Sơn gel có hại móng tay không? Thực hư sơn gel gây ung thư

Mời bạn tìm hiểu thêm về sơn gel cùng Harper's Bazaar, để có những lựa chọn phù hợp, vừa đẹp xinh, vừa bảo vệ sức khỏe.

Sơn móng tay gel có gây hại móng không? Hãy cùng tìm hiểu. Ảnh: Shutterstock

Ngày nay, sơn móng tay dạng gel được nhiều phụ nữ ưa chuộng vì chúng bền màu thời gian dài, bóng đẹp và ít bong tróc. Tính thẩm mỹ và tiện lợi của chúng vượt trội so với sơn nước kiểu cũ.

Tuy nhiên, mới đây, một nghiên cứu đã chỉ ra rằng bức xạ từ đèn UV trong quá trình làm khô sơn gel trên móng có thể dẫn đến đột biến, gây ung thư trong tế bào người. Các bác sĩ da liễu cũng cảnh báo, số lượng bệnh nhân điều trị dị ứng với móng gel ngày càng tăng. Điều này làm dấy lên những lo ngại quanh việc sử dụng sơn gel.

Vậy, sơn móng tay gel có ảnh hưởng gì đến sức khỏe? Hãy cùng tìm hiểu.

Sơn móng tay gel là gì, và khác gì với sơn nước thường?

Sơn móng tay gel, như tên gọi, là sản phẩm ở dạng gel mềm. Công thức thoạt nhìn giống nước sơn thông thường, nhưng quy trình sử dụng khác biệt.

Loại sơn móng tay gel chỉ có thể khô khi được hong dưới đèn UV (tia cực tím) hoặc đèn LED (đi-ốt phát sáng) chuyên dụng trong thời gian từ 60–90 giây. Cách làm móng này có quy trình ba bước căn bản gồm lớp keo lót đầu tiên, sơn gel màu và cuối cùng là sơn gel trong suốt bọc lại các tầng phía dưới.

Vì sao sơn móng tay gel được ưa chuộng?

Hiệu ứng sơn ánh nhũ mắt mèo. Ảnh: Vettsy

1. Nhanh khô

Bởi sử dụng đèn UV, sơn gel nhanh khô hơn so với sơn thường. Nếu được thao tác đúng với lớp sơn không quá dày, sơn móng bằng sơn gel chỉ mất vài phút để khô so với đến hơn nửa giờ đồng hồ của sơn nước.

2. Màu lâu bền

Nhờ quá trình hong khô bằng đèn UV, màu sơn hạn chế không lem nhem hay bị tróc trong quá trình khô. Lớp màu cuối cùng vô cùng bền và khó sứt mẻ, có thể duy trì lên đến 3 tuần so với sơn nước chỉ 1 tuần. Tuy nhiên, đến giai đoạn cuối thì lớp gel có thể cong lên và bắt đầu bóc tách khỏi lớp móng bên dưới.

3. Có nhiều hiệu ứng lạ

Với công nghệ sơn móng tay gel tiên tiến, các hãng tung ra vô vàn những hiệu ứng lạ như sơn gel thạch, ánh nhũ flash, nhũ mắt mèo… mà sơn nước truyền thống không thể đạt được.

Sơn gel có hại móng tay không?

Ảnh: TheGelBottle

Nếu từng băn khoản “Sơn gel có hại móng tay không” thì câu trả lời là có nếu bạn lạm dụng. Như bất kỳ sản phẩm mỹ phẩm nào, sử dụng sai cách hay lạm dụng đều mang lại tác động xấu.

1. Gây giòn móng tay

Tuy móng gel có thể đẹp và bền, nhưng chúng cũng có thể gây tổn thương móng. Tác hại của việc sơn móng tay gel chủ yếu là cơ học. Để sơn móng gel bám chắc vào bề mặt móng tay, bạn phải mài thô ráp phần bề mặt móng. Điều này làm mỏng đi lớp móng tay tự nhiên.

Ngoài ra, khi lớp sơn gel bắt đầu cong lên, thay vì để sản phẩm tự bong, chúng ta có khuynh hướng thích lột chúng ra khỏi móng tay. Hành động này khiến lớp gel lột đi thêm phần sừng tự nhiên trên móng tay.

Việc tháo sơn gel bằng cách mài cũng khiến móng mỏng hơn, tổn hại đến móng.

2. Gây khô da tay

Cách tháo lớp sơn móng tay gel an toàn nhất mà không gây mỏng móng tay là dùng acetone. Bạn cần lấy bông gòn tấm đẫm dung dịch acetone và đắp lên móng vài phút đồng hồ. Acetone tuy không gây mỏng móng tay nhưng lại làm khô lớp da xung quanh.

Cách khắc phục: Bạn có thể hạn chế khô da tay khi sơn gel bằng cách dùng kem dưỡng da tay và dầu dưỡng để bổ sung độ ẩm.

Photo by ian dooley on Unsplash

3. Nguy cơ dị ứng sơn móng tay gel

Theo Tiến sĩ Deirdre Buckley thuộc Hiệp hội Bác sĩ Da liễu Anh, nhiều người thường xuyên sơn móng gel có triệu chứng phát ban da và thậm chí thấy khó thở. Nguyên nhân chính là do dị ứng với các hóa chất methacrylate có trong lớp gel sơn móng.

Methacrylate là thành phần chính để liên kết sơn với móng. Nếu công thức chứa quá nhiều hoặc sử dụng methacrylate cấp thấp không polymer hóa hoàn toàn trong quá trình đóng rắn thì sẽ làm tổn hại cho móng tay và gây dị ứng.

Cách khắc phục: Sử dụng sơn gel của thương hiệu uy tín, chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ và được kiểm chứng an toàn trên da. Các thương hiệu để bạn tham khảo là: CND Shellac (Mỹ), Grattol (Đức), The GelBottle (Mỹ), Ice Gel Nail (Nhật)…

Thương hiệu sơn gel Shellac của tập đoàn CND là sản phẩm uy tín. Ảnh: CND

4. Sơn móng gel có thể gây tổn thương gốc móng tay

Phái đẹp thường giữ lớp sơn gel trên móng quá hai đến ba tuần, vì trông chúng vẫn còn đẹp. Rủi ro khi để sơn gel trên móng quá ba tuần là trọng lượng lớp sơn có thể kéo rách ở phần gốc của móng. Điều này có thể làm bong lớp keratin và gây thêm tổn thương cơ học. Khi giữ lớp sơn gel trên móng càng lâu, bạn càng khó loại bỏ. Lúc này việc tác động mạnh để tháo gel cũng dẫn đến nhiều hệ lụy cho móng tay như đã nói.

5. Làm nhanh lão hóa da tay

Sơn gel có hại móng tay không? Trong thực tế, sơn gel có thể gây hại cả da tay lẫn móng tay. Lý do vì khi da tay tiếp xúc với ánh đèn UV, điều này không khác gì để da tiếp xúc ở cự ly gần với tia cực tím. Kết quả là da tay khô, thô ráp, bị nổi đốm nâu dẫn đến nám da về lâu dài.

Cách khắc phục: Ngày nay, các tiệm làm móng đã sắm bao tay cho khách hàng sử dụng trong quá trình hong khô với đèn UV, để hạn chế tia cực tím tiếp xúc trực tiếp với làn da tay. Bạn nên thoa kem chống nắng 20 phút trước khi làm móng để có hiệu quả bảo vệ tốt nhất.

Đeo bao tay để hạn chế tia UV tiếp xúc với da tay. Photo by allison christine on Unsplash

Sơn móng gel có gây ung thư da tay không?

Có người e ngại rằng tiếp xúc với tia UV nhiều sẽ gây ung thư da. Để tìm hiểu thực hư về điều này, chúng ta cần xem xét chi tiết về đèn UV.

Đèn UV là dụng cụ phổ biến ở các tiệm làm móng trên khắp thế giới. Các hộp đèn và đèn phát ra ánh sáng UVA ở quang phổ 340–395nm để thiết lập lớp sơn gel. Điều này đã được chứng minh là có khả năng gây ung thư không thua kém giường nhuộm da (sử dụng quang phổ 280–400nm).

Mặc dù trong nhiều năm qua, tin đồn về việc đèn UV sơn gel có thể gây hại cho da, nhưng không có bằng chứng khoa học vững chắc nào được chứng minh. Cho đến tận năm 2017, FDA (Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ) đã phân loại đèn UV dùng cho móng gel là loại có “nguy cơ thấp” phát triển ung thư da.

Nghiên cứu của Đại học California cũng phát hiện rằng, đèn UV có thể giết chết tế bào. Chỉ sau 20 phút tiếp xúc với đèn UV, đĩa Petri chứa tế bào của người và chuột có 20 – 30% tế bào đã chết. Sau ba phiên kéo dài 20 phút liên tiếp, 65 – 70% tế bào đã chết. Đĩa Petri làm bằng thủy tinh hoặc chất dẻo, được các nhà sinh vật học sử dụng để nuôi cấy tế bào. Khi tiếp xúc với đèn UV thường xuyên thì tỷ lệ tế bào chết càng cao.

Nguy cơ mà các chuyên gia da liễu đang quan ngại là các tế bào còn lại sẽ tổn thương ADN, gây nên đột biến dẫn đến ung thư da. Bác sĩ da liễu Ophelia Veraitch giải thích: “Mặc dù tác động của đèn UV (loại UVA) có thể không giống như với việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời mà không che chắn. Nhưng UVA cũng có khả năng gây tổn thương cho DNA và phát triển ung thư da”.

Ảnh: Ohora

Làm sao để có bộ móng đẹp nhưng vẫn khỏe mạnh?

Tại tiệm làm móng

  • Sử dụng dụng cụ tiệt trùng. Trước khi làm móng, bạn nên trò chuyện với chuyên gia làm móng về quá trình tiệt trùng công cụ. Nếu muốn an toàn nhất, bạn nên mang theo bộ dụng cụ làm móng riêng, đảm bảo quá trình cắt da được an toàn, tránh gây viêm nhiễm.
  • Xem xét sử dụng loại sơn nước truyền thống thay vì sơn gel. Tuy không bền màu bằng nhưng bạn sẽ không phải tiếp xúc với đèn UV.
  • Thoa kem chống nắng cho tay chân trước khi làm làm móng gel. Ưu tiên chọn dòng kem chống nắng có chỉ số SPF30 trở lên. Gợi ý khác là đeo găng tay chống tia UV xỏ ngón trước khi áp dụng sơn gel.

Chăm sóc móng tại nhà

  • Dùng găng tay cao su khi rửa chén bát. Lớp sơn móng tay gel dễ bị bong khi tiếp xúc với nước, đặc biệt là nước nóng. Việc rửa chén thường xuyên sẽ rút ngắn tuổi thọ lớp sơn của bạn. Ngoài ra, dùng găng tay cao su cũng đảm bảo bàn tay và lớp biểu bì của bạn không bị khô do xà phòng rửa bát hoặc các sản phẩm tẩy rửa gia dụng.
  • Dùng kem dưỡng da tay và dầu dưỡng móng đều đặn. Các sản phẩm dưỡng và khóa ẩm này không chỉ giúp da tay bớt khô mà còn giúp lớp gel mềm mại, khó bong tróc.
  • Không cắt móng tay. Để lớp sơn gel lâu bền, chuyên gia thường vẽ lớp top coat phủ bên ngoài vành đầu móng tay. Khi cắt móng tay, bạn sẽ cắt mất lớp bảo vệ này, khiến lớp sơn dễ bong tróc hơn.
  • Không tự gỡ lớp gel tại nhà. Thay vào đó, bạn hãy hẹn lịch với chuyên gia làm móng hoặc đến salon để thực hiện. Khi loại bỏ lớp gel, lưu ý chỉ ngâm đầu ngón tay, chân trong hợp chất acetone thay vì ngâm cả bàn hoặc nguyên ngón tay.
  • Hãy cho móng tay “nghỉ ngơi” một thời gian để phục hồi. Bạn nên dừng tối thiểu 2 tuần giữa thay màu sơn móng. Nếu lớp móng tay của bạn bị hư tổn, dù sơn gel thì lớp sơn cũng sẽ không bền lâu. Trong giai đoạn này, bạn có thể dùng sơn dưỡng để tạo độ hồng hào tự nhiên cho móng.

Dior Nail Glow, sơn dưỡng tạo màu hồng hào tự nhiên cho móng, không làm vàng móng

CHĂM SÓC MÓNG KHI SƠN GEL:

Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar

Xem thêm