Danh họa Pablo Picasso: Kẻ lắm tài nhiều tật

Pablo Picasso, đại danh họa người Tây Ban Nha, tuy là một người vĩ đại trong hội họa nhưng lối sống của ông làm nhiều người phải đặt câu hỏi.

Chân dung Pablo Picasso chụp năm 1908. Ảnh: Wikimedia Commons

Khi tìm kiếm cụm từ “lắm tài nhiều tật” trên mạng, ta sẽ có hơn 6 triệu bài liên quan trong 0.26 giây. Bởi đúng thật, quá nhiều tài năng lỗi lạc trong nhiều lĩnh vực lại không phải là những người hoàn hảo.

Đại danh họa Pablo Picasso cũng không phải là một ngoại lệ. Ông đã để lại kho tàng hội họa đáng ngưỡng mộ lên đến 50.000 bức tranh ảnh, phù điêu và tượng các loại. Ông cũng là một trong những người họa sỹ có thể “kiếm cơm” từ tranh vẽ và dùng tài năng để giúp thay đổi xã hội. Tuy nhiên, người đàn ông này lại bị chính gia đình mình ghét bỏ.

Từng bị chính phủ Pháp xem là thành phần cực đoan

Tuy dành nửa cuộc đời ở Pháp, Picasso không hề tạo được ấn tượng tốt với những người bản xứ. Hồ sơ của an ninh quốc gia Pháp viết vào năm 1901 về đại danh họa như sau: “Tay này nói thứ tiếng Pháp chật vật, không ai hiểu hắn muốn nói gì. Hắn thường tiếp xúc, móc nối với những kẻ lạ mặt”.

Pablo Picasso: “Cái giá” của sự vĩ đại

Hồ sơ Picasso trong kho lưu trữ của an ninh Pháp. Nguồn: The Art Newspaper

Thậm chí, Picasso nằm trong danh sách các đối tượng tiềm tàng khủng bố ở mức độ ký hiệu “S”. Những đối tượng “S” được cân nhắc là thuộc loại tối nguy hiểm với an ninh quốc gia.

Vào năm 1911, khi bức tranh Mona Lisa “không cánh mà bay”, Picasso bị tình nghi là thủ phạm. Tin đồn về những bức tranh trưng bày trong nhà ông được lấy từ bảo tàng Lourve càng tăng sự nghi vấn. Dù được minh oan, chính phủ Pháp luôn tìm cớ để từ chối cho ông gia nhập quốc tịch.

>>> XEM THÊM: GIẢI MÃ LÝ DO MONA LISA CỦA LEONARDO DA VINCI NỔI TIẾNG THẾ GIỚI

Pablo Picasso sinh ra để phá vỡ kỷ luật

Picasso tự họa năm 1901, giai đoạn Blue (1901-1904) khi ông rơi vào trầm cảm. Ảnh: pablopicasso.org

Dường như việc hòa nhập với xã hội chưa từng xuất hiện trong vốn từ vựng của ông. Pablo Picasso là một người nổi tiếng không thích tuân thủ kỷ luật. Ông nghỉ học ở Học viện mỹ thuật Hoàng gia San Fernando ở Madrid vì không thích cách dạy quy củ. Trường phái Lập thể (Cubism) do ông tiên phong cũng vứt bỏ kỷ luật trong hội họa cổ điển.

Pablo Picasso không cảm thấy nghệ thuật nên sao chép thiên nhiên. Ông cho rằng mình không có nghĩa vụ phải tuân thủ kỹ thuật hội họa truyền thống, bởi ông muốn nhấn mạnh vào sự khác biệt giữa tranh vẽ và hiện thực. Lập thể (Cubism) là cách để ông chứng minh góc nhìn của mình.

Tranh người phụ nữ ôm đàn – Girl with a Mandolin (Fanny Tellier), vẽ năm 1910 theo trường phái Lập thể Phân tích. Ảnh: Bảo tàng MoMA New York / Wikimedia Commons

Năm 1907, cùng với họa sĩ người Pháp Georges Braque, ông bắt đầu đặt nền móng cho Chủ nghĩa Lập thể. Thành quả của họ là phong cách Lập thể Phân tích (Analytic Cubism), có đặc trưng bởi các mặt phẳng chồng chéo, phân mảnh và bảng màu đơn sắc. Thoạt nhìn, chúng nhìn như hai chiều. Nhưng thực tế dùng những mặt phẳng này để miêu tả chuyển động của nhân vật trong tranh. Pablo Picasso tin vào thuyết tương đối, cho rằng chúng ta không nhìn một vật thể từ một góc độ tĩnh, mà từ nhiều góc độ được lựa chọn bởi thị giác và chuyển động.

