Còn nhớ, có một lần, Jean Paul Gaultier đang ở nhà cho mèo ăn. Khi đồ ăn vơi dần, ông chợt nghĩ nếu mình cắt bỏ hai đầu đáy và nắp ống đựng thức ăn, trông nó sẽ giống như chiếc vòng tay to bản của người châu Phi. Có lẽ không phải ai cũng nghĩ sẽ dùng lon thức ăn cho mèo làm phụ kiện thời trang!
Nhưng đó không phải là lần đầu tiên Jean Paul Gaultier bộc lộ lối suy nghĩ khác biệt. Trong sự nghiệp thiết kế của mình, ông luôn khiến dư luận và giới mộ điệu xôn xao với những màn trình diễn gây sốc. Đó là sàn catwalk năm 2010 với các người mẫu có khuôn mặt bầm dập theo cảm hứng từ môn quyền Anh. Đó là hình tượng các người mẫu nam mặc váy của Jean Paul Gaultier qua mỗi mùa mốt…
Kẻ thay đổi làng thời trang
Trong thế giới thời trang của Jean Paul Gaultier, dường như không gì là không thể. Ông luôn dùng thời trang để thể hiện cách nhìn khác biệt về thế giới. Biệt danh đứa trẻ ngỗ ngược (enfant terrible) do giới thời trang đặt cho ông cũng từ đó mà ra.
Vào thập niên 1990, Jean Paul Gaultier tạo nên cuộc tranh cãi khi thiết kế cho nữ hoàng nhạc pop Madonna chiếc áo corset chóp nhọn trong tour diễn Blond Ambition. Khi ấy, thế giới vẫn quan niệm corset chỉ là trang phục mặc lót bên trong. Thế mà “đứa trẻ ngỗ ngược” Gaultier lại lôi chiếc corset ra ngoài, biến chúng thành trang phục thường nhật cho người phụ nữ.
Trước Blond Ambition (1990), Jean Paul Gaultier vốn chỉ nổi danh ở Anh và Pháp. Nhưng sự xuất hiện của chiếc áo corset chóp nhọn Madonna đã đưa tên tuổi nhà thiết kế người Pháp lan đi khắp thế giới. Từ đây, giới mộ điệu đón nhận một cá tính thời trang khác lạ nhưng đầy tài năng.
>>> ĐỌC THÊM: CÂU CHUYỆN ĐẰNG SAU CHIẾC ÁO CORSET CHÓP NHỌN CỦA MADONNA
Quan niệm vượi qua mọi định kiến
Trước bộ corset chóp nón, Jean Paul Gaultier tạo nên làn sóng tranh luận khi để các người mẫu nam mặc váy vào năm 1984. Trên sàn diễn của ông, đàn ông có thể tô son đỏ, mang giày cao gót, còn các cô gái có thể xăm trổ đầy mình, mặc áo khoác da tomboy cá tính. Dấu ấn Jean Paul Gaultier là khả năng nhìn thấy và vượt qua định kiến xã hội để mang đến cho thời trang những cuộc trình diễn phá cách nhất.
Tiếp đó, Jean Paul Gaultier mang cá tính nổi loạn vào thời trang cao cấp. Ông đưa bánh mì trở thành chất liệu của thời trang haute couture, biến chất liệu cao su rẻ tiền trở thành các kiệt tác thời trang cao cấp trị giá đến hàng trăm ngàn đô-la. Không nhà thiết kế hay nhà mốt cao cấp nào trên thế giới có thể làm được như Jean Paul Gaultier.
Từ khi ra mắt dòng thời trang cao cấp năm 1997, đến nay, Jean Paul Gaultier vẫn là thương hiệu “ăn nên làm ra”. Thậm chí, khi dòng thời trang haute couture bắt đầu có dấu hiệu lụi tàn với sự rút lui của Christian Lacroix, Yves Saint Laurent vào 2010, Jean Paul Gaultier vẫn chễm chệ ngồi “chiếu trên” địa hạt cao cấp với doanh thu không ngừng gia tăng.
“Jean Paul Gaultier là người thay đổi thời trang rất nhiều, từ quá trình sáng tạo đến quan niệm giới tính”.
– Nicolas Ghesquière –
Thuật ngữ “Gaultiered” đã trở thành biểu tượng cho những thiết kế tái hiện nét cổ điển của ông, từ corset nữ với cúp nhọn, chiếc váy kilt Scotland trở thành biểu tượng thời trang nam giới vào năm 1984, đến áo phông sọc marinière mang hương vị Paris, thường được Jean Paul Gaultier thiết kế unisex và kết hợp với mũ Phrygian, cũng như bodysuits xuyên thấu mô phỏng hình xăm.
Jean Paul Gaultier còn nổi tiếng với việc chọn lựa người mẫu không theo lối mòn, từ người mẫu nam lớn tuổi, phụ nữ đầy đặn, đến những người có khuyên hoặc xăm trổ, và tổ chức các buổi trình diễn thời trang như những sự kiện nghệ thuật đích thực, với khách mời đình đám và những màn trình diễn múa burlesque luôn tạo nên những bất ngờ cho khán giả.
Nhà thiết kế ưa thích của các It Girl xứ Tây phương
Hiển nhiên, những It Girl nổi bật của thời đại chúng ta đều chung niềm đam mê mãnh liệt với enfant terrible (đứa trẻ hư) của làng mốt Pháp cao cấp. Kim Kardashian, người đã xuất hiện tại front row của show diễn Couture Thu Đông 2022 cùng bé North, diện chiếc đầm từ bộ sưu tập của Olivier Rousteing dưới mác Jean Paul Gaultier, tưởng nhớ phong cách đặc trưng của nhà thiết kế mà Madonna từng mặc vào năm 1992.
Bella Hadid quyến rũ tại Liên hoan phim Cannes với chiếc đầm năm 2002 của thương hiệu, trong khi Kylie Jenner chọn chiếc đầm ôm sát màu xanh lá cây từ bộ sưu tập Xuân Hè năm 1987, có giá trị lên đến hơn 15.000 đô-la Mỹ, cho buổi tụ họp gia đình bên Travis Scott và Stormi.
Không thể không nhắc đến Dua Lipa, người đã diện thiết kế của Jean Paul Gaultier lấy cảm hứng từ Marie Antoinette từ bộ sưu tập Les Marquis Touaregs năm 1998 trong MV Demeanor như một lời tri ân đến chế độ Ancien Régime của nước Pháp.
>>> XEM CHI TIẾT: DUA LIPA HOÁ THÂN THÀNH NỮ HOÀNG PHÁP MARIE ANTOINETTE TRONG MV DEMEANOR
Khi sự hoài cổ trong làng thời trang trỗi dậy, các ngôi sao cùng các stylist không ngừng tìm kiếm những bộ trang phục độc đáo, hiếm có khó tìm từ kho lưu trữ của các nhà thiết kế danh tiếng, nhằm tạo bất ngờ cho công chúng trong các sự kiện đặc biệt và thổi hồn mới vào những tạo tác không thể lãng quên.
Niềm đam mê dành cho Jean Paul Gaultier không hề phai mờ theo thời gian hay xu hướng: chỉ cần nhìn vào việc quần áo và phụ kiện của thương hiệu này đang được săn đón trên các nền tảng mua sắm trực tuyến với giá cao gấp nhiều lần giá gốc, khẳng định sự ngưỡng mộ đối với thương hiệu.
Lời tạm biệt với sàn diễn và cuộc sống thứ hai của thương hiệu
Sau một thời gian dài làm việc, thử nghiệm ở mọi lĩnh vực, từ thời trang đến quảng cáo, nghệ thuật, âm nhạc, và giải trí… Jean Paul Gaultier bày tỏ mong muốn được nghỉ ngơi.
Vào tháng 1/2020, Jean Paul Gaultier đã công bố quyết định nghỉ hưu của mình thông qua một buổi trình diễn kỷ niệm hoành tráng, trình làng hơn 150 thiết kế biểu tượng của Maison, với sự tham gia của các nàng thơ huyền thoại như Anna Cleveland, Karen Elson, Beatrice Dalle và Dita Von Teese.
Dẫu vậy, sự nghỉ hưu của Jean Paul Gaultier chỉ đánh dấu sự kết thúc của một kỷ nguyên, chứ không phải là sự kết thúc của thương hiệu. Ông bất ngờ biến sàn diễn haute couture của mình thành một sàn diễn hợp tác với những nhà thiết kế trẻ tuổi, để họ có thể khám phá và cách tân di sản Jean Paul Gaultier theo cảm hứng riêng. Đây cũng là cách để ông tạo cơ hội cho những nhà thiết kế trẻ, những người chưa từng có cơ hội đặt chân lên sàn diễn haute couture, để thử nghiệm với thế giới thời trang cao cấp nhất.
Mở đầu cho ý tưởng táo bạo này, ông chọn Chitose Abe, giám đốc sáng tạo của Sacai Nhật Bản. Sự kết hợp này đã tạo nên một dòng thời trang độc đáo, pha trộn chủ nghĩa tối giản của Nhật Bản với sự phô trương đặc trưng của enfant terrible xứ Pháp, qua những đường cắt bất đối xứng, màu sắc nổi bật, và sự lai tạo giữa Haute Couture với trang phục công sở, biến áo khoác và áo bomber thành những chiếc đầm dạ hội lộng lẫy cùng với các thiết kế có tỷ lệ ngoại cỡ.
Sau Chitose Abe, Glenn Martens đã mang đến một bộ sưu tập Xuân Hè 2022 đầy ấn tượng với corset và những hình ảnh ảo giác về đại dương, tạo nên một không gian sân khấu đầy mê hoặc.
Olivier Rousteing, Giám đốc sáng tạo của Balmain, đã tiếp nối với bộ sưu tập Haute Couture Thu Đông 2022, lấy cảm hứng từ bộ sưu tập Les Tatouages Xuân Hè 1994, chai nước hoa Le Male, và trang phục Madonna đã mặc tại gala amfAR năm 1992.
Trong khi đó, Haider Ackermann đã tái hiện kho lưu trữ của Jean Paul Gaultier với bộ sưu tập Haute Couture Xuân Hè 2023, phô diễn kỹ thuật may đo tinh xảo không thể lẫn vào đâu được.
Jean Paul Gaultier luôn là người tạo nên sự ngạc nhiên với những dự án độc đáo, tiên phong trong việc dự đoán và thúc đẩy những xu hướng về tỷ lệ cơ thể, phá vỡ giới hạn giữa nam và nữ trong thời trang.
Dù Jean Paul đã lựa chọn rời xa ánh đèn sân khấu, nhưng di sản nghệ thuật của ông vẫn tiếp tục tỏa sáng qua thế hệ mới của các nhà thiết kế, những người đã kế thừa và phát huy dấu ấn của ông. Những tác phẩm cổ điển của Jean Paul Gaultier vẫn là điểm nhấn đặc biệt trên thảm đỏ, chứng minh rằng thời trang luôn có khả năng tự tái tạo bất chấp những xu hướng đã qua.
TIN LIÊN QUAN:
JEAN PAUL GAULTIER RA MẮT BST THỜI TRANG THỂ THAO CAO CẤP TRÙNG DỊP MET GALA
JEAN PAUL GAULTIER HỢP TÁC VỚI NICOLAS DI FELICE CỦA COURRÈGES
KYLIE JENNER DIỆN VÁY TRẮNG TRONG SUỐT DỰ SHOW JEAN PAUL GAULTIER HAUTE COUTURE
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar