Phạm Ngọc Anh, nhà sáng lập thương hiệu thời trang bền vững La Phạm

Sau nhiều năm sinh sống tại Thụy Sĩ, Phạm Ngọc Anh quay về quê nhà, thành lập thương hiệu bền vững La Phạm

Phạm Ngọc Anh

Phạm Ngọc Anh, nhà sáng lập thương hiệu thời trang La Phạm

Tháng 3–2022, Việt Nam có một thương hiệu góp mặt trong chương trình thời trang bền vững lớn nhất Thụy Sỹ – UN-DRESS. Đó chính là La Phạm. Bộ sưu tập Invitation to Nature mà La Phạm trình làng tại sự kiện sử dụng vải từ sợi tự nhiên như lá dứa, gai, lụa tơ tằm và thổ cẩm thủ công từ các làng dệt truyền thống ở Mai Châu, Hòa Bình và Sapa.

Đứng sau thương hiệu La Phạm là một nhà nghiên cứu hóa môi trường: chị Phạm Ngọc Anh. 

Nhà nghiên cứu môi trường chuyển hướng thời trang 

Một thiết kế kết hợp thổ cẩm và denim của La Phạm, trình diễn tại Thuy Sĩ

Một thiết kế kết hợp thổ cẩm và denim của La Phạm, trình diễn tại Thụy Sĩ

Phạm Ngọc Anh sinh ra trong gia đình có truyền thống nghiên cứu. Bố chị là nhà nghiên cứu về hóa môi trường. Cả tuổi thơ và thời thanh xuân, chị theo chân gia đình chu du khắp thế giới. Ngọc Anh nối nghiệp bố và định cư tại Thụy Sĩ. Tại đây, chị có một cuộc sống ổn định với công việc tư vấn môi trường và quản lý chất lượng. 

Đùng một cái, sau 22 năm sống tại Thụy Sĩ, Phạm Ngọc Anh quyết định trở về Việt Nam, thành lập thương hiệu thời trang riêng. “Ban đầu, mọi người phản đối nhiều hơn là ủng hộ. Phần vì công việc của tôi tại Thụy Sĩ đang khá ổn định, phần vì lo lắng cho tôi”, Ngọc Anh tâm sự.

“Trước kia, hầu hết thời gian tôi sống ở nước ngoài, không hiểu biết nhiều về quê hương. Thời tiểu học tôi cũng học tập ở nước ngoài. Động lực lớn nhất để tôi về Việt Nam là tìm về nguồn cội”, nhà sáng lập La Phạm chia sẻ. Cơ duyên của Ngọc Anh đến với thời trang khi một người bạn nhờ chị thiết kế áo dài để tham dự lễ hội âm nhạc. Dần dà, chị nhận ra mình yêu thời trang. “Nếu không làm bây giờ, thì đến bao giờ?”, ý nghĩ đó đã thôi thúc Phạm Ngọc Anh.  

Không chỉ chuyển ngành, chị còn thay đổi cả môi trường sống. Từ khoa học sang thời trang, từ Thụy Sĩ về Việt Nam. 

Hành trình thời trang bền vững của Phạm Ngọc Anh

“Khởi đầu nào cũng khó khăn. Những ngày đầu khởi dựng La Phạm, có khi tôi làm việc 16–20 tiếng một ngày. Thú thật, lúc ấy kinh nghiệm của tôi bằng không nên rất vất vả”, nhà thiết kế nói.

Là nhà nghiên cứu môi trường, Phạm Ngọc Anh hiểu hơn ai hết tác động của ngành công nghiệp thời trang với môi trường. “Nghiên cứu ngành hóa môi trường nên làm gì tôi cũng nghĩ làm sao hạn chế rác thải, không phí phạm tài nguyên. Vô hình trung, mọi thứ đưa tôi đến với La Phạm và định hướng thương hiệu bền vững”.

Phạm Ngọc Anh

Phạm Ngọc Anh

Cuối cùng, thương hiệu La Phạm thành lập vào năm 2016.

Sau sáu năm, các thiết kế từ chất liệu tự nhiên như vải gai, lụa hay thổ cẩm của chị bắt đầu được biết đến và bước ra thế giới. “Bền vững bao gồm ba yếu tố môi trường – xã hội – kinh tế”, Ngọc Anh giải thích.

“Ngoài sử dụng chất liệu bền vững, yếu tố môi trường còn là việc bạn sử dụng nguyên liệu bản địa, giảm thiểu xả khí CO2 ra môi trường trong quá trình vận chuyển. Việc giảm vải vụn hay tái chế cũng nên được quan tâm. Tôi luôn cố gắng tái chế và thiết kế trang phục theo hướng timeless, có thể sử dụng qua nhiều năm, chứ không chỉ theo mùa.

Yếu tố xã hội, theo hiểu biết của tôi, là mình giúp đỡ các làng nghề và nghệ nhân. Tôi lang thang khắp các làng nghề truyền thống. Tôi trò chuyện, tìm kiếm cơ hội có thể làm gì cho cuộc sống của những người dân ở đây. Sau đó, tôi theo đuổi các thiết kế từ chất liệu truyền thống được làm thủ công, tự nhiên hoàn toàn”. 

“Phải lòng” thổ cẩm

Trên hành trình khai phá các chất liệu tự nhiên, Ngọc Anh phải lòng thổ cẩm: “Tôi thích thổ cẩm. Chất liệu này vừa đẹp, vừa đậm tính văn hóa. Ở Việt Nam, thổ cẩm chưa được ưa chuộng. Tôi nghĩ nếu mình ứng dụng trong các thiết kế thì rất hay. Chưa kể, tôi còn góp phần giúp đồng bào cải thiện cuộc sống, vừa bảo tồn văn hóa”. 

La Phạm biến thổ cẩm trở nên hiện đại, đậm tính ứng dụng

Yêu thích là thế, nhưng khi bắt tay vào làm, Ngọc Anh mới nhận ra quá nhiều khó khăn: “Bạn cần phải có chứng chỉ nếu muốn mang thổ cẩm ra nước ngoài. Căn bản nhất là nguồn gốc, chất liệu từ đâu. Thổ cẩm xuất phát từ làng nghề, truyền thừa qua nhiều đời, không hề có chứng chỉ. Chất lượng thổ cẩm cũng không hề đồng đều”.

Ngoài thổ cẩm, một định hướng nữa trong tương lai của La Phạm là giúp các chất liệu vải tự nhiên của Việt Nam có được chứng chỉ quốc tế, “ví dụ như vải sợi lá dứa và vải sợi chuối trong những bước ban đầu”, Ngọc Anh chia sẻ. Hiện tại, La Phạm của chị đang kiên trì thay đổi nhận thức và hành vi của người tiêu dùng, lưu giữ các nét đẹp văn hoá dân tộc thông qua thời trang bền vững.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:

Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam 

Xem thêm

Nhân vật

Phạm Ngọc Anh, nhà sáng lập thương hiệu thời trang bền vững La Phạm
Phạm Ngọc Anh
  • Nhà nghiên cứu hóa môi trường tại Thụy Sĩ.
  • 2016: Thành lập thương hiệu thời trang La Phạm.
  • 2022: Trình diễn tại UN-DRESS, sự kiện thời trang bền vững lớn nhất Thụy Sỹ.
  • Hiện là đại sứ của dự án Empower Women Asia, góp phần hỗ trợ cuộc sống các nghệ nhân làng nghề truyền thống. 
Năm sinh : 1977
Nơi sinh : Hà Nội
Lĩnh vực hoạt động/nghề nghiệp : Thời trang, Quản lý môi trường