
Ảnh: Netflix
Chỉ sau năm ngày phát hành trên Netflix (20/6), bộ phim hoạt hình KPop Demon Hunters đã bất ngờ vươn lên dẫn đầu bảng xếp hạng toàn cầu ở hạng mục series – theo số liệu từ FlixPatrol. Bộ phim hiện đứng số 1 tại 22 quốc gia, bao gồm cả Hàn Quốc, Mỹ, Anh, Pháp, Nhật và Mexico.
Sự bùng nổ này không chỉ khiến cộng đồng fan K-pop phấn khích, mà còn gây tranh cãi dữ dội tại Trung Quốc khi một bộ phận cư dân mạng nước này cáo buộc phim “chiếm đoạt văn hoá” do có hình ảnh như thảo dược, hổ, nút thắt truyền thống… mà họ cho là biểu tượng Trung Hoa.
Trong lúc tranh cãi chưa hạ nhiệt, nhiều người theo dõi bộ phim tiếp tục có những thắc mắc về nội dung của series: Liệu KPop Demon Hunters là một sản phẩm mang tính giải trí hay đang ngầm phơi bày những góc khuất của ngành công nghiệp thần tượng Hàn Quốc? Đặc biệt, khi bộ phim được nhào nặn dưới góc nhìn kết hợp của hai đạo diễn phương Tây – Chris Appelhans và Maggie Kang.
KPop Demon Hunters dùng siêu năng lực làm phép ẩn dụ về đời sống thật của các thần tượng

Ảnh: Netflix
KPop Demon Hunters là câu chuyện về nhóm nhạc nữ hư cấu Huntrix (viết hoa mỹ là HUNTR/X) gồm ba thành viên: trưởng nhóm kiêm giọng ca chính Rumi, vũ công chính Mira và rapper kiêm nhà sáng tác Zoey. Ban ngày, họ là những idol rực rỡ trên sân khấu. Ban đêm, họ là những chiến binh chống lại tà ma đang âm thầm đe dọa thế giới.
Hình ảnh siêu anh hùng núp bóng dưới một vỏ bọc bình thường không còn mới. Từ Superman trong DC Comics, Người Nhện của Marvel cho đến Thủy Thủ Mặt Trăng, môtíp này vô cùng quen thuộc. Tuy nhiên, khi đặt để vào môi trường K-pop, nó lại mang một ý nghĩa khác, là một phép ẩn dụ khá chính xác về cuộc sống của thần tượng ngoài đời thật.
Trong phim, các cô gái phải giữ bí mật về thân phận với công chúng. Điều này không khác gì với các idol thật sự ngoài đời, những người cũng có những bí mật riêng, luôn phải che giấu đi nỗi sợ hãi, áp lực, mệt mỏi và tổn thương cá nhân để giữ hình tượng “hoàn hảo không tì vết”.
Bộ phim tái hiện nhiều chi tiết gần như thật đến ngỡ ngàng của giới K-pop: từ ánh sáng lightstick rực rỡ trong concert, sự cuồng nhiệt của fandom, đến việc các nhóm nhạc đối thủ ra mắt ca khúc diss nhau và viral trên mạng xã hội. Thậm chí, việc các thành viên Huntrix tổ chức những buổi nói chuyện riêng tư sau xung đột cũng gợi nhớ đến “modakbul” – một nghi thức “lửa trại” được nhóm nhạc TWS sử dụng để giữ hòa khí nội bộ.
Khoảng cách giữa phim và đời thật, lý tưởng hóa cuộc sống của ngôi sao Kpop

Ảnh: Netflix
Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng bộ phim cũng lý tưởng hóa cuộc sống idol. Huntrix được khắc họa như có toàn quyền kiểm soát sự nghiệp và tự do: tự phát hành nhạc, tự viết bài diss đối thủ, thậm chí đi dạo phố Seoul mà không cần quản lý hay cải trang.
Trên thực tế, ngành công nghiệp giải trí Hàn thì khác xa. Phần lớn idol hoạt động dưới sự giám sát chặt chẽ của công ty quản lý, giống như nhân viên hợp đồng hơn là nghệ sĩ tự do. Việc phát hành một ca khúc hiếm khi là quyết định ngẫu hứng, đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng của cả một ê-kíp và kế hoạch truyền thông bài bản. Một pha “tự tung tự tác” dường như là điều không thể.
Chỉ cần nhìn vào lịch trình làm việc của các nhóm nhạc điển hình như TWICE, BLACKPINK hay ITZY – vốn được xem là nguồn cảm hứng cho Huntrix – hầu như họ không có lấy một ngày nghỉ thực sự sau mỗi đợt quảng bá. Họ lao ngay vào dự án tiếp theo hoặc chuẩn bị tour diễn quốc tế. Và tuy idol đôi lúc vẫn “trốn” ra ngoài, nhưng những buổi hẹn hò công khai giữa hai ngôi sao hàng đầu như Rumi và Jinu, mà không hề che chắn hay có quản lý đi kèm không thể nào không làm “dậy sóng” mạng xã hội.

Ảnh: Netflix
Vấn đề ăn uống cũng vậy. Trong phim, các thành viên Huntrix có thể thoải mái ăn kimbap, mì gói hay gukbap – những món ăn quen thuộc của người Hàn. Nhưng với idol thật, những món ăn này thường nằm trong danh sách “cấm kỵ”, nhất là trong giai đoạn quảng bá album, khi họ phải duy trì hình thể hoàn hảo trước ống kính. Nhiều idol tuân theo chế độ ăn kiêng cực kỳ nghiêm ngặt và tiếp tục kiểm soát khẩu phần ngay cả trong thời gian nghỉ.
Thậm chí, một idol nam còn tiết lộ riêng với truyền thông rằng, anh sẽ không ăn vặt ngay cả khi đi uống cùng bạn bè. “Trông hốc hác ngoài đời có khi lại đẹp hơn khi lên hình”, nam idol nói.

Ảnh: Netflix

Ảnh: Netflix

Ảnh: Netflix
Có thể nói, KPop Demon Hunters không chỉ là một cú bắt trend dễ dãi từ làn sóng Hallyu. Bộ phim còn là nỗ lực chỉn chu và công phu của một ê-kíp quốc tế trong việc kể một câu chuyện hiện đại, vừa văn hóa, vừa mang yếu tố giải trí.
Chính sự chủ động trong việc “vay mượn có chọn lọc”, và tinh thần không quá nghiêm túc khi kể câu chuyện về một ngành công nghiệp vốn được xây dựng rất nghiêm ngặt, đã khiến KPop Demon Hunters khác biệt. Bộ phim không cần tái hiện toàn bộ thực tế K-pop, nhưng vẫn đủ khiến khán giả thích thú và tò mò hơn về văn hoá lẫn nền công nghiệp thần tượng của Hàn quốc.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:
NGUYÊN MẪU CHO SAJA BOYS VÀ HUNTR/X, HAI NHÓM NHẠC ẢO TỪ PHIM KPOP DEMON HUNTERS
TẬP 10 TÂN BINH TOÀN NĂNG: KAY TRẦN RƠI NƯỚC MẮT, TOP X TRỞ LẠI CUỘC ĐUA
LIVE STAGE 2 EM XINH “SAY HI” ĐA DẠNG VỀ MÀU SẮC ÂM NHẠC
Harper’s Bazaar Việt Nam