The Substance trở thành từ khóa ở nơi cửa miệng tín đồ phim ảnh Việt Nam chỉ sau một tuần ra mắt tại các cụm rạp trong nước, nhưng không thường gắn với tính từ “mãn nhãn”, “thăng hoa” hay “hoành tráng”.
Những khán giả bước ra rạp với cái cau mày và một vạn câu hỏi vì sao về cách tiếp cận lạ lẫm của bộ phim với ám ảnh tuổi xuân muôn thuở của con người. Mạng xã hội tràn ngập những bài viết cố gắng bẻ nghĩa mọi chi tiết đằng sau cốt truyện. Sự trò chuyện rôm rả về màn thắt nút – mở nút không thể dồn dập hơn và cái kết đóng nhưng gây nhiều sự bất lực hơn cả một cái kết lơ lửng.
Có những nhà phê bình gán mác The Substance là “Style Over Substance”, có nghĩa là no nê thị giác nhưng trống rỗng về mặt nội dung, mà không nhìn sâu vào chính yếu tố “Style” đã kể câu chuyện kinh dị của bộ phim kín đáo nhưng hữu hiệu thế nào. Bóc tách những lớp màu trên trang phục của hai nữ chính, niềm lạc quan từ color blocking của Elisabeth (Demi Moore thủ vai) và Barbiecore của Sue (Margaret Qualley thủ vai) lại biểu trưng cho những diễn biến bi kịch trong cuộc đời của một ngôi sao đang lịm dần ánh hào quang.
Mối quan hệ giữa Elisabeth và Sue trong The Substance được miêu tả bằng màu sắc
Trong thiết lập của The Substance, Thần Dược là loại thuốc cho phép một người sinh ra (theo nghĩa đen) một phiên bản tốt hơn của chính mình, với quy tắc cứ 7 ngày hoán đổi nhận thức một lần.
Ngôi sao Elisabeth Sparkle là “ma trận” (Matrix) – phiên bản gốc để sinh ra Sue. Dù Sue có tư duy độc lập, ngoại hình và hành xử khác đi với bản gốc của mình như thế nào, Sue sẽ không tồn tại nếu không có Elisabeth, và nhận thức của cô cũng từ Elisabeth mà hình thành. Đội ngũ trang phục The Substance liên tục gợi nhắc về mối quan hệ này qua bảng màu thời trang phối theo kiểu sơ cấp – thứ cấp – tam cấp.
Elisabeth thường xuyên mặc những màu sơ cấp là vàng, đỏ, xanh dương: Những màu sắc cơ bản nhất để tạo nên màu sắc khác. Chiếc áo khoác yêu thích nhất của cô phủ lên một màu vàng chói lọi. Trang phục chuẩn bị đi dự đêm tiệc quan trọng của Elisabeth là sắc đỏ. Và bức chân dung hoành tráng cô treo ở căn hộ của mình là hình ảnh cô mặc một bộ bodysuit màu xanh dương thẫm.
Sue, người không thể tồn tại nếu không có Elisabeth, xuất hiện đầu tiên với bộ cánh màu tím. Mà tím là một biến thể màu sinh ra từ hai màu sắc đỏ, xanh dương.
Nhưng đó chỉ là chi tiết nhỏ nếu đặt cạnh sắc hồng trong bộ nhận diện của chương trình Pump It Up do Sue cầm trịch, là chương trình tiếp nối Sparkle Your Life đã bị ngừng phát sóng của Elisabeth. Màu sắc trên bộ cánh leotard (bodysuit một mảnh chuyên dụng trong thể thao) của hai nữ chính – Elisabeth là xanh dương đậm, và Sue là hồng sáng ngọt ngào – cho thấy Sue không giữ lại bất kỳ điều gì trong phong cách của nhân dạng gốc. Đổi tất ống chân xanh thành tất ống chân cam (tổ hợp từ màu đỏ và vàng), đổi make-up tối giản của Elisabeth thành make up lấp lánh màu magenta (tổ hợp của xanh và đỏ), tất cả đều là một bản “remix” từ tủ đồ gốc.
