Tinh hoa chế tác sapphire của Richard Mille

Richard Mille khẳng định vị thế tiên phong khi biến sapphire thành biểu tượng của đồng hồ xa xỉ.

Sapphire hiện tại là một trong những chất liệu được ưa chuộng nhất của ngành chế tác đồng hồ. Một thập kỷ trước, Richard Mille là thương hiệu duy nhất hiểu rõ được tiềm năng thật sự của chất liệu này và sử dụng nó cho toàn bộ phần vỏ đồng hồ. Phần lớn nguồn lực đã được Richard Mille đầu tư để nghiên cứu và phát triển các kỹ thuật mới nhằm nâng tầm những tạo tác độc đáo nhất của thương hiệu.

Các ưu điểm dễ nhận thấy nhất ở sapphire là độ trong suốt và vẻ rạng rỡ giúp tô điểm cho từng chi tiết của bộ chuyển động bên trong, đồng thời vẫn giữ được sự nổi bật và tỏa sáng nhất định của phần vỏ. Vẻ đẹp vĩnh cửu của sapphire chính là yếu tố mà các nghệ nhân luôn hướng đến dành cho tạo tác của mình.

Sapphire − chất liệu có độ cứng chỉ đứng sau kim cương

Ngoài tính thẩm mỹ, sapphire còn sở hữu những đặc tính nổi trội khác. Cấu trúc hóa học của chất liệu này giúp nó đạt điểm 9 trên thang đo Mohs về độ cứng của khoáng chất, chỉ sau kim cương. Vì vậy, sapphire có khả năng chống va đập và trầy xước gần như tuyệt đối trong khi bề mặt nhẹ nhàng, thanh mảnh của nó mang đến cảm giác dễ chịu khi đeo trên tay. Quá trình chế tác phần vỏ đồng hồ bằng sapphire yêu cầu chuyên môn cũng như sự tỉ mỉ và chính xác, thể hiện độ quý hiếm, tính tiên phong trong hành trình làm chủ vật liệu của Richard Mille.

Tương tự như lĩnh vực quang học và điện tử, ngành chế tác đồng hồ cũng sử dụng sapphire tổng hợp với thành phần hóa học, tính chất vật lý, cấu trúc tinh thể giống hệt sapphire tự nhiên. Điểm khác biệt duy nhất là sapphire tổng hợp có thể được sản xuất dưới dạng khối với kích thước đủ lớn để tạo nên phần vỏ. Thông thường, các nghệ nhân cần khối sapphire nặng lên đến vài chục ký để tạo nên ba phần của một bộ vỏ đồng hồ Richard Mille.

Richard Mille tạo bước đột phá với quy trình chế tác sapphire màu độc đáo

Cùng với đối tác Stettler Sapphire AG, Richard Mille sử dụng kỹ thuật Kyropoulos (còn gọi là phương pháp KY) để sản xuất sapphire tổng hợp. Quá trình này bao gồm việc nung nóng nhôm ô-xít ở nhiệt độ từ 2.000 đến 2.050°C trong môi trường được kiểm soát với một mảnh tinh thể sapphire nhỏ đóng vai trò là hạt giống, thúc đẩy các tinh thể tổng hợp phát triển xung quanh nó một cách chậm rãi. Thời gian trung bình của quá trình này có thể kéo dài vài tuần.

Richard Mille gặp không ít thử thách khi sử dụng sapphire tổng hợp. Đầu tiên, hình dáng cong phức tạp đặc trưng của bộ vỏ thương hiệu đòi hỏi các nghệ nhân phải đưa ra quy trình gia công và hoàn thiện mới. Ngoài ra, độ cứng lên đến 2.000 Vickers của sapphire khiến cho dung sai của công đoạn cắt và lắp ráp chỉ trong khoảng vài micron. Cuối cùng, bộ vỏ sapphire cần hơn 1.000 giờ cho quá trình phay và đánh bóng. Khi Richard Mille trình làng chiếc RM 056 Tourbillon Chronograph Sapphire vào năm 2012, thương hiệu đã mở ra chương mới trong chế tác đồng hồ.

Luôn đón đầu xu thế, Richard Mille nhanh chóng thích nghi và sử dụng sapphire tổng hợp cho các chi tiết trong bộ máy, chẳng hạn như tấm đế, phần cầu nối của cơ chế tourbillon và đặc biệt là phần cầu trung tâm của phiên bản RM 56-01 và RM 56-02 ra mắt vài năm sau đó. Gần đây, Richard Mille đã giới thiệu sapphire được tạo màu (xanh lam, xanh lá, cam, hồng và tím) đòi hỏi quy trình chế tác phức tạp hơn nhiều so với sapphire trong suốt, vì phải kết hợp thêm ô-xít kim loại vào cấu trúc tinh thể ban đầu.

Quá trình này làm cho sapphire nhạy cảm hơn với cả nhiệt độ lẫn tốc độ tăng trưởng. Nếu điều kiện nhiệt độ không được đảm bảo, cách ô-xít kim loại khuếch tán vào cấu trúc mạng tinh thể có thể bị ảnh hưởng, dẫn đến sự phân bố màu không đồng đều hoặc các sắc thái không như mong muốn.

Tương tự, nếu cấu trúc tinh thể phát triển quá nhanh, điều này có thể dẫn đến những mảng màu không đều và hình thành các bong bóng bên trong vật liệu. Thông thường, mỗi khối sapphire sẽ có tốc độ tăng trưởng và độ tinh khiết khác nhau, dẫn đến việc tạo màu đồng bộ là thử thách khổng lồ. Mỗi khối sapphire màu được tạo ra là một thành tựu lớn, và những tiến triển trong kỹ thuật phát triển tinh thể sẽ giúp thương hiệu dễ dàng hơn trong việc tạo màu sapphire.Vào năm 2015, Richard Mille đã ra mắt phiên bản RM 07-02 Automatic Sapphire sở hữu bộ vỏ bằng sapphire tạo màu đầu tiên. Điều này minh chứng cho triết lý bứt phá khỏi mọi giới hạn, không ngừng tiến bộ và đổi mới của thương hiệu.

KỸ THUẬT CHẾ TÁC ĐỒNG HỒ RICHARD MILLE:

Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm