Phim ONE: High School Heroes nhân cách hóa những mặt tối xã hội

Bộ phim mới nhất của nền tảng Wavve không chỉ đáng thưởng thức vì những cảnh hành động đẹp. Ẩn sau đó là cuộc truy tìm đến gốc rễ của vấn nạn bạo lực học đường truyền tải qua hình ảnh mỗi nhân vật trong phim.

bzvn-poster-one-high-school-heroes

Poster phim ONE: High School Heroes cùng hai nhân vật chính: Kang Yoon Gi (trái) và Kim Ui Gyeom (phải). Ảnh: Wavve

Dòng phim hành động học đường Hàn Quốc vốn thu hút người xem bởi những pha hành động mãn nhãn. Tuy nhiên, bên cạnh yếu tố giải trí và giá trị thương mại, thể loại này còn được yêu thích nhờ khả năng truyền tải những thông điệp mang tính hiện thực.

Điểm qua những chuỗi phim bom tấn nhất của dòng phim này trong năm 2025 như Người Hùng Yếu Đuối (Weak Hero), Học Sinh Cá Biệt (Study Group)… và nối tiếp là ONE: High School Heroes, phim mới lên sóng bốn tập đầu vào ngày 30/05 vừa qua.

Tác phẩm lần này có cách tiếp cận chủ đề học đường toàn diện. Phim khai thác vấn nạn bạo lực học đường qua hệ thống nhân vật được xây dựng cô đọng – mỗi người đại diện cho một lát cắt khác nhau của vấn đề, góp phần khắc họa bức tranh đa chiều và đầy trăn trở về môi trường học đường.

Kim Seok Tae, Kim Ui Gyeom: Đại biểu cho chấn thương tâm lý di truyền (generational trauma) qua thế hệ

Không giống các phim cùng đề tài thường đặt trọng tâm vào trường học, ONE: High School Heroes chọn mở rộng tầm nhìn ra khỏi cổng trường, nhấn mạnh ảnh hưởng sâu sắc của gia đình lên hành vi của học sinh.

bzvn-nhan-vat-dien-vien-one-high-school-heroes-19

Kim Seok Tae (trái) và Kim Ui Gyeom (phải) trong ONE: High School Heroes. Ảnh: Wavve

Nhân vật Kim Seok Tae (Kim Sang Ho) là người cha thành đạt nhưng hà khắc của nam chính Kim Ui Gyeom (Lee Jung Ha).

Trong nguyên tác, hành vi bạo lực của Kim Ui Gyeom một phần bắt nguồn từ áp lực học hành do cha áp đặt. Lên phim, Wavve phát triển thêm nhân vật ông nội Kim Ui Gyeom, cha của Seok Tae – cũng là một người đàn ông gia trưởng, lạnh lùng với con cái, tạo nên một chuỗi truyền nối giữa các thế hệ đàn ông trong gia đình: những người bị tổn thương nhưng không bao giờ được phép yếu đuối, và vì thế, tiếp tục truyền lại cách yêu thương sai lệch cho con cháu mình.

bzvn-nhan-vat-dien-vien-one-high-school-heroes-7

Ảnh: Wavve

Người cha từng khuất phục trước ông nội để rồi mang theo sự dồn nén đó mà áp đặt lên chính con mình mà không nhận ra điều đó là sai. Cậu học sinh giỏi Kim Ui Gyeom bị mắc kẹt giữa kỳ vọng hà khắc của cha, cái bóng quá lớn của người anh trai quá cố, và nỗi cô đơn không thể gọi thành tên. Cậu tìm thấy cảm giác “giải thoát” nơi những cú đấm và sự hỗn loạn – điều được một người bạn học như Kang Yoon Gi tiếp tay – một nhân vật nằm ở vùng xám đạo đức với động cơ khó hiểu.

Seung Joon, Ji Hyuk, Seung Sik: Đại diện cho bạo lực có tính hệ thống tại môi trường giáo dục Hàn

Trong bốn tập phim đầu tiên, ONE: High School Heroes chưa khai thác căn nguyên bạo lực có liên kết với các tổ chức tội phạm ngoài trường như các tác phẩm khác, mà tạm xoáy vào sự vận hành nội bộ của bạo lực học đường Hàn Quốc.

Ở đó, có những học sinh buộc phải tuân theo luật ngầm: nếu không bắt nạt người khác, họ sẽ trở thành nạn nhân – phần lớn là nghe theo lời đàn anh khoá trên – sự phân tầng quyền lực đến từ tuổi tác.

bzvn-nhan-vat-dien-vien-one-high-school-heroes-8

Ảnh: Wavve

Kim Seung Joon (Im Sung Kyun) – bạn học cùng khối với Ui Gyeom – là ví dụ điển hình: cậu bắt nạt người khác không vì bản chất xấu xa, mà nếu cậu không làm vậy, sẽ lập tức bị gọi lên sân thượng trường và bị đàn anh khối 2, Choi Ji Hyuk (Lee Se Ho) trách phạt bằng chiếc kiếm tre. Tương tự, Ji Hyuk cũng phải cúi đầu trước Nam Seung Sik (Shin Jun Seop) và đồng bọn khối 3 của hắn.

bzvn-nhan-vat-dien-vien-one-high-school-heroes-12

Ảnh: Wavve

Sự tồn tại của những nhân vật như Ji Hyuk, Seung Sik – mỗi người đều giữ vai trò “đàn anh” ở khối trên – cho thấy một hệ thống bạo lực, nơi học sinh không có cơ hội thoát khỏi nếu không vùng lên đối đầu cả chuỗi quyền lực ấy.

Ở đời thực, những học sinh như Kim Ui Gyeom có thể hiếm, nhưng những hệ thống bắt nạt như vậy tồn tại tràn lan, đặc biệt lộng hành và bắt nạt người khác với lý do liên quan đến sĩ diện cá nhân: Ji Hyuk, Seung Sik không có can dự gì với Ui Gyeom, nhưng vẫn mượn cớ cậu “đụng” đến đàn em của họ để gây sự, thoả mãn thói bạo lực của mình.

Kim Nam Hyup: Đại diện cho tâm tình bị dồn nén sau lớp vỏ gương mẫu

bzvn-nhan-vat-dien-vien-one-high-school-heroes-20

Ảnh: Wavve

Kim Nam Hyup (Hong Min Ki) – đàn anh của Kim Ui Gyeom ở trường cũ – đại diện cho một lớp học sinh chuẩn mực nhưng tiềm ẩn nhiều mảng tối.

Với bảng thành tích học tập đáng nể, Nam Hyup luôn được tôn sùng, khiến những cáo buộc bạo lực xoay quanh cậu bị gạt đi như tin đồn vô căn cứ. Trong một cảnh phim đáng chú ý, khi Kim Ui Gyeom tố cáo Nam Hyup trước cha mình và phụ huynh của cậu, mọi lời nói đều bị phủ nhận bởi niềm tin cố hữu rằng một học sinh giỏi sẽ không thể sai.

Tuy nhiên, Nam Hyup thực sự đã từng đánh bạn, với lý do để giải toả áp lực học hành. Điều này đặt ra một câu hỏi lớn: Khi những khuôn mẫu thành tích được đặt lên hàng đầu, liệu chúng ta có đang che giấu những bất ổn tâm lý bên trong học sinh? Và liệu có bao giờ, lời nói của nạn nhân được lắng nghe khi kẻ gây ra tổn thương mang danh gương mẫu?

Những thầy cô trong trường: Trách nhiệm giáo dục lỏng lẻo của người lớn

bzvn-nhan-vat-dien-vien-one-high-school-heroes-3

Những người lớn thường ít hiện diện trong phim hành động học đường Hàn. Phần nào đó, điều này phản ánh một sự thật rằng họ can thiệp không đủ. Ảnh: Wavve

Giống như nhiều phim học đường khác, ONE: High School Heroes phơi bày sự hời hợt của đội ngũ giáo viên trong việc giám sát và bảo vệ học sinh. Trước những xung đột của học sinh, họ quở trách qua loa, không bao giờ thật sự quan tâm đến nguyên nhân đằng sau hành vi để tránh phiền toái.

Sự thờ ơ này khiến những học sinh bị tổn thương không còn nơi để bám víu. Không được lắng nghe, các em buộc phải chọn những cách phản kháng tiêu cực – hoặc tự mình chống trả và rơi vào vòng xoáy bạo lực, hoặc tệ hơn, lặng lẽ chịu đựng trong tuyệt vọng. Khi sự im lặng của người lớn trở thành tường thành bảo vệ cho cái ác, thì chính những người cần được bảo vệ lại là người đầu tiên bị bỏ rơi.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:

Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm