Shark Nguyễn Phi Vân: Không ngại dấn thân tạo ra giá trị

Trò chuyện với một trong những nữ “cá mập”, bóng hồng hiếm hoi đầy bản lĩnh trong Shark Tank Việt Nam 2024

Shark Nguyễn Phi Vân là nhân vật nổi bật trong lĩnh vực nhượng quyền, không chỉ tại Việt Nam mà còn ở phạm vi quốc tế

Với kinh nghiệm nhiều năm giữ các vị trí cấp cao về quản trị thương hiệu, bán lẻ, nhượng quyền và phát triển kinh doanh cho các tập đoàn lớn, Shark Nguyễn Phi Vân được biết đến là một cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năng động, chuyên gia nhượng quyền kiêm nhà đầu tư “thiên thần” cho startup thuộc nhiều lĩnh vực. Chị hiện là Chủ tịch Go Global Holdings kiêm Chủ tịch Go Global Franchise Fund – quỹ đầu tư dành riêng cho các startup, doanh nghiệp nhỏ và vừa trong ngành nhượng quyền và cấp phép. Harper’s Bazaar đã có dịp trò chuyện khi chị đang trong quá trình quay Shark Tank Việt Nam mùa 7.

Bài học bước ra thế giới cần tư duy mở, chuyên nghiệp và luôn là chính mình

Vẫn chiếc khăn quen thuộc choàng trên vai, Shark Phi Vân luôn khiến người đối diện cảm thấy gần gũi với trang phục tối giản, nụ cười nồng hậu. Ngoài giữ ấm, phù hợp với phong cách thời trang tối giản, với chị, chiếc khăn đặc biệt là khăn rằn mang vẻ đẹp rất Việt Nam trong mắt bạn bè thế giới. Chị bảo:

“Mỗi khi mang khăn, đặc biệt là khăn rằn cách điệu, khi đi làm việc ở nước ngoài bạn bè quốc tế thường rất thích. Vì vậy, tôi cũng hay mua khăn rằn làm quà mỗi khi đi công tác”.

Shark Phi Vân bắt đầu công việc kiếm tiền rất sớm, ngay khi học đại học. Suốt chặng đường dài khởi nghiệp, chị luôn tâm niệm về ba yếu tố đã giúp mình trên hành trình bước ra thế giới. Thứ nhất là tư duy mở, luôn mở lòng đón nhận và trân trọng sự khác biệt của con người. Sự khác biệt có thể mang đến khó khăn trong giao tiếp, kết giao nhưng cũng chính sự khác biệt này tạo nên màu sắc đa dạng, rực rỡ, thú vị khi cộng tác và tạo ra những ý tưởng mới. Vì giữ tư duy mở nên với ai, chị cũng làm việc và cộng tác được, dù ở bất kỳ nơi nào trên thế giới.

Yếu tố thứ hai chính là sự chuyên nghiệp. Chị tâm sự:

“Tôi luôn coi trọng việc hướng đến sự xuất sắc và chuyên nghiệp từ tư duy đến chi tiết. Một trong những rào cản lớn của người Việt khi ra thế giới là thành kiến từ các nước phát triển, cho rằng chúng ta thiếu chuyên nghiệp. Do đó, cần nỗ lực gấp 10, 100 lần để chứng minh điều ngược lại. Tôi thường nhắc các bạn trẻ, đặc biệt là startup, không nên làm việc qua loa, dễ dãi. Chỉ khi chứng minh được sự chuyên nghiệp, doanh nghiệp mới có vị thế trong mắt quốc tế. Vì vậy, tôi thường bị coi là khó tính trong công việc”, chị cười.

Cuối cùng, chị cho rằng phải luôn là chính mình, chân thành và tự hào là người Việt. Sự khác biệt thú vị của một người chính là nguồn gốc, nơi tạo ra con người đó, từ tư tưởng, văn hóa, đến cách hành xử đời thường. Khi chối bỏ chính mình, chối bỏ nguồn gốc nơi sinh ra và nuôi lớn mình, chúng ta không trân trọng bản thân. Vì vậy, bạn bè quốc tế cũng sẽ chẳng bao giờ trân trọng chúng ta.

Đương nhiên, hành trình sống và làm việc tại hơn 120 quốc gia của chị chẳng phải lúc nào cũng suôn sẻ. Có rất nhiều sự khác biệt về văn hóa làm việc và hành xử mà không vào cuộc sẽ khó có thể nào học và hiểu được. Ví dụ như sự minh bạch tối thượng trong hợp tác của các quốc gia Bắc Âu, cách tiếp cận vô cùng “vả vào mặt” khi đàm phán của các quốc gia Trung Đông, sự “mày mặt” cần có của nhiều quốc gia châu Á…

Hành trình bước ra là hành trình học hỏi, vấp ngã, phát triển và nâng cấp bản thân mỗi ngày, cũng giống như startup vậy. Ai thiếu đi sự kiên trì, tinh thần đứng lên sau vấp ngã cao độ, tư duy mở để dung nạp tất cả những cái mới, những thứ hoàn toàn xa lạ và đôi khi khó chấp nhận ngoài kia thì sẽ không bao giờ thành công trên hành trình quốc tế hóa.

Chị tiếp câu chuyện:

“Làm người, chẳng bao giờ có sự hoàn hảo hay vẹn toàn trong cuộc sống. Ai dám nói mình vừa kinh doanh thành công, vừa hạnh phúc toàn vẹn là nói xạo. Không có hình ảnh đó và cũng xin đừng mang cái gông hình ảnh đó áp vào các bạn trẻ. Tôi chưa bao giờ hoàn hảo và có rất nhiều sai lầm trong cuộc sống. Có ai là thánh đâu mà chẳng bao giờ sai lầm? Nhưng điều tôi đúc kết lại được, chính vì những sai lầm này khiến mình rất “người”, rất wabi-sabi. Chẳng phải cái đẹp của cuộc sống là sự không hoàn hảo hay sao? Vậy mới có nhiều phim hay, tiểu thuyết gay cấn và tác phẩm hội họa mà cả trăm năm sau vẫn xé lòng người đương thế. Cho nên, sẽ luôn có tiếc nuối trên hành trình dấn thân, nhưng đó chính là cách ta học hỏi, tiến hóa và tỏa sáng”.

>>> TIN LIÊN QUAN: WABI SABI LÀ GÌ? WABI SABI VÀ GIÁ TRỊ CỦA SỰ TÀN PHAI

“Nữ hoàng” nhượng quyền, chuyên gia chuyển nhượng, “bà đỡ” của giới khởi nghiệp

Shark Nguyễn Phi Vân từ lâu đã được biết như là gương mặt nổi bật nhất ở lĩnh vực nhượng quyền, không chỉ tại Việt Nam mà còn trong phạm vi quốc tế. Chị kể lại bước ngoặt giúp chị dấn thân vào lĩnh vực này khi sang Úc du học:

“Bước vào phòng của một Chủ tịch tập đoàn tại Úc, tôi đã mạnh dạn đề nghị được làm Giám đốc Marketing khu vực châu Á – Thái Bình Dương với mức lương bằng một nửa so với người tiền nhiệm, đồng thời cam kết đạt gấp đôi KPI. Tôi đã thực hiện và liên tục được thăng chức, tăng lương sau mỗi 6–12 tháng.

Làm việc trong môi trường quốc tế và tham gia vào các dự án lớn, bao gồm nhiều dự án phát triển doanh nghiệp của chính phủ, tôi học được cách xây dựng và phát triển giá trị cá nhân, thương hiệu và doanh nghiệp. Trong đó, nhượng quyền là cách tiếp cận hiệu quả để phát triển giá trị, xuất khẩu mô hình và thương hiệu, thay vì chỉ bán hàng hóa.

Nhượng quyền giúp chúng tôi không chỉ vận hành doanh nghiệp mà còn trở thành cố vấn cho các đối tác nước ngoài. Đồng thời, nguyên vật liệu và sản phẩm vẫn được xuất khẩu với giá trị cao hơn nhiều lần. Qua đó, cả thương hiệu, doanh nghiệp và giá trị cá nhân của những người tham gia đều được nâng cao. Tôi thường ví nhượng quyền như xuất khẩu trí tuệ con người”.

Theo Shark Phi Vân, Việt Nam là thị trường nhượng quyền còn non trẻ. Nước ta nhập khẩu thương hiệu nhiều hơn xây dựng thương hiệu quốc gia, với tỷ lệ thương hiệu quốc tế chiếm 80%. Đây là cơ hội lớn cho startup nội địa phát triển và vươn ra thế giới. Ngoài ẩm thực, bán lẻ, dịch vụ, nhượng quyền hiện nay còn xuất hiện các mô hình công nghệ mới. Đây là thời điểm vàng để các startup Việt Nam học hỏi và áp dụng nhượng quyền.

Do đó, khi nhận lời tham gia Shark Tank Việt Nam mùa 7, Shark Phi Vân mong muốn đầu tư vào các startup định hướng phát triển chuỗi, nhượng quyền thuộc các ngành bán lẻ, F&B, chăm sóc sức khỏe, dịch vụ cá nhân, công nghệ giải trí… nhằm xuất khẩu trí tuệ Việt ra thị trường quốc tế với giá trị cao.

Cũng để ý trong chương trình, có những bạn trẻ nữ tìm đến và mong muốn chị chia sẻ lời khuyên khởi nghiệp. Chị thường mang đến lời khuyên vô cùng chân thành:

“Từ góc nhìn của một người phụ nữ, tôi có ba quan điểm muốn chia sẻ. Thứ nhất, hãy biết mình là ai và muốn gì. Làm nội trợ, chăm con hoặc làm văn phòng với mức lương vừa phải để có thời gian cho gia đình đều là những lựa chọn cá nhân, không nên so sánh với người khác. Mỗi lựa chọn đều đúng tại thời điểm quyết định. Nếu startup là lựa chọn của bạn, hãy tin đó là điều đúng đắn, không cần cảm thấy có lỗi vì là phụ nữ hay làm mẹ.

Thứ hai, chỉ nên khởi nghiệp khi ngọn lửa hiện thực hóa một mong muốn cháy bỏng bên trong bạn. Đừng startup vì phong trào, vì rảnh rỗi hay vì lời khuyên của người khác. Startup là hành trình gian nan, đòi hỏi sự quyết tâm và lòng kiên trì, nơi bạn chỉ có thể dựa vào chính mình để vượt qua thử thách.

Cuối cùng, hãy thoát khỏi tư duy đấu tranh cho sự bình đẳng. Tôi luôn tin rằng mình bình đẳng. Nếu ai đó nghĩ khác, đó là vấn đề của họ, không phải của tôi. Với tôi, nam hay nữ không quan trọng, vì tôi chưa bao giờ có tâm phân biệt”.

Trước Covid-19, chị bay khắp thế giới và thỉnh thoảng lại về Việt Nam để làm diễn giả hoặc ra mắt sách, chứ không trực tiếp đầu tư và bỏ quá nhiều tâm sức vào các dự án khởi nghiệp tại Việt Nam. Chính dịch bệnh đã thay đổi chiến lược đầu tư của Shark Nguyễn Phi Vân. Cũng trong Covid-19, chị cùng các cộng sự đã thành lập công ty Go Global, với khát vọng muốn mang các mô hình chuỗi của Việt Nam ra thế giới.

Hiện tại, trong danh mục đầu tư của Go Global có chuỗi trà sữa Phúc Tea, chuỗi mẹ&bé Care With Love, chuỗi giáo dục Arkki, Star Home Spa, Phở’S, Run Together, chuỗi giặt ủi vệ sinh cao cấp 4.0 Heramo, chuỗi cà phê mở thâu đêm Three O’Clock, BurgerViet, HanaGold, chuỗi cửa hàng sống xanh Limart…

Người phụ nữ khác biệt, luôn muốn dấn thân tạo nên giá trị mà bản thân hướng đến

Tự nhận là người “vô trụ”, không dán nhãn hay khoác lên mình bất kỳ từ khóa truyền thông nào, Shark Phi Vân chấp nhận mọi danh xưng mọi người dành cho mình:

“Tôi có thể là tất cả nhưng cũng chẳng là ai cụ thể. Có người gọi tôi là doanh nhân, nhà đầu tư, diễn giả, thậm chí là nhà văn dù các tác phẩm của tôi không hoa mỹ. Hay các bạn founder doanh nghiệp mà tôi đầu tư gọi là “Mama Phi”, giống như người mẹ vừa thương yêu nâng đỡ nhưng cũng sẵn sàng la làng khi lên cơn. Mỗi người tiếp xúc sẽ thấy một khía cạnh khác dựa trên tư duy và góc nhìn của họ”.

Do đó, ai đó gọi chị là gì hay nhìn nhận ra sao cũng không quan trọng. Điều quan trọng, chị biết mình là ai, biết mình đang làm gì và luôn quyết liệt trên hành trình tạo ra giá trị mà bản thân hướng đến.

Chị cũng có thể được xem là “cá mập” viết nhiều sách nhất Shark Tank mùa này. Sở hữu cho mình 10 cuốn sách đến hiện tại, chị coi sách là một kênh chia sẻ. Sách của chị phần lớn đề cập đến hành trình phát triển sự nghiệp nhiều năm dấn thân vào thương trường như Mở cửa tương lai, Tôi – Tương lai và Thế giới, Tôi đi tìm tôi, Quảy gánh băng đồng ra thế giới, Go Global: An MSME’s Guide to Global Franchising…

“Tất cả sách là do tôi tự viết với cảm xúc, chất giọng kể chuyện chân thực, không văn vẻ. Đây là cách để tôi thể hiện với thế giới bên ngoài những cảm nhận, bài học, đúc kết của bản thân trên hành trình cuộc sống có vui có buồn, có thành công và thất bại nhưng vẫn luôn đầy nắng gió. Sau mỗi lần xuất bản, tôi nhận rất nhiều lá thư đẫm nước mắt, lời cám ơn chân thành, những câu chuyện thay đổi cuộc sống rất bất ngờ. Với tôi, đó là hạnh phúc, là hiện thực của mục đích và giấc mơ trở thành người gieo hạt”.

Một ngày của chị thường diễn ra với nhiều bất ngờ chờ đợi. Chị bảo mình không có ngày bình thường vì hơn 20 năm qua, lúc nào cũng thức dậy ở những nơi khác nhau. Cho nên, sẽ có loại ngày “công việc” chỉ toàn họp hành, làm deal, xử lý công việc. Có loại ngày “di chuyển” và nhiều khi cả ngày toàn ở sân bay hay trên máy bay. Chị thường tận dụng khoảng thời gian này để đọc sách, viết sách, xem phim, suy tư về cuộc sống.

Shark Phi Vân cùng Shark Bình (áo vest xanh) tại chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 7

Chị hài hước chia sẻ:

“Có loại ngày “tưới tắm” là khi cảm thấy tâm hồn cằn cỗi, năng lượng chạm đáy thì sẽ lang thang đâu đó ở một thành phố lạ để xem tranh, show nghệ thuật, ngắm nhìn các kiến trúc cổ hay chỉ đơn giản là thưởng thức ly cà phê thật ngon bên vỉa hè chỉ để… không nghĩ gì. Có loại ngày “chạm” là những ngày rong ruổi đi xây dựng thư viện ước mơ cho các em nhỏ kém may mắn vùng sâu vùng xa, chỉ để được khóc vì đôi chân trần đến lớp, vì chút “nằm dài, lăn qua lộn lại” hạnh phúc của các con trong thư viện mới nhiều màu sắc”.

Và đương nhiên, thiên chức làm mẹ cũng kéo chị về với gia đình nhỏ. Chị gọi con là “bạn con”, vì bạn ấy vừa là bạn, vừa là con. Con gái chị cũng đã startup từ năm 17 tuổi nên rất cần mentor và may mắn mentor không ai khác chính là chị. Hai mẹ con có thể uống bia, cà phê kể chuyện đời, cười rúc rích cùng nhau, hoặc kéo va li đi du lịch khắp nơi trên thế giới. Sở thích của chị khi ở cùng con là nấu những món ăn con thích.

Shark Phi Vân đúc kết: “Vậy đó, có tất cả nhưng cũng chẳng có gì”.

TIN LIÊN QUAN:

Harper’s Bazaar Vietnam

Xem thêm