
Ảnh: Weibo
Hoán Vũ, bộ phim hiện đại thanh xuân có sự tham gia của Trương Tịnh Nghi và Chu Dực Nhiên, dù lọt vào tầm ngắm của khán giả yêu thích thể loại ngôn tình học đường nhưng hiệu ứng truyền thông lại không được như kỳ vọng.
Với tham vọng chạm vào những vấn đề gai góc trong xã hội hiện đại, đặc biệt là phụ nữ, Hoán Vũ từng được kỳ vọng là “làn gió mới”, lại đang dần chìm vào quên lãng giữa mùa phim hè. Cách kể chuyện u tối, chất vấn xã hội đầy nặng nề và lối dựng phim khó gần, tác phẩm bị đánh giá là “kén người xem”, thậm chí bị gọi là “phim flop” vì không thể giữ chân khán giả trẻ.
Hoán Vũ kể câu chuyện thanh xuân buồn, nhiều đau thương và ám ảnh

Ảnh: Weibo
Thị trường phim Hoa ngữ có vô số bộ phim thanh xuân học đường, và cũng không thiếu các câu chuyện trinh thám – phá án – trả thù. Nhưng hai môtíp phim ấy dường như chưa từng giao thoa cho đến khi Hoán Vũ ra mắt. Bộ phim này đã làm điều mà không phải tác phẩm nào cũng dám thử: Dùng không khí u ám, điều tra và nghi hoặc để soi chiếu vào ký ức tuổi trẻ.
Cốt truyện của Hoán Vũ bắt đầu từ cái chết bất thường của Bối Vũ, chị gái nữ chính Thanh Vũ. Một thiếu nữ xinh đẹp, học giỏi và đầy triển vọng, vậy mà lại đột ngột ra đi trong sự im lặng đáng sợ. Người lớn không ai nhắc đến cái chết này. Bố mẹ im lặng, hàng xóm đàm tiếu sau lưng, bác sỹ né tránh trả lời nghi vấn. Do đó, nữ chính Kiều Thanh Vũ không muốn để câu chuyện này lắng xuống, cô muốn thanh minh, bảo vệ cho chị gái xấu số của mình.
Review phim Hoán Vũ: Còn nhiều điểm thiếu sót
1. Tham lam khi khai thác quá nhiều thể loại phim cùng lúc, khiến mọi thứ nửa nạc nửa mỡ

Ảnh: Weibo
Vấn đề trên hết của Hoán Vũ là dù gắn mác trinh thám, yếu tố hồi hộp của phim chưa đủ đậm. Thay vì khiến khán giả muốn theo dõi tận cùng chân tướng, phim chỉ khiến người xem cảm thấy nặng nề.
Những bí ẩn xoay quanh quá khứ của cái chết người chị gái được khai thác theo hướng tâm lý gia đình nhiều hơn là điều tra kịch tính. Mối quan hệ giữa nữ chính và mẹ ruột, người luôn áp đặt, kiểm soát và mang theo sự u uẩn, trở thành chi tiết khiến người xem phải suy ngẫm.
2. Thiết lập nhân vật nam và nữ chính thiếu sự thu hút

Ảnh: Weibo
Nam chính Minh Thịnh (Chu Dực Nhiên) tuy mang nét học bá lạnh lùng thường thấy trong phim ngôn tình, nhưng chưa tạo được sự kết nối cảm xúc với nữ chính như kỳ vọng. Phản ứng hóa học giữa hai nhân vật còn mờ nhạt, dù cố gắng xây dựng chiều sâu vẫn thiếu đi sự bùng nổ cần thiết.
Mạch phim khá chậm, tuyến nội dung chính xoay quanh sự cứu rỗi giữa hai nhân vật chính vẫn loay hoay trong sự dè dặt, thiếu điểm chạm cảm xúc rõ nét. Yếu tố tình cảm thanh xuân gồm những rung động mạnh mẽ, sự ngọt ngào lại không quá nhiều.
Một số khán giả nhận xét, Hoán Vũ mặc dù quảng bá là mang phong cách mới vào dòng phim thanh xuân nhưng thực chất vẫn đang đi theo môtíp quen thuộc: nữ chính bị hiểu lầm, chịu tổn thương trong im lặng, còn nam chính thì lạnh lùng, thông minh và xuất hiện như anh hùng cứu mỹ nhân.
3. Review phim Hoán Vũ cho thấy tác phẩm quá nặng nề

Ảnh: Weibo
Để nhấn mạnh vào sự trưởng thành của nữ chính Kiều Thanh Vũ, phim Hoán Vũ đưa cô từ bi kịch này đến bi kịch nọ.
Nếu như trong Lấy Danh Nghĩa Người Nhà, yếu tố gia đình là điểm tựa cảm xúc thì với Hoán Vũ, chính gia đình lại là nơi tạo ra sự ngột ngạt bậc nhất. Mẹ của Thanh Vũ, một người phụ nữ luôn mang gương mặt lạnh băng và ánh mắt kiểm soát, chính là nhân vật khiến người xem rùng mình. Bà kiểm soát mọi hành vi của con gái, cấm nhắc đến người con đã khuất, thậm chí xóa sạch các nội dung giáo dục giới tính trong sách vở.
Cảnh tượng khiến nhiều người ám ảnh là khi bà mắng Thanh Vũ vì làm bẩn quần do đến kỳ kinh nguyệt. Không có sự cảm thông, chỉ có lời trách móc, oán giận, điều mà nhiều cô gái có lẽ đã từng phải trải qua trong chính căn nhà của mình. Trong khi đó, người cha thì thờ ơ, nhu nhược, người em thì vô trách nhiệm. Gia đình ấy, vốn dĩ đã đổ vỡ, lại còn bị trùm lên bởi cái bóng chết chóc của người chị cả. Chính sự đè nén đó khiến cuộc sống của Thanh Vũ như một căn phòng không cửa sổ tối, lạnh và thiếu dưỡng khí.
Các chuỗi sự kiện tăm tối ập đến dồn dập mà không có nhiều yếu tố thư giãn xen kẽ. Những cuộc tranh luận nặng về đạo lý, những cảnh đối đầu ngột ngạt kéo dài khiến cảm giác xem phim giống như đang… nghe một bài thuyết trình xã hội học.
Cuộc sống đời thực của khán giả hiện tại đã khá bấp bênh vì nhiều yếu tố, từ suy thoái kinh tế đến bất ổn chính trị. Mà bộ phim với tông màu xám xịt từ nội dung đến hình ảnh lại càng chẳng hấp dẫn họ.
4. Lối kể chuyện phức tạp và khó hiểu

Ảnh: Weibo
Lối kể chuyện tuyến tính đan xen hồi tưởng, nhiều tầng lớp nhân vật và lớp lang tâm lý phức tạp là điểm cộng về mặt ý tưởng, nhưng cũng khiến phim đánh mất sự cô đọng cần có.
Rất nhiều bộ phim khác cũng đan xen quá khứ và thực tại. Tuy nhiên, để đơn giản hóa trải nghiệm xem phim, nhiều tác phẩm tách biệt hẳn giữa luồng thời gian của quá khứ và hiện tại, ví dụ như Trần Tình Lệnh (2019). Bởi việc nhảy cóc giữa hai luồng thời gian có thể đơn giản qua những lời miêu tả trên trang sách, nhưng khi lên phim lại khó thể hiện một cách dễ hiểu.
Review phim Hoán Vũ, có thể cho rằng kịch bản sẽ được đón nhận hơn khi ra mắt dưới dạng phim điện ảnh độc lập

Ảnh: Weibo
Khán giả xem các bộ phim chiếu mạng, trên hết, để giải trí và thư giãn. Trong khi đó, Hoán Vũ mang dáng dấp của một tác phẩm nghệ thuật nhiều hơn là một bộ phim đại chúng.
Không thể phủ nhận tâm huyết của đội ngũ sáng tạo đứng sau Hoán Vũ. Họ thẳng thắn phơi bày mặt tối của xã hội, từ gia đình độc hại, bạo lực học đường đến áp lực truyền thống trọng nam khinh nữ đè nặng lên phụ nữ. Nhưng cũng chính vì muốn “nói hết”, “lột trần hết” mà bộ phim rơi vào tình trạng lạm dụng nỗi đau.
Không nhân vật nào trong phim được phép hạnh phúc trọn vẹn. Ai cũng mang trong mình tổn thương, mặc cảm, đấu tranh và đau khổ đến mức khán giả không còn tìm thấy niềm hy vọng hay sự giải thoát. Những nhân vật nữ như chị khoá trên hay mẹ của Minh Thịnh đáng ra có thể trở thành điểm sáng, lại bị gói gọn trong những bi kịch quá khứ, càng khiến tổng thể phim trở nên nặng nề.
Với những bộ phim điện ảnh nghệ thuật (indie art house film), sự ngột ngạt này có thể được chấp nhận bởi tác phẩm chỉ kéo dài từ 90 phút đến tối đa hai tiếng đồng hồ. Nhưng với các bộ phim dài tập, không khí u ám kéo dài sẽ khiến khán giả cảm thấy mỏi mệt hơn là nhận lời khen tương đương.
Quá tham vọng là lý do vì sao Hoán Vũ flop

Ảnh: Weibo
Những chủ đề như sự kiểm soát trong gia đình, bạo lực lời nói, bạo lực gia đình trong xã hội là có thật và quan trọng. Nhưng khi tất cả được dồn dập lên màn ảnh mà không có điểm cân bằng, phim khiến người xem kiệt sức hơn là đồng cảm.
Dù có thông điệp nữ quyền rõ ràng, nhưng cách thể hiện của phim lại thiên về sự chỉ trích và chất vấn, thiếu đi sự dẫn dắt cảm xúc. Tình tiết Thanh Vũ “phá đám cưới” hay truy đến cùng sự thật dường như chỉ được dựng lên để chứng minh một luận điểm, chứ không phải diễn biến tự nhiên của một cô gái tuổi mới lớn.
Có thể nói, Hoán Vũ là một minh chứng điển hình cho một bộ phim đặt quá nặng tham vọng tư tưởng mà quên mất khán giả là ai. Dù được đầu tư bài bản, đạo diễn chỉn chu, diễn viên ổn định, nhưng phim lại không thể trở thành cú hit như mong đợi. Trong khi các đối thủ cùng mùa như Thư Quyển Nhất Mộng dễ dàng thu hút khán giả nhờ nhịp phim nhẹ nhàng, Đào Hoa Ánh Giang Sơn có sự đấu trí kịch tính lẫn các khoảnh khắc hài hước vừa đủ, thì Hoán Vũ lại trượt dài.

Ảnh: Weibo
Phim toàn nữ giới làm ra có cái lợi là hiểu tâm lý phụ nữ. Dù đáng trân trọng ở nỗ lực phản ánh xã hội từ lăng kính phụ nữ, Hoán Vũ lại mắc kẹt trong chính tham vọng của mình. Không phải khán giả quay lưng với nữ quyền mà là họ cần một cách kể chuyện thấu cảm, gần gũi hơn. Một bộ phim thanh xuân, dù có muốn phản ánh hiện thực đến đâu, vẫn cần một chút ánh sáng cuối đường hầm. Và tiếc thay, Hoán Vũ đã không thể chạm được đến điều đó.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:
AI SẼ LÀ NGƯỜI GIẢI CỨU CHUỖI PHIM THẤT BẠI LIÊN TIẾP CỦA TỐNG UY LONG?
REVIEW THƯ QUYỂN NHẤT MỘNG CỦA LƯU VŨ NINH, LÝ NHẤT ĐỒNG: XEM KHÔNG THỂ NGỪNG CƯỜI
REVIEW NHỮNG TẬP ĐẦU PHIM ĐÀO HOA ÁNH GIANG SƠN: CÔNG CHÚA TRÀ XANH ĐỐI ĐẦU QUYỀN THẦN PHÚC HẮC
Harper’s Bazaar Vietnam