Thủy Nguyễn: Khi họa sỹ làm nhà thiết kế thời trang

Năm 2021, Harper's Bazaar VN mừng sinh nhật thứ 10. Chúng tôi sẽ ăn mừng sinh nhật suốt năm, với 100 trang bìa giới thiệu 100 ngôi sao nổi tiếng trong và ngoài nước từ tháng 1 đến tháng 12 năm 2021. Người mẫu trang bìa số 2: Nhà thiết kế Thuỷ Nguyễn.

Nhà thiết kế Thủy Nguyễn trên trang bìa sinh nhật 10 năm của Harper’s Bazaar Việt Nam số 1-21

Năm 2011, nhà thiết kế Thủy Nguyễn mở cửa hiệu thời trang đầu tiên tại Đồng Khởi. Đây là một trong những con đường xa hoa bậc nhất TP. Hồ Chí Minh. Khi ấy, người trong giới bắt đầu tò mò về Thủy và thương hiệu Thuy Design House. Tò mò, bởi Thủy xuất thân là một họa sĩ và nghệ sĩ thị giác; chứ không phải nhà thiết kế thời trang chính quy. Tay ngang, nhưng mở cửa tiệm ở Đồng Khởi, có thể nói đó là quyết định khá “chơi” của chị.

Một họa sĩ sẽ làm thời trang như thế nào?

Thủy đã có câu trả lời cho công chúng trong suốt chín năm làm nghề. Niềm yêu thích đặc biệt với văn hóa Việt Nam đã trở thành DNA trong các sáng tạo của chị. Chiếc áo dài cô ba đã trở thành trang phục lan rộng ra xã hội. Đó là minh chứng cho thành công của Thuy Design House và Thủy Nguyễn. Xuất thân là họa sỹ, Thủy Nguyễn đã đưa màu sắc, hình khối theo lối tư duy của hội họa (fine arts) vào thời trang

Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, Thủy Nguyễn tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Chị tốt nghiệp cao học tại Học viện nghệ thuật thị giác và kiến trúc quốc gia Kiev (Ukraine).

Chất liệu văn hóa và cả chất liệu vải vóc trong các thiết kế của Thủy Nguyễn đều thấm đẫm hơi thở văn hóa dân gian Việt Nam.

“Nghệ thuật của tôi là sự nối tiếp các giá trị truyền thống. Tôi lĩnh hội và phục hồi các giá trị đó trong thực hành đương đại của mình. Không phải chuyện hình thức, mà thực sự, đó là một lối sống”

– Thủy Nguyễn –

Chín năm một giấc mộng thường của nhà thiết kế Thủy Nguyễn

Gặp Thủy, người ta sẽ nhận ra nguồn năng lượng dồi dào trong người phụ nữ này. Chị cười nhiều. Mái tóc dài ngang lưng uốn xù bông, với những sợi bạc xen kẽ làm nên sự tương phản tuyệt vời. Đôi khi, chị búi lên bằng một cây trâm ngà hoặc… một chiếc đũa.

Chín năm là hành trình thời trang với khá nhiều cột mốc, Thủy Nguyễn đã kể cho công chúng nghe một câu chuyện và hành trình ấy – qua triển lãm Mộng bình thường.

Thuỷ Nguyễn trong không gian triển lãm Mộng bình thường

>>> Xem thêm: GHÉ THĂM CHỐN RIÊNG CỦA TIA THỦY NGUYỄN

Vì sao lại là Mộng bình thường? Thủy giải thích: Tên gọi này được lấy cảm hứng từ ca khúc Ngậm ngùi của cố nhạc sĩ Phạm Duy: Ngủ đi em mộng bình thường/Ru em sẵn tiếng thùy dương đôi bờ.

Thêm nữa, Thủy là người nghệ sĩ có nhiều mộng. Chị mộng mỗi ngày – trong nghệ thuật và thời trang.

Đối với nhà thiết kế Thủy Nguyễn, “nhu cầu được vẽ cũng giống như những nhu cầu khác của con người như ăn, ngủ, hoặc là thở”. Nhưng vì cảm thấy mình bị lệ thuộc và giới hạn trong mỹ thuật hàn lâm, nên chị chọn thêm thời trang để được tự do tung tẩy, sáng tạo. Và triển lãm Mộng Bình Thường là phút giãi bày của chị. Lần đầu tiên, Thủy mở toang lòng mình. Các ngóc ngách trong tâm hồn được hiện thực hóa thành các gian phòng.

Một căn phòng trong triển lãm Mộng bình thường

>>> Xem thêm: “MỘNG BÌNH THƯỜNG” CỦA THỦY NGUYỄN: TRIỂN LÃM TÔN VINH ÁO DÀI VIỆT

Ngày triển lãm mở cửa, tôi là một trong những vị khách đầu tiên, nóng lòng khám phá thế giới nội tâm của Thủy. Tâm hồn Thuỷ hiển hiện qua những gian phòng và thời trang. “Trang phục không chỉ là những bộ quần áo được khoác lên người. Nó còn có câu chuyện, còn có cả một tâm tư tình cảm, trải nghiệm, nghiên cứu”, nhà thiết kế chia sẻ trong đêm khai mạc triển lãm.

Mộng bình thường giới thiệu hơn 70 bộ trang phục, tư liệu, sưu tập và phụ kiện, chắt lọc từ hơn 10 năm làm nghề của Thủy Nguyễn. Không gian trưng bày chia làm các khu vực Xưa đến ngày sau, Lầu son gác tía, Đôi vầng nhật nguyệt, Đong đầy ký ức, Ở trọ trần gian, Muôn hình vạn trạng, Phố phố phường phường.

Nhà thiết kế Thuỷ Nguyễn: Một thập kỷ nhào nặn tinh hoa văn hóa dân tộc

Qua từng khu vực được dàn cảnh tinh tế, công phu, người xem có thể tìm thấy những điều vô cùng quen thuộc. Một bài thơ tình của Huy Cận. Những câu chuyện cổ tích như Truyện Nỏ Thần, Tấm Cám. Những bức tranh Hàng Trống, Đông Hồ thường treo trong nhà khi Xuân đến, hay bình gốm và phù điêu của xưởng Thành Lễ, Biên Hòa… Văn hóa nguồn cội là cảm hứng, đồng hành cùng Thủy Nguyễn từ những ngày chị chập chững tự may những thiết kế đầu tiên.

Chọn tông màu chủ đạo là ấm, nóng, sặc sỡ; hành trình thiết kế của Thủy Nguyễn vui tươi, tích cực như tính cách của chị. Chính vì vậy, các trang phục luôn có một sức sống giữa đời, tạo nên hiệu ứng lan tỏa rõ ràng. Hai trong số những thiết kế được công chúng nhận ra nhiều nhất là trang phục Hoàng Thùy Linh diện trong MV Để Mị nói cho mà nghe và trang phục của Thái hậu Dương Vân Nga (Thanh Hằng thủ vai) trong phim Quỳnh Hoa Nhất Dạ. Thủy Nguyễn bật mí chị còn đang thực hiện trang phục cho phim Kiều sắp công chiếu.

Hãy chú ý đến căn phòng phía trong cùng trên tầng một của triển lãm. Ở đây, bạn sẽ thấy như thể mình bước vào “bộ óc” của Thủy Nguyễn. Căn phòng tái hiện phòng làm việc của chị, được sắp đặt giống nguyên bản nhất có thể.

Thay đổi quan điểm của công chúng về thời trang

Tựa như quyết định mở cửa tiệm đầu tiên tại Đồng Khởi năm xưa, triển lãm Mộng bình thường lại một lần nữa khiến công chúng tò mò. Giữa thời điểm Covid-19, chị vẫn mở triển lãm!

Không chỉ thế, khi những biên giới và các đường bay quốc tế hầu như đóng cửa, để chuẩn bị cho Mộng bình thường, Thủy còn mời bằng được Dolla S. Merrillees. Cô nguyên là giám đốc Bảo tàng Nghệ thuật ứng dụng và Khoa học (MAAS) tại Sydney. Nhà thiết kế Thủy Nguyễn bảo để thuyết phục được cô là cả một quá trình dài mình không muốn kể. Chỉ cần công chúng đến, chiêm ngưỡng các tác phẩm là chị và các cộng sự đã rất vui rồi.

Với Mộng bình thường, Thủy “mong muốn thay đổi nhìn nhận về thời trang đương đại của khán giả; qua cách thức biểu diễn cũng như cách trình bày”. Đến với triển lãm, công chúng có thể nghiên cứu về kỹ thuật. Mộng bình thường không chỉ là cuộc chơi thị giác. Triển lãm còn đưa công chúng tìm hiểu cả quá trình thực hiện phát triển tác phẩm và mong muốn của người nghệ sỹ.

“Để đạt được giấc mộng bình thường như hiện tại, tôi cũng phải trải qua trăn trở và nỗ lực mỗi ngày. Trên hành trình sẽ có nhiều trúc trắc, nhưng đời là thế. Và đó là thứ sẽ giúp ta lớn mạnh trong tương lai”, Thủy Nguyễn chia sẻ khi chúng tôi chia tay.

Về Mộng Bình Thường 

Triển lãm Mộng bình thường đang diễn ra tại Trung tâm nghệ thuật đương đại The Factory. Số 15 Nguyễn Ư Dĩ, phường Thảo Điền, Quận 2, TP. HCM. Triển lãm kéo dài đến ngày 6-2-2021.

** Ê-kip thực hiện **

Starring: Hoạ sỹ – Nhà thiết kế Thuỷ Nguyễn
Photographer: Milor Trần, Minh Đức
Styling: Vũ Dương. Make-up: Xi Quan Le
Phụ kiện tóc: Ngô Mạnh Đông Đông
Trang phục: Thuy Design House

Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam 

Mới nhất về Thủy Nguyễn

Xem thêm

Nhân vật

Thủy Nguyễn

• 1981: Sinh ra tại Hà Nội. Tên thật là Nguyễn Thu Thuỷ.

• Tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Sau đó, Thuỷ Nguyễn đến Ukraina tiếp tục học Thạc sĩ Mỹ thuật, rồi bảo vệ luận văn Tiến sĩ Mỹ thuật tại Đại học Mỹ thuật Kiev.

• Trước khi trở thành nhà thiết kế thời trang, Thuỷ Nguyễn là hoạ sĩ có tiếng tăm trong nền hội hoạ đương đại. Nghệ danh của chị ở hội hoạ là Tia-Thuỷ Nguyễn.

• 2011: Thủy Nguyễn thành lập thương hiệu thời trang Thủy Design House.

• Năm 2016, Thủy Nguyễn thành lập Trung tâm Nghệ thuật Đương đại The Factory. Đây là không gian đầu tiên ở Việt Nam được xây dựng dành riêng cho nghệ thuật đương đại, nhằm kết nối cộng đồng nghệ sĩ, thiết kế, sáng tạo và tạo dựng một nền tảng mang tính giáo dục, phản biện.

Năm sinh : 1981
Nơi sinh : Hà Nội
Lĩnh vực hoạt động/nghề nghiệp : Nhà thiết kế thời trang, họa sỹ, doanh nhân