Roberto Cavalli, bậc thầy về họa tiết qua đời ở tuổi 83

Nhà thiết kế người Ý lần đầu tiên ra mắt thương hiệu của mình vào năm 1970 và phát triển quy trình in sáng tạo trên da và denim. Ông cũng là bậc thầy về những họa tiết in họa tiết động vật táo bạo, quần jean rách đính đá quý và những chiếc váy gợi cảm.

Roberto Cavalli qua đời năm 2024. Một trong những cuối cùng ông có mặt trên sàn runway là tại một trong những buổi trình diễn thời trang của ông vào năm 2013. Ảnh: Savo Prelevic/Agence France-Presse/Getty Images

Rạng sáng ngày 13/4, làng thời trang thế giới đón nhận tin buồn: Nhà thiết kế danh tiếng Roberto Cavalli đã ra đi ở tuổi 83. Nhà thiết kế đã qua đời sau một khoảng thời gian dài chống chọi với bệnh tật, dù nguyên nhân cụ thể về cái chết của ông chưa được tiết lộ.

Việc Roberto Cavalli qua đời la một tin chấn động với làng mốt thế giới, bởi ông được xem như một huyền thoại trong làng thời trang hiện đại, người đã mang đến những sáng kiến trong quy trình xử lý vải. Nói đến Roberto Cavalli là nói đến những chiếc đầm bó sát và siêu gợi cảm, những chiếc áo khoác da được in họa tiết động vật, quần jeans và áo denim rách đầy nghệ thuật. Nhà thiết kế quá cố đã góp phần định hình nên một phong cách thời trang tiểu biểu trong thập niên 1990 mà vẫn còn ảnh hưởng cho đến ngày nay.

Roberto Cavalli ra đời trong cái nôi nghệ thuật nước Ý

Ông Roberto Cavalli và (vợ cũ) Eva Cavalli, cùng hai người mẫu Naomi Campbell và Afef Jnifen, tại show diễn ở Pitti Uomo năm 2006. Ảnh: Roberto Cavalli

Roberto Cavalli sinh ra ở vùng ngoại ô Florence, Ý vào năm 1940. Ông lớn lên trong môi trường sáng tạo và có truyền thống nghệ thuật từ gia đình.

Mẹ ông, bà Marcella, là một thợ may và cha ông, ông Giorgio, là nhân viên khảo sát cho một công ty khai thác mỏ. Tuy nhiên, năm 1944, cha của Cavalli bị lính Đức giết chết trong một cuộc tấn công trả đũa quân kháng chiến Ý.

Người có sức ảnh hưởng đến Roberto Cavalli là ông ngoại Giuseppe Rossi, một họa sĩ theo trường phái ấn tượng trong phong trào Macchiaioli, có tác phẩm được trưng bày tại Phòng nghệ thuật Uffizi danh giá của Florence.

Florence là một cái nôi nghệ thuật, là thủ phủ của phong cách Phục hưng (Renaissance) nước Ý, nơi những cái tên lừng lẫy như Leonardo Da Vinci, Raffaello, Michelangelo… đã để lại những tác phẩm thay đổi văn hóa châu Âu. Học hỏi những bức họa đầy màu sắc, những phù điêu đầy họa tiết uốn lượn và kiến trúc cầu kỳ, Roberto Cavalli đã tìm thấy gu thẩm mỹ của mình ở đó.

Nhà thiết kế tôn vinh chủ nghĩa tối đa (maximalism) sáng tạo những kỹ thuật xử lý vải độc đáo

Ảnh: Getty Images

“Tôi thích thời trang khác biệt – chủ nghĩa tối giản thật nhàm chán”

– Roberto Cavalli –

Khi trưởng thành, Roberto Cavalli chọn theo đuổi thời trang và học thiết kế dệt may tại Istituto d’Arte ở Florence. Trong giai đoạn này, Roberto Cavalli phát triển kỹ thuật in đặc biệt trên da thuộc, được cấp bằng sáng chế. Kỹ thuật này khiến tên tuổi của ông nhận được sự chú ý từ Pierre Cardin và Hermès, những thương hiệu đặt hàng ông sản xuất đồ da họa tiết cho họ.

Năm 1970, nhà thiết kế người Ý đã tổ chức buổi trình diễn thời trang đầu tiên tại Porte de Versailles. Hai năm sau, ông ra mắt cửa hàng lần đầu tên Limbo ở Saint-Tropez. Những bộ cánh mang phong cách bohemian kết hợp áo khoác da và áo len đan móc của Roberto Cavalli nhanh chóng lọt vào mắt xanh của những tên tuổi lớn nhất thời bấy giờ, bao gồm cả nữ diễn viên huyền thoại Brigitte Bardot và Sophia Loren.

>>> XEM THÊM: SAINT TROPEZ, CHỐN NGHỈ DƯỠNG CỦA GIỚI THƯỢNG LƯU CHÂU ÂU

Cửa hàng Roberto Cavalli ở St Tropez, Pháp. Ảnh: Twitter/X @roberto_cavalli

Trong thập niên 1970, Roberto Cavalli bắt đầu được công nhận là một trong những thương hiệu thời trang hàng đầu thế giới. “Năm 1970 tôi là nhà thiết kế số một trên thế giới, khi đó Armani không là gì đối với tôi”, ông từng phát biểu như vậy.

Tuy nhiên, bước sang những năm 1980, Roberto Cavalli gặp nhiều khó khăn trong kinh doanh khi gu thẩm mỹ của ông không còn được ưa chuộng và các nhà thiết kế như Calvin Klein và Rei Kawakubo khơi dậy xu hướng tối giản (minimalism) của thập kỷ mới.

Dẫu vậy, ngay cả trong thời kỳ chủ nghĩa tối giản lên ngôi, Roberto Cavalli vẫn tin vào chủ nghĩa tối đa (maximalism) và cho rằng cuộc sống và thời trang nên mang khía cạnh vui nhộn, khoái lạc, tôn vinh sự quyến rũ và xa hoa.

>>> ĐỌC THÊM: LỊCH SỬ HỌA TIẾT DA BÁO: VÌ SAO BIỂU TƯỢNG CAO SANG LẠI TRỞ THÀNH HỌA TIẾT GỢI DỤC

Những xu hướng mà Roberto Cavalli tiên phong

Vải da thuộc in họa tiết là một kỹ thuật được cấp bằng sáng chế cho Roberto Cavalli. Ảnh: Victor Virgile / Gamma-Rapho / Getty Images

Sau khi sáng chế ra kỹ thuật in họa tiết trên da thuộc, vào những năm 1990, Roberto Cavalli tiếp tục nghiên cứu và phát triển kỹ thuật in họa tiết trên vải. Thành tựu của ông là những chiếc quần jeans bằng chất liệu vải co giãn được in họa tiết da báo.

Ông phát hiện khi phối sợi lycra có độ co giãn cùng cotton khi dệt denim sẽ tạo ra chất liệu có khả năng co giãn, khác với quần jeans 100% cotton cứng cáp và thô mộc. Loại vải này giúp ông có thể phát huy form dáng ôm sát yêu thích của mình vào quần jeans, từ đó tạo ra một kiểu quần jeans mới lạ. Sau khi siêu mẫu báo đen Naomi Campbell diện chiếc quần jeans ôm này trên sàn diễn năm 1993, nó đã trở thành một xu hướng lớn và vẫn còn thịnh hành đến ngày nay.

Họa tiết da báo và đầm dài thướt tha bohemian là ADN của Roberto Cavalli. Ảnh: Victor Virgile / Gamma-Rapho / Getty Images

Ngoài ra, Roberto Cavalli còn thúc đẩy kỹ thuật phun cát mài mòn bề mặt quần jeans, để tạo ra những chiếc quần hầm hố, bạc thếch nhưng có độ mềm mại lớn. Dù kỹ thuật này đã có từ trước, nhưng năm 1994, ông là nhà thiết kế thời trang cao cấp đầu tiên áp dụng kỹ thuật này vào bộ sưu tập của mình.

Hai thập niên 1970 và thập niên 1990 đánh dấu đỉnh cao tên tuổi của nhà thiết kế Roberto Cavalli. Những thiết kế của ông trở nên tương đồng với phong cách bohemian thịnh hành trong thập niên 1970, và cũng có sự tương đồng của nét quyến rũ nổi loạn kiểu Y2K trong thập niên 1990.

Roberto Cavalli cùng nhóm Spice Girls tại buổi trình diễn thời trang nam thu đông 2008/2009 của ông. Ảnh: Daniele Venturelli/WireImage/Getty Image.

Đến cuối đời, trước khi tạ thế, Roberto Cavalli đã chuyển giao thương hiệu

Từ thập niên 2010 trở đi, Roberto Cavalli bắt đầu rút lui khỏi làng thời trang. Năm 2015, ông bán thương hiệu mang tên mình cho quỹ đầu tư Clessidra nước Ý.

Từ lúc này, Roberto Cavalli từ chức giám đốc sáng tạo và thay thế ông là Peter Dundas, người nắm quyền điều hành công ty trong 19 tháng trước khi giao lại quyền cho Paul Surridge vào năm 2017. Vào năm 2019, Fausto Puglisi tiếp tục dẫn dắt thương hiệu và giúp cái tên Roberto Cavalli một lần nữa hồi sinh.

Zendaya

Zendaya diện đầm Roberto Cavalli vintage tại Green Carpet Fashion Awards 2024. Ảnh: X/Twitter

Hơn 50 năm sau khi ra mắt thương hiệu của mình, Roberto Cavalli đã liên tục hoàn thành vai trò cần thiết nhất của một nhà thiết kế thời trang đó là tạo ra những bộ quần áo giúp người mặc quyến rũ và tự tin nhất. Thời trang đặc trưng với sự gợi cảm, họa tiết động vật và tinh thần nước Ý chưa bao giờ chệch ra khỏi quỹ đạo sáng tạo của nhà thiết kế người Ý. Cho đến khi ông qua đời, ảnh hưởng của Roberto Cavalli vẫn có thể được nhìn thấy ở mọi ngóc ngách của thế giới thời trang, đặc biệt là với sự hồi sinh mạnh mẽ của thời trang Y2K và thẩm mỹ Mob Wife.

CÁC NHÀ THIẾT KẾ THỜI TRANG GÂY TIẾNG VANG TRONG THẾ KỶ 20:

Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar

Xem thêm