Ba người nhạc sỹ – Three Musicians, vẽ năm 1921. Ảnh: Masterworks Fine Art

Từ khoảng năm 1907 cho đến 1917, Pablo Picasso đi tiên phong trong phong trào Lập thể, nhưng cũng liên tục thay đổi phong cách vẽ của mình. Có những lúc ông thiên về hướng Siêu thực (Surrealism). Có lúc khác lại gần như Trừu tượng (Abstract). Đôi lúc ông cũng thử nghiệm với trường phái Tân cổ điển (Neoclassical). Điều này để thấy rằng ông không gò bó mình vào bất kỳ khuôn mẫu nào. Sự phóng khoáng và phóng túng tỏa ra từ tất cả những tác phẩm của Picasso, tựa như chính lối sống của ông.

Bức tranh theo trường phái Tân cổ điển: Nu Assis S’Essuyant Le Pied (Người phụ nữ khỏa thân ngồi lau chân). Tranh bằng phấn pastel năm 1921. Nguồn: bảo tàng Berggruen Museum / Wikimedia Commons

Thay phụ nữ như thay áo

Trong cuộc đời của mình, Picasso chỉ chính thức có hai người vợ. Tuy nhiên ông có đến bốn người con từ ba người phụ nữ khác nhau. Và đó chỉ là con số thống kê trên giấy tờ. Ông liên tục kiếm những bông hồng mới dù đã là chậu bông có chủ.

Tuổi tác cũng chỉ là con số với ông. Một trong những người đẹp Pablo Picasso phải lòng là Marie-Thérèse Walter. Khi quen ông, cô chỉ mới 17 tuổi. Người họa sĩ lúc đó 45 tuổi và đã kết hôn với người vợ đầu tiên Olga Khokhlova. Nhưng Pablo Picasso mãi dây dưa với cả hai, không ly dị vợ đầu, thực tế bởi vì ông keo kiệt và không muốn chia tài sản.

François Gilot và Pablo Picasso tại Pháp, ảnh chụp năm 1952. Nguồn: Robert Doisneau/ Gamma-Rapho/ Getty Images

Sau nhiều vụ lăng nhăng, ông kết hôn với người vợ thứ hai, Jacqueline Roque như một hình thức trả thù Françoise Gilot. Bà là người phụ nữ duy nhất “dám” bỏ mặc ông vì thói trăng hoa, khác với những người mà ông ruồng bỏ trước đó. Tuy nhiên, dường như cuộc hôn nhân cách 40 tuổi giữa Pablo Picasso và Jacqueline Roque tròn vẹn viên mãn. Cô là nàng thơ cho những tác phẩm suốt 17 năm cuối đời của ông, và cũng là người phụ nữ được ông vẽ nhiều nhất.

Nói lên thói trăng hoa của Picasso để nhấn mạnh vào việc ông tìm cảm hứng sáng tạo từ phụ nữ đẹp, tình yêu, tình dục và những lạc thú trần gian. Quan niệm phụ nữ là nguồn khoái lạc tình dục không chỉ ăn sâu vào cuộc đời ông mà còn cả quá trình sáng tạo của ông. Bất kỳ người phụ nữ nào ông để mắt đến đều trở thành nàng thơ trong tranh của ông.

Những cô nàng ở Avignon (Les Demoiselles d'Avignon)

Bức tranh khiến thế giới sửng sốt hiện đang được trưng bày tại Viện bảo tàng Mỹ thuật đương đại, Mỹ

Một trong những bức tranh gây chú ý trong sự nghiệp của ông là Những cô nàng ở Avignon (Les Demoiselles d’Avignon). Tuy nhiên, cái tên gốc mà Picasso đặt cho tác phẩm của mình là nhà thồ Avignon (Le Bordel d’Avignon). Cái tên xuất phát từ con đường từ Avignon đến Barcelona. Đây là địa điểm nổi tiếng được các cô gái mại dâm thường xuyên ghé qua.

Các tranh cãi xung quanh cái tên gốc đã ngăn chặn tác phẩm này được trưng bày trong các bảo tàng. Nhà thơ người Pháp André Salmon đã mang bức tranh này trưng bày và đặt cái tên mới cho nó. Picasso rất ghét cái tên mà André đã đặt cho tác phẩm của mình. Những tác phẩm tương tự sau này cũng bị xem là minh chứng cho thái độ coi thường phụ nữ của ông.

>>> XEM THÊM: SÁCH HAY: PICASSO VÀ BỨC TRANH KHIẾN THẾ GIỚI SỬNG SỐT

Ma cà rồng “hút” sự sống để dâng hiến cho hội họa?

Tác phẩm The Weeping Woman (Người đàn bà khóc) của danh họa Pablo Picasso vẽ nhiếp ảnh gia Dora Maar. Ảnh: pablopicasso.org

Những người thân xung quanh Picasso dường như đều có một cái kết bi đát. Vô số câu chuyện tự kết thúc cuộc đời mình trong đau đớn. Cùng với việc thay người yêu như thay áo, Pablo Picasso bị ví như một ma ca rồng. Thay vì hút máu, ông hút đi sức sống của những người xung quanh để dâng hiến cho những tác phẩm của mình. Người hậu duệ duy nhất trên giấy tờ của ông, bà Marina Picasso đã viết cuốn hồi ký Picasso, người ông của tôi. Bà chia sẻ:

“Sự nghiệp sáng chói của ông đòi hỏi sự hy sinh của con người. Ông đẩy những người gần gũi đến chỗ tuyệt vọng và nhấn chìm họ. Không ai trong gia đình tôi thoát được sự trói buộc của thiên tài này. Ông cần máu để ký tên vào mỗi bức tranh, máu của cha mẹ, anh tôi và tôi.”

50 năm ngày mất của một con người vĩ đại

Tượng đồng tạc lại hình ảnh Pablo Picasso ngồi trên ghế đá gần nhà ông, ở thành phố Malaga, Tây Ban Nha.

Ngày 8 tháng 4 năm 2023 đánh dấu kỷ niệm 50 năm ngày mất của Pablo Picasso. Các triển lãm trên thế giới nô nức tổ chức nhiều sự kiện để kỷ niệm dịp trọng đại này. Nhưng vậy có nghĩa là thế giới ngó lơ câu chuyện đằng sau các bức tranh ư? Helen Molesworth, quản lý bảo tàng nghệ thuật đương đại Los Angeles, Mỹ từng chia sẻ rằng :

“Một trong những điều khiến nghệ thuật trở nên tuyệt vời là nó tồn tại lâu hơn chúng ta. Một tác phẩm thiên tài phải vượt qua thời gian, không gian và kể câu chuyện của chính nó, tách biệt khỏi hoàn cảnh tạo ra nó – ít nhất là trên lý thuyết. Nghệ thuật thực sự là về tất cả chúng ta, nó là về xã hội.”

Nhìn vào những bức tranh của ông, khó lòng hiểu được hết dụng ý của người họa sĩ. Mỗi bức tranh đều yêu cầu phải nhìn một cách đa chiều cũng như giải phóng sự sáng tạo. Thế giới kỷ niệm một con người vĩ đại trong hội họa. Nhưng đồng thời là cũng để ôn lại quá khứ. Quá khứ dạy chúng ta những bài học đáng giá, về những nhân vật có ảnh hưởng. Mặt tốt lẫn mặt xấu đều bị phơi bày. Điều quan trọng là mỗi người đánh giá câu chuyện ở góc nhìn nào mà thôi.

THÔNG TIN THÊM CHO BẠN

Bạn có thể xem thêm về cuộc đời đầy mâu thuẫn của Pablo Picasso trong bộ phim tiểu sử dài tập Genius: Picasso do National Geographic sản xuất năm 2017, do tài tử Antonio Banderas đóng chính. Xem phim qua các nền tảng Google Play, Apple TV hoặc Amazon Prime Video.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:

Tạp chí Thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm