Tỉ phú Bernard Arnault có động thái muốn thâu tóm Richemont

Bloomberg đưa tin, Chủ tịch và Giám đốc điều hành LVMH đã mua cổ phần của tập đoàn xa xỉ thuộc sở hữu của Thụy Sĩ.

Ông Bernard Arnault (trái) là một kỳ thủ xuất sắc và có những nước đi chiến lược khó đoán. Ảnh: Instagram @frederic.arnault

Theo tờ chuyên ngành Bloomberg đưa tin, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành LVMH, Bernard Arnault, đã mua cổ phiếu của tập đoàn đối thủ Richemont. Được biết, các cổ phiếu này hiện nằm trong portfolio của các công ty đầu tư con thuộc tập đoàn LVMH, tuy nhiên số lượng không rõ ràng.

Tập đoàn Richemont có trụ sở đặt tại Thụy Sĩ hiện sở hữu các thương hiệu bao gồm Cartier, Van Cleef & Arpels, Montblanc, Vacheron Constantin… được xem là tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực đồng hồ và trang sức cao cấp. Tập đoàn này sở hữu kha khá các thương hiệu mà ông Bernard Arnault thèm khát. Do đó, khi thông tin tỉ phú Bernard Arnault sở hữu cổ phiếu Richemont được loan tin thì rất nhiều người cho rằng ông đang có ý đồ thâu tóm tập đoàn đối thủ.

Trước báo cáo của Bloomberg, LVMH và Richemont từ chối bình luận.

Bernard Arnault tích lũy cổ phần của tập đoàn Richemont có phải là đang tính chuyện thâu tóm đối thủ?

Ông Bernard Arnault, chủ tịch LVMH (trái) và Johann Rupert, chủ tịch Richemont (phải). Ảnh: Bloomberg/ZVG Richemont

LVMH hiện sở hữu nhiều thương hiệu khác nhau và ở nhiều phân khúc thị trường, nhưng địa hạt trang sức và đồng hồ của tập đoàn được xem là tương đối nhỏ yếu khi so với lĩnh vực mặt hàng thời trang, đồ da thuộc, và rượu. Vì lẽ đó, LVMH đã mạnh tay chi trả để thâu tóm Tiffany & Co. cách đây bốn năm, nhằm củng cố ngành hàng đồng hồ và trang sức của mình.

Cá nhân tỉ phú Bernard Arnault rất coi trọng các thương hiệu trực thuộc tập đoàn Richemont, trong số đó nổi bật nhất là Cartier.  Năm 2023, thị trường từng dấy lên tin đồn rằng tập đoàn LVMH sẽ mua lại thương hiệu Cartier từ tay Richemont. Chủ tịch Richemont – ông Johann Rupert đã mau chóng dập tắt những tin đồn thất thiệt này. Ông nói về LVMH: “Chúng tôi liên tục đối thoại và tôn trọng sự độc lập của nhau”.

Trong khi đó, ông Bernard Arnault cũng bày tỏ sự ngưỡng bộ đến ông Johann Rupert. Tỉ phú người Pháp gọi nhà lãnh đạo tập đoàn đối thủ là một “nhà lãnh đạo xuất sắc”. Chủ tịch LVMH khen ngợi các chiến lược của chủ tịch Richemont qua lời phát biểu bóng gió: “Tôi hiểu ông ấy muốn duy trì sự độc lập. Tôi thấy điều đó rất tốt. Nếu ông ấy muốn được hỗ trợ để duy trì nền độc lập của mình, tôi sẽ ở đây”.

Chiến lược lần này của tỉ phú người Pháp gợi nhắc về giai đoạn ông từng muốn thâu tóm Hermès

Hermès bất ngờ chọn thợ làm vườn làm người thừa kế

Ảnh: Getty Images

Việc thầm lặng mua lại cổ phiếu của Richemont không phải là lần đầu tiên tỉ phú Bernard Arnault biểu lộ dã tâm thâu tóm công ty đối thủ. Năm 2010, tập đoàn LVMH từng mua lượng lớn cổ phần tại Hermès, lên đến 23,2%, với kỳ vọng trở thành cổ đông có quyền điều hành trong tương lai.

Tuy nhiên, thương hiệu độc lập của Pháp đã phát hiện ra dã tâm của Bernard Arnault. Hermès đệ đơn ra tòa, yêu cầu tòa án Pháp can thiệp vào vụ việc. Cuối cùng, tòa án Pháp phán xét rằng LVMH và Hermès không thể sáp nhập bởi điều này sẽ tạo ra một tập đoàn thời trang quá lớn kiểm soát ngành xa xỉ phẩm, vi phạm luật về sự độc quyền trong thị trường. Ông Bernard Arnault phải bán đi toàn bộ lượng cổ phần mình sở hữu vào năm 2014.

Có người cho rằng ông Bernard Arnault muốn bổn cũ soạn lại với tập đoàn Richemont. Nhưng cũng có người cho rằng luật pháp châu Âu sẽ ngăn cản sự sáp nhập của hai tập đoàn này, nên động thái của tỉ phú nước Pháp có lẽ chỉ là nhằm mở rộng portfolio đầu tư, bởi ông đánh giá cao thành công của tập đoàn đối thủ.

Neil Saunders, giám đốc điều hành và nhà phân tích bán lẻ tại Globaldata, cảnh báo rằng ngành không nên quan tâm quá nhiều đến cổ phần cá nhân: “Khoản đầu tư đương nhiên sẽ làm tăng suy đoán về một cuộc tiếp quản tiềm năng, nhưng vì đây là một khoản cổ phần cá nhân nhỏ nên điều này khó có thể xảy ra”. Tuy nhiên, ông cho rằng đây là cách để ông Arnault theo dõi sát sao đối thủ của mình.

>>> ĐỌC VỀ CHIẾN LƯỢC CỦA ÔNG BERNARD ARNAULT

Nhà sáng lập Richemont vẫn đang nắm giữ 51% quyền biểu quyết

... và bên trong cửa hàng Van Cleef & Arpels ở Seoul, Hàn Quốc.

Van Cleef & Arpels ở Seoul, Hàn Quốc.

Năm 1988, Johann Rupert thành lập Richemont để tổng hợp các tài sản từ khắp nơi trên thế giới của tập đoàn Nam Phi Rembrandt, bao gồm việc kinh doanh thuốc lá của cha ông, Anton Rupert. Thông qua các thương vụ mua lại, tập đoàn dần rút lui khỏi thuốc lá để tập trung vào hàng xa xỉ.

Rupert chỉ nắm giữ 10% vốn nhưng có đến 51% quyền biểu quyết thông qua cấu trúc kép gồm cổ phiếu loại A và B. Cấu trúc này giúp bảo vệ tập đoàn khỏi các cuộc đấu thầu không có lợi, đồng thời giúp ngăn chặn những nỗ lực nhằm thay đổi hội đồng quản trị vào năm 2022.

Giữa thời kỳ hỗn loạn của ngành hàng xa xỉ, hoạt động kinh doanh của Richemont vẫn ổn định – đặc biệt là trong lĩnh vực trang sức. Theo báo cáo thu tài chính năm trước của Richemont, hiệu quả hoạt động của công ty tốt hơn mong đợi. Doanh số bán hàng đã tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái theo tỷ giá hối đoái, lên tới 20,6 tỷ euro vào ngày 31/3/2024 (tăng 3% theo tỷ giá thực tế). Doanh số bán hàng tăng 2% trong quý 4 theo tỷ lệ không đổi (constant rates) và giảm 1% theo tỷ giá thực tế. Những điều này cho thấy chiến lược kinh doanh đáng nể của ông Johann Rupert.

TIN LIÊN QUAN:

Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm