Filler là gì? Những điều bạn cần biết về phương pháp thẩm mỹ với filler

Dù là phương pháp thẩm mỹ an toàn, không xâm lấn, nhưng tiêm filler vẫn có thể gây ra vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí gây ra những biến chứng nguy hiểm

BZ_02_22_BEAUTY_TECHNIQUE_FILLER_3PS

Filler là gì? Filler là phương pháp thẩm mỹ không xâm lấn, có độ an toàn cao. Phương pháp thẩm mỹ dạng tiêm này được sử dụng phổ biến nhất trên gương mặt. Tuy nhiên, tiêm filler cũng phù hợp cho các bộ phận khác trên cơ thể.

Cách đây từ hơn 20 năm, các bác sỹ thẩm mỹ đã sử dụng filler vào làm đẹp. Nó thường được dùng để tạo gò má cao, làm đầy má hóp, làm đầy dái tai, làm đầy các vùng khuyết lõm, chỉnh sửa hóp cong vẹo phía dưới đầu gối giúp cẳng chân nhìn cân đối và thẳng hơn… Filler cũng được dùng để trẻ hóa bàn tay, biến đôi bàn tay gân guốc trở nên đầy đặn.

Đặc biệt, nam giới rất thích tiêm mũi và tai. Dái tai to, dày sẽ thể hiện tướng mạo của một người đàn ông đức độ, thành đạt. Ở Việt Nam, phụ nữ rất thích tiêm môi không chỉ để đầy đặn hơn mà còn để tạo nhân trung cao hơn.

Tuy filler thường an toàn nhưng cũng có thể mang đến nhiều biến chứng có hại cho sức khỏe. Để tìm hiểu thêm về phương pháp thẩm mỹ này, Harper’s Bazaar đã có buổi trò chuyện cùng bác sỹ Hà Vân Anh của bệnh viện thẩm mỹ JK. Bác sỹ tu nghiệp ở Đức và Mỹ, có hơn 32 năm công tác tại các bệnh viện đầu ngành về phẫu thuật thẩm mỹ của Việt Nam, sẽ mang lại cái nhìn toàn diện về phương pháp thẩm mỹ không xâm lấn này cho bạn.

BZ_02_22_BEAUTY_TECHNIQUE_FILLER_DR-VAN_ANH_1

Chân dung bác sỹ Vân Anh

Filler là gì: Phương pháp thẩm mỹ làm đầy không xâm lấn

Filler còn có tên gọi khác là chất làm đầy với thành phần chính là axít hyaluronic. Chúng được điều chế để tiêm vào bên dưới bề mặt da nhằm tăng thêm thể tích và cải thiện vẻ đầy đặn, săn chắc nơi làn da.

Filler với axít hyaluronic khác hẳn với Botox. Trong khi botox được sử dụng để ức chế sự hình thành nếp nhăn thì filler sẽ giúp lấp đầy các rãnh, khiến làn da trở nên căng mọng hơn.

Tác dụng của Filler là gì?

Filler được sử dụng để cải thiện các dấu hiệu lão hóa da như:

  • Làm đầy môi/Lấp đầy hoặc làm mềm sẹo lõm
  • Làm đầy các vùng hõm trên gương mặt
  • Lấp đầy hoặc làm mềm các nếp nhăn tĩnh như các nếp nhăn xung quanh miệng và dọc theo má
  • Giảm thiểu nếp nhăn nơi vùng da mắt. Những nếp nhăn ở các vùng da này thường là kết quả của việc suy giảm lượng collagen và độ đàn hồi của da.
  • Giữ cung chân mày cao hơn
  • Tiêm sống mũi, thái dương bị lõm, viền hàm, cằm…

Vì sao phương pháp tiêm filler có thể trở thành con dao hai lưỡi?

Thực tế, dịch vụ tiêm filler ở Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập. Hiện có rất nhiều thẩm mỹ viện hoặc các dịch vụ tiêm filler tự phát mọc lên như nấm. Nguồn gốc đều xoay quanh vấn đề chung, đó là: Muốn gia tăng thu nhập trong ngành thẩm mỹ nhưng lại thiếu đi kiến thức chuyên ngành và đào tạo bài bản.

