Trong văn học hay nghệ thuật, rắn có thể gắn với những câu chuyện thiện – ác đan xen, nhưng trong thế giới lấp lánh của trang sức, chúng luôn là ý niệm sang trọng, quyền lực và quyến rũ không thể chối từ.
Lịch sử và những tầng ý nghĩa của biểu tượng loài rắn trong trang sức
Quyền lực trên vương miện các Pharaon Ai Cập cổ đại
Nền văn minh Ai Cập cổ đại, tồn tại từ 3000 năm trước Công nguyên (TCN), sử dụng biểu tượng rắn trên vương miện của các pharaon. Biểu tượng này được gọi là Uraeus, liên quan đến nữ thần Wadjet. Tương truyền rằng, bà là một thực thể thượng cổ mang hình hài rắn hổ mang, bảo trợ cho châu thổ sông Nin. Khi mang biểu tượng gắn liền với nữ thần, các pharaon tin rằng quyền lực và sự kiểm soát với vùng đất được củng cố và bảo vệ bởi Wadjet.
Từ đó, rắn trong văn hóa và tín ngưỡng Ai Cập cổ đại đại diện cho dòng dõi hoàng tộc cao quý, thiêng liêng. Đồng thời, những người Ai Cập trong giai đoạn này cũng khai sinh ra biểu tượng ouroboros – chú rắn tự ăn đuôi chính mình, tạo nên một vòng tròn hoàn hảo biểu trưng cho vòng luân hồi. Bạn có thể bắt gặp biểu tượng này ở các đền thờ, tạc cùng chân dung của pharaon như Tutankhamun.
Nhân rộng đến Á – Âu từ thế kỷ 8 TCN đến Thế kỷ 16 sau Công nguyên
Sau vương miện Pharaon, trang sức rắn được sử dụng rộng rãi ở nhiều nền văn hóa và nhiều mục đích hơn. Ở giai đoạn này, chúng xuất hiện dưới dạng trang sức vòng tay, vòng bắp tay, vòng cổ, nhẫn. Có lẽ hình dáng thuôn dài của rắn và đặc tính săn mồi trong tự nhiên của chúng đã gợi ý cho các nhà kim hoàn, tạo thành những món trang sức tròn quấn quanh tay, ngón tay.
Bảo tàng The MET ghi nhận, những vết tích về những chiếc vòng tay chứa hình động vật như rắn đã có từ thế kỷ thứ 8 TCN đã xuất hiện tại Tây Á, sau đó lan tỏa đến các vùng lân cận như Hy Lạp vào thế kỷ 5 TCN, La Mã và Ai Cập vào triều đại Ptolemaios (thế kỷ 4-3 TCN). Nữ hoàng Cleopatra, biểu tượng quyến rũ tột cùng trong văn hóa, thời trang và sắc đẹp, người cai trị thực sự cuối cùng của triều đại Ptolemaios, có một kho báu trang sức hình rắn làm phụ kiện đội đầu, phụ kiện cho bắp tay, cổ tay.
Mỗi nền văn hóa đều có cách diễn giải khác nhau về biểu tượng rắn. Người La Mã xem rắn là biểu tượng cho tình yêu vĩnh cửu, người Hy Lạp xem rắn đại diện cho trí khôn ngoan và sự chữa lành, gắn với vị thần Aesculapius với chiếc trượng có rắn quấn quanh. Các vết tích khảo cổ cho thấy những chiếc vòng tay trẻ em hình rắn, bởi người thời đó tin rằng chúng sẽ giúp đứa trẻ khỏe mạnh, khỏi bệnh nhanh hơn.
Ngoài ra, còn nhiều mô-típ trang trí rắn được lấy từ thần thoại Hy Lạp. Có những chiếc vòng tay hình rắn thắt nút khá tinh xảo, gọi là nút thắt Héc-quyn (Herakles knot) liên quan đến anh hùng Héc-quyn. Ông là con của thần Zeus với một người phàm. Nữ thần Hera, vợ của Zeus, khi phát hiện ra chân tướng đã phái hai con rắn tấn công Héc-quyn khi ông nằm trong nôi, nhưng ông đã hạ chúng bằng tay không, trói chúng vào nhau, tạo thành nút thắt.
Khoảng đến thế kỷ 1 sau Công nguyên, trang sức ngày một tăng thêm độ tinh xảo trong việc thể hiện thân rắn uốn lượn, chế tác kỹ phần đầu rắn và da rắn. Một vài trang sức tìm thấy ở Vương quốc Seleukos (một phần Hy Lạp – Tây Á ngày nay) cho thấy chúng còn được sử dụng làm phương tiện trao đổi như tiền tệ vì giá trị cao.
Sau Tây Á, tại Trung Á lẫn Đông Nam Á đều có vết tích về trang sức rắn từ thế kỷ 15-16. Người Thái Lan xem rắn là con vật linh thiêng và đem lại may mắn cho con người. Còn trong dân gian Việt Nam, rắn được tin là gắn với các ác bởi số đông. Chính vì vậy mà trang sức cổ của người Việt thường không có hình rắn, thay vào đó là rồng, voi…
Biểu tượng đối nghịch cho tình yêu và sự thương tiếc trong xã hội châu Âu vào thế kỷ 19 đến 20
Những bức chân dung về tầng lớp cao quý nhất trong xã hội châu Âu trong thế kỷ 19 đến 20 cho thấy họ thường đeo phụ kiện hình rắn trên tay, chủ yếu vì tính thời trang. Chẳng hạn như trong chân dung nhà điêu khắc Bertel Thorvaldsen vẽ vào năm 1820. Ông được Vương hậu Liên hiệp Anh Caroline tặng một chiếc nhẫn rắn làm từ vàng La Mã, và đeo trong suốt 20 năm.
Ngày càng có nhiều nhà thiết kế kim hoàn, trang sức khai thác biểu tượng động vật này, đa dạng về loại, từ vòng tay, nhẫn đến đai cài trên giày; phát triển hơn về độ công phu.
Các nhà kim hoàn lẫy lừng đều có một vài tạo tác hình rắn tiêu biểu. Ngoài BVLGARI với dòng Serpenti đình đám ra đời năm 1948, Cartier từng thiết kế vòng cổ rắn cho nữ minh tinh María Felix vào năm 1968, một tạo phẩm tuyệt vời từ gần 2500 viên kim cương khảm nạm trên bạch kim, vàng trắng và vàng vàng, mắt đính ngọc lục bảo. NTK Elsa Peretti cũng có một vài tạo tác vòng cổ rắn với phần thân khớp nối vô cùng linh hoạt trong thập niên 70.
Còn một ý nghĩa khác với câu chuyện văn hóa sâu sắc hơn trong thế kỷ 19-20, lấy cảm hứng từ hình tượng ouroboros từ Ai Cập cổ đại, gắn với vòng luân hồi vĩnh cửu: Trang sức rắn tượng trưng cho sự vĩnh cửu trong cả tình yêu lẫn niềm thương tiếc.
Lớp nghĩa này phổ biến chủ yếu nhờ Nữ vương Liên hiệp Anh Victoria I (1819-1901), lan tỏa rộng rãi ra xã hội trong 63 năm trị vì của bà từ 1837 đến 1901, hay còn gọi là thời kỳ Victoria.
Năm 1839, khi bà 20 tuổi, Vương phu Albert trao cho bà chiếc nhẫn cầu hôn có hình rắn làm từ vàng 18K, đính hồng ngọc ở mắt, kim cương ở miệng và ngọc lục bảo (đá theo tháng sinh của Nữ vương) ở đầu rắn, biểu trưng cho tình yêu vĩnh cửu. Chiếc nhẫn này được xem là một trong những trang sức rắn đình đám nhất trong lịch sử và nhiều người cho rằng nó khởi đầu cho việc sử dụng rắn trong các trang sức theo trường phái Art Nouveau từ cuối 1800 đến đầu 1900. Thời gian này còn tồn tại sự kết hợp giữa trang sức rắn điểm đá ngọc lam, với đá ngọc lam được tin là nhấn mạnh về tình yêu, tình thân.
Với trang sức kỷ niệm về người đã khuất, vào năm 1861 – 1862, Vương phu Albert cũng đặt làm cho Nữ vương Victoria một chiếc vòng tay, có rắn đính ngọc trai quấn quanh chân dung của người mẹ vừa khuất của bà, Thân vương phi xứ Leiningen, bởi rắn mang những ý nghĩa tốt đẹp về luân hồi. Tiffany & Co. cũng từng cho ra mắt đồng hồ bỏ túi có dây hình rắn uốn lượn vào đầu thế kỷ 20.
Trang sức rắn trong thế giới hiện đại
Trong thời hiện đại, trang sức hình rắn ngày càng thêm linh hoạt. Không còn là khối khép kín đúc vàng, bạc như thời trước công nguyên, những chiếc vảy rắn có độ mềm mại nhất định, đôi khi là nhờ chế tác từng mảnh sau đó ghép lại. Thân rắn cũng ngày càng có cảm giác tinh xảo, tái hiện rất gần vảy rắn thực tế, khảm nạm nhiều kim cương, đá quý. Ngoài vòng tay, nhẫn, hoa tai, vòng cổ còn có những tạo tác đồng hồ “bí mật” ẩn trong đầu rắn.
Đây là món trang sức kịch tính lẫn lãng mạn rất sáng giá cho bản phối, đã được chứng minh bởi rất nhiều tạo hình sự kiện, sân khấu. BVLGARI với dòng Serpenti hiện là nhà kim hoàn lừng lẫy nhất gắn với trang sức hình rắn.
Tiffany & Co., Boucheron, Swarovski… đều đã đưa ra những bộ sưu tập trang sức có yếu tố rắn nhưng không khai thác triệt để như BVLGARI. Trong năm 2025, cũng là năm Ất Tỵ, các thương hiệu chiều lòng khách hàng châu Á khi giới thiệu những bộ trang sức hình rắn như BST Year of the Snake của Swarovski, BST các sản phẩm kết hợp giữa biểu tượng rắn và hồng ngọc từ Tiffany & Co.
ĐÓN NĂM ẤT TỴ 2025 VỚI HÌNH TƯỢNG LOÀI RẮN:
RẮN VÀNG UỐN LƯỢN TRÊN BỘ SƯU TẬP TẾT NGUYÊN ĐÁN 2025 CỦA TUMI
GỢI Ý VÒNG TAY MAY MẮN ĐẾN TỪ CÁC THƯƠNG HIỆU TRANG SỨC XA XỈ
ĐEO ĐỒNG HỒ TRÊN CỔ TAY? KHÔNG CÓ GÌ SÁNG TẠO. HÃY THỬ NHẪN ĐỒNG HỒ!
Harper’s Bazaar Việt Nam