Vòng quanh thế giới ngắm các bảo tàng đồng hồ nổi danh

Bốn bảo tàng đồng hồ nổi tiếng đưa bạn bước vào chuyến du hành, trải nghiệm nhiều khía cạnh trong thế giới thời gian, từ những cỗ máy đầu tiên đến các công nghệ, phát minh tiên tiến ngày nay

Bảo tàng đồng hồ Patek Philippe

Khánh thành vào tháng 11/2001, Bảo tàng đồng hồ Patek Philippe ở Genève, Thụy Sỹ lưu giữ khoảng 2.500 chiếc đồng hồ, máy tự động, hiện vật quý giá và tiểu họa chân dung tráng men. Bảo tàng đưa quan khách đi qua hành trình năm thế kỷ chế tác đồng hồ thành Genève, Thụy Sỹ và châu Âu. Nơi đây cũng đem tới góc nhìn toàn cảnh về quá trình sản xuất của Patek Philippe kể từ năm 1839.

Tầng trệt, nơi trưng bày các bàn làm việc, công cụ chế tác đồng hồ cổ và xưởng phục chế.

Tầng trệt, nơi trưng bày các bàn làm việc, công cụ chế tác đồng hồ cổ và xưởng phục chế. Ảnh: Patek Philippe.

Tầng trệt trưng bày một số bàn làm việc cổ do các nghệ nhân đồng hồ và kim hoàn sử dụng trong lịch sử, gợi lên bầu không khí của các xưởng sản xuất xưa. Các công cụ và máy móc có niên đại từ thế kỷ 18 đến giữa thế kỷ 20 minh họa từng bước chế tác đồng hồ và các quy trình trang trí liên quan được trưng bày. Nơi đây còn có hoạt cảnh mô phỏng nơi làm việc của “cabinotier” (các nghệ nhân làm việc trong các phòng kín hoặc xưởng nhỏ) thành Genève.

Tầng một, nơi trưng bày đồng hồ chế tạo trong giai đoạn từ năm 1839 đến năm 2000.

Tầng một, nơi trưng bày đồng hồ chế tạo trong giai đoạn từ năm 1839 đến năm 2000. Ảnh: Patek Philippe.

Toàn bộ tầng đầu tiên được dành cho các sáng tạo của Patek Philippe, từ năm 1839 đến 2000. Khoảng 1.150 chiếc đồng hồ – gồm đồng hồ bỏ túi, đồng hồ đeo tay, đồng hồ dây chuyền, đồng hồ để bàn cỡ nhỏ – sắp xếp thành 20 khu vực theo các chủ đề, tạo nên bức tranh toàn cảnh về một trong những nhà chế tác đồng hồ sáng tạo nhất.

Tầng hai bảo tàng đồng hồ Patek Philippe, với bộ sưu tập đồng hồ từ thế kỷ 16.

Tầng hai, với bộ sưu tập đồng hồ từ thế kỷ 16. Ảnh: Patek Philippe.

Tầng thứ hai của bảo tàng đồng hồ trưng bày 1.200 hiện vật, với hành trình những chiếc đồng hồ từ thế kỷ 16 đến 19. Với 20 khu vực chủ đề, trong đó mỗi chủ đề tập trung vào một khía cạnh đặc trưng của các phát triển kỹ thuật và mỹ thuật trong chế tác đồng hồ, khu vực này mở ra cái nhìn trải dài qua lịch sử của những chiếc đồng hồ có thể mang theo người và nghệ thuật trang trí. Quan khách cũng sẽ khám phá sự phát triển nhanh chóng của ngành chế tác đồng hồ Genève từ nửa sau thế kỷ mười sáu, được thúc đẩy bởi các nghệ nhân Huguenot (tín đồ Tin lành Pháp) chạy trốn khỏi sự đàn áp.

Bộ sưu tập đồng hồ cổ ở tầng hai của bảo tàng đồng hồ Patel Philippe.

Bộ sưu tập đồng hồ cổ ở tầng hai của bảo tàng đồng hồ Patek Philippe.

Tầng thứ ba của bảo tàng đồng hồ nhắc lại lịch sử của Patek Philippe. Tầng này cũng có một thư viện với khoảng 8.000 đầu sách trải dài từ thế kỷ 16 đến nay. Có những cuốn sách vô cùng quý hiếm, bao gồm bản viết tay của Galileo Galilei (1564–1642) và người phát minh ra đồng hồ quả lắc, Christiaan Huygens (1629–1695). Ở trung tâm của thư viện là bốn bức tường được lấp đầy bởi các hộp trưng bày, bao bọc bộ sưu tập vô giá 141 bức chân dung tiểu họa trên men, một số khắc cả chữ ký của các bậc thầy nổi danh.

Tầng ba là kho lưu trữ lịch sử của Patek Philippe.

Tầng ba là kho lưu trữ lịch sử của Patek Philippe. Ảnh: Patek Philippe.

THÔNG TIN THAM QUAN

Địa chỉ: Số 7 phố Vieux-Grenadiers, 1205 Genève, Thụy Sỹ

Website: www.patekmuseum.comwww.patek.com/museum

Giờ mở cửa: Từ thứ Ba đến thứ Sáu: 14h00 đến 18h00. Thứ Bảy: 10h00 đến 18h00.
Đóng cửa vào Chủ nhật, thứ Hai và các ngày lễ.

Musée International D’Horlogerie (MIH)

Nằm ở La Chaux-de-Fonds, Thụy Sỹ, đây là bảo tàng đồng hồ lớn nhất thế giới, với hơn 4.500 tác phẩm, hiện vật trưng bày. Trong đó, có khoảng 2.700 đồng hồ đeo tay và 700 chiếc đồng hồ treo tường.

Lối vào giản dị ở bảo tàng đồng hồ MIH.

Lối vào giản dị ở bảo tàng đồng hồ MIH. Ảnh: MIH.

Năm 1865, khi Trường dạy Chế tác Đồng hồ La Chaux-de-Fond mở cửa, các giáo viên có nhiệm vụ xây dựng một bộ sưu tập đồng hồ chủ yếu phục vụ cho công tác giảng dạy. La Chaux-de-Fond chính là thủ phủ chế tác đồng hồ của thế giới.

Trong 35 năm đầu tiên, toàn bộ số đồng hồ sưu tập chỉ để cho giáo viên và học sinh của trường nghiên cứu. Cho đến khi, Maurice Picard, nhà chế tác đồng hồ người Do Thái gốc Pháp đề xuất mở một bảo tàng. Hội đồng thành phố La Chaux-de-Fond đồng ý và ký giấy phép thành lập bảo tàng năm 1902. Địa điểm đầu tiên của bảo tàng là một căn phòng nằm trong khuôn viên trường học. Các bộ sưu tập đồng hồ ngày càng phát triển, bảo tàng được mở rộng hai lần qua các năm 1907, 1952. Năm 1967, quỹ Maurice Picard thành lập, chủ yếu để gây quỹ xây dựng tòa nhà mới.

Bảo tàng MIH có kiến trúc avant-garde, đa phần nằm dưới lòng đất.

Bảo tàng MIH có kiến trúc avant-garde, đa phần nằm dưới lòng đất. Ảnh: MIH.

Tòa nhà mới xây dựng năm 1972, hoàn thành sau hai năm, với kiến trúc avant-garde phần lớn nằm dưới lòng đất. Lúc này, bảo tàng được đặt tên là Musée International D’Horlogerie. Tiền thân là trường dạy chế tác đồng hồ, MIH ngày nay có cả một trung tâm phục chế đồng hồ cổ. Quan khách có thể tận mắt chứng kiến các nghệ nhân làm việc tại đây.

Đồng hồ và Thụy Sỹ là cặp đôi hoàn hảo của thế gian, MIH là nơi quyết định và tổ chức trao giải Gaïa. Đây là giải thưởng nổi danh trong thế giới đồng hồ, với ba hạng mục trao giải chế tạo đồng hồ, bao gồm sáng tạo của nghệ nhân, tinh thần kinh doanh và lịch sử.

Một góc bảo tàng MIH.

Một góc bảo tàng MIH. Ảnh: MIH.

THÔNG TIN THAM QUAN

Địa chỉ: Rue des Musées 29, 2300 La Chaux-de-Fonds, Thụy Sỹ.

Website: www.mih.ch.

Giờ mở cửa: Từ thứ Ba đến Chủ Nhật, từ 10h00 đến 17h00. Mỗi lượt tham quan kéo dài 1,5 tiếng đồng hồ.

Bảo tàng đồng hồ Glashütte

Glashütte là thủ phủ chế tác đồng hồ của Đức. Đây là quê hương của các thương hiệu danh tiếng như A. Lange & Söhne, Glashütte Original, Nomos Glashütte. Gần một nửa dân số của vùng làm việc trong ngành công nghiệp đồng hồ. Đó là lý do bảo tàng đồng hồ Đức đặt tại đây.

Mặt tiền của bảo tàng đồng hồ Glashütte, Đức.

Mặt tiền của bảo tàng đồng hồ Glashütte, Đức.

Làng Glashütte nằm ở ngoại ô Dresden vốn nổi tiếng với nghề khai thác quặng mỏ. Vào thế kỷ 19, khi tài nguyên cạn kiệt, kinh tế và cuộc sống người dân gặp khó khăn. Để giúp đỡ người dân, Ferdinand Adolph Lange đã bắt tay cùng các nhà chức trách, khuyến khích thợ mỏ chuyển sang chế tác đồng hồ. Khởi thủy, họ sản xuất đồng hồ quả quýt. Năm 1851, đồng hồ Đức có mặt tại Đại Hội Chợ ở Anh, đánh dấu sự ra mắt của đồng hồ xứ Glashutte trên thị trường quốc tế.

Để tham quan bảo tàng đồng hồ Glashütte, từ Dresden, bạn bắt một chuyến tàu ngắn đến Glashütte. Bảo tàng bắt đầu mở cửa đón khách từ năm 2008. Tọa lạc tại tòa nhà lịch sử của trường dạy chế tạo đồng hồ cũ của Đức, nơi đây dành cho du khách từ khắp nơi trên thế giới muốn tìm hiểu về lịch sử chế tạo đồng hồ hấp dẫn của Glashütte từ năm 1845 trở đi.

Vào thế kỷ 20, đồng hồ quả quýt xứ Glashutte rất nổi tiếng.

Vào thế kỷ 20, đồng hồ quả quýt xứ Glashutte rất nổi tiếng.

Bảo tàng còn lưu trữ gần như toàn bộ lịch sử chế tác đồng hồ của Đức từ thế kỷ 17, 18. Các hiện vật được trưng bày theo trình tự thời gian, giúp quan khách có cái nhìn hệ thống, trực quan sinh động về lịch sử chế tác đồng hồ của quốc gia này.

Trên những chiếc đồng hồ được sản xuất tại ngôi làng này, luôn có dòng chữ Glashutte I/SA hoặc /SA. Ở Đức có tới 33 thị trấn và ngôi làng trùng tên Glashutte. I/SA là viết tắt của “In Saxony”, định danh đúng địa điểm cái nôi của ngành công nghiệp đồng hồ Đức.

Thông tin cho bạn

Địa chỉ: Schillerstraße 3a, 01768 Glashütte, Đức.

Giờ mở cửa: thứ Tư đến Chủ Nhật, từ 10h sáng đến 5 giờ chiều, kể cả ngày lễ.

Website: www.uhrenmuseum-glashuette.com.

Bảo tàng National Watch and Clock Museum (NWCM)

Mở cửa vào năm 1977, National Watch and Clock Museum nằm ở Columbia, Pennsylvania hiện là bảo tàng với bộ sưu tập đồng hồ lớn nhất Bắc Mỹ. Ở đây trưng bày hơn 12.000 hiện vật.

Một góc bảo tàng National Watch and Clock Museum ở Mỹ.

Một góc bảo tàng National Watch and Clock Museum ở Mỹ.

Sau khi bước vào một đường hầm tối tăm, bạn sẽ như du hành thời gian với các mẫu đồng hồ nước từ thời Đồ Đá, nơi con người lần đầu phát minh công cụ đếm thời gian. Trong khoảng 1 đến 1,5 giờ đồng hồ, bạn sẽ đi qua các phát minh đồng hồ trong các giai đoạn lịch sử, trong đó có cả Đồng hồ Sao hỏa.

Bảo tàng có nhiều trải nghiệm để quan khách thấu hiểu và trân trọng thời gian, như Đêm ngủ lại Bảo tàng, Workshop Tự làm Đồng hồ. Ở Trung tâm học tập, quan khách sẽ hiểu thêm các kiến thức về bộ máy đồng hồ, như con lắc, bộ thoát. Nơi đây cũng trưng bày nhiều đồng hồ cây cổ điển sản xuất tại Mỹ.

Tờ quảng cáo đồng hồ Engel cuối những năm 1800.

Tờ quảng cáo đồng hồ Engel cuối những năm 1800.

National Watch and Clock Museum còn ghi dấu ấn khi trưng bày Engle Monumental Clock. Đồng hồ Monumental Engle là chiếc đồng hồ hoành tráng đầu tiên được sản xuất tại Hoa Kỳ. Chúng được đặt theo tên nhà chế tác Stephen Decatur Engle. Ông đã mất đến 20 năm nghiên cứu, chế tác và rồi trình làng vào năm 1878. Khi mới xuất hiện, đồng hồ Engle được xem là “kỳ quan thế giới thứ tám”, được các doanh nhân mang đi khắp nước Mỹ. Người dân muốn chiêm ngưỡng phải trả tiền.

Ngoài ra, bảo tàng đồng hồ còn có nhiều hoạt động thường niên để gây quỹ, giúp bảo tồn các hiện vật thời gian.

Chiếc đồng hồ OMEGA gắn với chàng điệp viên 007 trong phần phim Sòng bài Hoàng gia cũng được trưng bày tại đây.

Chiếc đồng hồ OMEGA gắn với chàng điệp viên 007 trong phần phim Sòng bài Hoàng gia cũng được trưng bày tại đây.

THÔNG TIN THAM QUAN

Địa chỉ: 514 đường Poplar, Columbia, Hoa Kỳ.

Giờ mở cửa: thứ Tư đến thứ Bảy, từ 10h00 đến 16h00.

Website: www.museum.nawcc.org

CÁC BẢO TÀNG NỔI TIẾNG:

Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm