Review phim concert BORN PINK: Liều thuốc cho hội chứng “Post Concert Depression”

Bộ phim BLACKPINK WORLD TOUR [BORN PINK] IN CINEMAS đã chính thức ra rạp. Trải nghiệm xem phim chỉ có thể tóm gọn: Đây là mini-concert thực thụ dành cho những người chưa tham dự BORN PINK Tour, và là liều thuốc cho "Post Concert Depression" của những người đã tham dự.

HARPERS-BAZAAR-THUMB-REVIEW-PHIM-BORNPINK

Hình ảnh chủ yếu trong phim BORN PINK của BLACKPINK. Ảnh: YG Entertainment

Với 66 đêm diễn, 1.8 triệu người tham dự, thu về hàng trăm triệu Mỹ kim – tour lưu diễn toàn thế giới BORN PINK của BLACKPINK đã thuộc hàng biểu tượng khi nói về sức ảnh hưởng của Kpop với phần còn lại trên địa cầu.

Cuộc chiến “săn” vé tham dự diễn ra khốc liệt, và không phải ai cũng có cơ hội được xem những màn trình diễn bùng nổ trực tiếp tại sân khấu. Song, với những ai thực sự có mặt tại đó, sau khoảnh khắc đầy lửa nhiệt khi hòa mình cùng hàng chục ngàn người hâm mộ là Post Concert Depression – nỗi lưu luyến, buồn phiền vì chưa dứt ra được những sân khấu hoành tráng của BLACKPINK.

Với các khán giả Việt Nam, rất nhiều người đã cảm nhận được hội chứng Post Concert Depression khi có cơ hội quẩy không chỉ một mà hai đêm liền với BLACKPINK vào cuối tháng 7/2023. Một năm sau đó, mạng xã hội vẫn còn rôm rà những cuộc thảo luận trên mạng xã hội với nội dung: “Ngày này năm trước đang hồi hộp chờ mua vé BORN PINK“; “Điểm danh những người được thấy Jennie nhảy See Tình“…Dễ thấy, tour diễn của BLACKPINK đã trở thành mảng ký ức khó quên mà ai cũng mong được trải nghiệm một lần nữa.

HARPERS-BAZAAR-THUMB-REVIEW-PHIM-BORNPINK

Poster phim. Ảnh: YG Entertainment

Trùng hợp là đúng một năm sau khi bộ tứ đến Việt Nam biểu diễn, bộ phim tài liệu âm nhạc BLACKPINK WORLD TOUR [BORN PINK] IN CINEMAS ra rạp chiếu bóng, khởi chiếu từ ngày 07/08/2024 tại các cụm rạp toàn quốc. Chỉ là một sự trùng hợp, song lịch trình chiếu phim này như một liều thuốc vừa đủ để xoa dịu tâm hồn của hội fan BLINK vẫn mong chờ được thấy các cô gái tái hợp. Bên cạnh đó, những ai chưa được trực tiếp xem bốn cô gái biểu diễn sẽ có thể trải nghiệm được tour lưu diễn qua màn ảnh lớn, với âm thanh nổi, nhưng ở mức giá vô cùng phải chăng.

*Lưu ý: Phần tiếp theo có thể tiết lộ nội dung phim. Vui lòng cân nhắc trước khi đọc!

Cuộc hội ngộ đầy sống động với BLACKPINK trên màn ảnh lớn

HARPERS-BAZAAR-REVIEW-PHIM-BORN-PINK-2

Ảnh: @keicart__

Đề bài khó nhất khi một bộ phim concert ra rạp chính là làm thế nào để truyền tải đầy đủ cảm xúc và trải nghiệm thực tế nhất cho khán giả, khiến nghệ sĩ trên màn ảnh có cùng sức ảnh hưởng với nghệ sĩ trực tiếp trình diễn.

Về khía cạnh này, BLACKPINK WORLD TOUR [BORN PINK] IN CINEMAS hoàn thành xuất sắc.

Trước nhất, phải dành lời khen cho phần can thiệp về hình ảnh sáng tạo của bộ phim. Trong mỗi màn trình diễn, từng phân cảnh sân khấu của những điểm đến khác nhau được ghép nối mượt mà làm một. Đơn cử là khi BLACKPINK trình diễn Pink Venom mở đầu phim, bạn sẽ hoàn toàn không nhận ra sân khấu đó được ghép từ nhiều buổi diễn khác nhau, nếu không có dòng chữ giới thiệu tên từng địa điểm, và sự thay đổi trong trang phục.

HARPERS-BAZAAR-REVIEW-PHIM-BORN-PINK-3

Poster cá nhân dành cho Jisoo. Ảnh: YG Entertainment

Vì sao lại cần có sự xử lý hình ảnh như vậy? So với những bộ phim concert khác như NCT Dream The Movie: In A Dream (2022), khởi chiếu sau 2 tháng kể từ đêm diễn đầu tiên, hay Taylor Swift: The Eras Tour (2023) gần như công chiếu cùng lúc khi concert vẫn đang diễn ra, thì phim âm nhạc BORN PINK ra mắt khá lâu sau khi tour diễn đã kết thúc, cụ thể là sau gần một năm. Vào thời điểm đó, hầu hết trên các nền tảng streaming đã có toàn bộ các màn trình diễn của BLACKPINK, thậm chí là ở chất lượng 4K. Vì vậy, kỹ thuật xử lý ghép cảnh này mang lại cảm giác tươi mới cần thiết cho khán giả tại rạp.

Đáng tiếc rằng không phải thành phố nào cũng góp mặt trong bộ phim concert. Trong tổng 34 thành phố mà BLACKPINK đã ghé thăm, chỉ có Los Angeles, Las Vegas, New Jersey (Hoa Kỳ), Bangkok (Thái Lan), Seoul (Hàn Quốc), Paris (Pháp) xuất hiện. Hầu hết thời lượng tập trung vào màn encore tại Seoul.

HARPERS-BAZAAR-REVIEW-PHIM-BORN-PINK-5

Poster cá nhân dành cho Jennie. Ảnh: YG Entertainment

Tiếp tục một lời khen nữa dành cho phần âm thanh của phim. So với việc nghe trực tiếp tại concert, với không gian mở khiến âm thanh bị loãng (rất nhiều đêm concert BORN PINK được tổ chức ngoài trời) và nhiễu từ các khán giả khác, cũng như việc chen chúc trong đám đông khiến fan không thể tập trung tận hưởng 100% các màn diễn, thì âm thanh đã lọc và qua xử lý của phim concert giúp khán giả tận hưởng trọn vẹn khả năng trình diễn trực tiếp với giọng hát vô cùng ổn định của các cô gái, đặc biệt là Rosé và Jisoo.

HARPERS-BAZAAR-REVIEW-PHIM-BORN-PINK-6

Rosé. Ảnh: YG Entertainment

Thế nhưng, bộ phim không cố gắng làm màn trình diễn của các cô gái hoàn hảo hoàn toàn. Đâu đó, bạn vẫn có thể nghe được những tiếng thở dốc của Jennie, Lisa khi họ rap nhanh trong lúc đang thực hiện vũ đạo, và một số đoạn hụt hơi. Đó hoàn toàn là sự thể hiện thực tế của BLACKPINK tại concert, và càng làm đậm thứ trải nghiệm chân thực cho mỗi khán giả đến rạp chiếu bóng.

Một điểm cộng nhỏ nhưng hiệu quả: Việc có phụ đề trực tiếp và không phải lắng nghe những khoảng lặng phiên dịch cũng khiến phản ứng của người hâm mộ đồng nhất hơn. Thêm vào đó, những khung hình tập trung gần vào thần tượng, highlight rõ từng thần thái, biểu cảm khi trình diễn càng thể hiện sức hút, khả năng làm chủ và hết mình trên sân khấu của BLACKPINK. Ở bốn cô gái tỏa ra khí chất khác biệt, nổi rõ lên vì sao họ xứng đáng với vị trí nhóm nhạc nữ thành công bậc nhất ở thời điểm hiện tại.

HARPERS-BAZAAR-REVIEW-PHIM-BORN-PINK-4

Lisa. Ảnh: YG Entertainment.

Với những khán giả có dịp trải nghiệm công nghệ trình chiếu ScreenX, 4DX hay Ultra 4DX, có thể nói, trải nghiệm xem phim chỉ có thăng hoa hơn, chứ không hề kém cạnh so với concert thực tế. ScreenX chiếu phim với màn hình đa diện khiến bạn như được vây quanh bởi không khí trong một sân vận động thực thụ, trong khi đó, 4DX và Ultra 4DX mô phỏng lại những màn bắn pháo hoa, pháo giấy rực rỡ trong concert.

Phim concert BORN PINK tập trung nhiều vào phần biểu diễn, nhưng thiếu đi những góc nhìn phía sau ánh hào quang

Theo thông lệ, những phim tài liệu âm nhạc ghi lại các concert sẽ chèn hình ảnh từ hậu trường, ghi lại quá trình thực hiện chuyến lưu diễn. Đó không chỉ là những khoảnh khắc khiến thần tượng gần gũi hơn với fan, mà còn là cơ hội để thần tượng, nghệ sĩ san sẻ những khó khăn làm nghề.

Tuy nhiên, trong phim concert BORN PINK, những khoảnh khắc hậu trường của các cô gái xuất hiện rất chớp nhoáng. Một chút ở đầu phim, thoáng qua khi bốn nữ thần tượng chạy vào trong cánh gà để chuẩn bị cho set diễn mới, hoặc chờ đợi giờ diễn chính thức. Thiếu vắng đi những cảnh ghi lại cảm xúc, suy nghĩ của bộ tứ.

Liệu đó là lời khẳng định về sự chuyên nghiệp và tự tin của BLACKPINK sau nhiều năm đứng trên sân khấu lớn, và họ không còn cảm thấy quá thử thách khi biểu diễn live trước hàng chục nghìn khán giả? Hay chủ đích của bộ phim chỉ muốn nhấn mạnh vào các ca khúc?

Dù thế nào đi nữa, bộ phim vẫn có những khoảnh khắc lấy nước mắt người xem lúc về gần cuối, qua những phân cảnh trên sân khấu. Đặc biệt là khi Lisa xúc động khi đọc tin nhắn, hay màn hình tối dần và tiếng hô vang “BLACKPINK! BLACKPINK! BLACKPINK!” vẫn vang vọng của người hâm mộ.

Song có thể nói phần kết có hơi thiếu đi yếu tố cảm xúc. Bộ phim đã có thể kéo dài hơn và trọn vẹn hơn với những chia sẻ của các thành viên để đẩy cảm xúc luyến tiếc lên cao trào.

Văn hóa thần tượng biến các cụm rạp thành “mini concert”

Bên cạnh bộ phim, những trải nghiệm mà các cụm rạp hay các hội nhóm người hâm mộ mang đến cho khán giả đặc biệt sáng tạo và không khác gì với một concert thực tế.

Tại Việt Nam, nhiều cụm rạp có chương trình tặng vé in chữ ký thành viên, dây đeo thẻ, poster, que sáng cổ vũ. Một số nơi còn phát mỗi khách hàng một chiếc vòng tay có thể đổi màu, tương tự như lightstick (gậy cổ vũ) có trong sân vận động chính thức (trả lại sau khi suất chiếu kết thúc).

Lượng fan phủ kín rạp chiếu, mỗi người được phát banner cầm tay. Họ cùng đứng lên và di chuyển quanh rạp chiếu như mô phỏng một khu vực khán đài đứng (standing zone), mang theo lightstick chính thức từ BLACKPINK và thực hiện lời cổ vũ đặc biệt dành cho fan (fanchant), khiến bầu không khí càng trở nên sôi động.

Điều phải ghi nhận là các cụm rạp đều nắm bắt được tâm lý fan khi đến xem phim BORN PINK tại rạp, và nỗ lực tạo điều kiện cho họ để biến phòng chiếu thành một “mini-concert”. Tại cụm rạp CGV, khi bộ phim đang trình chiếu, đội ngũ nhân viên mang theo standee theo kích thước người thật vào phòng phim để các khán giả cùng check-in như thể BLACKPINK đang thực sự hiện diện tại đó.

HARPERS-BAZAAR-REVIEW-PHIM-BORN-PINK-10

Tại cụm rạp Hàn, BLACKPINK từng ghé thăm các khán giả. Ảnh: ICECON Vietnam

Không thể nói đến rạp xem phim sẽ thay thế được trải nghiệm của concert, nhưng việc không phải “đau đầu” săn vé, hay vượt ngàn hải lý để đến một vùng đất xa, hay chấp thuận các quy định ngặt nghèo ở concert (không được mang nước, mang balo quá to…) thì việc gặp BLACKPINK trên màn ảnh lớn có những lợi điểm nhất định, và là giải pháp cho những ai chưa có cơ hội gặp gỡ các cô gái ngoài đời thực nhưng mong muốn được xem các màn trình diễn ở quy mô hoành tráng hơn so với chiếc màn hình nhỏ tại nhà.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:

Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm