Giải thưởng Quả Cầu Vàng (Golden Globes) tổ chức lần đầu tiên vào năm 1944, nhằm tôn vinh những tác phẩm và tài năng xuất sắc trong địa hạt phim ảnh. Trải qua 81 năm bền bỉ tổ chức, sự kiện đã trở thành một trong những lễ trao giải danh giá và được quan tâm trong mùa lễ trao giải điện ảnh thường niên. Được mời tham dự Quả Cầu Vàng đã là một vinh dự đôi khi chỉ đến một lần trong đời với nhiều diễn viên. Chiếc cúp Quả Cầu Vàng cũng thông thường báo hiệu cho thắng lợi tại lễ trao giải Oscar.
Thời trang thảm đỏ tại lễ trao giải Quả Cầu Vàng (Golden Globes) cũng luôn được mong ngóng. Như một quy tắc ngầm, những vị khách của Quả Cầu Vàng đều tuân thủ dress code thanh lịch nhưng vẫn có thể toả sáng bằng hào quang riêng mà không cần những yếu tố quái chiêu trên trang phục. Phần nào đó, ngược dòng thời trang Quả Cầu Vàng cũng đồng thời là ngược dòng diễn biến trang phục tiệc tối thanh lịch của giới tinh hoa trong dòng chảy lịch sử.
Những phong cách và xu hướng thời trang thanh lịch định hình lễ trao giải Quả Cầu Vàng
Thập niên 40-60: Tuyên ngôn thượng lưu từ găng tay Opera
Khởi nguồn từ trang phục hoàng gia vào thế kỷ 18, găng tay opera sau đó được lan tỏa đến giới thượng lưu và trở thành quy ước để nhận dạng những người phụ nữ lịch thiệp, gia giáo vào thế kỷ 19, 20. Món phụ kiện dài đến khuỷu tay cực thịnh vào thập niên 1940 đến đầu thập niên 1960, một phần nhờ xuất hiện cùng nhiều biểu tượng nhan sắc trên màn ảnh giai đoạn này: Marilyn Monroe trong Gentlemen Prefer Blonde (1953), Rita Hayworth trong Gilda (1946).
Trong 20 năm đầu tiên, thảm đỏ lễ trao giải Quả Cầu Vàng chứng kiến găng tay opera tháp tùng những mỹ nhân nền nã. Họ thường chọn găng tay khác màu với trang phục. Được ưa chuộng nhất là găng tay màu trắng, một biểu tượng của cuộc sống thượng lưu. Cũng có những minh tinh lựa chọn găng tay đồng màu với đầm dạ hội để tạo sự đồng nhất.
Găng tay Opera quý phái vẫn không hề phai nhạt sức hút đối với các vị khách tham dự lễ trao giải Quả Cầu Vàng ngày nay. Mỗi khi có mỹ nhân xuất hiện cùng món phụ kiện, dường như có một bộ lọc hoài cổ, kiêu kỳ phủ lên thảm đỏ.
Thập niên 70: Điểm nhấn từ lông và đầm dạ hội cao cổ
Những trang sách thời trang thảm đỏ Quả Cầu Vàng trong thập niên 1970 ghi nhận hai trường phái trưng diện hoàn toàn đối lập.
Một bên là những cô nàng cường điệu và phóng khoáng với trang phục bằng lông. Ví dụ điển hình là Cher, tự tin đến mức mặc áo khoác ngoài set váy áo hai mảnh, mang đến sự kịch tính cho sự kiện danh giá, đồng thời khoe lấy đường nét tự nhiên tuyệt vời của phụ nữ. Chiếc áo khoác lông trở thành điểm nhấn thanh lịch cho trang phục hở bạo bên trong.
Một bên trung thành với phong cách kín đáo, thanh lịch hơn. Từ găng tay opera, họ đổi lấy đầm dạ hội tay dài, cổ cao. Họ thêm những điểm nhấn lộng lẫy cho form dáng an toàn bằng cườm lấp lánh hay vải tuyn xếp lớp đầy lãng mạn.
Thập niên 80: Kỷ nguyên của những sắc màu
Trang phục dự Quả Cầu Vàng không nằm ngoài phạm vi chi phối của hai xu hướng chủ đạo từ thời trang thập niên 1980: Màu sắc rực rỡ và lối ăn vận thể hiện quyền lực (power dressing) nhấn mạnh vào phần cầu vai. Xuất hiện những biến thể trang trọng của cầu vai mạnh mẽ thể hiện qua áo khoác blazer cùng đầm dạ hội, hay những cầu vai độn trên váy đầm dài.
Vẻ đẹp hình thể cũng được các mỹ nhân thể hiện tự do và dạn dĩ qua dáng váy hai dây khoét sâu hay váy trễ vai tay bồng rất biết níu giữ ánh nhìn của người đối diện. Tổ hợp màu rực rỡ xanh, đỏ, bạc… đổ bộ sự kiện, càng thêm lộng lẫy với khả năng bắt đèn flash của chất liệu lụa và metallic.
Thập niên 90: Tối giản ngự trị
Thập niên 90 lật đổ sự rực rỡ của 10 năm trước đó, chừa chỗ cho những bộ cánh “nói ít, hiểu nhiều” xưng vương và đồng thời là giai đoạn gây thương nhớ nhất trong toàn bộ lịch sử thời trang lễ trao giải Quả Cầu Vàng. Đó là huyền thoại Audrey Hepburn trong chiếc váy tay dài bằng satin màu champagne hoà hợp với phụ kiện sắc vàng và chính chiếc cúp danh giá trên tay; Angelina Jolie biến mình thành món trang sức quyến rũ nhất thảm đỏ trong đầm suôn của Versace; Gwyneth Paltrow vẫn lộng lẫy dù chỉ ứng dụng sắc trắng – đen.
Không thể không nói về khoảnh khắc lịch sử khi người đàn bà đẹp Julia Roberts nhận giải trong bộ suit xám như cô thể cô đến dự lễ sau một ngày làm việc văn phòng. Một bộ suit Giorgio Armani theo hình dáng bình dị, không phải tuxedo với nơ cài cổ hay suit với ve áo satin sáng bóng, nhưng bộ cánh của Julia Roberts chưa bao giờ rời khỏi bàn tròn thảo luận của hội tín đồ về những tạo hình thời trang đáng nhớ nhất trên thảm đỏ lễ trao giải Quả Cầu Vàng.
Thập niên 2000: Sequin và những đường cắt táo bạo
20 năm sau những ngày tháng huy hoàng của thập niên 80, dáng váy khoét sâu vẫn có một hội tín đồ toàn mỹ nhân tại Quả Cầu Vàng. Điểm khác là họ sáng tạo hơn trong cách sắp đặt vị trí của chi tiết cắt. Không chỉ theo dáng “truyền thống” xẻ ngực, còn có các biến tấu quyến rũ, duyên dáng ở eo, tà váy trên một trục đối xứng nịnh mắt.
Sequin đồng thời là tài sản vô giá mà thập niên 2000 để lại trên thảm đỏ thời trang lễ trao giải Quả Cầu Vàng. Mô-típ lấp lánh trên nền vải nude là lựa chọn đầy táo bạo, như làn da thứ hai được khảm nạm đá quý của các minh tinh.
Thập niên 2010: Điêu khắc hình thể
Thời trang thảm đỏ lễ trao giải Quả Cầu Vàng thập niên 2010 chứng minh các thương hiệu thời trang đồng hành cùng những minh tinh sở hữu kỹ năng hoàn thiện phom dáng thượng thừa qua những bộ cánh công phu. Versace khắc hoạ vòng eo siêu thực của Lady Gaga bằng chiếc váy nhấn khéo léo ở phần hông hay đầm với viền cổ hình ve áo sắc lẹm của Angelina Jolie là nhân chứng.
Thập niên 2020: Sân chơi của những món đồ được thiết kế riêng
Để nổi bật trong kỷ nguyên mới, trang phục đẹp thôi chưa đủ. Các diễn viên còn mong cầu những thiết kế độc bản chỉ một mình họ sở hữu. Hàng loạt thiết kế thời trang được may đo riêng đổ bộ dày đặc trên thảm đỏ lễ trao giải Quả Cầu Vàng trong thập niên 2020. Quan trọng hơn cả sự độc đáo, trang phục custom cho phép diễn viên thực hiện method-dressing (mặc trang phục giống thiết lập nhân vật), từ đó gửi lời tri ân đến đoàn làm phim hoặc trong một số trường hợp, đến với nhân vật lịch sử mà mình vào vai.
Chẳng hạn như chiếc váy của Emma Corrin tại Quả Cầu Vàng năm 2021, được thiết kế riêng bởi Miu Miu để cô có thể khắc hoạ trọn vẹn nguồn cảm hứng từ chú hề Pierrot trong phần cổ bèo nhún, đồng thời thể hiện hình bóng biểu tượng của công nương Diana qua phần cầu vai lớn và sắc trắng – đen. Đây là sự tri ân đầy tinh tế, khi cô nhìn thấy sự tương đồng giữa câu chuyện của chú hề Pierrot với công nương quá cố: Họ đều là những người có tâm hồn tự do, chật vật thích nghi vào trong một xã hội nặng phép tắc.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:
NHỮNG BỘ PHIM ĐOẠT NHIỀU GIẢI QUẢ CẦU VÀNG NHẤT LỊCH SỬ
CÓ GÌ BÊN TRONG TÚI QUÀ TẶNG 1 TRIỆU ĐÔ CỦA QUẢ CẦU VÀNG 2025?
SQUID GAME 2 NHẬN ĐỀ CỬ QUẢ CẦU VÀNG 2025 DÙ CHƯA RA MẮT
Harper’s Bazaar Việt Nam