hiện đầy đủ trên phim.

Để tạo hiệu ứng tóc bồng bềnh như tượng gốm, đoàn phim phải sử dụng tóc giả, một xu hướng từng thịnh hành trong lịch sử, đến mức Đại Đường phải nhập khẩu tóc giả từ Tân La.

Ảnh: Weibo

Cũng trên phim, phụ kiện bịt tai giữ ấm xuất hiện cùng Hữu tể tướng. Theo Trần Thi Vũ, món phụ kiện che tai trên phim Vải Tiến Trường An này đến từ tư liệu phục trang thời nhà Đường mới được phát hiện gần đây. Vì Trường An nằm ở Tây Bắc, mùa đông lạnh buốt, việc dùng phụ kiện che âm tai là điều hợp lý. Cách đây vài năm, nhóm nghiên cứu của ông đã phục dựng vật dụng này. Khi Vải Tiến Trường An khởi quay, ông đã có cơ hội đưa thiết kế vào phim, đánh dấu lần đầu tiên phụ kiện lịch sử được tái hiện trong phim truyền hình. Chi tiết này không chỉ tạo tính chân thực mà còn tăng thêm chiều sâu văn hóa cho bộ phim.

Từng họa tiết trong Vải Tiến Trường An đều có lai lịch khảo cổ từ thời nhà Đường

Ảnh: Weibo Vải Tiến Trường An

Không chỉ trang phục hay phụ kiện, những họa tiết trên váy áo của các nhân vật cũng đến từ nghiên cứu lịch sử.

Một trong những minh chứng rõ nét nhất cho sự nghiêm túc trong phục trang là chiếc áo gấm họa tiết “ngựa vòng tròn” mà Trịnh Bình An (Nhạc Vân Bằng) mặc, được phục dựng từ mẫu gấm khai quật tại mộ A Tư Tha Na (Thổ Lỗ Phồn), hiện lưu giữ ở Bảo tàng Khu tự trị Tân Cương.

Tương tự, áo của thứ sử Lĩnh Nam Hà Hữu Quang có thêu cặp hươu dựa trên mẫu gấm tại Bảo tàng Cam Túc và các hiện vật trưng bày tại triển lãm quốc tế. Những chi tiết tưởng như nhỏ bé ấy lại là cầu nối giúp người xem đến gần hơn với văn vật thời Đường.

Kiến trúc kể chuyện, không gian mang thi pháp

Ảnh: Weibo

Không dừng lại ở phục trang, đội ngũ thiết kế còn phục dựng hàng loạt đạo cụ thời Đường dựa trên hiện vật có thật: từ chiếc hồ bình, từng phổ biến trong giới quý tộc, đến bình rượu hình bầu và ly có ống hút.

Chiếc ly mà Trịnh Bình An dùng với thiết kế một đầu là ống hút, được lấy cảm hứng từ hiện vật vớt lên từ tàu đắm Hắc Thạch, nay đang được trưng bày tại Bảo tàng Văn minh châu Á ở Singapore. Từng chi tiết, từ kiểu dáng đến chất liệu, đều tuân thủ tiêu chuẩn của một triển lãm bảo tàng thực thụ.

Ảnh: Weibo

Trong khi đó, không gian đô thành Trường An trong phim không chỉ là nơi diễn ra câu chuyện, mà là một “ý cảnh thư họa”, nơi thẩm mỹ kiến trúc, đối xứng trục và phân tầng xã hội được thể hiện bằng ngôn ngữ điện ảnh.

Phim dựng lại đô thành Trường An dựa trên bản đồ trong Cựu Đường Thư, tham chiếu thêm bích họa tháp thành từ mộ thái tử Ỷ Đức. Mỗi con phố, mỗi mái nhà, từ lầu son gác tía đến tường đất nện của dân thường, đều thể hiện sự phân cấp xã hội rõ rệt mà không cần lời thoại. Các mảng màu chủ đạo như đỏ son, trắng ngà, và nâu gỗ phản ánh rõ khí chất kiến trúc nhà Đường: hoành tráng, cường tráng nhưng cũng mực thước và trang nghiêm. Nhịp điệu của phim cũng được điều tiết thông qua không gian: trạm dịch, công đường, phố thị… đều là nơi tạo nhịp cho hành trình “thiên lý vận vải”.

Ảnh: Weibo

Phim cũng khéo léo lồng ghép hình ảnh vải trong tranh vẽ qua các triều đại: từ Tranh giã vải thời Đường, đến Phả hệ vải Lĩnh Nam thời Thanh, cho đến các bức của Chu Chiêm Cơ, hay hai danh hoạ nổi tiếng “Nam Ngô Bắc Tề”, Tề Bạch Thạch, Ngô Xương Thạc,…

Nhìn chung, bộ phim Vải Tiến Trường An không chỉ là một bộ phim cổ trang, mà là một dự án thẩm mỹ mang tầm khảo cổ học, nơi từng sợi vải, viên ngói, hay nếp tóc đều ẩn chứa triết lý nghệ thuật và văn hoá cổ xưa. Sự sống động của thịnh Đường, vốn tưởng đã ngủ quên trong tranh lụa, thư tịch, nay được đánh thức lại một cách tinh tế và tràn đầy mỹ cảm.

LỊCH SỬ QUA PHIM:

Harper’s Bazaar Vietnam

Xem thêm