Dạy con tuổi dậy thì, dễ hay khó?

Khi đứa con ngoan hiền đến tuổi dậy thì bỗng trở nên ương ngạnh, hỗn hào đối đầu với mình, phần lớn bậc làm cha mẹ thường khó chấp nhận cú sốc này. Đâu là nguyên nhân?

Nhiều lúc chị thật sự cảm thấy bất lực trong việc dạy con tuổi dậy thì. Con bé nhà chị càng lớn càng khó bảo. Hễ chị bảo thế này thì nó phải làm ngược lại mới vừa lòng. Đã thế còn cãi tay đôi với ba mẹ. Chị nản quá, con với chả cái!”. Dạo này, cứ gặp tôi là chị tôi lại than thở về cô con gái đang tuổi dậy thì của mình.

Tôi thì không lạ cô con gái xinh xắn, ngoan ngoãn và học giỏi của chị. Có điều hai vợ chồng chị đều là sếp lớn của công ty nên ít có thời gian dành cho con cái. Việc đưa đón đi học đã có tài xế riêng lo, còn ăn uống thì nhà đã có người giúp việc. Ở tuổi 14, cô bé đã bắt đầu biết quan tâm tới sắc đẹp và cũng trở nên ương bướng hơn. Có lần chị thấy con đứng trước gương hàng giờ để tạo dáng như các cô người mẫu trong các tạp chí thời trang. Tiền chị cho đi học mỗi ngày, cô bé dành để sắm quần áo và đồ trang điểm.

Con bé hay trốn trong phòng nói chuyện điện thoại với bạn hàng tiếng đồng hồ; dùng toàn là những tiếng lóng mà chị không hiểu gì cả. “Chị không muốn làm bà ngoại sớm, em hiểu không?” Chị tôi buông câu kết luận đầy căng thẳng về việc dạy con tuổi dậy thì.

Nguyên nhân xung đột giữa cha mẹ và con cái

Xung đột và mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái, cùng việc dạy con tuổi dậy thì là một vấn đề muôn thuở và dễ gây tranh cãi. Cho dù chúng ta cố tình phóng đại hoặc coi nhẹ điều này, chúng vẫn diễn ra hằng ngày. Ngoài sự tổn thương về mặt tình cảm, các bậc phụ huynh còn cảm thấy sụp đổ.

Nguyên nhân là vì những gì mình nghĩ về con trước giờ hóa ra sai hết. Họ sợ rằng quyền làm cha làm mẹ của mình vốn trước giờ là bất khả xâm phạm, nay đã bị công khai thách thức. Họ đổ hết tất cả những điều đó lên điều kiện môi trường bên ngoài hoặc bạn bè xấu tác động. Nhưng rất ít phụ huynh nhận thức được chính bản thân mình mới là nguyên nhân chính của sự ương bướng bất ngờ đó.

Nhà tâm lý học trẻ em nổi tiếng người Thụy Sĩ Jean Piaget đã đưa ra ba nguyên nhân chính gây ra những xung đột giữa cha mẹ và con cái: Cha mẹ dành quá ít thời gian bên con; Vì không hiểu con nên các bậc cha mẹ có những cách dạy con sai lầm; Cha mẹ đặt ra những kỳ vọng không thích hợp cho con mình.

Nhân tố tác động bên ngoài theo Piaget là không đáng kể, nếu cha mẹ và con cái xây dựng được một mối quan hệ tốt đẹp. Hay nói cách khác, chính cha mẹ phải là người chịu trách nhiệm chính trong việc con cái trở nên hư hỏng hoặc chống đối lại mình, chứ không phải do môi trường bên ngoài.

Đọc thêm: Làm mẹ có phải thiên chức cao quý nhất của phụ nữ hiện đại

Bốn kiểu cha mẹ tiêu biểu

Các nhà tâm lý học chia cách dạy con của các ông bố bà mẹ thành bốn nhóm chính như sau:

  1. 1. Authoritarian parents (Nhóm cha mẹ độc tài). 

    Đây là nhóm những ông bố, bà mẹ rèn con bằng kỷ luật sắt. Họ luôn bắt con mình phải phục tùng mệnh lệnh; hoàn thành mục tiêu do họ đề ra nhưng không bao giờ lắng nghe con cái. Mọi phản ứng dù lớn hay nhỏ của con cái đều được xem là sự thách thức đối với quyền làm cha làm mẹ, và cần phải bị trừng trị thích đáng.

  2. 2. Permissive parents (Nhóm cha mẹ nhu nhược). 

    Những phụ huynh này quá dễ dãi với con cái của mình. Họ đặt ra những quy định nhưng không quan tâm con cái có tuân theo chúng hay không. Để tránh xung đột với các con, họ ít khi la mắng hoặc phạt con mình; nhưng cũng ít khi trò chuyện với chúng một cách nghiêm túc. Họ chỉ can thiệp khi mọi chuyện trở nên quá tồi tệ.

  3. 3. Uninvolved parents (Nhóm cha mẹ vô trách nhiệm). 

    Những phụ huynh này xem việc giáo dục con cái họ là trách nhiệm của nhà trường và xã hội. Bổn phận duy nhất của họ là đi làm kiếm tiền lo vật chất cho con; còn lại họ sống cho bản thân trong một thế giới riêng và để con cái “tự sinh tự diệt”.

  1. 4. Authoritative parents (Nhóm cha mẹ dân chủ). 

    Đây là những bậc cha mẹ thực sự thương yêu con. Họ quan tâm tới sự phát triển của chúng qua từng giai đoạn. Họ luôn dành thời gian của mình để trò chuyện và lắng nghe con cái. Nhóm cha mẹ này nghiêm khắc nhưng công bằng. Tất cả những sự trách phạt hoặc khen thưởng đều kèm theo lý do chính đáng; và cách giải quyết hợp lý. Họ cũng không bao giờ so sánh con mình với người khác; hoặc đặt ra những mục tiêu quá khả năng con mình.

Đọc thêm: Phương pháp giáo dục “10 không” của người mẹ có 3 con học Stanford

Ở Việt Nam, nhóm cha mẹ độc tài vẫn còn chiếm đa số

Lí do vì sự ảnh hưởng quá nặng nề của lễ giáo phong kiến buộc con cái phục tùng. Ở một thái cực khác, nhiều bậc cha mẹ lầm tưởng rằng cứ để cho con sống tự do không quản thúc mới là lối giáo dục dân chủ và tiên tiến. Chính họ cũng không hiểu rằng mình đang nằm trong số nhóm cha mẹ nhu nhược; hoặc thậm chí là vô trách nhiệm.

Để trở thành những phụ huynh dân chủ, điều quan trọng nhất là cha mẹ phải giành nhiều thời gian; để trò chuyện và kết nối với cảm xúc của con mình. Những bậc phụ huynh Mỹ ở các gia đình trung lưu trí thức có cách dạy con rất đáng ngưỡng mộ. Họ luôn giữ bình tĩnh ngay cả khi con cái lớn tiếng cãi tay đôi; hoặc bỏ vào phòng đóng sầm cửa lại. Những cuộc cãi cọ của họ và con cái có thể nảy lửa. Nhưng thường kết thúc bằng những cái ôm siết thật chặt; kèm theo lời xin lỗi và câu: “I love you!” chân thành. Họ không giám sát chặt chẽ nhưng luôn cùng ở bên con khi chúng vấp ngã; và cùng con giải quyết vấn đề và rút kinh nghiệm. 

day-con-tuoi-day-thi-hinh-2

day-con-tuoi-day-thi-hinh-3

Bài: Chí Viễn

Tạp chí Harper’s Bazaar Việt Nam số tháng 11/2017

Xem thêm