Tập đoàn Kering, công ty chủ quản của các thương hiệu như Gucci, Saint Laurent, Bottega Veneta, Balenciaga và Alexander McQueen, vừa báo cáo tài chính cho Quý 1/2024. Trong quý đầu năm, doanh số bán hàng kể đến tháng 3/2024 đã giảm 11%, chỉ còn 4,5 tỉ euro.
Tại buổi báo cáo tài chính, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Kering François-Henri Pinault thú nhận: “Mặc dù chúng tôi đã dự đoán rằng năm mới sẽ có khởi đầu đầy thách thức, nhưng điều kiện thị trường trì trệ, đặc biệt là ở Trung Quốc, và việc tái định vị các thương hiệu một cách chiến lược – bắt đầu với Gucci, đã gây áp lực đến biên lợi nhuận”.
Dựa trên xu hướng suy giảm doanh thu, tập đoàn hiện dự đoán thu nhập hoạt động ròng (operating income) trong nửa đầu năm 2024 sẽ giảm từ 40 đến 45% so với nửa đầu năm 2023.
Cách đây một tháng, tập đoàn Kering từng gây bất ngờ khi đưa ra cảnh báo về lợi nhuận, điều mà tập đoàn hiếm khi thực hiện. Kering báo hiệu rằng tập đoàn gặp khó khăn hơn dự tính trong việc thay đổi hình ảnh của Gucci. Tuy nhiên cảnh báo này không tệ như cảnh báo về thu nhập giảm sâu mà tập đoàn Kering đưa ra trong buổi báo cáo tài chính quý 1/2024. Cổ phiếu của tập đoàn đã lao dốc từ lúc đó, giảm 18% tính từ 19/3 đến nay.
Đọc nhanh về báo cáo tài chính Quý 1/2024 của tập đoàn Kering
- Doanh thu hữu cơ ở Gucci giảm 18% trong quý đầu năm. Mức giảm hai con số khá nặng nề so với quý 4/2023, khi thương hiệu giảm 4%, nhưng lại ít hơn ước tính 19,4% mà các nhà phân tích tài chính đưa ra.
- Doanh số từ Saint Laurent giảm 6%.
- Các thương hiệu nhỏ hơn như Balenciaga, Alexander McQueen và Boucheron giảm 6%.
- Bottega Veneta là điểm sáng khi tăng 2%.
- Doanh thu từ mắt kính và mỹ phẩm tăng 9%.
Tập đoàn Kering dốc hết vốn liếng cho Gucci
Hiện tại, thương hiệu Gucci đang trải qua quá trình cải cách, thay đổi thẩm mỹ, hình ảnh và phân khúc thị trường dưới sự lèo lái của tân giám đốc sáng tạo Sabato de Sarno và tân giám đốc điều hành Jean-François Palus.
Những thay đổi tại Gucci đòi hỏi sự đầu tư lớn từ công ty mẹ. Doanh thu chưa phục hồi – và ước tính sẽ không phục hồi trong Quý 2/2024 – cộng thêm chi phí tăng cao là lý do vì sao tập đoàn Kering ước tính rằng thu nhập hoạt động ròng trong nửa đầu năm 2024 sẽ giảm 40% khi tập đoàn phải chi mạnh tay cho thương hiệu chủ chốt của mình.
Biết rằng bất kỳ giai đoạn chuyển giao nào cũng gập ghềnh và khó đoán trước, tuy nhiên sự sụt giảm trong doanh thu và biên lợi nhuận lớn hơn dự kiến đã khiến các nhà phân tích tài chính và nhà đầu tư lo ngại.
Các nhà phân tích tại công ty tư vấn Bernstein cho biết: “Không có gì đáng ngạc nhiên khi các thương hiệu trong quá trình chuyển đổi có thể gặp khó khăn lớn. Dẫu vậy, mức độ sụt giảm lợi nhuận vẫn khiến chúng tôi ngạc nhiên.”
Sự phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc là điểm yếu của thương hiệu Ý
Cảnh báo từ tập đoàn Kering đã làm dấy lên mối lo ngại về triển vọng phục hồi của Trung Quốc – thị trường lớn của ngành hàng xa xỉ phẩm và cũng là thị trường quan trọng từ trước đến nay của Gucci. Vốn, quốc gia này đã bị bủa vây trong tin tức khủng hoảng bất động sản cũng như tỉ lệ thất nghiệp cao ở thanh niên.
Theo tập đoàn phân tích, thị trường Châu Á – Thái Bình Dương giảm 19%, Bắc Mỹ giảm 11%, Châu Âu giảm 9%, Trung Quốc giảm 20%. Điểm sáng duy nhất là Nhật Bản với mức tăng trưởng 16%, khi khách du lịch đổ xô đến đây mua sắm nhân cơ hội đồng yên Nhật suy yếu, và Trung Đông với mức tăng trưởng 6%.
Theo giám đốc tài chính tập đoàn Kering, bà Armelle Poulou, “Trung Quốc là khu vực khó khăn nhất đối với Gucci vào thời điểm hiện tại. Có lẽ tất cả những điểm yếu của thương hiệu trở nên trầm trọng hơn ở Trung Quốc”.
Vấn đề trên hết là sự định vị thương hiệu. “Gucci hiện không ở vị trí thuận lợi về mặt định vị, bị cho là không đủ cao cấp hoặc không đủ phải chăng”.
Bên cạnh đó, hiện tại các thiết kế của tân giám đốc sáng tạo Sabato de Sarno vẫn đang từ từ được sản xuất; nhiều mẫu mã trên sàn diễn chưa có mặt trên các quầy kệ. Do đó, khách hàng tạm dừng mua sắm để đón chờ những sản phẩm mới.
“Bối cảnh [kể trên] có thể thay đổi và mọi thứ có thể thay đổi nhanh chóng [khi các bộ sưu tập mới lên kệ]”, bà Armelle Poulou khẳng định.
Các thiết kế từ Sabato de Sarno sẽ chiếm khoảng 25% tổng mặt hàng trên kệ vào Quý 2/2024. Đến giai đoạn nửa cuối năm 2024 thì toàn bộ các thiết kế theo mùa sẽ được cập nhật. Bà cho biết rằng những thiết kế mới hiện chỉ chiếm 7% tổng doanh thu nhưng nhận được phản hồi nồng nhiệt từ khách hàng.
Tập đoàn Kering đang tìm cách đưa Gucci lên một định vị cao cấp hơn, và phong cách thiết kế tối giản, cổ điển của Sabato de Sarno phản ánh nỗ lực này. Tuy nhiên, với những thông tin mà tập đoàn Kering đưa ra trong Quý 1/2024 thì những hiệu quả từ màn hợp tác với Sabato de Sarno cũng sẽ chưa thể hiện rõ trong Quý 2/2024.
TIN TÀI CHÍNH THỜI TRANG:
TÚI XÁCH, NƯỚC HOA CỦA TẬP ĐOÀN LVMH VƯỢT MẶT RƯỢU VANG PHÁP VỀ XUẤT KHẨU
CÁCH NHỮNG TẬP ĐOÀN THỜI TRANG LVMH, KERING TỐI ƯU HÓA LỢI NHUẬN KHI LẤN SÂN SANG ĐIỆN ẢNH
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar