NTK Lê Thanh Hòa: Thời trang cũng đòi hỏi tư duy và tính hệ thống

"Di sản không cần được tô vẽ thêm, nó chỉ cần được chuyển ngữ đúng cách. Và hành trình tìm ra cách chuyển ngữ ấy, chính là thách thức lớn nhất nhưng cũng là phần đẹp nhất trong quá trình sáng tạo lần này" - NTK Lê Thanh Hòa nói về BST Golden Heritage ra mắt mùa Resort 2025

Show diễn ra mắt bộ sưu tập Golden Heritage của nhà thiết kế Lê Thanh Hòa đã khép lại, nhưng dư âm của nó vẫn còn lắng đọng như một bản giao hưởng giữa thời trang và văn hoá đầy mê hoặc. Với Golden Heritage, Lê Thanh Hòa không chỉ là một nhà thiết kế mà còn như một nhà nghiên cứu tận tụy khi khéo léo làm sống dậy hào quang rực rỡ của nền văn minh Champa qua lăng kính thẩm mỹ đương đại.

Sau đêm trình diễn đầy cảm xúc của anh, Harper’s Bazaar đã có buổi trò chuyện riêng với nhà thiết kế để khám phá sâu hơn về quá trình nghiên cứu công phu, những thách thức cũng như những tầng lớp ý niệm tinh tế mà anh đã gửi gắm qua từng chi tiết trong show diễn của mình.

HARPER’S BAZAAR: Điều gì đã thôi thúc anh Lê Thanh Hòa lựa chọn nền văn hoá Champa làm nguồn cảm hứng trung tâm cho Golden Heritage?

LÊ THANH HÒA: Cảm hứng cho bộ sưu tập Golden Heritage đến từ một khoảnh khắc rất riêng, khi tôi có dịp tham quan Thánh địa Mỹ Sơn. Giữa không gian tĩnh lặng của rừng già và những tháp cổ Champa phủ đầy rêu phong, tôi như chạm vào một phần linh hồn của quá khứ. Đứng trước những công trình nhuốm màu thời gian, tôi không chỉ chiêm ngưỡng kiến trúc hay hoa văn, mà còn cảm nhận được một dòng chảy văn hoá bền bỉ, vừa sâu lắng, vừa đầy bí ẩn.

Ngay sau đó, chuyến thăm Bảo tàng Điêu khắc Chăm tại Đà Nẵng đã mở ra cho tôi một kho tàng hình ảnh và tư liệu quý giá. Những hiện vật điêu khắc mang dấu ấn nghệ thuật Champa, từ hình tượng thần linh, vũ nữ Apsara cho đến các chi tiết hoa văn trang trí, đều trở thành chất liệu thị giác quan trọng, góp phần khơi mở tư duy tạo hình trong thiết kế. Bảo tàng không chỉ là nơi lưu giữ hiện vật, mà còn là nơi giúp tôi hiểu rõ hơn cách người Chăm gửi gắm tâm hồn, tín ngưỡng và mỹ cảm của họ vào từng đường nét điêu khắc.

Từ những trải nghiệm đầu tiên ấy, tôi bắt đầu hành trình nghiên cứu sâu hơn về văn hóa Champa, một nền văn minh từng rất phát triển ở dải đất miền Trung Việt Nam. Trong quá trình tìm hiểu, tôi đặc biệt bị cuốn hút bởi phong cách Hòa Lai, một trong những phong cách nghệ thuật tiêu biểu nhất của nghệ thuật Champa. Phong cách Hòa Lai gây ấn tượng bởi những đường nét tinh tế, mềm mại nhưng mạnh mẽ, biểu đạt một tinh thần bản địa rất riêng biệt.

Để hiểu rõ hơn, tôi đã thực hiện chuyến đi thực địa tại tỉnh Ninh Thuận, nơi vẫn còn lưu giữ ba ngọn tháp mang phong cách Hòa Lai nguyên bản. Được tận mắt chiêm ngưỡng các tháp trong khung cảnh tự nhiên, tôi cảm nhận sâu sắc vẻ đẹp trầm mặc, cổ kính mà đầy khí chất, như những chứng nhân sống động cho một thời kỳ vàng son đã qua.

Tất cả những cảm nhận, quan sát và nghiên cứu ấy đã được tôi chuyển hoá thành ngôn ngữ thời trang: từ phom dáng kiến trúc đến họa tiết điêu khắc, từ chất liệu mang tinh thần bản địa đến bảng màu gợi tả dấu vết thời gian.

Tôi bị cuốn hút bởi cách người Chăm gửi gắm tinh thần của họ vào từng họa tiết điêu khắc, từng đường nét kiến trúc, một vẻ đẹp không phô trương nhưng đầy ám ảnh. Di sản Champa vừa là quá khứ, vừa là một mạch nguồn cảm hứng sống động, có khả năng đối thoại với hiện tại và cả tương lai.

Chính điều đó thôi thúc tôi thực hiện Golden Heritage như một sự kết nối giữa tinh hoa truyền thống và ngôn ngữ đương đại của thời trang. Tôi không cố tái hiện nguyên bản, mà muốn lắng nghe và kể lại câu chuyện di sản ấy bằng cảm xúc và thẩm mỹ của người làm nghề hôm nay.

HARPER’S BAZAAR: Được biết BST Golden Heritage cũng chính là đề án tốt nghiệp thạc sĩ giúp anh Lê Thanh Hòa đạt thủ khoa đầu ra. Làm sao anh dung hoà giữa yêu cầu học thuật và tinh thần sáng tạo bay bổng trong thời trang?

LÊ THANH HÒA: Tôi luôn tin rằng thời trang không chỉ là cảm hứng hay cái đẹp thuần tuý, mà còn đòi hỏi tư duy, chiều sâu và tính hệ thống. Khi thực hiện Golden Heritage như một đề án tốt nghiệp, tôi xem đây là một cơ hội để đưa sáng tạo vào một đề tài nghiên cứu.

Việc dung hòa giữa học thuật và sáng tạo đòi hỏi mình vừa phải nghiêm túc trong nghiên cứu, từ lịch sử văn hóa, kỹ thuật chất liệu đến phương pháp thể hiện, vừa phải giữ được lửa đam mê và cá tính sáng tạo riêng. Nên tôi dành rất nhiều thời gian để nghiên cứu với những tư liệu về Champa, cảm nhận nó qua cảm xúc, ký ức và những chuyến đi thực địa. Do đó mỗi thiết kế trong bộ sưu tập mới lần này không chỉ là một sản phẩm thời trang, mà còn là một lát cắt văn hoá được truyền tải bằng ngữ bằng ngôn ngữ thời trang đương đại.

HARPER’S BAZAAR: Có chi tiết nào trong hành trình nghiên cứu văn hóa Champa khiến anh day dứt hoặc không thể quên?

LÊ THANH HÒA: Hành trình nghiên cứu văn hoá Champa với tôi không đơn thuần là việc thu thập tư liệu hay khảo sát hình ảnh, mà là một quá trình lắng nghe và thấu cảm. Tôi đã dành nhiều thời gian để đến Ninh Thuận, vùng đất còn lưu giữ khá nguyên vẹn những dấu tích, đời sống và tinh thần Chăm. Nhiều lần bước đi giữa những đền tháp cổ kính, tôi lặng lẽ lắng nghe tiếng kể của các nghệ nhân, người dân địa phương, và quan sát cách những hoa văn cổ xưa vẫn hiện diện trên khăn đội đầu, trang phục lễ hội hay những mảng tường gạch đã nhuốm màu thời gian.

Đồng hành cùng tôi trong hành trình này là giảng viên hướng dẫn – Tiến sĩ Mã Thanh Cao, cùng các Giáo sư, Tiến sĩ chuyên nghiên cứu về văn hoá Champa. Sự đồng hành và hỗ trợ chuyên môn từ các thầy cô không chỉ giúp tôi tiếp cận nguồn tư liệu học thuật phong phú, mà còn mở rộng góc nhìn nhân văn trong việc tiếp cận di sản. Những buổi trò chuyện chuyên đề, thảo luận học thuật hay gợi mở từ các chuyên gia đã giúp tôi đào sâu hơn vào giá trị tinh thần, mỹ học và ý nghĩa biểu tượng của nghệ thuật Chăm, đặc biệt là phong cách Hòa Lai.

Điều khiến tôi day dứt nhất là cảm giác rằng di sản đầy bản sắc ấy đang dần bị phai mờ trong nhịp sống hiện đại. Nhiều giá trị văn hóa Champa vẫn chưa được nhìn nhận đúng mức, và cũng chưa có nhiều nỗ lực mạnh mẽ để gìn giữ hoặc kể lại bằng ngôn ngữ đương đại. Chính điều đó thôi thúc tôi không chỉ tiếp cận đề tài này như một nhà thiết kế, mà còn như một người kể chuyện, dùng ngôn ngữ thời trang để thắp sáng những ký ức tưởng chừng đang ngủ quên, đánh thức lại những hình ảnh, âm thanh và tinh thần của một nền văn minh từng rất rực rỡ trong lịch sử văn hoá Việt Nam.

HARPER’S BAZAAR: Với di sản văn hoá vốn mang tính linh thiêng và chiều sâu lịch sử, làm thế nào để anh truyền tải tinh thần ấy mà vẫn giữ được tính ứng dụng, thanh lịch cho người mặc?

LÊ THANH HÒA: Đây là một bài toán đầy thách thức nhưng cũng vô cùng hấp dẫn. Khi làm việc với một chất liệu văn hoá có chiều sâu lịch sử và tính linh thiêng như nghệ thuật Champa, tôi luôn ý thức rất rõ rằng mình không được phép “sử dụng” di sản, mà cần phải “giao tiếp” với nó, bằng sự khiêm nhường, tôn trọng và thấu hiểu. Trong trường hợp này, thời trang không phải là sân khấu để phô diễn cái tôi cá nhân, mà là một nhịp cầu – kết nối tinh thần truyền thống với đời sống đương đại.

Tôi chọn tiếp cận bằng sự chắt lọc và tiết chế. Những yếu tố đặc trưng như kỹ thuật điêu khắc, bố cục kiến trúc, hay họa tiết trang trí của Champa được tôi chuyển thể khéo léo vào phom dáng, chất liệu và kỹ thuật xử lý bề mặt. Mục tiêu là để người mặc không chỉ cảm nhận được tinh thần di sản, một vẻ đẹp sâu lắng, giàu nội lực, mà còn có thể mang chúng vào đời sống thường nhật, dưới hình thức của những thiết kế thanh lịch, hiện đại và đầy tính ứng dụng.

HARPER’S BAZAAR: Show diễn lần này mang đậm dấu ấn sân khấu – từ ánh sáng, âm nhạc đến kiến trúc. Anh và ê-kíp đã hình dung nên không gian ấy từ đâu?

LÊ THANH HÒA: Ngay từ những ngày đầu phác thảo Golden Heritage, tôi và ekip đã xác định rõ: đây không chỉ là một show thời trang, mà là một trải nghiệm thị giác và cảm xúc trọn vẹn, nơi thời trang không đứng riêng lẻ, mà hoà mình cùng ánh sáng, âm nhạc, kiến trúc và cả không khí xung quanh để kể một câu chuyện sống động về di sản.

Nguồn cảm hứng chính đến từ những đền tháp Champa, nơi mà mỗi khoảng tối sáng, mỗi lớp đá rêu phong hay mỗi âm thanh vọng lại đều mang trong mình một tầng ý nghĩa văn hóa. Tôi mong muốn khán giả, khi bước vào không gian ấy, không chỉ “xem” thời trang mà còn “cảm” được tinh thần di sản, thông qua ánh sáng len lỏi như nắng chiếu trên nền gạch cổ, âm thanh ngân vang như tiếng gọi từ quá khứ xa xôi, và đường catwalk như một hành trình xuyên suốt ký ức văn hoá.

Việc tái hiện tinh thần ấy trong một sân khấu hiện đại không hề đơn giản, và tôi vô cùng may mắn khi có đạo diễn Long Kan là người dẫn dắt và “kể chuyện” cùng tôi. Anh Long Kan là người đã giúp tôi chuyển tải rõ nét tinh thần của bộ sưu tập bằng ngôn ngữ sân khấu: từ cách thiết kế không gian, điều phối nhịp trình diễn, ánh sáng, đến cả khoảnh khắc kết show đều được tính toán để gợi nên cảm xúc trọn vẹn nhưng tinh tế.

Không chỉ là người đứng sau sân khấu, anh Long Kan còn là người thấu hiểu tinh thần của Golden Heritage như một người đồng sáng tạo. Những buổi trao đổi giữa chúng tôi, cùng với nhà sản xuất âm nhạc, đạo diễn catwalk Nguyễn Hưng Phúc, giám đốc điều hành Tùng Phạm, đều xoay quanh một câu hỏi: làm sao để kể lại một câu chuyện cổ bằng ngôn ngữ của hôm nay, nhưng vẫn giữ được sự trang nghiêm, lắng đọng và chiều sâu của một di sản đang sống.

Và khi ánh đèn cuối cùng hạ xuống, tôi biết rằng không gian ấy, dưới bàn tay của đạo diễn Long Kan và cả ekip, không chỉ là một sân khấu trình diễn, mà đã trở thành một miền ký ức được đánh thức, nơi di sản có thể chạm đến trái tim người xem bằng tất cả giác quan.

HARPER’S BAZAAR: Những chất liệu và kỹ thuật nào được anh lựa chọn để thể hiện sự giao thoa giữa quá khứ và hiện tại?

LÊ THANH HÒA: Với Golden Heritage, tôi không đơn thuần tìm kiếm sự tương phản giữa truyền thống và hiện đại, mà hướng tới việc kiến tạo một sự hòa quyện, nơi di sản được “chuyển ngữ” bằng tinh thần và thẩm mỹ của hiện tại. Đó là lý do tôi lựa chọn những chất liệu mang tính bản địa nhưng được xử lý theo hướng hiện đại, như lụa Mã Châu, chất liệu truyền thống của Việt Nam với độ rũ mềm và ánh óng tự nhiên, kết hợp cùng vải ánh kim, tulle xuyên thấu hay organza được layering nhiều lớp để tạo nên hiệu ứng thị giác sinh động, mô phỏng chuyển động nhẹ nhàng của vũ nữ Apsara.

Về kỹ thuật, tôi đặc biệt chú trọng đến phương pháp dựng phom bất đối xứng và kỹ thuật draping, lấy cảm hứng trực tiếp từ tạo hình mềm mại nhưng đầy nội lực của các tượng vũ nữ Champa trong điêu khắc cổ. Song song đó, các chi tiết đính kết thủ công và thêu tay được thực hiện ở mức độ tinh xảo, nhưng vẫn tiết chế vừa đủ để giữ được vẻ thanh lịch, tinh giản và tính ứng dụng cao trong thiết kế.

Bên cạnh yếu tố thủ công truyền thống, tôi cũng ứng dụng các công nghệ mới như in 3D và cắt laser để tái hiện các hoa văn cổ điển theo hướng đương đại. Những họa tiết được khắc họa từ hình ảnh kiến trúc tháp Champa hay phù điêu cổ được tái cấu trúc trên bề mặt vải bằng kỹ thuật cắt laser chính xác, hoặc được in nổi 3D nhằm tạo hiệu ứng đa chiều, đồng thời mang lại độ nhẹ và linh hoạt hơn cho người mặc hiện đại. Việc kết hợp giữa công nghệ và thủ công giúp tôi không chỉ tôn vinh di sản một cách tinh tế, mà còn mở ra những hướng tiếp cận mới cho thời trang mang cảm hứng văn hóa, không bị bó buộc trong hoài niệm, mà có thể sống động, đổi mới và tương tác được với thời đại.

HARPER’S BAZAAR: Có thiết kế nào trong bộ sưu tập mà anh xem là “trái tim” hoặc điểm tựa tinh thần của toàn bộ câu chuyện? Vì sao?

LÊ THANH HÒA: Thật khó để chọn ra một thiết kế duy nhất làm “trái tim” hay điểm tựa tinh thần cho Golden Heritage, bởi với tôi, toàn bộ bộ sưu tập là một chỉnh thể hoàn thiện, nơi từng thiết kế đều mang một phần linh hồn của câu chuyện. Mỗi trang phục là một lát cắt của hành trình sáng tạo, một hồi âm của di sản, và không cái nào tồn tại độc lập hay nổi bật tách biệt khỏi tổng thể.

Tôi luôn nhìn bộ sưu tập như một bản giao hưởng, nơi từng nốt nhạc, dù lớn hay nhỏ, đều góp phần làm nên cảm xúc trọn vẹn. Có thiết kế lấy cảm hứng từ hoa văn điêu khắc, có thiết kế lại chuyển tải tinh thần kiến trúc cổ, có look mang tính nghi lễ, có look lại thiên về tính ứng dụng… nhưng tất cả đều hướng đến một mục tiêu chung: tôn vinh vẻ đẹp sâu thẳm của quá khứ bằng lăng kính của thời trang đương đại.

Với tôi, Golden Heritage không có một “trái tim” duy nhất, mà là một cơ thể sống, nơi mọi thiết kế đều thở chung một nhịp, mang chung một tinh thần. Và chính sự cộng hưởng ấy mới là điều khiến câu chuyện di sản trở nên trọn vẹn và sống động trên sàn diễn hôm nay.

HARPER’S BAZAAR: Golden Heritage quy tụ dàn vedette ấn tượng – từ hoa hậu đến người mẫu. Vì sao anh chọn tới 5 vedette trong một show diễn? Đây là ẩn ý nghệ thuật hay sự ngẫu hứng?

LÊ THANH HÒA: Thật ra, đây là một lựa chọn có tính toán, mang nhiều tầng ý nghĩa với tôi chứ không phải quyết định ngẫu nhiên. Golden Heritage là bộ sưu tập nói về di sản, nhưng di sản, với tôi, không chỉ nằm lại trong quá khứ, mà còn hiện diện sống động trong từng con người, từng cá tính, từng câu chuyện riêng biệt. Tôi không muốn khép lại show diễn bằng một biểu tượng duy nhất, mà mong muốn mở ra một hình ảnh đa chiều của người phụ nữ đương đại: vừa mềm mại, vừa bản lĩnh; vừa mang trong mình chiều sâu văn hóa, vừa sẵn sàng bước đi giữa ánh sáng của hiện tại.

Việc chọn tới 5 vedette, từ những hoa hậu, siêu mẫu với vẻ đẹp nền nã, thanh lịch đến những người mẫu có cá tính mạnh mẽ, góc cạnh, là cách tôi thể hiện sự trân trọng với nhiều hình mẫu phụ nữ khác nhau. Mỗi người không chỉ là một gương mặt đại diện, mà còn là một phần ký ức, một dòng cảm hứng đã đồng hành cùng tôi suốt hành trình làm nghề. Họ chính là những người bạn, người chị, người tri kỷ trên sàn diễn lẫn sau cánh gà, những người đã tin tưởng, gắn bó và truyền cho tôi rất nhiều động lực từ những ngày đầu tiên bước chân vào con đường thời trang.

Nếu có một điều ước, tôi chỉ mong có thể đưa tất cả những nàng thơ đã từng đồng hành cùng tôi trong suốt chặng đường làm nghề cùng xuất hiện trên sân khấu đêm ấy. Vì với tôi, họ không chỉ là vedette, mà còn là những linh hồn sống động của Golden Heritage, là những mảnh ghép không thể thay thế trong hành trình kể chuyện bằng thời trang.

Việc lựa chọn 5 vedette cho show lần này không phải vì tôi muốn giới hạn thông điệp, mà vì khuôn khổ sân khấu buộc tôi phải chọn lọc trong vô vàn cảm xúc. Thật lòng mà nói, tôi đã từng nghĩ đến con số nhiều hơn, vì xung quanh tôi là rất nhiều người phụ nữ tài năng, bản lĩnh, mỗi người mang một vẻ đẹp riêng, một tinh thần rất đặc trưng mà tôi luôn muốn tôn vinh.

HARPER’S BAZAAR: Lương Thùy Linh – một biểu tượng của Gen Z – được chọn làm vedette kết màn. Điều gì ở cô ấy khiến anh Lê Thanh Hòa thấy phù hợp để “gửi gắm” tinh thần của Golden Heritage?

LÊ THANH HÒA: Lương Thùy Linh là một trong những gương mặt đã đồng hành cùng tôi qua rất nhiều show diễn, không chỉ trong vai trò vedette, mà còn như một nàng thơ truyền cảm hứng theo đúng nghĩa. Ở Linh, tôi luôn nhìn thấy một sự giao thoa thú vị giữa tri thức, bản lĩnh và vẻ đẹp mang tinh thần thời đại, đó cũng chính là điều mà Golden Heritage hướng đến: một thế hệ phụ nữ trẻ không chỉ đẹp về hình thức, mà còn sâu sắc trong tư duy, độc lập trong cá tính và giàu nội lực văn hóa.

Linh là người truyền cảm hứng không chỉ bởi vẻ ngoài sắc sảo, mà còn bởi sự thông minh, chín chắn và cách cô ấy sử dụng hình ảnh cá nhân để lan tỏa những thông điệp tích cực trong xã hội. Mỗi lần làm việc cùng Linh, tôi không chỉ thấy một người mẫu trình diễn, mà thấy một người phụ nữ biết lắng nghe, thấu cảm và thể hiện giá trị văn hóa bằng chính phong thái của mình.

Tôi tin rằng, một bộ sưu tập lấy cảm hứng từ di sản không nên chỉ dừng lại ở việc tái hiện quá khứ, mà phải làm mới nó qua góc nhìn của hiện tại. Và Linh, với hình ảnh một người phụ nữ hiện đại, bước đi đầy tự tin trên nền tảng văn hóa truyền thống, chính là hiện thân đẹp nhất cho hành trình ấy. Sự có mặt của cô ấy trong Golden Heritage không chỉ mang tính biểu tượng, mà còn là một mảnh ghép cảm xúc rất riêng trong bức tranh tổng thể mà tôi và ê-kíp đã kỳ công tạo dựng.

HARPER’S BAZAAR: Điều gì là thách thức lớn nhất khi đưa một nền văn hoá lâu đời vào thời trang đương đại mà không rơi vào khuôn sáo hoặc “diễn giải” sai?

LÊ THANH HÒA: Khi làm việc với một nền văn hoá lâu đời như Champa, vốn có chiều sâu về lịch sử, tâm linh và bản sắc, tôi luôn tự đặt cho mình một nguyên tắc: không được làm đẹp từ di sản nếu chưa thật sự hiểu nó.

Thời trang là ngôn ngữ của cảm xúc và thị giác, nhưng di sản thì đòi hỏi sự thấu cảm và kiến thức. Nếu chỉ dừng lại ở việc sử dụng họa tiết, phom dáng hay biểu tượng bề nổi, rất dễ rơi vào khuôn sáo hoặc thậm chí là hiểu sai, làm sai.

Chính vì vậy, tôi dành rất nhiều thời gian cho việc nghiên cứu: không chỉ đọc, mà còn đi, quan sát, gặp gỡ các nghệ nhân, các chuyên gia, lắng nghe câu chuyện từ những người đang gìn giữ văn hoá đó trong đời sống thường nhật. Tôi tin rằng, chỉ khi hiểu đủ sâu, người thiết kế mới có thể chọn lọc để kể lại một câu chuyện cũ bằng một cách nói mới, nhưng vẫn đúng tinh thần gốc rễ.

Di sản không cần được tô vẽ thêm, nó chỉ cần được chuyển ngữ đúng cách. Và hành trình tìm ra cách chuyển ngữ ấy, chính là thách thức lớn nhất nhưng cũng là phần đẹp nhất trong quá trình sáng tạo lần này.

HARPER’S BAZAAR: Theo anh, thời trang nên giữ vai trò gì trong việc gìn giữ – và làm mới – những di sản văn hoá dân tộc?

LÊ THANH HÒA: Thời trang cũng như bất kỳ hình thức nghệ thuật nào khác đều có một đặc quyền rất đặc biệt: khả năng lan toả và chạm đến cảm xúc con người một cách trực tiếp. Chính vì thế, thời trang không chỉ có thể làm đẹp cho di sản, mà còn có thể kể lại di sản theo một cách gần gũi, sống động và mang hơi thở đương đại.

Trong bối cảnh văn hoá truyền thống đang dần bị lãng quên hoặc chỉ tồn tại như hình ảnh minh hoạ trong sách vở, thời trang có thể đóng vai trò như một “người kết nối” đưa những giá trị tưởng chừng đã cũ bước vào đời sống hiện tại một cách tự nhiên và có ý nghĩa. Nhưng để làm được điều đó, người làm thời trang phải thật sự hiểu và trân trọng những giá trị mình đang tiếp cận, không chiết xuất di sản như một “món gia vị”, mà phải đặt nó vào đúng bối cảnh, đúng tinh thần, và đúng với chiều sâu của nó.

Tôi luôn tin rằng, gìn giữ không có nghĩa là đóng khung. Và “làm mới” không đồng nghĩa với phá vỡ. Thời trang có thể là nơi mà di sản được sống tiếp, không phải như một ký ức, mà như một dòng chảy linh hoạt, thích nghi và truyền cảm hứng cho thế hệ hôm nay.

TIN LIÊN QUAN:

Harper’s Bazaar Việt Nam 

Xem thêm