
Hồi kết của thương hiệu Trò chơi Con mực (Squid Game) đã chính thức đến với mùa 3, ra mắt vào ngày 27/06. Hãy cùng review về nội dung của bộ phim. Ảnh: Netflix
Mùa một của Trò chơi Con mực (Squid Game) là lời tố cáo đanh thép về hệ thống phân cấp xã hội và khoảng cách quyền lực quyết định bởi của cải mà một người sở hữu. Mùa hai là cầu nối đến mùa ba – phần hạ màn với sự chuyển dịch trong trung tâm khai thác câu chuyện: Sức mạnh của nhân tính trong hệ thống oan nghiệt đó.
Những bàn tay giúp đỡ, che chở nhau để cùng vượt qua số phận phải trở thành trò mua vui, người thắng chung cuộc trở thành biểu tượng của hi vọng là thứ đọng lại sau cái kết hoành tráng lẫn bi thảm của chuỗi thương hiệu xứng đáng trở thành di sản văn hoá thời đại mới của Hàn Quốc.
*Bài viết có tiết lộ nội dung phim. Vui lòng cân nhắc trước khi đọc.
Review phim Trò chơi con mực (Squid Game) phần 3: Thông điệp là điểm sáng của phần cuối
Những trò chơi hấp dẫn vì sự tha hoá của những người tham gia

Ảnh: Netflix
Trò chơi Con mực (Squid Game) mùa 3 giới thiệu khán giả đến với ba trò chơi. Tất cả đều là trò chơi mới – một bước tiến so với mùa 2.
Vẫn kết hợp những yếu tố trong văn hoá dân gian Hàn Quốc, vẫn nghẹt thở trong từng khoảnh khắc, luật chơi dễ tiếp thu nhưng không dễ vượt qua, song, bộ phim thay đổi trong cách viết về vai trò của mỗi người chơi.
Cụ thể, những người chơi ngày một chủ động hơn trong việc định đoạt số phận của họ. Nghĩa là họ không có đồng đội, không học được tinh thần đoàn kết thực thụ. Những người đã vượt qua được trò chơi còn phải cẩn thận với chính những người đi trước mình, thêm một mối nguy hiểm nữa bên cạnh quy luật hà khắc.
Trò chơi nhảy dây trên không gửi thông điệp rõ ràng nhất về điều này, khi một kẻ vừa an toàn vượt qua nguy hiểm đã tìm cách chủ động loại bỏ những người chơi khác đi sau bằng cách đẩy họ xuống vực ngay khi họ vừa hoàn thành thử thách.

Búp bê Young Hee trong trò chơi nhảy dây trên không. Ảnh: Netflix
Khi đặt cạnh luật bỏ phiếu mới của Squid Game trong hai mùa 2 và 3, tức trò chơi có thể hoãn lại bất cứ lúc nào và số tiền thưởng sẽ được chia đều cho tất cả người còn sống, không ai phải ra về tay trắng, thì thông điệp tréo ngoe của phim lại càng rõ ràng: Tại sao phải an phận khi có thể nhận được nhiều hơn? Lòng tham vô độ của con người tức không chỉ lấy những thứ họ cần mà lấy tất cả những gì họ có thể lấy.
Kể từ mùa hai, bộ phim đã làm rõ rằng trò chơi sẽ không còn là điểm thu hút chính yếu nhất, mà là chất xúc tác để nói lên thông điệp của phim, khi xoáy sâu nhiều hơn vào những giằng xé nội tâm trong mỗi người chơi thay vì cách họ bày mưu tính kế để giữ mạng.
Đó là một điều khó, nhưng mùa ba đã thể hiện được dụng ý này. Dù không ít khán giả bất đồng, cho rằng chính hướng tiếp cận này đã cắt gọt bớt đi tính giải trí cân bằng với hiện thực của phim – điểm hấp dẫn nhất của mùa 1, thì cũng khó mà phủ nhận kịch bản được điều hướng hiệu quả để nói lên quyết định của đội ngũ về việc để lại một bộ phim có giá trị chiêm nghiệm sâu sắc thay vì giật gân nhất thời trong quá trình xem.
Con người, tình người và thế hệ tiếp nối là hy vọng

Ảnh: Netflix
Phần cuối Trò chơi Con mực (Squid Game) truyền đi thông điệp rằng: Dù xã hội có đầy rẫy những kẻ sẵn sàng ra tay với người khác vì mớ tiền tươi thóc thật, thì vẫn còn đó những con người nhất định không khuất phục hệ thống.
Ta đang nói về bà Jang Geum Ja, người chơi số 149 (Kang Ae Shim). Trong khoảnh khắc con trai bà là Yong Shik, người chơi số 007 (Yang Dong Gun) muốn đe doạ đến tính mạng của Jun Hee, người chơi số 222 (Jo Yu Ri) cùng đứa con mới sinh của cô để đổi lấy mạng sống trong trò chơi trốn tìm, bà đã ra tay với con.
Chi tiết này được xem là vô lý với khán giả, đặc biệt khi bà Geum Ja được khắc hoạ là người thương con da diết. Nhưng hãy đặt câu hỏi ngược lại: Liệu bà có sẵn sàng sống cuộc đời còn lại với một đứa con sát nhân? Liệu có người mẹ nào chấp nhận nhìn con mình bị tha hoá để sống sót? Chia tay nhân vật Yong Sik theo cách trong phim, Trò chơi Con mực (Squid Game) mùa 3 cũng bảo toàn sự lương thiện của anh.

Ảnh: Netflix
Người chơi số 456 Seong Gi Hun (Lee Jung Jae), hạt nhân của toàn bộ câu chuyện trong ba mùa, cũng đã có một cái kết nhân đạo cho riêng mình.
Bộ phim đã làm rõ nỗ lực lật đổ trò chơi của anh đã bị phá hỏng từ cuối mùa hai. Giờ đây, khi tổn thất về người quá nặng nề, đi kèm với tổn thất trong ý chí của Gi Hun, sự bất tín của những người chơi còn lại, việc để anh tiếp tục là một nhà cách mạng quật cường mà đối đầu trực diện với những kẻ đứng sau trò chơi mới là điều phi lý.
Thay vào đó, Gi Hun làm được những điều nhỏ bé nhưng có ý nghĩa lớn lao mà anh có thể làm cho đến tận giây phút cuối cùng. Thứ mà anh dốc tâm để bảo vệ ở phần cao trào của mùa 3 dù không quen thân – đứa con của người chơi số 222, người thắng cuộc duy nhất trong trò chơi oan nghiệt – là biểu tượng của hi vọng. Gi Hun đã rệu rã, nhưng một mầm non mới sẽ được lớn lên nhờ sự hi sinh của anh. Trong giai đoạn mà tỉ lệ sinh của Hàn Quốc đang chạm đáy, thông điệp này của Squid Game 3 rất thiêng liêng.

Ảnh: Netflix
Dù bi thảm, Squid Game đã đưa ra lựa chọn khép lại hành trình của nhân vật biểu tượng cho phim rất ý nghĩa, khi anh bảo toàn trọn vẹn nhân tính của mình, đó mới là điều phi thường về một con người bình thường như người chơi số 456, mà phim không cần phải tôn anh làm anh hùng, không cần “độ” cho anh có sức mạnh thay đổi toàn bộ hệ thống đứng sau.
Review Trò chơi Con mực (Squid Game) mùa 3: Những lỗ hổng lớn phá hỏng trải nghiệm người xem
Những nhân vật đáng ra phải tạo dấu ấn lại được kết luận mờ nhạt

Ảnh: Netflix
Ngoài Gi Hun, Geum Ja cùng một vài nhân vật hiếm hoi, thì nhiều nhân vật khác trong tuyến người chơi được giới thiệu từ mùa 2 có một cái kết rất khó hiểu ở mùa 3. Có lẽ vì Trò chơi Con mực (Squid Game) phần cuối đã tập trung quá nhiều vào cách truyền tải thông điệp qua những tình tiết gắn với trò chơi nên họ không còn nhiều điều muốn nói về kha khá những nhân vật then chốt khác.
Kết quả, một số có vai trò không được thể hiện rõ trong phim khiến khán giả bối rối, hoặc những nhân vật đủ hay để chiếm tình cảm khán giả lại chấm dứt tuyến truyện quá sớm.
Hạt sạn to lớn nhất thuộc về các tay chơi VIP tham gia. Đóng bởi các diễn viên ngoại quốc, vai trò của họ thực sự chẳng có gì ngoài những câu thoại tiếng Anh cùng cách đài từ gượng gạo đến mức khó chịu, đưa ra những bình luận vô thưởng vô phạt và đôi khi có vai trò giải thích thêm một số tình tiết cho phim. Phân đoạn có những nhân vật này, vì không đóng góp nhiều vào cốt truyện, được xem là để “câu giờ” cho thời lượng 6 tập vốn đã ít ỏi của mùa kết.
Bên cạnh VIP, một nhân vật gây khó chịu không thua kém là người chơi số 044, nhân vật thầy pháp (Chae Kook Hee). Cô ta gây bối rối cực độ trong mọi khung hình vì không rõ nhân vật này muốn truyền tải điều gì. So với nhân vật mượn yếu tố tín ngưỡng để thu thập hội tín đồ, hoành hành và gây nguy hiểm tới những người khác như Carmody trong The Mist (2007), thì người chơi số 44 thực sự được triển khai quá non tay mà không để lại một động thái đáng chú ý nào so với thời lượng lên hình.

Ảnh: Netflix
Cảnh sát Hwang Jun Ho (Wi Ha Jun), em trai của Front Man (Lee Byung Hun), người được dự đoán sẽ ngăn cản trò chơi thì về sau cuối cũng không có vai trò quan trọng nào. Quá đáng tiếc với một nhân vật hiếm hoi còn sống sót từ mùa 1 bên cạnh Gi Hun.
Vai trò của cảnh sát Hwang Jun Ho trong việc lật tẩy tổ chức Squid Game còn nhỏ hơn cả nhân vật phụ Choi Woo Seok (Jeon Seok Ho) – “scene stealer” của mùa này khi anh là người giúp khám phá ra địa điểm hòn đảo diễn ra trò chơi.
Thậm chí khán giả còn lấy anh ra làm trò đùa rằng người lãi lớn nhất phim chính là Jun Ho vì không cần làm gì vẫn hưởng lợi lớn khi anh nhận nuôi đứa bé của số 222 và gián tiếp nhận được phần thưởng 45,6 tỷ won.

Cảnh sát Hwang Jun Ho trong phim, sống sót từ mùa 1 đến mùa 3 nhưng không có đóng góp đáng kể. Liệu đây có phải là một lời phản ánh lại sự bất lực của cảnh sát – những người đại diện cho công lý đáng ra phải can thiệp vào trò chơi bất lương này? Ảnh: Netflix

Choi Woo Seok, “scene stealer” của Trò chơi Con mực (Squid Game) mùa 3. Ảnh: Netflix
Phản diện sau cùng của mùa 3, người chơi số 333 (Im Si Wan) với những cú “lật mặt” liên tục trong phần cao trào của phim thực sự khiến khán giả căm ghét, nhưng không có một lời giải thích hay tình huống có sức nặng thật sự để cho thấy nhân vật này mất nhân tính ra sao.
Cách phát triển đó để lại sự bối rối trong khán giả và một nhân vật phản diện bỉ ổi nhưng thiếu chiều sâu, thiếu sức mạnh thể lực lẫn trí tuệ. Sau cùng, Squid Game 2 và 3 đã không thể tìm được một phản diện ở vùng xám đạo đức tuyệt vời và đáng nhớ như Cho Sang Woo (Park Hae Soo) của mùa 1.
Nói đi cũng phải nói lại. Dù sự ra đi của một số người chơi gây tiếc nuối, như số 120 Cho Hyun Ju (Park Sung Hoon), vì cô là nhân vật lương thiện và hữu ích nhất trong toàn bộ tuyến nhân vật được đề ra trong mùa 2 và 3, thì bộ phim cũng sẽ không còn đất diễn cho cô trong 2 trò chơi kế tiếp. Việc chia tay nhân vật, dẫu tiếc nuối, nhưng lại hợp lý và đúng lúc. Đó là điều mà ta phải thừa nhận và cân nhắc khi đánh giá bộ phim.

Ảnh: Netflix
Liệu Squid Game 3 có để lại di sản?
Từ một bộ phim được định sẵn chỉ có một mùa, Squid Game đã trở thành hiện tượng toàn cầu, buộc đạo diễn Hwang Dong Hyuk cùng Netflix phải phát triển thêm mùa hai và ba. Đây là một thách thức lớn, bởi mùa một đã đặt ra vấn đề và triển khai khá trọn vẹn: từ trò chơi sinh tử kịch tính cho đến bức tranh xã hội ngột ngạt và tổ chức ngầm đứng sau các lính gác.
Khi mọi thứ đã được khai thác kỹ lưỡng, việc tiếp tục mở rộng câu chuyện sao cho mới mẻ và thuyết phục trở nên vô cùng khó khăn.
Chính vì vậy, mùa hai và ba không còn tạo được cảm giác “đã” như mùa đầu tiên. Khi một vũ trụ vốn đã khép lại trọn vẹn bị kéo dài thêm, dù có được đầu tư kỹ lưỡng đến đâu, cũng khó tránh khỏi cảm giác khiên cưỡng và không cần thiết. Nhiều khán giả cho rằng phần tiếp theo đã phần nào làm lu mờ cái hay ban đầu của loạt phim.

Ảnh: Netflix
Tuy nhiên, giữa những tranh cãi đó, vẫn có một điều khiến Squid Game ghi dấu trong lòng người xem: bản chất nhân văn ẩn sau trò chơi tàn bạo. Dù bị đẩy đến giới hạn sinh tồn, một số nhân vật vẫn giữ được sự lương thiện, nhân ái – điều được khắc họa đậm nét qua hành trình của Gi Hun và Jun Hee. Đoạn kết mùa ba tập trung vào di vật của những con người thiện lương ấy – thứ “xa xỉ” mà những kẻ tàn ác không thể mang theo, bởi tất cả đã bị hủy diệt trong vụ nổ cuối cùng. Khoảnh khắc này không chỉ tạo cảm xúc mạnh mà còn là thông điệp khép lại chuỗi bi kịch bằng chút hy vọng mong manh – đậm chất phim noir kiểu Hàn.
Ở khía cạnh này, Squid Game phần nào xứng đáng trở thành một di sản văn hóa đại chúng thời hiện đại của Hàn Quốc: một tác phẩm với sức lan tỏa toàn cầu, những thông điệp xã hội mạnh mẽ và kỷ lục thương mại vô tiền khoáng hậu. Dù nội dung các phần sau gây tranh cãi, thì cú nổ ban đầu vẫn đủ sức để bộ phim được nhớ đến như một cột mốc của series Hàn.

Ảnh: Netflix
Dẫu vậy, Squid Game vẫn chưa dừng lại. Netflix đã hé lộ ý định tiếp tục mở rộng vũ trụ phim – lần này giao cho các nhà sản xuất Hollywood sau ba mùa đầu của Hàn Quốc. Việc kết thúc mùa ba bằng bối cảnh ở Mỹ và màn cameo của Cate Blanchett trong vai trò “salesman” giống Gong Yoo cho thấy khả năng cao về một series mới với dàn cast hoàn toàn khác.
Tuy nhiên, đây không hẳn là tin vui với tất cả. Nhiều khán giả đang ngày càng hoài nghi chất lượng của loạt phim khi càng kéo dài càng đuối sức. Và cũng thật trào phúng, khi một bộ phim lên án quyền lực đồng tiền, lại đang dần trở thành nạn nhân của chính thứ quyền lực đó – dưới tay ông lớn ngành streaming là Netflix.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:
SQUID GAME MÙA 3: CUỘC CHIA TAY TÀN BẠO, MỞ ĐƯỜNG CHO SQUID GAME BẢN MỸ?
THÁNG 6/2025 NGOÀI SQUID GAME 3 CÒN PHIM HÀN NÀO ĐÁNG XEM?
RỦI RO CỦA ALICE IN BORDERLAND MÙA 3, RÚT KINH NGHIỆM TỪ SQUID GAME 2
Harper’s Bazaar Việt Nam