Để dệt một tấm vải dựa theo kỹ thuật satin, người ta có thể phải kết hợp nhiều chất liệu với nhau. Đây gọi là kỹ thuật dệt vân đoạn để tạo ra chất liệu mềm bóng dùng cho nhiều mục đích, kể cả làm túi xách hay bọc ghế nệm.
Nguồn gốc kỹ thuật dệt vải satin là gì?
Satin có nguồn gốc từ thời Trung Đại ở Trung Hoa (kéo dài từ thời Hán trước Công nguyên đến nhà Nguyên sau Công nguyên), bắt nguồn từ thành phố cảng Tuyền Châu (nay thuộc tỉnh Phúc Kiến). Tiếng Ả Rập cổ gọi thành phố này là Zaitun, từ đó mới có cái tên satin ngày nay.
Vải satin cùng với kỹ thuật dệt này đã theo Con đường Tơ lụa trở nên phổ biến khắp Trung Đông. Italy là quốc gia Tây phương đầu tiên sản xuất vải satin vào thế kỷ XII, đến thế kỷ XIV thì lan rộng khắp châu Âu. Phần lớn nội thất trong Cung điện Versaille được bọc bằng vải satin.
Các kỹ thuật dệt vải satin
Kỹ thuật dệt vân đoạn satin là một trong 3 hình thức dệt may chính, bên cạnh dệt trơn (plain) và dệt đan chéo (twill). Phương pháp dệt satin tạo ra một loại vải láng bóng ở mặt trên, đồng thời thô mờ ở mặt dưới.
Kỹ thuật này yêu cầu ít sự đan kết giữa sợi dọc và sợi ngang. Cụ thể, ít nhất 4 sợi ngang sẽ đè lên trên một sợi dọc, tức ở mặt vải ngược lại: ít nhất 4 sợi dọc đè lên 1 sợi ngang. Khi dệt, các sợi dọc sẽ được giữ cố định trên khung cửi và sợi ngang sẽ được luồn lên xuống sợi dọc.
Kỹ thuật satin khiến cho mặt trên vải có nhiều sợi ngang song song, do đó bề mặt trên của tấm vải sẽ láng bóng còn mặt dưới thô và mờ hơn.
Satin được đan kết từ các xơ vải dài liên tục và nó được định hình bởi chiều dài của xơ sợi (filament), chứ không phải chất liệu xơ.
Trước đây, satin được làm từ lụa tơ tằm (silk), đó là các sợi vải dài liên tục kéo từ kén tằm. Hiện nay, satin còn được tổng hợp từ sợi polyester và rayon (tơ nhân tạo). Các sợi này đều có thể tổng hợp để tạo ra các xơ sợi dài liên tục (filament).
Có nhiều cách dệt để tạo ra vải satin:
– Kỹ thuật 4/1: Cơ bản nhất là 1 sợi ngang đè lên 3 sợi dọc rồi luồn dưới 1 sợi dọc. Cách dệt này giúp vải đàn hồi và dễ co giãn hơn kỹ thuật dệt trơn 1/1.
– Kỹ thuật 5/1: Tương tự như trên, nhưng lần này sợi ngang sẽ đè lên 3 sợi dọc rồi mới luồn xuống 1 sợi dọc.
– Kỹ thuật 8/1: Đây là cách dệt satin linh hoạt nhất, trong đó 1 sợi ngang sẽ đè trên 7 sợi dọc rồi luồn xuống 1 sợi dọc.
Đặc điểm của vải satin là gì?
Kỹ thuật dệt satin tạo ra chất liệu vải linh hoạt hơn kỹ thuật dệt vải trơn. Vải satin nổi tiếng với những đặc điểm:
– Bề mặt láng bóng: Sự bóng bẩy ở mặt trên đem lại sự sang trọng và xa hoa cho vải satin.
– Chống nhăn: Satin không dễ nhăn như những loại vải khác. Những loại vải satin dày cũng rất khó nhăn.
– Bền: Vì satin sử dụng xơ sợi dài được dệt rất căng, nên loại vải này bền chắc hơn nhiều các loại vải trơn khác.
– Dễ tạo dáng: Chất liệu mềm mại, độ rũ óng ả khiến satin thích hợp để làm màn trướng, đầm ngủ hay đầm dự tiệc.
Nhược điểm của vải satin là gì?
– Vì vải satin rất mềm và trơn tuột, nên việc cắt may khá khó khăn.
– Sợi vải dễ bị tắc và trồi lên khỏi bề mặt vải, khiến tấm vải trở nên xấu xí.
– Khó tạo nếp.
Phân biệt các loại vải satin
Tùy thuộc vào loại xơ vải được sử dụng trong quá trình dệt sẽ tạo ra những loại satin khác nhau, chẳng hạn như:
– Antique satin: được dệt bằng kỹ thuật 5/1 hoặc 8/1, trong đó các sợi xơ không đều được dùng làm sợi ngang. Vải nặng, có bóng mờ, dễ hỏng khi tiếp xúc với nước nên không thể giặt giũ thường xuyên. Vải này thường được dùng làm rèm cửa.
– Baronet satin: Để tạo ra thành phẩm vô cùng bóng bẩy này, người ta dùng chất liệu rayon để làm sợi dọc và chất liệu cotton để làm sợi ngang.
– Charmeuse: Loại vải này rất nhẹ, bám và mang những đặc trưng cơ bản của vải satin, bao gồm mặt trên láng bóng và mặt dưới thô mờ.
– Crepe back satin: Vải này có thể sử dụng cả hai mặt. Một mặt là satin bóng bẩy và mặt còn lại là crepe nhẵn mịn, độ rủ vừa phải.
– Duchess satin: Đây là vải nặng, cứng hơn và không bóng bằng satin tiêu chuẩn. Nó thường được nhuộm các màu đơn (solid) và dùng để may váy đầm.
– Messaline: Vải này rất nhẹ, độ sáng cao, được dệt từ sợi rayon hoặc silk.
– Polysatin: Đây là vải satin làm từ sợi polyester.
– Slipper satin: Vải này làm từ các sợi được đan kết chặt chẽ, dùng làm phụ kiện, giày và quần áo.
Vải satin được sử dụng như thế nào?
Satin được sử dụng rộng rãi từ trang trí nội thất tới thời trang, phổ biến nhất là:
– May váy đầm: Satin là nguyên liệu phổ biến để làm váy cưới và đầm dự tiệc.
– Bọc nội thất: Một trong những công dụng sớm nhất của satin ở châu Âu là bọc bàn ghế, gối nệm và các nội thất trong Cung điện Versailles.
– Làm ga trải giường: Nhờ tính chất linh hoạt và mềm mại, satin thường được sử dụng để may ga trải giường.
– May giày: Từ giày múa ballet cho tới giày cao gót, satin là chất liệu ưa thích của nhiều nhà thiết kế.
– Phụ kiện thời trang: Các loại túi xách và bóp đi tiệc thường được làm từ vải satin.
Sự khác biệt giữa vải satin và sateen là gì?
Satin và sateen đều là kỹ thuật dệt vân đoạn, nhưng satin dùng nguyên liệu là xơ sợi dài chẳng hạn như silk, trong khi sateen dùng nguyên liệu là xơ sợi ngắn chẳng hạn như cotton.
Sự khác biệt giữa satin và silk
Silk là tên của một loại sợi, còn satin là tên của kỹ thuật dệt may. Sợi silk có thể được sử dụng để dệt ra satin, và silk cũng có thể dùng để dệt ra các loại vải khác. Satin có thể được dệt ra từ các loại xơ sợi dài khác, không nhất thiết phải là silk.
Cách chăm sóc vải satin
Cách giặt và bảo quản vải satin tùy thuộc vào loại vải. Satin làm từ xơ sợi tổng hợp và sateen làm từ cotton thì bạn có thể tự giặt tại nhà. Đối với satin làm từ sợi silk, bạn nên giặt khô. Khi giặt trang phục làm từ satin, bạn cần chú ý những điều sau:
– Giặt bằng tay hoặc bằng máy, chọn chế độ giặt nhẹ gentle/delicate cycle với nước lạnh và bột giặt dịu nhẹ.
– Không vắt khô hay treo khô quần áo vì satin dễ mất dáng.
– Không cho satin vào máy sấy.
– Bạn nên đặt nằm trang phục trên một tấm khăn sạch, rồi để nó tự khô.
Vải satin nhẹ nhàng mềm mại và óng ả, vải làm từ lụa tơ tằm còn thấm hút mồ hôi rất tốt. Vào mùa hè, vải satin đem lại sự mát mẻ, mùa đông vải không bị tích điện dính sát vào người. Hiện nay satin còn được in nhiều loại hoa văn phong phú, vì thế chọn lựa satin để may quần áo hoặc mua trang phục làm từ satin là quyết định hợp lý cho mọi gia đình. Hy vọng các thông tin trên đã giúp bạn hiểu rõ vải satin là vải gì.
>>> Xem thêm: VÌ SAO GỌI VẢI TWEED LÀ CHẤT LIỆU CỦA QUÝ TỘC ANH?
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam