Review Alien: Romulus – Phần kinh dị nhất dòng phim quái vật không gian

Alien (tựa Việt: Quái Vật Không Gian) ra mắt lần đầu năm 1979, và phần phim mới nhất trong franchise, Alien: Romulus, vừa nghênh đón khán giả thưởng thức trên màn hình lớn vào ngày 16/08/2024.

BZ-ALIEN-ROMULUS-REVIEW-11

Alien: Romulus đã chính thức ra mắt với các khán giả Việt từ ngày 16/08/2024. Ảnh: FilmCritics

Lần đầu tiên khán giả thất kinh tại rạp chiếu bóng cùng Ellen Ripley đã là chuyện của 45 năm trước, nhưng bây giờ cảm giác kinh hoàng đó đang quay trở lại cùng với Alien: Romulus.

Phần phim mới nhất trở về với cốt truyện của phiên bản đầu tiên: Không tình tiết dông dài, cài cắm vĩ mô về nguồn gốc của những con quái vật ngoài vũ trụ, chỉ hoàn toàn là sự kinh dị trực chờ nhảy ra bất cứ lúc nào trong khoảng không tăm tối của một trạm nghiên cứu bỏ hoang.

Những con quái vật Xenomorph cùng sự hung hãn khủng bố của chúng, và những phi hành đoàn chiến đấu trong vô định, một lần nữa là tâm điểm của câu chuyện sau hai phần Prometheus (2012) và Alien: Covenant (2017) không được yêu thích vì có tham vọng mở rộng vũ trụ Alien nhưng đã không làm một cách trọn vẹn, chỉn chu.

(*) Review không tính các phần Alien vs Predator và có chứa spoiler. Vui lòng cân nhắc trước khi tiếp tục đọc bài viết.

Review phim Alien: Romulus – cầu nối hoàn hảo cho franchise phim kinh dị viễn tưởng

BZ-ALIEN-ROMULUS-REVIEW-12

Ảnh: 20th Century Studios

Alien: Romulus là phần phim mới nhất, nhưng không phải là tiền truyện (prequel) hay hậu truyện (sequel) mà là một trung truyện (interquel), xen giữa phần phim đầu tiên và phần phim thứ nhì của loạt phim kinh dị viễn tưởng này.

Trung truyện (interquel) không phải là một ý niệm quen thuộc với khán giả. Không có nhiều bộ phim được xét vào hạng mục interquel. Có thể hiểu vì sao các nhà làm phim ngán trung truyện vì tác phẩm vừa phải là cầu nối giữa hai phần phim, vừa phải mở rộng những thông tin mới mà không phạm lỗi logic với hai phần phim còn lại.

May mắn cho franchise Alien, phần trung truyện Alien: Romulus tuy gặp thử thách khó nhưng lại hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc, đó là vực dậy sự yêu thích của công chúng dành cho loạt phim này sau hai cú trượt dài là PrometheusAlien: Covenant.

BZ-ALIEN-ROMULUS-REVIEW-4

Ảnh: 20th Century Studios

Để hiểu về review phim Alien: Romulus, chúng ta cần xem lại phần đầu tiên – Alien (1979). Ở kết thúc phim, Ellen Ripley thổi bay con Xenomorph ra khỏi tàu USCSS Nostromo và khiến nó văng vào khoảng không gian bao la. Song, sinh mạng của con quái vật vẫn chưa kết thúc tại đó. Hóa ra, nó đã tự đóng mình vào trong một cái kén, và được đưa về nghiên cứu tại trạm Renaissance, ở phòng thí nghiệm Romulus.

Alien: Romulus bắt đầu ít lâu sau đó. Nội dung phim theo chân một đoàn thám hiểm trẻ, vì muốn đánh cắp buồng ngủ đông và nhiên liệu để đi đến một hành tinh xa, đã đổ bộ trạm Renaissance bị bỏ hoang. Tại đó, họ phát hiện ra những nghiên cứu bắt nguồn từ con Xenomorph, bao gồm hàng trăm cá thể Facehuggers (Thể bám mặt), cũng như hậu quả mà nó để lại cho trạm tàu: Tất cả phi hành đoàn đã chết hết, chỉ trừ một người máy duy nhất là Rook.

BZ-ALIEN-ROMULUS-REVIEW

Ảnh: 20th Century Studios.

Kiếp nạn bắt đầu khi một thành viên bị Facehuggers xâm nhập và để lại một con Chestburster (Thể phá ngực) trong cơ thể. Hàng loạt sự cố xảy ra vì họ không xử trí kịp thời trước sự hung hãn và tốc độ của những con quái vật, dẫn đến các thành viên trong nhóm lần lượt ra đi. Một bất ngờ diễn ra ở hồi cuối cùng của bộ phim, giới thiệu một nhân vật với tạo hình kinh hoàng chắc chắn sẽ khiến khán giả ái ngại khi xem trên màn hình lớn lần hai, nhưng họ vẫn sẽ ghé thăm vì lượng adrenaline mà Alien: Romulus mang đến quá tuyệt vời!

