Sử dụng kem chống nắng có gây thiếu hụt vitamin D trong cơ thể?

Câu hỏi khiến nhiều người băn khoăn khi sử dụng kem chống nắng, đặc biệt là đối tượng dễ bị loãng xương

BZ-kem-chong-nang-can-tro-tong-hop-vitamin-d-feature-1

Kem chống nắng bảo vệ da nhưng khiến cơ thể không tổng hợp được vitamin D? Ảnh: Instagram @supergoop

Mối liên hệ giữa vitamin D và ánh nắng mặt trời

Vitamin D là vitamin cần thiết cho sức khỏe của xương và răng. Thiếu hụt vitamin D có thể gây loãng xương, làm ảnh hưởng đến sức đề kháng tự nhiên của cơ thể.

Để cơ thể sản sinh vitamin D, chúng ta cần tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Tia UVB trong ánh nắng sẽ tác động đến một loại protein gọi là 7-DHC dưới da, từ đó tạo nên vitamin D3, phiên bản hoạt tính của vitamin D cơ thể có thể tiếp nhận.

Nhiều người lo lắng rằng, sử dụng kem chống nắng ngăn cản sự tia tử ngoại có thể ảnh hưởng đến quá trình tổng hợp vitamin D của cơ thể, gây thiếu hụt vitamin D. Suy nghĩ này đúng hay sai?

Mối tương quan giữa kem chống nắng và vitamin D

Nếu câu hỏi bạn đặt ra là “liệu kem chống nắng có gây cản trở cơ thể tổng hợp vitamin D”, thì câu trả lời là có.

Tuy nhiên, câu hỏi “sử dụng kem chống nắng có gây thiếu hụt vitamin D”, thì câu trả lời lại là không.

Như vậy, đừng vội vứt kem chống nắng đi để đi tắm nắng nhé. Vì tuy kem chống nắng có thể gây cản trở quá trình tổng hợp vitamin D của cơ thể, nó không thể gây thiếu hụt vitamin D. Đây là nghiên cứu năm 2019 đăng tải trên chuyên san da liễu Anh, British Journal of Dermatology.

Lý do vì sao?

1. Người ta thường thoa không đủ kem chống nắng

Tiến sỹ Henry W.Lim, chủ nhiệm da liễu tại Hệ thống Y tế Henry Ford, cho biết: Lớp kem chống nắng dày là biện pháp tốt nhất để bảo vệ da khỏi tác hại của tia UV, nhưng cũng gây ảnh hưởng đến khả năng tổng hợp vitamin D ở da.

Tuy nhiên, hầu hết mọi người đều sử dụng kem chống nắng ít hơn tiêu chuẩn mà các bác sĩ da liễu đề ra. Ví dụ, sản phẩm chống nắng bạn đang sử dụng có SPF 50, nhưng hiệu quả sử dụng luôn ít hơn con số trên bao bì, do bạn thoa lớp kem không đủ dày, hoặc không tái sử dụng sau mỗi hai tiếng đồng hồ.

Ngoài ra, kem chống nắng dù sao cũng không thể lọc 100% hàm lượng tia UV tiếp cận với da. SPF 15 có thể loại bỏ 93% tia tử ngoại; SPF 30 là 97% và SPF 50 là 98%. Như vậy, vẫn còn một hàm lượng tia UV rất nhỏ đang tiếp xúc với lớp biểu bì, chậm chạp thúc đẩy sự tổng hợp của vitamin D dù bạn thoa kem chống nắng khi ra đường.

BZ-kem-chong-nang-can-tro-tong-hop-vitamin-d-1-unsplash

Chúng ta thường không thoa đủ hàm lượng kem chống nắng như bác sỹ đề nghị. Ảnh: Unsplash

2. Cơ thể chỉ cần tiếp xúc với tia UVB trong thời gian ngắn để tổng hợp vitamin D

Các bác sỹ da liễu cho biết, chỉ cần để làn da trần tiếp xúc với ánh nắng từ 10 đến 15 phút, khoảng 2-3 lần/tuần, là đủ để cơ thể sản sinh lượng vitamin D cần thiết. Bạn hoàn toàn có thể phơi nắng vào giai đoạn chỉ số UV tương đối thấp (trước 8g sáng và sau 5g chiều) để đạt được hiệu quả này.

Lưu ý: Hãy nhớ rằng quá trình phơi nắng sẽ gây tổn thương ADN, tăng nguy cơ ung thư da và ung thư tế bào đáy. Không nên phơi nắng quá lâu và trong điều kiện chỉ số UV cao. Ngoài ra, các phòng nhuộm nâu da với tanning bed không có tác dụng kích thích cơ thể tổng hợp vitamin D, vì nó sử dụng tia UVA thay vì tia UVB.

>>> Xem thêm: CHỈ SỐ UV LÀ GÌ?

Phơi nắng quá đà mang đến nhiều cái hại hơn ích lợi cho làn da và sức khỏe

Cách bổ sung vitamin D qua đường ăn uống

Nên biết rằng vitamin D có thể được bổ sung bằng nhiều cách khác ngoài tắm nắng. Nói cách khác, bạn không nên cho da tiếp xúc quá nhiều với tia UV chỉ để giúp cơ thể tổng hợp vitamin D.

Cách tốt nhất để nạp vitamin D là qua đường ăn uống. Viện Y học Quốc gia Mỹ cho biết, hàm lượng vitamin D cơ thể cần thiết thay đổi theo độ tuổi như sau (tính bằng đơn vị Internal Units – IU):

  • 400 IU cho trẻ sơ sinh / trẻ 0-1 tuổi
  • 600 IU cho trẻ em, thanh thiếu niên và người lớn từ 1-70 tuổi
  • 800 IU cho người lớn từ 71 tuổi trở lên

Bạn có thể bổ sung vitamin D qua đường ăn uống, khi bổ sung những món ăn sau vào bữa ăn hàng ngày: cá hồi, cá ngừ, cá mòi, dầu gan cá, lòng đỏ trứng, ngũ cốc, sữa chua và nước cam tươi ép.

Bạn cũng có thể phục dụng thực phẩm chức năng. Dầu cá là lựa chọn hoàn hảo cho những người không thích những món ăn kể trên.

Lưu ý: Bạn không nên nạp quá 2000 IU/ngày. Dung nạp vượt mức 2000 IU/ngày sẽ dẫn đến tình trạng ngộ độc, với những tác dụng phụ như thừa canxi trong máu, dẫn đến cảm giác khó chịu, buồn nôn, suy sụp tinh thần.

BZ-kem-chong-nang-can-tro-tong-hop-vitamin-d-food-pexels

Cá hồi là loại cá béo cung cấp vitamin D cho cơ thể. Ảnh: Pexels.

>>> Xem Thêm: GIẢI MÃ BAO BÌ KEM CHỐNG NẮNG: KINH NGHIỆM CHỌN KEM CHỐNG NẮNG TỐT NHẤT

Trích dẫn SkinCancer.org
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm