Ngày hôm nay họ là con gà đẻ trứng vàng của một thương hiệu, nhưng ngày mai đã có thể không được xuất hiện ngay trong show diễn của chính mình. Đó là số phận của các nhà thiết kế. Thế giới thời trang cao cấp ngày càng nhiều cạnh tranh cùng với sự tham gia của nhiều cái tên mới. Một khi bộ sưu tập của hãng không tạo được phản ứng như mong đợi hay chỉ cần một lỗi lầm cá nhân có thể ảnh hưởng tới uy tín thương hiệu, giám đốc thiết kế sẽ là người gánh mọi trách nhiệm.
Thời trang – canh bạc nghiệt ngã của số phận
Bước vào thế giới thời trang, các nhà thiết kế đã chấp nhận tham gia một canh bạc lớn. Khi còn là quân bài chủ chốt của thương hiệu, họ sẽ đứng trên bục kim cương lấp lánh. Khi sức lực đa cạn kiệt hoặc làm ảnh hưởng xấu tới danh tiếng của hãng, họ sẽ bị loại bỏ một cách vô tình. Trường hợp của Hannah MacGibbon với hãng Chloé, Christophe Decarnin với Balmain hay John Galliano và hãng Dior là những ví dụ.
Bản thân John Galliano trước khi đến với làng thời trang cũng đã bước qua nhiều thăng trầm của cuộc sống. Là một người di cư từ Gibraltar tới Anh, sau khi tốt nghiệp trường thời trang Central Saint Martins, chàng trai trẻ Galliano lúc đó mở một nhà may nhỏ ở London. Thế nhưng, không được bao lâu anh đã phá sản. Tới Paris để tìm kiếm cơ hội nhưng suốt hai năm trời, nhà thiết kế này phải sống nhờ bố thí và ngủ trên băng ghế công viên.
Chỉ đến khi tổng biên tập một tạp chí thời trang phát hiện và giới thiệu, Galliano mới trở thành giám đốc sáng tạo của Givenchy vào năm 1995 rồi chuyển sang Dior một năm sau đó. Galliano chính thức bước lên thảm vàng của ngành công nghiệp thời trang. Anh đã đưa doanh thu của Dior lên đến 600 triệu euro mỗi năm. Thế rồi, Dior sa thải Galliano ngay sau khi video ghi lại cảnh anh đang lè nhè phỉ báng người Do Thái bị tung lên mạng.
Dù nhiều tai tiếng về việc lạm dụng chất gây nghiện, mọi người vẫn tung hô anh như một hoàng tử vàng của làng thời trang. Tuy nhiên, lần này mọi chuyện đã khác. Ai cũng phạm lỗi, nhưng đâu phải lỗi lầm nào cũng có thể dễ dàng tha thứ.
Dẫu vậy, nếu nhìn mọi việc ở khía cạnh tươi sáng hơn, có lẽ việc tạm dừng những chuỗi ngày làm việc đầy căng thẳng, thậm chí không có thời gian để than khóc khi cha qua đời, lại là điềm lành cho Galliano. Rời xa guồng máy quay cuồng này giúp Galliano điềm đạm hơn. Anh đã có thể bình tĩnh phát biểu những lời xin lỗi và mong mọi người bao dung với mình.
Tài năng thật sự sẽ không dễ bị nhấn chìm
Trước Galliano, huyền thoại Coco Chanel cũng từng vướng vào một scandal tương tự. Dù là một tên tuổi lớn trong ngành thời trang nhưng việc có quan hệ tình ái với một nhà quý tộc bị nghi ngờ là sỹ quan tình báo Đức Quốc Xã khiến Chanel bị chỉ trích nặng nề. Sau chiến tranh, bà phải chuyển đến sống ở Thụy Sỹ. Chín năm sau, khi trở lại Paris cũng như thế giới thời trang, bà vẫn phải nhận thái độ e dè của người Pháp. Tuy nhiên, những thiết kế tân thời, sắc sảo của bà được đón nhận nồng nhiệt ở cả Anh và Mỹ.
Hay Marc Jacobs từng bị cáo buộc là ăn cắp mẫu thiết kế, Calvin Klein là đối tượng của hàng loạt tranh cãi sau những lời chỉ trích ông đã lạm dụng hình ảnh mang tính khiêu dâm của người mẫu vị thành niên, nhưng rồi họ vẫn có thể trở lại đầy ngoạn mục.
Vậy mới thấy, trong thế giới thời trang, chuyện có một xuất thân thấp kém, bị sa thải, tẩy chay hay những thăng trầm khác đều không thể nhấn chìm một tên tuổi một khi họ đã có tài năng thật sự và cả quyết tâm.
Đường đời không là ngõ cụt
Nói đến thăng trầm của sự nghiệp, ta không thể không nhắc đến câu chuyện của Alber Elbaz, nhà tạo mốt người Israel gốc Morocco, hiện đang là giám đốc sáng tạo của thương hiệu Lanvin.
Từng làm qua nhiều công việc liên quan đến may mặc, năm 1997, Elbaz được giới thiệu đến Guy Laroche và trở thành ngôi sao mới trong giới thời trang. Hai năm sau, anh tìm đến Yves Saint Laurent. Tài năng của Elbaz khiến người sáng lập của hãng định trao cho anh vai trò thiết kế chính để mình yên tâm về hưu.
Trớ trêu thay, Gucci Group đã mua lại nhãn hiệu ready-to-wear Yves Saint Laurent Rive Gauche. Giám đốc sáng tạo của Gucci lúc đó là Tom Ford đã đích thân đảm nhiệm trọng trách thiết kế. Alber Elbaz chuyển sang Ý, làm việc cho hãng Krizia. Thế nhưng cũng chẳng được bao lâu, cuộc tranh cãi với người sáng lập hãng đã đẩy Elbaz ra đường. Chán nản, anh đã đi du lịch khắp nơi và ấp ủ những ý tưởng mới trong vòng một năm.
Năm 2001, anh quay lại và trở thành giám đốc sáng tạo của Lanvin. Những thiết kế quyến rũ của anh đã khiến Sarah Jessica Parker, Nicole Kidman… say mê. Anh đã giúp doanh thu hàng năm của hãng thời trang đã phát triển hơn một thế kỷ này tăng lên gấp đôi chỉ vài năm sau đó. Năm 2010, anh còn thiết kế dòng sản phẩm Lanvin cho H&M khiến nhiều fan xếp hàng cả đêm để được sở hữu những trang phục tuyệt đẹp này.
Nhớ lại cú sốc bị gạt ra khỏi Yves Saint Laurent, Alber Elbaz chia sẻ: “Nếu lúc đó mọi chuyện không diễn ra theo chiều hướng ấy, tôi đã không đứng ở đây và làm được những việc như bây giờ”.
Đúng vậy, không có con đường nào là ngõ cụt. Chỉ cần nhìn mọi thứ bằng một tâm thế vững vàng và tích cực, bất cứ ai cũng có thể đứng dậy sau những thất bại. Mỗi ngã rẽ dù là tồi tệ nhưng sẽ dẫn nhà thiết kế ra một lối đi mới bởi trong thời trang, không có gì là không thể.
Bài: Minh Phương. Ảnh: Getty Images