BZ-ALIEN-ROMULUS-REVIEW-9

Facehuggers và Xenomorph được khai thác kỹ trong phần phim mới, bao gồm những “vũ khí” sinh học kỳ dị của chúng. Ảnh: 20th Century Studios.

Xét trong bối cảnh được đặt ra, từ tình tiết đến thiết kế trong bộ phim đều phù hợp với phần phim đầu và phim tiếp nối, và gợi mở một hướng đi thú vị mà không ai có thể ngờ tới: Nếu khi bị thổi ra ngoài vũ trụ vẫn chưa phải là cái kết thực sự của loài quái vật không gian thì sẽ ra sao?

Trong rất nhiều phần phim Alien khác, dường như nhân vật của Ellen Ripley luôn luôn chỉ có một giải pháp duy nhất để kết liễu loài quái vật hung hãn, đó chính là thổi bay chúng ra khoảng không vũ trụ. Nhưng trong Alien: Romulus, những con Xenomorph cũng bị tận diệt theo cách khác. Một sự chú ý đến tiểu tiết, cần thiết và mới lạ hơn cho dòng phim .

Khi một bộ phim kinh dị vào tay đạo diễn chuyên phim kinh dị

BZ-ALIEN-ROMULUS-REVIEW-10

Đạo diễn Fede Alvarez đã có một tác phẩm mãn nhãn về phần hình ảnh. Ảnh: 20th Century Studios

Toàn bộ các phần phim của Alien đều được quay dưới ống kính của những đạo diễn tài năng, và có thể nói là đánh dấu những thành công đầu tiên cho những ống kính đại tài.

Jean-Pierre Jeunet, đạo diễn phần 4 có tác phẩm Amélie đề cử 2 hạng mục Oscars 2001. David Fincher, đạo diễn phần 3 đã mang đến những bom tấn đạt tầm quốc tế tiếp nối sau đó như Se7en (1995), Fight Club (1999), The Curious Case of Benjamin Button (2008)… Trong khi đó đạo diễn phân 2 James Cameron đã quá nổi tiếng với Avatar Titanic; và đương nhiên là cha đẻ Alien Ridley Scott, người chưa bao giờ hết gây ấn tượng bằng những phân cảnh thiên nhiên hùng vĩ.

Tuy nhiên, cả Jeunet, Fincher và Cameron đều không phải những đạo diễn chuyên phim khoa học viễn tưởng kinh dị – thể loại chính của Alien. Trong khi đó, Ridley Scott dù đã tạo ra phần Alien (1979) mỹ mãn, nhưng lại dần làm mất đi yếu tố thương mại của franchise khi đào sâu quá nhiều về vũ trụ Alien trong các phần phim tiếp nối.

BZ-ALIEN-ROMULUS-REVIEW-5

Tạo hình của loài Xenomorph được zoom cận cảnh. Ảnh: 20th Century Studios.

Có lẽ vì vậy, khi một bộ phim kinh dị cuối cùng cũng được giao vào tay của một đạo diễn chuyên kinh dị như Fede Álvarez (Evil Dead, Don’t Breath…), trải nghiệm trở nên mới lạ và kinh hãi hơn theo cấp số nhân.

Những cú jumpscare (hù dọa lấy yếu tố bất ngờ làm chủ đạo) được cài cắm hợp lý với loài Facehuggers có tốc độ di chuyển nhanh, thường xuyên bật nhảy để bám vào mặt những phi hành đoàn xấu số. Bản năng săn mồi của Xenomorph cũng được lột tả qua góc quay chia rõ bố cục xa – gần: Phía trước là khuôn mặt kinh hãi của nạn nhân, và phía sau là một con quái vật cao đến hai mét, trực chờ xông tới khi nạn nhân có bất kỳ động thái nào sơ hở.

BZ-ALIEN-ROMULUS-REVIEW-7

Sinh học kỳ dị của quái vật được khai thác rất rõ trong bộ phim. Ảnh: 20th Century Studios

Những đặc điểm sinh học kỳ dị của loài quái vật được khắc họa một cách máu me và gây khó chịu bằng những shot quay cận và trên hết là nỗ lực đầu tư thiết kế các mô hình thật thay vì dựa hoàn toàn vào CGI. Để diễn tả cảm giác khi nhìn thấy chiếc kén Xenomorph bám dính trên tường, thì hãy liên tưởng đến phân đoạn Mia Allen bò ra từ cửa sập trong Evil Dead (2013) của Fede Álvarez. Ám ảnh là cảm xúc chân thật nhất.

Review phim Alien: Romulus – Tác phẩm đáng xem vì dàn diễn viên trẻ tròn vai

BZ-ALIEN-ROMULUS-REVIEW-2

Nhân vật chính, Rain, được đánh giá là thể hiện ổn. Ảnh: 20th Century Studios

Phi hành đoàn đối đầu với lũ Xenomorph trong phim Alien: Romulus lần lượt là Rain (Cailee Spaeny thủ vai), Andy (David Jonsson đóng), Tyler (Archie Renaux), Kay (Isabela Merced), Bjorn (Spike Fearn) và Navarro (Aileen Wu).

“Tròn vai” là tính từ đúng để miêu tả về màn trình diễn của các diễn viên trẻ. Họ không thực sự quá bùng nổ hay có tiềm năng in sâu vào văn hóa đại chúng như biểu tượng Ellen Ripley của Sigourney Weaver, nhưng những cảm xúc của các nhân vật vẫn được thể hiện hoàn hảo.

Nữ chính Rain của Cailee Spaeny được nhận xét là hơi yểu điệu so với các phần phim trước, trong khi theo kịch bản, cô buộc phải là nhân vật bụi bặm nhất trong Alien: Romulus. Song, cô vẫn có màn thi đấu vô cùng mãn nhãn với hàng chục con quái vật Xenomorph ở cuối phim, và khán giả yêu thích Rain vì sự nhanh trí của cô.

BZ-ALIEN-ROMULUS-REVIEW-3

Người máy Andy. Ảnh: 20th Century Studios

Trong khi đó, người máy Andy của David Jonsson hiện đang nhận được phản ứng tích cực bùng nổ trên khắp các trang mạng vì cách thể hiện như đóng 2-3 vai diễn cùng một lúc. Có lúc, Andy là một người máy thân thiện lớn lên và phụng sự Rain, nhưng khi được thay đổi chip, anh trở thành một người máy lạnh lùng và hành động vì lợi ích của tập đoàn Weyland-Yutani, sẵn sàng hi sinh bất cứ sinh mạng nào nếu cảm nhận được rủi ro.

Với danh tiếng của dòng phim Alien, không khó để Fede Álvarez mời được những diễn viên có tên tuổi bùng nổ hơn. Song, phần phim mới nhất dành spotlight cho những diễn viên trẻ, đa sắc tộc. Với David Jonsson, có thể nói Alien: Romulus chính là cú bật trong sự nghiệp của anh.

Không xem các phần phim trước thì có thể xem Alien: Romulus (2024) được không?

BZ-ALIEN-ROMULUS-REVIEW-8

Alien: Romulus là trải nghiệm dành cho cả fan và khán giả đại chúng. Ảnh: 20th Century Studios.

Câu trả lời là hoàn toàn có thể. Trong bộ phim, có rất nhiều lời thoại được dành ra để giải thích về sinh vật bí ẩn từ nhân vật người máy Andy (thủ vai). Bởi lẽ, những phi hành đoàn còn lại, cũng lần đầu chạm trán với con quái vật này, và họ cũng không biết nhiều hơn những khán giả đi xem lần đầu tiên!

Tuy nhiên, nếu không phải fan của dòng phim lâu năm, trải nghiệm của bạn sẽ phần nào ít thăng hoa hơn khi không nhận ra các Easter Egg (Trứng phục sinh, giải thích nôm na là các những chi tiết nhỏ liên kết với những phần phim khác) rải rác khắp bộ phim.

Dựa trên các bình luận để lại từ chuyên trang IMDb hay Rotten Tomatoes, một điểm khiến khán giả vô cùng yêu thích Alien: Romulus của đạo diễn Fede Álvarez chính là sự tôn trọng với những bộ phim dẫn trước thể hiện qua những câu thoại tri ân, hay phân cảnh tương đồng.

BZ-ALIEN-ROMULUS-REVIEW-6

Ảnh: 20th Century Studios.

Với nhiều người, xem Alien: Romulus như được xem lại phần phim đầu tiên Alien (1979) nhưng với công nghệ của thời hiện đại, khiến trải nghiệm kinh hoàng trở nên sống động hơn bao giờ hết. Và có lẽ, khán giả không cần những câu chuyện rối não và đôi khi là ôm đồm quá mức của Prometheus hay Covenant nữa. Họ chỉ cần trải nghiệm kinh hoàng thuần túy từ những quái vật Xenomorph có thể gây sởn tóc gáy chỉ từ bằng cách nhe hàm răng nanh.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:

Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm