Thế hệ Yuppie của thập niên 1980: Họ là ai?

Thế giới đã thay đổi nhanh chóng vào những năm 1980. Nổi bật trong số đó phải kể đến sự xuất hiện của cộng đồng Yuppie.

Có thể xem 1980 là một thập kỷ có nhiều chuyển biến lớn của nhân loại, cả về kinh tế, đời sống và thời trang. Một thay đổi lớn trong xã hội trong giai đoạn này là sự phát triển của tầng lớp trung lưu. Trong số đó, giới trí thức trẻ – giỏi – giàu nổi lên như một hiện tượng. Thuật ngữ “Yuppie” ra đời từ đây.

“Yuppie” là từ dùng để chỉ những người trẻ có nền tảng giáo dục tốt. Họ đảm nhiệm công việc với mức lương cao, sống tại hoặc gần các thành phố lớn. Nó được sử dụng phần nhiều ở Hoa Kỳ, thường là trong lĩnh vực chính trị và xã hội.

Ở các quốc gia khác, chẳng hạn như Anh, Nga và Mexico, “Yuppie” cũng mang ý nghĩa tương tự về việc mô tả nhóm người trẻ tuổi, thành đạt và giàu có. Thuật ngữ này có xu hướng lan rộng và phát triển mạnh trong các nền kinh tế thịnh vượng.

Tại sao lại gọi là Yuppie?

Yuppie là cụm từ ghép bởi các từ sau: Young (trẻ trung) – Urban (đô thị) – Professional (có chuyên môn) – hipPIE (lập dị, nổi loạn).

Tạm hiểu đây là những người trẻ lớn lên ở thời kỳ đô thị hóa. Có trình độ học vị cao và thích nổi loạn.

Có một số tranh luận về người đầu tiên đặt ra thuật ngữ “Yuppie”. Nhiều người cho rằng “cha đẻ” của nó là Joseph Epstein. Ông là một nhà văn và cựu biên tập viên của tờ The American Scholar. Một số khác thì tin nhà báo Dan Rottenberg mới là người đặt ra thuật ngữ này. Từ “Yuppie” được tìm thấy trong bài báo của Rottenberg. Với tiêu đề “Về sự phục hưng đô thị” cho tạp chí Chicago.

Các chuyên gia nhận định rằng: Sự xuất hiện đầu tiên của ‘‘Yuppie’’ là trong số báo xuất bản của tạp chí Chicago. Vào tháng 5 năm 1980 . Bài viết có tựa đề “Từ Yippie đến Yuppie”. Yippies dùng để gọi thành viên của Đảng Quốc tế Thanh niên; một nhóm phản văn hóa xuất hiện vào cuối những năm 1960. Thuật ngữ “Yuppie” bắt nguồn từ cách sử dụng tiếng lóng của khái niệm Yippie trong từ “hippies”.

>>> Xem thêm: THẬP NIÊN 1980: KHI NGÀNH GIẢI TRÍ CHI PHỐI THỜI TRANG

Yuppie – Họ trông như thế nào?


Họ có mức thu nhập trung bình hơn 40.000 đô-la Mỹ một năm, vào thời đó. Một số ngành nghề điển hình liên quan đến Yuppie bao gồm tài chính, công nghệ, học thuật… Đặc biệt là những ngành liên quan đến tư duy và giao tiếp xã hội.

Tuy nhiên, thế hệ này không chỉ gói gọn trong phạm vị độ tuổi và mức thu nhập trong xã hội. Nói một cách chính xác thì Yuppie còn phản ánh cả thái độ và phong cách sống.

Châm ngôn sống của những người trẻ này là “làm hết sức, chơi hết mình”.

Giới trẻ Yuppie sống thiên về vật chất. Họ tiêu tiền thả ga như một cách chứng minh cho thế giới thấy họ đã thành công như thế nào. Yuppie lái BMW hoặc những chiếc xe thể thao đa dụng (SUV) phổ biến. Họ đeo đồng hồ Rolex. Và khoác lên mình những bộ suit lịch lãm của Ralph Lauren hoặc Hugo Boss. Còn gì nữa? Họ chỉ uống nước khoáng có ga đóng chai Perrier!

Bộ phim When Harry Met Sally… (1989) từng gây tiếng vang khi mô tả rõ nét tư tưởng, tình cảm và cách sống của giới trẻ Yuppie.

Nhân vật Harry và Sally trong phim do diễn viên Billy Crystal và Meg Ryan thủ vai.

Cùng với một sự nghiệp thành công, những người trẻ tài giỏi và giàu có này đã tự tạo nên một văn hóa nhóm tách biệt. Chủ nghĩa mà các Yuppie theo đuổi là chủ nghĩa cá nhân. Lối sống phô trương và phong cách ăn mặc của họ cũng phản ánh rõ nét tốc độ phát triển nhanh của nền kinh tế thế giới suốt những năm 1980. Xu hướng thời trang Yuppie là một cái gì đó năng động và khác biệt, điều chưa từng thấy trước đây.

Phong cách đặc trưng của Yuppie & Hình mẫu từ “Bà đầm thép” Margaret Thatcher  

Ăn mặc để thành công” và “ăn mặc để gây ấn tượng” là phương châm cốt lõi của thế hệ Yuppie. Thời trang là cách để những doanh nhân trẻ này thể hiện sự giàu có. Vì thế, nó trở thành một phần rất quan trọng trong cuộc sống của họ.

Thêm vào đó, sự gia tăng của phụ nữ trong lực lượng lao động được xem là hiện tượng của thời kỳ này. Sự chuyển đổi vai trò của nữ giới đòi hỏi một phong thái ăn mặc hoàn toàn mới.

Áo vest đệm vai rộng, chân váy bút chì phủ qua gối và mái tóc đánh phồng. Phong cách của “Bà đầm thép” Margaret Thatcher là hình mẫu của phụ nữ Yuppie.

Khi nói tới đây, ta chắc chắn phải nhắc đến Margaret Thatcher – nữ Thủ tướng đầu tiên trong lịch sử Anh quốc. “Bà đầm thép” luôn xuất hiện trong bộ suit hay đầm ôm vừa vặn cơ thể. Cùng mái tóc uốn xoăn chải phồng về phía sau. Giới thời trang cho rằng: Dấu ấn thời trang đóng một vai trò quan trọng trong thành công chính trị của bà Thatcher.”

Sự chuyển đổi vai trò của nữ giới và bước ngoặt mới trong thời trang công sở 

Chỉn chu, thanh lịch nhưng đầy uy quyền. Phong cách power dressing của bà trở thành hình mẫu đại diện cho những người phụ nữ nắm giữ chức vụ cao nơi công sở. Người đàn ông và phụ nữ Yuppie đều thể hiện vai trò, vị trí cao trong công việc thông qua bộ đồ suit quyền lực. Vai rộng là chi tiết phải có. Bên cạnh đó, điểm nhấn quan trọng không thể thiếu là các miếng đệm vai; nhằm tạo độ phồng oai vệ.

Yuppie thể hiện sự thành công trong công việc thông qua bộ đồ suit độn vai, nhằm tạo diện mạo quyền lực và oai vệ.

Tủ quần áo của nam Yuppie gồm áo khoác hai hàng nút và quần tây dài theo gam màu xám, đen hoặc khaki. Họ cũng thường chuộng áo sơ-mi màu xám, sọc hoặc màu nhạt. Trong khi đó, trang phục công sở của nữ Yuppie được mô tả “chẳng có tí gì khác tủ đồ của đàn ông, nếu không tính chân váy của họ”.

Điều này cũng dễ hiểu bởi thiết kế áo khoác của nữ giới cũng sử dụng kỹ thuật may đo (tailor-made) và độn vai. Tất cả nhằm tăng vẻ quyết đoán, mạnh mẽ cho họ khi xuất hiện cùng đồng nghiệp nam tại nơi công sở hoặc trong các buổi họp quan trọng.

Thời trang Yuppie của cả hai giới đều đề cao chất liệu vải cao cấp. Không họa tiết hay màu sắc sặc sỡ. Kiểu dáng trang phục đơn giản. Đường cắt may gọn ghẽ thông minh để đạt tối đa tính linh hoạt khi di chuyển. Một bộ trang phục hào nhoáng, kết cấu phức tạp, điểm nhiều chi tiết không được xem là của Yuppie.

Cơ hội ăn nên làm ra của các thương hiệu đồ Âu, từ phổ thông đến cao cấp

Yuppie luôn có sự ám ảnh về hình ảnh cá nhân, thế nên “trang phục thiết kế” là điều kiện tiên quyết hơn bất kỳ yếu tố nào khác. Có cầu ắt có cung. Yuppie nghiễm nhiên là nhóm tiêu dùng béo bở của mọi nhãn hiệu thời trang. Cộng đồng này cũng được đánh giá cao bởi đặc tính trung thành với thương hiệu quần áo hơn các thế hệ trước.

Mẫu thiết kế power suit của Donna Karan 1988.

Như đã đề cập về phương châm sống của Yuppie – “ăn mặc để thành công”, “ăn mặc để gây ấn tượng” – vị thế của bản thân họ phải song hành cùng các nhãn hiệu phổ biến nhất. Có thể liệt kê những cái tên thịnh hành trong thập niên 1980. Đó là Ralph Lauren, Calvin Klein, Nike, ADIDAS, Banana Republic, The Gap, Izod, Lacoste, Member Only và Gloria Vanderbilt Jeans.

>>> Xem thêm: “ĐÔI CÁNH ĐẠI BÀNG” EMPORIO ARMANI: SỰ CÁCH TÂN CỦA MỘT THƯƠNG HIỆU

Thị phần thời trang cũng bắt đầu có sự xoay chuyển rõ rệt từ đây. Nhận thức được nhu cầu tăng cao của âu phục, rất nhiều nhà thiết kế cao cấp quyết định chuyển đổi thị trường và đưa thời trang cao cấp trở nên đại chúng hơn. Quyết định sáng suốt này đã mang về mức doanh thu béo bở cho nhiều thương hiệu. Điển hình là Donna Karan, Azzedine Alaia, John Galliano, Moschino, Giorgio Armani, Dolce & Gabbana, Vivienne Westwood, Jean Paul Gaultier…

Trong số đó, Calvin Klein, Ralph Lauren và Giorgio Armani là sự lựa chọn yêu thích của phần lớn Yuppie. Nhà mốt thành công nhất chắc chắn là Giorgio Armani. Những mẫu suit cho cả nam lẫn nữ trở thành thiết kế biểu tượng gắn liền với thương hiệu Armani. Chúng đồng thời giúp nhà thiết kế Giorgio Armani trở thành ông hoàng thời trang của nước Ý.

Cộng đồng Yuppie có còn tồn tại?

Theo tờ Newsweek, năm 1984 là giai đoạn thăng hoa nhất của Yuppie. Khi ấy, giới trẻ khát khao được là một phần của Yuppie. Họ thậm chí còn bắt chước phong cách ăn mặc để trông giống như một Yuppie. Thế nhưng cái gì nhanh đến thì cũng nhanh đi. Thời hoàng kim của Yuppie chỉ tồn tại vỏn vẹn trong một thập kỷ. Các nhà phê bình mô tả sự sụp đổ của thị trường chứng khoán vào tháng 10 năm 1987 là hậu quả tất yếu của một thế hệ tham vọng, điên cuồng vì sự nghiệp.

Phim Wall Street 1987. Copyright (c) 20th Century Fox Film Corp. Courtesy Everett Collection.

Tuy nhiên, ta cần nhớ rằng Yuppie là những người đã tiên phong cải thiện hạ tầng đô thị ở các khu dân cư. Họ biến những nhà kho và ngôi nhà đá nâu xuống cấp trở thành những bất động sản có giá trị.

Phong cách ăn mặc của họ có tác động văn hóa lâu dài. Hendrik Hertzberg, biên tập viên của New Republic, đã viết:

“Yuppie đã tạo nên một chuẩn mực thời trang cho những doanh nhân trẻ sau này. Họ trở thành một ví dụ để thế hệ sau – những người trẻ tuổi thành đạt – ít phô trương trong việc thể hiện sự giàu có cá nhân, sống lành mạnh và khoan dung hơn”.

Trong thế kỷ 21, thuật ngữ Yuppie mang ý nghĩa mới; trong khi vẫn giữ tính cơ bản của Yuppie gốc. Ví dụ, do sự lên ngôi của giao tiếp điện tử trong thời đại công nghệ 4.0; Yuppie có thể ám chỉ giới kỹ sư công nghệ ở Thung lũng Silicon. Họ không nhất thiết phải có các kỹ năng xã hội như thế hệ Yuppie ban đầu. Nhưng vẫn làm việc cho những công ty danh tiếng với mức lương khổng lồ.

Trên thực tế, việc xác định thế hệ Yuppie mới cũng trở nên khó khăn hơn vì họ không có xu hướng phô trương vật chất.

Có lẽ do đó thuật ngữ Yuppie không được sử dụng rộng rãi như trong những năm 1980. Một bài đánh giá năm 2015 trên tờ The New York Times đã đưa ra lời phân tích: “Định nghĩa về Yuppie giờ đây đã bị phân mảnh. Cộng đồng Yuppie thời hiện đại nên được gọi là Micro-yuppie. Thế hệ millennials cũng là một trong số đó”.

Rõ ràng, dù xã hội thiên biến vạn hóa, cách tiếp nhận và mục tiêu của thế hệ Yuppie cũ và mới đều như nhau. Đó là cùng tham gia và đóng góp tích cực cho xã hội thông qua nghề nghiệp của họ.

Harper’s Bazaar Vietnam

Xem thêm