Thần Dược luôn nhắc nhở về thông điệp: “You Are One” (Hai bạn là một), nhưng cuộc “cách mạng” màu sắc của Sue và thực tế rằng Sue gần như không bao giờ sử dụng lại bất kỳ trang phục nào mà Elisabeth có, đã khẳng định rằng trong tâm thức của Sue ngay từ ban đầu, cô không muốn mình được xem là một phần của Elisabeth.
Chính sự bất hợp tác này từ trong tâm tưởng đã làm nên mâu thuẫn giữa hai bản thể, lót đường cho những bi kịch về sau, khi Sue đã không tôn trọng lịch trình hoán đổi và không quan tâm đến hậu quả mình gây ra cho Elisabeth, trong khi Elisabeth sinh lòng đố kỵ với nhan sắc và sự nghiệp của Sue. Liều thuốc níu kéo thanh xuân của Elisabeth phản tác dụng sau một vài lần hoán đổi đầu tiên diễn ra suôn sẻ.
Thời trang miêu tả hai thái cực trong nhận thức về vẻ đẹp hình thể
Áo trench coat, quần tây, sơmi kiểu – tủ đồ thời trang kín đáo của Elisabeth trong The Substance tràn ngập rung cảm trưởng thành, giàu có của một ngôi sao đã có sự nghiệp lâu dài và vững bền. Song, đây đồng thời được xem là lớp “kén vải” để Elisabeth thu mình lại, khi bà không còn yêu thích cơ thể đã nhuốm dấu hiệu tuổi tác của mình.
Thông điệp này khẳng định rõ hơn khi Elisabeth chịu tốc độ lão hóa khủng khiếp do hậu quả từ hành vi phá vỡ lịch trình 7 ngày của Sue, bà càng đắp lên mình nhiều lớp vải hơn nữa để cố che đi làn da: Đeo găng tay opera, choàng khăn, đi tất dài.
Ở phía ngược lại, Sue, với áo graphic, áo hai dây, quần jeans ngắn cũn hay váy tennis là nguồn năng lượng sôi nổi của một ngôi sao trẻ đang lên. Cô không ngại những ánh mắt săm soi vào mình trong chiếc áo leotard cắt xẻ, phát sóng cho hàng triệu người xem.
Tủ đồ của Sue đầy ắp họa tiết, trong khi Elisabeth dường như chỉ có màu trơn. Elisabeth càng lún sâu vào sự tự ti khi nhìn thấy chương trình TV có Sue thay thế mình thì trang phục của Sue càng lấp lánh, như lấy đi hết tất cả những tự tôn và hào quang còn lại của ngôi sao một thời Elisabeth.
Hai thị hiếu trái ngược trong tủ đồ cũng chính là sự chuyển dịch thường thấy cùng với tuổi tác của hầu hết các cô gái. Càng trưởng thành, họ càng đằm tính hơn với thời trang. Mini nhường chỗ cho midi, maxi. Áo croptop đổi thành sơmi dài.
Khoan hãy bàn đến việc này tốt hay xấu ra sao, phải thừa nhận một phần động lực khiến họ làm vậy là định kiến tiêu cực của xã hội trước những dấu hiệu lão hóa, suy nghĩ áp đặt về cách thể hiện mình của phụ nữ. Đây cũng chính là điều đã đẩy Elisabeth đến quyết định sử dụng Thần Dược, vì bà không thể chấp nhận được sự thật rằng mình đã không còn “hấp dẫn” trong mắt đại chúng.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:
VƯƠNG GIA VỆ KỂ CHUYỆN TÌNH BẰNG THỜI TRANG TRONG PHIM
THỜI TRANG TRONG PHIM ELVIS SẼ GÂY TIẾNG VANG NHƯ THE GREAT GATSBY?
NHỮNG BỘ CÁNH THỜI TRANG TRONG PHIM EUPHORIA ĐƯỢC TÌM KIẾM NHIỀU NHẤT
Harper’s Bazaar Việt Nam