Theo chia sẻ của bác sỹ Vân Anh, một số dịch vụ tiêm filler không bảo đảm an toàn cao cho người trải nghiệm dịch vụ. Các hãng sản xuất filler muốn bán nhiều sản phẩm cho các bác sỹ thẩm mỹ và các spa. Thậm chí, một số bác sỹ mở lớp dạy tiêm filler cấp tốc cho các chủ spa để gia tăng thu nhập. Và vấn đề quan ngại nhất là các sản phẩm filler kém chất lượng hiện trôi nổi trên thị trường rất nhiều.

Bạn cần lưu ý gì trước khi tiêm filler?

Sau tuổi 25, làn da sẽ xuất hiện nếp nhăn. Sau đó, da mất đi độ đàn hồi, mỏng và chảy xệ, hình thành các rãnh hằn sâu. Vì thế, phái đẹp cho rằng filler có thể cải thiện được các tình trạng trên.

Thực tế, càng lớn tuổi, độ đàn hồi của da càng kém hơn. Việc tiêm filler càng làm gia tăng tình trạng chảy xệ da vì da không còn giữ được chất lỏng được tiêm vào. Do đó, để có kết quả tốt nhất, người muốn tiêm filler cần lưu ý yếu tố chính: Kinh nghiệm chuyên môn của bác sỹ. Một bác sỹ có chuyên môn và kinh nghiệm lâu năm sẽ lựa chọn sản phẩm thích hợp cho từng tình trạng da. Ngoài ra, vị trí tiêm cũng là yếu tố quyết định.

Các biến chứng thường gặp khi tiêm filler sai cách

BZ-filler-2

Filler là gì? Tiêm filler là phương pháp thẩm mỹ thường được dùng để tạo bờ môi đầy đặn

Dù filler là phương pháp thẩm mỹ không xâm lấn, tuy nhiên, nếu không áp dụng đúng kỹ thuật sẽ gây biến chứng nguy hiểm đến tính mạng. Bác sỹ Vân Anh nhấn mạnh:

“Các biến chứng sau khi tiêm filler có thể gặp phải là hoại tử, tắt mạch, mù mắt, hay vùng da sau khi tiêm bị sưng đỏ.

Nguyên nhân gây nên các tình trạng trên là chất lượng sản phẩm filler không đảm bảo. Kỹ thuật tiêm không đúng cách và người thực hiện tiêm filler thiếu kinh nghiệm thẩm mỹ chuyên ngành cũng gây ra những hậu quả nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, bác sỹ và khách hàng chưa thực hiện đúng hướng dẫn trước, trong và sau khi tiêm khiến vùng da bị nhiễm trùng. Hơn hết, khâu vô trùng rất quan trọng”.

Filler phân tử cao và filler phân tử thấp

Bác sỹ Vân Anh cho biết các hãng sản xuất filler sẽ chia sản phẩm ra làm nhiều loại với kích cỡ các phân tử khác nhau. Sản phẩm filler phân tử cao thường được sử dụng cho việc định hình và điêu khắc, chẳng hạn như cằm và mũi; hoặc làm đầy những vùng da không cử động như hai bên thái dương.

Filler phân tử nhỏ được sử dụng để tiêm cho môi, lấp đầy những rãnh nhăn nông, giúp môi căng mọng. Filler phân tử nhỏ còn được sử dụng để cải thiện các nếp nhăn ti li ở vùng mắt. Đặc biệt ở vùng da mắt, nếu sử dụng filler phân tử cao để “ủi sạch” các nếp nhăn sẽ gây nên hiện tượng vón cục. Đối với các nếp nhăn nông, khi sử dụng filler phân tử cao sẽ gây nên hiện tượng sần nơi da mặt. Ngoài ra, kỹ thuật tiêm sâu sẽ không mang lại hiệu quả đối với các nếp nhăn nông.

Kỹ thuật tiêm sống mũi đúng cách

Phần xương sống mũi có một lớp màng xương bao xung quanh. Khi tiêm filler nâng sống mũi, bác sỹ dùng kim đầu tù tạo đường hầm giữa xương chính mũi và lớp màng xương. Khi đưa filler vào đúng lớp này sẽ định hình được dáng sống mũi thẳng, không bị lệch, không bị tiêm nhầm phải mạch máu.

Đối với tiêm sống mũi, nếu sử dụng lượng filler quá nhiều hoặc tiêm ngay mạch máu sẽ dễ xảy ra tình trạng hoại tử vùng mũi, tắc mạch máu nuôi mắt, gây mù lòa.

Cách xử lý khi tiêm filler quá nhiều

Đối với vùng mắt và môi, sử dụng kim đầu tù sẽ giúp tránh được những tác động nơi các mạch máu.

Ở các vùng rãnh mũi má hằn sâu, để cải thiện vùng rãnh ở vị trí này, một lượng filler phân tử cao sẽ được tiêm vào tạo lớp nền. Sau đó sẽ tiêm thêm lớp filler phân tử thấp để lấp rãnh nhưng vẫn giữ được vẻ tự nhiên khi chúng ta cười, nói chuyện.

Nếu lượng filler được đưa vào quá nhiều sẽ gây nên tình trạng thiểu dưỡng, làm tắc nghẽn các mạch máu. Khi gặp tình trạng thiểu dưỡng, da sẽ đổi màu, mất đi vẻ hồng hào. Khi đó, để khắc phục, chúng ta có thể sử dụng biện pháp massage để giúp máu lưu thông. Nếu tình trạng thiểu dưỡng không cải thiện mấy, bác sỹ sẽ tiêm vào da hyaluronidase để tiêu hủy filler. Hyaluronidase là enzyme phân giải axit hyaluronic có khả năng làm tan bớt filler, giúp giải quyết tình trạng thiểu dưỡng.

Tiêm filler giữ được bao lâu?

BZ-filler-lam0mo-seo-mun-pexels

Filler là gì? Filler được làm từ axít hyaluronic, mà 98% axít hyaluronic là nước phân tử cao. Sau 9–12 tháng, các phân tử axit hyaluronic sẽ đứt gãy, mất liên kết. Khi đó, chúng sẽ thẩm thấu qua da và thải ra ngoài qua các tuyến mồ hôi.

Vì thế, tuổi tác không phải là vấn đề chính khi áp dụng phương pháp thẩm mỹ tiêm filler. Điều quan trọng là biện pháp giữ gìn sau khi tiêm.

Bạn nên hạn chế xông hơi sauna trong vòng 1 tuần sau khi tiêm, vì nhiệt độ cao có thể làm filler tan bớt khi chưa kịp định hình. Ngoài ra, bạn cũng nên hạn chế sử dụng các chất kích thích như bia, rượu vì sẽ làm cơ thể dễ mất nước. Sau khi tiêm vùng mũi, cằm, bạn không nên nặn hay bóp các vị trí đó. Các hành động như chống cằm cũng cần tránh trong hai tuần đầu sau khi tiêm.

Các lưu ý trước và sau khi tiêm filler

Bác sỹ Vân Anh cũng khuyến cáo rằng trước khi thực hiện phương pháp tiêm filler, bệnh nhân không nên sử dụng các loại thuốc chống đông máu như aspirin trước một tuần để tránh hiện tượng bầm tím sau tiêm.

Ngoài ra, những sản phẩm lột da sinh học cũng không được bác sỹ khuyến cáo sử dụng trong vòng hai ngày trước khi tiêm. Tẩy lông, laser hoặc dung nạp rượu bia cũng nên hạn chế tuyệt đối trước hai tuần để tránh viêm nhiễm và kích ứng cho cơ thể.

Bạn có thể tham khảo dịch vụ tiêm filler tại

Viện thẩm mỹ JK Imperial Beauty Center
Số 1 Lý Tự Trọng, P. Bến Nghé, Q. 1, TP.HCM

Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm