Review Mission: Impossible – The Final Reckoning: Lời tạm biệt mãn nhãn nhưng còn tiếc nuối

Mission: Impossible – The Final Reckoning là chương kết cho hành trình ba thập kỷ của Ethan Hunt. Dù không tránh khỏi sự ôm đồm và lặp lại, Tom Cruise vẫn mang đến những khoảnh khắc hành động mãn nhãn và một lời chia tay đậm chất điện ảnh.

Review Mission: Impossible – The Final Reckoning: Phim có đáng xem? Ảnh: @UsUnitedJustice

Sau bảy phần phim kéo dài gần ba thập kỷ, Mission: Impossible – The Final Reckoning (2025) (tựa Việt: Nhiệm Vụ: Bất Khả Thi 8 – Nghiệp báo cuối cùng) được xem là điểm dừng cuối cùng trong hành trình của điệp viên Ethan Hunt. Bộ phim được kỳ vọng là cái kết bùng nổ cho loạt phim huyền thoại đã làm nên thương hiệu cho Tom Cruise và nam diễn viên một lần nữa đã mang đến trải nghiệm hành động không tưởng cho khán giả.

Tuy nhiên, khi bước vào vạch đích, bộ phim dường như lại quá loạng choạng vì chính sức nặng của quá khứ và khao khát “gói ghém” mọi thứ thật hoàn hảo. Một kịch bản dày đặc, các mối liên kết gượng ép và sự hoài niệm quá mức khiến The Final Reckoning giống như một bữa tiệc chia tay quá dài, hơn là một khúc cao trào nghẹt thở mà người hâm mộ kỳ vọng cho hồi kết đáng nhớ.

Ảnh: @SammyJReacts

Dù mang tên The Final Reckoning, bộ phim thực chất là phần hai của Dead Reckoning (2023), tiếp nối chỉ hai tháng sau sự kiện của phần trước. Ethan Hunt (Tom Cruise) và những đồng đội trung thành như Luther (Ving Rhames) và Benji (Simon Pegg) tiếp tục truy đuổi kẻ thù cũ Gabriel (Esai Morales) – kẻ đang nắm giữ một trí tuệ nhân tạo có khả năng gây ra chiến tranh hạt nhân toàn cầu.

Để làm điều đó, anh phải đoạt lấy một thiết bị chứa đoạn mã nguồn của Thực thể (Entity) – trí tuệ nhân tạo đang đe dọa nền văn minh nhân loại. Trong hành trình thực hiện nhiệm vụ, Ethan phải chiêu mộ bạn gái cũ Grace (Hayley Atwell) và thậm chí cả những kẻ thù cũ như Paris (Pom Klementieff) hay Degas (Greg Tarzan Davis).

Review phim Mission: Impossible – The Final Reckoning: Những điểm chưa đã

Nội dung quá “sa đà” vào quá khứ

Ảnh: @SammyJReacts

Không thể phủ nhận sự tham vọng của đạo diễn Christopher McQuarrie: dàn nhân vật đồ sộ, những pha hành động cầu kỳ và bối cảnh trải dài từ băng giá Bắc Cực đến không trung nghẹt thở. Dàn diễn viên cũ và mới đều có những khoảnh khắc tỏa sáng, đặc biệt là nữ diễn viên Pom Klementieff trong vai Paris, hay những nhân vật “suit” mang tính biểu tượng như Angela Bassett, Henry Czerny và những gương mặt mới như Nick Offerman, Holt McCallany.

Ảnh: @SammyJReacts

Thế nhưng, chính tham vọng kết nối mọi phần phim trước lại trở thành con dao hai lưỡi. Đạo diễn Christopher McQuarrie cố gắng chắp vá quá khứ bằng cách gượng ép biến từng phần phim trước thành một mắt xích trong câu chuyện vĩ đại hơn.

Kết quả là kịch bản trở nên quá dài dòng và nhiều đoạn “gợi nhắc” thiếu tinh tế. Việc hồi sinh những nhân vật phụ mờ nhạt như William Donloe (từ phần phim năm 1996) hay Jasper Briggs dường như chỉ để tạo cảm giác “fan service” hơn là thực sự cần thiết cho mạch truyện.

Nhiều pha hành động đỉnh cao nhưng không mới

Ảnh: @SammyJReacts

Đương nhiên, những ai đến rạp vì những phân cảnh hành động biểu tượng của dòng phim Mission Impossivle vẫn sẽ hài lòng. Từ cảnh khám phá tàu ngầm ở Sevastopol đến trận không chiến bằng máy bay cánh quạt, Tom Cruise vẫn khiến người xem nín thở với những màn mạo hiểm phi thường. Dưới ống kính của nhà quay phim Fraser Taggart, mọi cảnh hành động đều đẹp mắt và kịch tính.

Cao trào của phim là một trường đoạn hành động ngoạn mục trên bầu trời khi Ethan leo lên chiếc máy bay cánh quạt đang bay với tốc độ chóng mặt, di chuyển từ cánh vào buồng lái, rồi nhảy sang máy bay của kẻ thù. Tất cả đều được quay cận cảnh thật 100%, không kỹ xảo CGI, không đóng thế, chỉ có Tom Cruise và lòng tin rằng khán giả xứng đáng với sự chân thực tuyệt đối.

Tuy nhiên, với nhiều người hâm mộ của loạt phim, một số cảnh vẫn mang cảm giác “đã từng thấy rồi”, như cảnh lặn nhắc nhớ Rogue Nation hay cuộc rượt đuổi trên không gợi lại Fallout. Sự lặp lại này phần nào làm giảm đi độ hưng phấn, dù âm nhạc và nhịp phim vẫn giữ được sức hút vốn có.

Review phim Mission: Impossible – The Final Reckoning: Những điểm sáng đáng xem

Nhân vật Ethan Hunt “người” hơn

Ảnh: @SammyJReacts

Dẫu vậy, điều khiến The Final Reckoning đáng chú ý không chỉ nằm ở quy mô hành động, mà còn ở cách bộ phim khắc họa nhân vật Ethan Hunt dưới góc nhìn cảm xúc hơn. Không chỉ là một biểu tượng bất khả chiến bại, Ethan lần này hiện lên với sự mệt mỏi, quyết liệt và cả sự đơn độc.

Từ cảnh anh liều mình lặn xuống vùng biển Bering, đến lúc dùng viên răng độc giả để thoát khỏi ngục tối – các hành động không còn đơn thuần để phô diễn kỹ năng, mà còn cho thấy bản năng sinh tồn và sự can đảm của một anh hùng dám liều mình để cứu thế giới.

Ảnh: @kkbtnp

Dù có một vài đoạn chậm hoặc hơi rối, The Final Reckoning vẫn là phần phim thuyết phục nhất kể từ Ghost Protocol. Dù đa số khán giả cho rằng Mission: Impossible – The Final Reckoning chưa là cái kết sắc bén so với đỉnh cao mà loạt phim từng đạt được, bộ phim vẫn có khoảnh khắc thăng hoa, vẫn giữ được tinh thần “nhiệm vụ bất khả thi”.

Riêng Tom Cruise, nam diễn viên 62 tuổi vẫn là một ngôi sao hành động xứng đáng được tán dương sau gần ba thập kỷ khiến khán giả tin vào nhưng pha hành động không tưởng.

Ảnh: @FilmComment

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:

Harper’s Bazaar Việt Nam

 

Xem thêm