Những biến chuyển mạnh mẽ trong thời trang thập niên 1910

Chiến tranh thế giới thứ I đã có những ảnh hưởng đáng kể đến thời trang thập niên 1910. Cũng từ đây, trang phục phụ nữ được giản lược bớt, bắt đầu cho những biến chuyển mạnh mẽ của các thập niên sau

Thời trang nữ đã có những bước thay đổi kể từ năm 1908 và biến chuyển rõ rệt vào đầu thập niên 1910. Ở nửa đầu thập niên này, thời trang vẫn còn mang tính xa hoa và chịu ảnh hưởng bởi phong cách Phương Đông do Paul Poiret khởi xướng vào cuối thập niên trước. Nhưng đến nửa sau của giai đoạn này, trang phục nữ bắt đầu giản lược hơn do ảnh hưởng của chiến tranh. Chiều dài chân váy từ chấm đất chuyển dần sang ngắn đến bắp chân. Phụ nữ ưa chuộng kiểu tóc ngắn bob và bắt đầu vay mượn trang phục nam giới. Đây chính là khởi điểm cho những trào lưu biến chuyển mạnh mẽ trong thời trang thập niên sau, 1920.

TỔNG QUAN VỀ THỜI TRANG NỮ

Nếu những năm trước, đường cong hình chữ S có được nhờ chiếc corset ôm khít vòng eo và đẩy bầu ngực rất thịnh hành thì đến năm 1908, vóc dáng thẳng tự nhiên được ưa chuộng hơn. Tiêu chuẩn này cũng giúp người phụ nữ thoải mái hơn, thoát khỏi sự gò ép bởi trang phục. Vòng eo được nới rộng, những chi tiết viền ren và diềm xếp nếp bị loại bỏ.

Kiểu trang phục thịnh hành nhất lúc bấy giờ là áo tunic phủ bên ngoài váy ống dài suôn thẳng. Vào đầu thập niên này, vòng eo thắt cao (ngay dưới ngực) được ưa chuộng hơn do ảnh hưởng của phong cách Empire đầu thế kỷ XIX. Đến năm 1914, kiểu váy rộng ở hông và túm lại ở cổ chân (hobble skirt) do Paul Poiret thiết kế, dù rất bất tiện khi di chuyển, nhưng đã tạo thành một trào lưu gây sốt trong thời gian ngắn ngủi.

timeline-1910s

Theo thời gian, vòng eo càng được nới rộng và hạ thấp hơn. Áo tunic dài hơn, váy phồng và ngắn hơn. Năm 1915, hobble skirt được thay bằng chiếc váy rộng full skirt có độ dài trên cổ chân. Áo cổ chữ V cũng thịnh hành vào nửa sau thập niên 1910. Đến năm 1918, trang phục bắt đầu có phom dáng suôn thẳng, ít khoe ra đường cong. Đây là khởi đầu cho phong cách Dandy nam tính nở rộ trong thập niên 1920.

1910s- McCall 4-5

Từ hobble skirt (trái) chuyển sang full skirt (phải). Tranh minh họa thời trang trên tạp chí McCall

 

Vào giai đoạn đầu của thập niên 1910, mũ rộng vành chiếm ưu thế nhưng càng dần về sau, những chiếc mũ nhỏ vành phẳng được ưa chuộng hơn. Kiểu tóc ngắn bob du nhập vào Paris năm 1909 đã nhanh chóng lan rộng ở Anh trong chiến tranh. Vũ công, nữ diễn viên phim câm Irene Castle là người tiên phong giúp phổ biến trào lưu này tại Mỹ.

Do phụ nữ ngày càng năng động hơn, họ bỏ đi những chiếc áo ngực corset gò bó để di chuyển dễ dàng hơn. Các nhà sản xuất corset vì thế đã tạo ra nhiều loại áo ngực nhẹ và linh hoạt hơn để dành cho nhiều mục đích khác nhau. Phụ nữ giờ đây đã có quyền quyết định đường nét của riêng họ dựa theo sự lựa chọn những loại áo corset đa dạng.

ÂM HƯỞNG PHƯƠNG ĐÔNG 

evening-dresses-1911-jeanne-halle

Đầm dạ hội phong cách phương Đông giai đoạn 1911-1915

 

Trong những năm đầu của thập niên 1910, đường nét của thời trang trở nên mềm mại và uyển chuyển hơn thế kỷ 19. Khi đoàn ba-lê Ballets Russes biểu diễn vở múa nàng Scheherazade (nhân vật trong truyện Nghìn lẻ một đêm) ở Paris năm 1910, làn sóng cuồng thời trang phương Đông nổi lên. Nhà couture Paul Poiret là một trong những nhà thiết kế đầu tiên mang yếu tố phương Đông vào trong trang phục phương Tây, khơi màu cho chủ nghĩa Orientalism trong thời trang. Các khách hàng của Paul Poiret ưa chuộng những chiếc quần thụng harem, quần pantaloon (quần ống rộng bó ở cổ chân và hơi loe ra), khăn quấn đầu, màu sắc sặc sỡ và cả những bộ cánh bắt chước áo kimono của những nàng Geisha Nhật. Paul Poiret cũng thiết kế ra những trang phục mà phụ nữ có thể dễ dàng mặc vào mà không cần sự trợ giúp của người hầu. Làn sóng Art Nouveau bắt đầu nổi lên trong thời gian này và ảnh hưởng mạnh mẽ trong các thiết kế của nhiều nhà couture lúc bấy giờ.

Jeanne Paquin là một trong những nhà thiết kế couture nữ đầu tiên. Bà cũng là người tiên phong khởi xướng nên những show diễn thời trang đầu tiên, đồng thời là nhà couture Pháp thứ hai mở chi nhánh ở các thành phố London (Anh), Buenos Aires (Argentina) và Madrid (Tây Ban Nha).

fashion_design_jeanne_paquin

Chân dung Jeanne Paquin (trái) và thiết kế của bà (phải)

Jeanne-Paquin-Fashion-House-Salesroom-Image-1910-1024x839

Phòng bán hàng của nhà mốt Jeanne Paquin

 

Hai nhà thiết kế có sức ảnh hưởng lớn nhất trong giai đoạn này là Jacques Doucet và Mariano Fortuny. Nhà thiết kế người Pháp Jacques Doucet là chuyên gia sử dụng màu pastel cùng những bộ đầm công phu bằng vải the mỏng óng ánh theo trường phái ấn tượng. Trong khi đó, nhà thiết kế người Tây Ban Nha, Mariano Fortuny y Madrazo là một nhà couture hiếm ai bì kịp. Ông là người sáng tạo nên kỹ thuật xếp pli (pleating) và nhuộm màu mới. Bộ đầm đặc trưng do ông thiết kế mang tên Delphos, là kiểu đầm suôn ôm sát theo vóc dáng, được làm từ tơ lụa thượng hạng xếp pli nhuyễn và nhuộm màu óng ánh độc đáo.

Jacques-Doucet---Mariano-Fortuny

Thiết kế của Jacques Doucet (trái) và đầm Delphos của Mariano Fortuny (phải)

 

ẢNH HƯỞNG CỦA THẾ CHIẾN I 

Chiến tranh thế giới thứ I bắt đầu năm 1914 đã tạo nên những ảnh hưởng đáng kể đến thời trang. Quần áo cần phải tiện dụng, linh hoạt và thực tế hơn, do phụ nữ phải thay thế vai trò của đàn ông làm mọi công việc trong khi họ ra trận. Cũng từ đây, phái đẹp bắt đầu vay mượn những trang phục của phái mạnh như áo sơ mi và những bộ suit gọn gàng, khởi đầu cho xu hướng thời trang menswear kéo dài đến tận ngày nay.

1910s-1

 

Những hội hè từ đây khép lại, mà thay vào đó là những buổi lễ tang thương tưởng niệm những người thiệt mạng trong chiến tranh và những cuộc thăm viếng người bị thương. Do đó, các gam màu tối và phom dáng đơn giản được ưa chuộng hơn cả. Chiếc váy lót cũng được bỏ đi, váy trở nên ngắn hơn và đầm giản lược hơn. Đến năm 1915, xuất hiện kiểu váy full skirt ngắn ngang bắp chân. Tạp chí thời trang Gazette du Bon Ton đã gọi đây là “bộ váy phồng thời chiến” (war crinoline) và lăng xê chúng như một kiểu thời trang yêu nước và thực tiễn.

1910s- McCall 6-8

Tranh minh họa thời trang trên tạp chí McCall, từ trái qua: năm 1916, 1917, 1918

 

Lúc này, người ta chi tiêu cần kiệm hơn cho trang phục vì mọi kinh phí đều dùng để hỗ trợ chiến tranh. Nhà thiết kế Coco Chanel đã tinh ý nhận thấy tình hình đó và ra mắt những loại trang sức giá rẻ. Bà thay thế những chiếc vòng cổ đắt tiền bằng những hạt pha lê hoặc đá. Bà kết hợp ngọc trai với các loại hạt khác để đeo cùng các thiết kế của bà. Với tầm nhìn đi trước thời đại, Coco Chanel chính là người tiên phong tạo nên các xu hướng thời trang giúp giải phóng phụ nữ trong các thập niên sau.

Tổng hợp: Fendi Ong – Ảnh: Tư liệu

Xem thêm