Trong ngành y tế, chúng tôi không được chỉ dạy để sáng tạo. Bác sỹ, đặc biệt là những nhà giải phẫu học phải tuân theo nguyên tắc và mô hình. Một trong những người hướng dẫn của tôi luôn bảo với tôi thế này mỗi khi bắt đầu vào ca phẫu thuật: “Chúng ta cứ làm theo cách y như mọi lần”.
Trong khi đó, trong cuộc sống có một phần tôi rất yêu thích, đó là tính nhất quán, sự kiên định và tính dự báo, tôi cũng ao ước có được những cơ hội để xem xét sự vật theo một cách mới và phá vỡ những nguyên tắc. Tôi đã dành phần lớn thời gian của mình rèn luyện phần não hoạt động sáng tạo và nghệ thuật.
Và bây giờ, tôi muốn được sử dụng những phần não chịu trách nhiệm phân tích và tư duy logic. Do đó, tôi đã tìm kiếm một cơ hội để phỏng vấn Alber Elbaz, vị giám đốc sáng tạo của Lanvin.
Nhà thiết kế Alber Elbaz ghét sự hoàn hảo
Dù công việc của tôi có liên quan đến sự tái tạo và hoàn hảo nhưng Elbaz ghét cả hai từ đó. “Khi bạn có được sự hoàn hảo thì xem như bạn đã hoàn tất”, ông ấy bảo. “Vì như vậy còn gì nữa để làm đâu?” Alber nói thêm.
Tôi muốn được nhìn sâu vào bộ não của một trong những người có khả năng sáng tạo nhất mà tôi được gặp để xem chúng ta có thể học được cách săn đuổi sự sáng tạo hay không. Cũng giống như tất cả mọi việc Alber làm trong cuộc sống của mình, chúng tôi cũng bắt đầu câu chuyện một cách nhanh chóng.
ALBER ELBAZ: Tôi phải nói với anh điều này: khi phác thảo bản vẽ ở nhà, tôi không bao giờ nghe nhạc. Anh biết tôi bật gì không? Tôi bật tin tức của đài CNN. Tôi gọi nó là kênh thảm họa.
SANJAY GUPTA: Vậy thì nó chẳng làm anh vui đâu!
ALBER ELBAZ: Không, nhưng anh sẽ cảm thấy vui khi anh không phải là một phần trong đó. Ví dụ như có ai mới gặp tai nạn khi trượt tuyết, và anh sẽ thốt lên kiểu: “Trời ơi may quá vì tôi không biết trượt tuyết” vậy!
SANJAY GUPTA: Ngoài công việc ra thì có nơi nào đó làm cho anh vui không?
ALBER ELBAZ: Tôi không có việc gì làm khác ngoài công việc của mình. Hiếm khi tôi nghỉ ngày cuối tuần. Tôi làm việc suốt từ sáu đến bảy ngày trong tuần, từ sáng sớm đến tối khuya.
SANJAY GUPTA: Anh cảm thấy là mình phải làm như vậy hay anh thích làm như vậy?
ALBER ELBAZ: Tôi không biết. Tôi cảm thấy như mình là một ông cha xứ của thời trang.
SANJAY GUPTA: Anh từng cân nhắc có nên làm bác sỹ hay không. Anh đã nghĩ đến điều gì?
ALBER ELBAZ: Tôi đã nghĩ thời trang không còn liên quan gì đến mình nhiều năm về trước. Tôi muốn quay lại học ngành y nhưng vì thời gian phải dành cho việc học này là nhiều năm nên tôi nghĩ, có lẽ nên làm y tá? Nhưng tôi không muốn làm người chịu sự chỉ huy nên tôi nói: “không làm y tá”.
SANJAY GUPTA: Anh có mong muốn ra khỏi ngành thời trang không khi không còn làm việc nữa?
ALBER ELBAZ: Tôi không muốn điều gì như thế. Tôi chỉ thèm một miếng bánh mì kẹp thôi nếu anh hỏi tôi thật sự đang mong muốn gì. Thời trang là thế giới của tôi, nhưng tôi chỉ ở chung quanh một nhóm người rất nhỏ. Tôi thích sự riêng tư. Nhiều khi tôi có cảm giác tôi biết mọi người nhưng chẳng ai biết tôi cả.
Tôi cũng không bao giờ đọc bài phỏng vấn mình, bởi vì tôi biết khi người phỏng vấn làm tốt thì họ sẽ giống như một nhà phân tích tâm lý tiết lộ hết về tôi.
SANJAY GUPTA: Bằng cách nhìn một người mặc trang phục, anh có thể biết họ không phải là chính họ không?
ALBER ELBAZ: Khi tôi tuyển dụng một ai đó, tôi không đánh giá họ qua việc ăn mặc. Thay vì nghĩ: “Chà, cô ấy mặc đẹp quá, chắc cô ấy rất có tài”, tôi nghĩ: “Cách cô ấy mặc đồ sáng nay thật thông minh”. Nhưng anh biết không, không phải cứ mang giày da cá sấu là đủ. Nói thật là, một trong những người có ý tưởng hay ho không nằm trong số những người sành điệu kia. Có khi họ hoàn toàn ngược lại. Những người không được chú ý trong phòng lại làm nên chuyện.
SANJAY GUPTA: Anh có nghĩ rằng anh có thể làm tốt công việc của mình nếu anh không phải là người hay lo lắng?
ALBER ELBAZ: Tôi nghĩ là không đâu. Những gì tôi làm, khi hoàn tất, tôi lại ghét nó. Tôi không muốn nhìn nó nữa. Có lẽ đó là lý do để tôi quay lại studio và làm tất cả từ đầu. Có một lần, ở Weight Watchers, một người phụ nữ ở đó hỏi rằng việc của tôi đến từ tham vọng hay nỗi sợ hãi. Tôi nói nó đến từ sợ hãi bởi vì tôi chẳng tham vọng gì cả. Tôi luôn sợ. Sợ không làm nó được lần nữa, sợ không thể lên ý tưởng mới.
SANJAY GUPTA: Trong nhiều nền văn hóa, bao gồm cả của tôi, khi anh nói về sự sợ hãi hay nói về điều truyền cảm hứng, hai khái niệm đó có thể tương tự nhau.
ALBER ELBAZ: Tất cả ý tưởng về sự hoàn hảo, về những suy nghĩ. Chà, tôi thật tài tình. Anh sẽ chẳng đi đến đâu cả. Anh chỉ trở thành một món trong bảo tàng và trong đó thì không có sự sống. Có ngày hôm qua, nhưng không có ngày mai, anh thấy chưa? Bảo tàng chỉ ghi lại được ngày hôm qua thôi. Còn thời trang chính là ngày mai. Thời trang là sự thay đổi. Anh biết ở Mỹ người ta có một câu nói gì không? Đó là: “Nếu nó không vỡ thì anh không cần phải hàn gắn nó”. Nhưng tôi nghĩ, nếu nó chưa vỡ, hãy hàn gắn nó trước khi nó bị vỡ.
SANJAY GUPTA: Nếu anh là người sau cùng quyết định một sự việc, có bao giờ anh sẽ nói với ê-kíp của mình: “Không, tuyệt đối không được”?
ALBER ELBAZ: Tuyệt đối không như thế rồi. Nhưng trong công việc này, việc cởi mở với những suy nghĩ, độ tuổi, văn hóa khác nhau là rất quan trọng. Tôi từng làm việc ở Saint Laurent và tôi được mách nhiều lần rằng ông ấy đưa một bản vẽ cho năm người và họ làm ra những sản phẩm khác nhau.
SANJAY GUPTA: Giả dụ tôi cùng anh đến một buổi họp cực kỳ động não?
ALBER ELBAZ: Tôi nghĩ rằng những gì mới nhất của thời trang đến từ kỹ thuật. Hầu hết những nghiên cứu của tôi đều trên chất liệu vải vóc. Có lúc người ta nói về thời trang như kiểu: “Nó dài bao nhiêu, nó màu gì?”. Nhưng bây giờ, người mua sẽ quyết định màu sắc và độ dài. Do đó, các nhà thiết kế không thể mang đến những điều mới nhất nữa bởi vì nó không phải là sự độc quyền như cách chúng ta nghĩ. Tuy nhiên, ngày nay có rất nhiều phương tiện kỹ thuật mà chúng ta có thể mang lại cho thời trang.
SANJAY GUPTA: Trong thiết kế thời trang, anh không phải chỉ tưởng tượng ra câu chuyện của khách hàng với chiếc đầm ngay thời điểm này mà đến vài năm tới nữa, đúng không?
ALBER ELBAZ: Sau 6 hoặc 7 tháng, nó đã khác rồi. Tôi nhìn thấy những chiếc đầm treo trong cửa hàng dưới nhà. Tôi thích nhìn thấy những người bình thường mặc nó hơn, không phải người có size 0 và 17 tuổi. Họ có nhiều cá tính hơn với nhiều độ tuổi khác nhau, vóc dáng cơ thể cũng khác.
SANJAY GUPTA: Anh tạo ra những thiết kế khiến mọi người thấy mình đẹp hơn. Vậy anh có được những gì tương tự không? Điều gì sẽ khiến anh cảm thấy mình đẹp hơn?
ALBER ELBAZ: Tôi nghĩ mình là người ngoài cuộc. Tôi thấy không cần phải lăng-xê công việc của mình để nó xuất hiện tại mọi bữa tiệc trên hành tinh này.
Cũng không nhất thiết phải giữ size 6 với mái tóc xanh, chiếc quần da trăn màu vàng để mọi người phải bận tâm suy nghĩ đến: “Chà, trông anh ấy thật cool!”. Thật ra chữ “cool” là chữ tôi ghét nhất trên thế gian này. Tôi giống như đạo diễn của một bộ phim vậy. Tôi để những ngôi sao làm việc và thấy thoải mái khi đứng sau hậu trường.
SANJAY GUPTA: Khi anh lên ý tưởng thực hiện một bộ sưu tập mới, anh đã mường tượng đến điều gì?
ALBER ELBAZ: Khi mới bắt đầu, tôi chưa nhìn ra cái gì cả. Tôi cũng không bắt đầu câu chuyện kiểu “Marilyn Monroe đang có mặt tại một buổi party ở Istanbul”. Tất cả mọi thứ tôi làm đều mang tính trừu tượng.
Người ta hỏi tôi: “Alber, tại sao anh không viết văn?”. Tôi nghĩ mình không thể viết vì tôi cần một người cộng sự lắng nghe mình. Người đó sẽ giúp tôi viết lại câu chuyện, tách biệt giữa phần lý trí chen lẫn trong tình cảm. Do đó tôi thích những người tài ở quanh mình. Tôi không ngại những người tài năng. Tôi chỉ sợ tính đanh đá mà thôi.
**Êkíp thực hiện**
Giám đốc sáng tạo: Robert Wilson
Ảnh: Simon Procter
Biên tập thời trang: Leila Smara
Trang phục và phụ kiện: Lanvin
Người mẫu: Zlata Mangafic
Làm tóc: Maxime Mace
Trang điểm: Eny Whitehead
Làm móng: Kamel
Production: Ben Faraday for octopix.fr
Đạo cụ: Anna Tavani
Trân trọng cảm ơn bệnh viện American Hospital of Paris và the Etiopathie University, Paris
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam