
Gwan Sik (Park Bo Gum) và Ae Sun (IU) trong đoạn kết của Khi Cuộc Đời Cho Bạn Quả Quýt. Ảnh: @bogummy
Khi Cuộc Đời Cho Bạn Quả Quýt (When Life Gives You Tangerines) không chỉ là siêu phẩm tháng 3/2025 của Netflix mà còn xứng đáng góp mặt trong danh sách những bộ phim hay nhất năm 2025. Bộ phim đã đi đến một cái kết đẫm nước mắt nhưng viên mãn vào ngày 28/3.
Xuyên suốt 16 tập phim, khán giả không chỉ được đắm chìm trong câu chuyện đầy cảm xúc mà còn có cơ hội khám phá sâu sắc văn hóa Hàn Quốc cùng bối cảnh lịch sử kéo dài suốt 5 thập kỷ. Bộ phim nhận được nhiều lời khen nhờ sự chỉn chu trong mọi khía cạnh, từ tạo hình nhân vật đến thiết kế bối cảnh.
Mỗi lần xem lại, người xem đều có thể phát hiện thêm những chi tiết ẩn tinh tế, có thể tổng hợp thành một danh sách dường như bất tận. Thậm chí, chỉ một tờ giấy tìm người thân thất lạc dán trên bức tường phía sau nhân vật cũng đủ để góp phần kể câu chuyện của thời đại mà bộ phim tái hiện.
Trong số những chi tiết ẩn giấu ấy, có 9 chi tiết đặc biệt quan trọng và đầy thú vị mà bạn nhất định không thể bỏ lỡ để hiểu tường tận cốt truyện. Đó là gì?
Những chi tiết tri ân dàn diễn viên phim Khi Cuộc Đời Cho Bạn Quả Quýt
1. Lá phiếu bầu của Gwan Sik có liên quan đến diễn viên Park Hae Joon

Trong hồi 2, khi Gwan Sik lên Seoul gặp con gái Geum Myeong, phim đã cài một tiểu tiết liên quan đến diễn viên Park Hae Joon. Ảnh: Netflix
Khi Gwan Sik đến Seoul tìm gặp con gái Geum Myeong, sau nhiều biến cố, cả hai bố con cùng ngồi chờ ở ga xe khách để Gwan Sik bắt xe về nhà. Tại đây, hai bố con có cuộc trò chuyện, khi Geum Myeong trải lòng về những khó khăn của mình đến mức bật khóc. Đúng lúc đó, màn hình TV đang phát sóng kết quả bầu cử tổng thống. Gwan Sik lại hiểu lầm sự bày tỏ của con gái là vì cô bé đang buồn vì ứng viên cô ủng hộ đã thất bại.

Nhân vật của Park Hae Joon trong 12.12 The Day. Ảnh: Megabox Plus M
Tình huống này vốn đã bi hài, nhưng nếu bạn để tâm đến tên các ứng viên, bạn sẽ nhận ra một chi tiết liên kết đến nam diễn viên Park Hae Joon, người đóng vai Gwan Sik tuổi trung niên. Trong bộ phim, TV đưa tin về việc Roh Tae Woo đắc cử tổng thống, và trước đó, chính Park Hae Joon từng vào vai một nhân vật dựa trên nguyên mẫu Roh Tae Woo trong bộ phim điện ảnh Mùa Xuân Seoul (12.12: The Day, 2023).
Một câu thoại hài hước còn được cài cắm vào: khi Gwan Sik ngồi trong phòng bảo vệ chờ Geum Myeong, người bảo vệ bất ngờ hỏi: “Anh có tự bỏ phiếu cho mình không?”, ngầm nhắc đến vai diễn trước đây của Park Hae Joon.
>>> THAM KHẢO: PARK HAE JOON DÀNH CẢ SỰ NGHIỆP ĐÓNG PHẢN DIỆN TRÊN PHIM
2. Khi Geum Myeong tự nhận mình khóc như một gián điệp Bắc Hàn, cô đang nhắc đến lùm xùm vô cớ của diễn viên IU

Cảnh khóc trong tập 11. Ảnh: Netflix
Ở cuối tập 11 của Khi Cuộc Đời Cho Bạn Quả Quýt, chuyện tình của Geum Myeong và Yeong Beom đổ bể. Geum Myeong cứng rắn hủy hôn và bỏ về, khóc suốt trên đoạn đường dài lúc cô ngồi trên taxi.
Trùng hợp thay, radio trên xe taxi lúc đó phát thanh sự kiện lịch sử, ngày mà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Nhật Thành (Kim Il Sung) qua đời. Geum Myeong vừa khóc lớn, vừa nghe tin tức, và tự giễu mình: “Ngày hôm đó, tôi khóc như một gián điệp Bắc Hàn vậy.”
Câu thoại này thực chất là một chi tiết châm biếm, bởi lẽ IU – nữ ca sĩ, diễn viên thủ vai Geum Myeong – từng thật sự bị đồn là gián điệp Bắc Hàn trong một chiến dịch bôi nhọ vào tháng 4/2023, cùng giai đoạn mà bộ phim bắt đầu khởi quay. Chi tiết này ban đầu có thể khiến khán giả cảm thấy hài hước với cách so sánh hiếm gặp, nhưng ẩn sau cách phim cài cắm là phê phán sự lố bịch trong những cáo buộc vô căn cứ nhắm đến nữ diễn viên.
Những nét văn hóa Hàn Quốc được cài cắm trong phim Khi Cuộc Đời Cho Bạn Quả Quýt
1. Chi tiết ba thanh gỗ trước nhà người dân

Ảnh: Netflix
Đảo Jeju từ lâu đã được biết đến với biệt danh “Đảo 3 có và 3 không”. “3 có” là gió, đá và phụ nữ. “3 không” là không trộm cắp, không cổng cửa, không ăn xin.
Trong phim, khái niệm “không ăn xin” đã được nhắc đến nhiều lần lúc mẹ căn dặn Ae Sun, trong khi “không trộm cắp” cũng được củng cố qua tình tiết mẹ Gwan Sik đến Busan để nhất định đòi lại tượng ếch vàng của mình. Còn “không cổng cửa” chính là những chiếc thanh gỗ mà cô bé Ae Sun đã nhảy vụt qua để vào nhà mẹ và dượng.
Ở Jeju, thay vì có cửa gỗ hay cửa sắt như thường thấy, người dân địa phương sử dụng ba thanh gỗ ngang để làm cổng, gọi là jeongnang (정낭). Số thanh gỗ không phải lúc nào cũng là ba, mà sẽ thay đổi như một cách giao tiếp không lời với hàng xóm.
- Ba thanh gỗ cài lên có nghĩa chủ nhà đi xa, lâu ngày không về.
- Hai thanh gỗ cài, một thanh hạ xuống tức là chủ nhà sẽ về muộn
- Một thanh gỗ cài, hai thanh hạ xuống là chủ nhà chỉ ra ngoài trong chốc lát.
- Cả ba thanh gỗ hạ xuống tức chủ có mặt tại nhà.
Kiểu “cửa” jeongnang lỏng lẻo này lại là thứ nhấn mạnh tinh thần xóm làng vững chãi và đáng tin cậy tại Jeju. Ngày nay, vì đô thị hóa, người dân Jeju cũng dần chuyển đến dạng căn hộ để sống nên khó thấy Jeongnang như thế này nữa. Chỉ có ở một số làng cổ cho phép khách tham quan như làng Seongeup, bạn mới có thể chứng kiến kiểu “cửa” độc đáo này.
2. Ae Sun thường sơn móng tay không phải vì cô thích làm điệu

Trong phân cảnh này ở hồi 1, nếu để ý kỹ, bạn sẽ thấy vết nhuộm chưa phai trên móng tay Ae Sun. Ảnh: Netflix
Khi Gwang Rye sắp mất, cô nhuộm móng tay cho con gái Ae Sun và dặn con: “Khi màu trên móng tay con phai đi, những người ở lại sẽ quên đi quá khứ và tiếp tục sống. Cuộc đời vẫn cứ tiếp diễn, giống như móng tay mới mọc ra, mỗi ngày đều là một ngày mới”.
Hình ảnh này trở thành một biểu tượng lặng lẽ nhưng sâu sắc xuyên suốt bộ phim. Khi cuộc đời Ae Sun rơi vào những ngày đen tối nhất, cô vẫn nhớ lời mẹ dặn. Và vì thế, cô tiếp tục tự nhuộm móng bằng màu đỏ, như một lời nhắc nhở rằng nỗi buồn nào rồi cũng sẽ nhạt phai theo thời gian. Ở những tập gần cuối, khi Ae Sun nhìn móng tay của mình, ta vẫn thấy cô sử dụng sơn móng màu đỏ.
Kiểu móng mà mẹ nhuộm cho Ae Sun là một truyền thống tại Hàn Quốc, nhuộm móng kiểu bongseonhwa (봉숭아), có màu đỏ đặc trưng. Bongseonghwa là hoa bóng nước/hoa phụng tiên, thường được trồng trước hàng rào của mỗi nhà vì người ta tin rằng màu đỏ của hoa giúp xua đuổi tà ma. Màu của hoa sau đó được dùng như một cách để làm đẹp tay của phụ nữ. Còn có một niềm tin được lưu truyền trong dân gian rằng nếu màu nhuộm bongseonhwa không phai cho đến tuyết đầu mùa thì tình yêu đầu đời của người con gái sẽ thành hiện thực,
BẠN CÓ BIẾT? Sắc đỏ gắn với tín ngưỡng xua đuổi tà ma ở Hàn Quốc. Cũng như cách mà người dân Hàn trồng hoa bóng nước/phụng tiên để bảo vệ nhà cửa, thì bà nội của Gwan Sik cũng ném đậu đỏ vào người Ae Sun liên tục để “đuổi” Gwang Rye đi, người mà bà tin là vẫn còn dõi theo con gái Ae Sun kể cả sau khi đã ra đi. |
3. Có thật là không được chạm vào bức tượng dolhareubang?

Park Bo Gum chụp hình bên tượng Dolhareubang. Khi chạm vào mũi của tượng tức có nghĩa là cầu sinh con trai. Ảnh: @bogummy
Dolhareubang, những bức tượng bằng đá núi lửa có hình cụ già, là một nét văn hóa đặc trưng của đảo Jeju. Trong phim, khi Ae Sun đi cùng mẹ và bà của Gwan Sik qua cánh đồng, cô gõ nhẹ vào mũi của Dolhareubang bên đường và ngay lập tức bị mẹ chồng quở trách là không được đụng.
Tuy nhiên, theo phong tục của đảo Jeju, Dolhareubang không phải là vật cấm chạm vào. Dolhareubang không chỉ được xem là vị thần bảo hộ của hòn đảo mà còn là biểu tượng cầu chúc con đàn cháu đống. Tùy vào vị trí được chạm vào, bức tượng mang ý nghĩa khác nhau:
- Đỉnh đầu: Cầu mong trí tuệ.
- Bụng: Gắn liền với tài lộc và sự thịnh vượng.
- Mũi: Cầu sinh con trai.
- Tai: Cầu sinh con gái.
- Mắt: Cầu sinh đôi.
- Vai: Cầu sức khỏe và trường thọ.
Sau khi Ae Sun chạm vào bức tượng, khán giả cũng có thể thấy mẹ chồng đã lặng lẽ đặt tay lên mũi Dolhareubang rồi khấn vái thành tâm. Điều này cho thấy không phải không được chạm vào Dolhareubang, mà quan trọng là phải giữ thái độ tôn kính.
4. Tất là món quà biếu tặng rất quý trong thập niên 1960 tại Hàn Quốc

Tập 1 của phim có chi tiết mẹ của Ae Sun tặng tất cho thầy giáo. Ảnh: Netflix
Trong phân cảnh Ae Sun lỡ mất cơ hội trở thành lớp trưởng ở tập 1, Gwang Rye đã chuẩn bị tươm tất để đến gặp giáo viên thương lượng. Trong một khoảnh khắc, khán giả có thể thấy thầy mở quà biếu của Gwang Rye và thấy một đôi tất.
Tất có thể là một vật phẩm bình dân hiện tại, nhưng vào những năm 1960, tất là một món đồ xa xỉ. Đạo diễn đã khéo léo gợi ý điều này thông qua một số chi tiết nhỏ: trong lớp học của Ae Sun, hầu hết học sinh đều đi chân trần. Chỉ có một số ít như cậu nhóc là con trai một vị tướng, mới có điều kiện đi tất.
Hành động tặng tất của Gwang Rye không đơn thuần là một cử chỉ lễ phép, mà còn phản ánh sự phân hóa giai cấp trong xã hội thời bấy giờ – một chi tiết đắt giá mà bộ phim tinh tế lồng ghép vào câu chuyện.
>>> THAM KHẢO: BỐN THẬP KỶ THỜI TRANG HÀN QUỐC TRONG PHIM KHI CUỘC ĐỜI CHO BẠN QUẢ QUÝT
Những chi tiết cho thấy sự tinh ý của đoàn phim Khi Cuộc Đời Cho Bạn Quả Quýt
1. Địa phương hóa tên gọi của phim

Ảnh: Netflix
Tên gốc của bộ phim, 폭싹 속았수다, là một cụm từ trong phương ngữ đảo Jeju, mang ý nghĩa “Bạn đã rất vất vả rồi”, “Bạn đã cố gắng rất nhiều”, hay theo cách mà bộ phim dịch là “Cảm ơn vì đã sống đời trọn vẹn”, là lời mà Geum Myeong đã gửi cho bố mẹ mình ở cuối phim. Nếu giữ nguyên tên này dịch ra các ngôn ngữ khác cũng đã đủ để thể hiện thông điệp của phim, nhưng Netflix quyết định sẽ địa phương hóa theo một số quốc gia phát hành, để bộ phim có sự kết nối gần gũi và dễ chạm đến khán giả hơn.
Với thị trường Trung, tên của phim được đổi thành Khổ Tận Cam Lai Gặp Được Anh. “Khổ” là “đắng” và “Cam” là “ngọt”. “Khổ tận cam lai” có nghĩa là “hết đắng rồi đến ngọt”, vừa cho thấy được cách mà các nhân vật trong phim đã vượt khó để có những ngày tháng hạnh phúc bên nhau, lại vừa gợi nhớ đến vị của quýt, với phần vỏ ngoài đắng, bóc ra mới được tận hưởng vị quýt ngọt, món đặc sản của Jeju. Cách kết hợp này vừa địa phương hóa, vừa không làm mất đi nét văn hóa Hàn trong phim.
Tương tự, tựa phim trong tiếng Anh dành cho khán giả toàn cầu là Khi Cuộc Đời Cho Bạn Quả Quýt, ghép đặc sản Jeju với câu nói nổi tiếng ở phương Tây là “Khi cuộc đời cho bạn trái chanh, hãy làm nước chanh”, khuyến khích con người lạc quan vượt nghịch cảnh. Còn tựa phim trong tiếng Thái được dịch thành Yêu đời dù cam chua hoặc Hãy luôn mỉm cười cả vào những ngày quýt không ngọt cũng là một cách chơi chữ với thành ngữ ở nước này.
Sự chăm chút đến từng chi tiết nhỏ của phim lại mang đến trải nghiệm trọn vẹn cho người hâm mộ. Cách địa phương hóa tên này của Netflix nhận được nhiều lời tán thưởng, góp phần làm nên độ hot cho phim.
2. Khoảnh khắc người dẫn chuyện từ Ae Sun trở thành Geum Myeong

Ảnh: Netflix
Một trong những yếu tố khiến Khi Cuộc Đời Cho Bạn Quả Quýt chạm đến trái tim khán giả chính là phần thuyết minh đầy cảm xúc. Tuy nhiên, khán giả tinh ý có thể nhận ra rằng giọng thuyết minh đã có sự thay đổi từ Ae Sun ở vài tập đầu thành Geum Myeong – Về căn bản đều được thực hiện bởi diễn viên IU, nhưng với đại từ nhân xưng khác biệt. Nhưng khoảnh khắc chuyển giao này xảy ra khi nào?
Sự thay đổi diễn ra trong phân cảnh Gwan Sik và Ae Sun lén gia đình bỏ trốn đến Busan. Đêm hôm đó, hai người có lần đầu tiên bên nhau – cũng chính là lúc giọng thuyết minh chuyển từ Ae Sun sang Geum Myeong, là lúc Geum Myeong thành hình trong bụng mẹ.
3. Lời tri ân đặc biệt ở danh đề kết thúc Khi Cuộc Đời Cho Bạn Quả Quýt

Ảnh: Netflix
Gia đình, và các thế hệ trong gia đình, chính là chủ đề bao trùm của Khi Cuộc Đời Cho Bạn Quả Quýt. Đội ngũ sản xuất đã “nhập tâm” đến giây cuối cùng của mỗi tập khi đến phần danh đề kết thúc cũng chú trọng giá trị tình cảm này. Họ đã thêm phần “Các em bé của đội ngũ sản xuất” (Production Babies) vào, bao gồm tên của tất cả các em bé được sinh ra trong quá trình sản xuất kéo dài một năm của bộ phim, là con của những nhân viên trong đoàn làm phim. Đây không chỉ là một lời tri ân ý nghĩa dành cho các bà mẹ làm việc trong ngành điện ảnh mà còn là một sự tôn vinh dành cho phụ nữ nói chung.
CÙNG DÒNG SỰ KIỆN:
HỒI CUỐI KHI CUỘC ĐỜI CHO BẠN QUẢ QUÝT: ĐÔNG ĐẾN, VẠN VẬT NGỦ YÊN, GIA ĐÌNH AE SUN LẠI NỞ RỘ
HỒI 2 PHIM KHI CUỘC ĐỜI CHO BẠN QUẢ QUÝT ĐÃ THOÁT MÔ-TÍP MARY SUE
XEM PHIM KHI CUỘC ĐỜI CHO BẠN QUẢ QUÝT ĐỂ TỰ CHỮA LÀNH TÂM HỒN CHO BẢN THÂN
Harper’s Bazaar Việt Nam