Nhân sâm có tác dụng gì? 10 lợi ích cho sức khỏe bạn cần biết

Bạn thắc mắc nhân sâm có tác dụng gì? Bazaar mách bạn 10 tác dụng của nhân sâm cũng như cách dùng và tác dụng phụ khi dùng không đúng cách

Từ xa xưa, nhân sâm được biết đến là một loại thuốc Đông y quý hiếm, có nhiều tác dụng tuyệt vời đối với sức khỏe. Vậy nhân sâm có tác dụng gì đối với sức khỏe? Dùng nhiều nhân sâm có gây hại gì không? Hãy cùng Bazzar Vietnam tìm câu trả lời qua bài viết sau đây.

Thành phần dinh dưỡng của nhân sâm

Nhân sâm có tác dụng gì

Nhân sâm là một loài thảo dược mọc chậm thuộc họ Araliaceae, chủ yếu sinh trưởng ở Bắc Mỹ và các khu vực phía đông châu Á như Hàn Quốc, Butan và Đông Siberia.

Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại nhân sâm, phổ biến nhất là nhân sâm Mỹ và nhân sâm châu Á. Sự khác biệt giữa hai loại nhân sâm này là nồng độ các thành phần hoạt chất trong thảo dược cũng như tác dụng của nó lên cơ thể con người. Nhân sâm Mỹ có tác dụng như một chất thư giãn trong khi nhân sâm châu Á lại giúp tăng cường sinh lực.

Thành phần chủ yếu có trong nhân sâm là saponin triterpenoid tetracyclic, nhóm dammaran (gọi chung là ginsenosid). Ngoài ra, nhân sâm còn có các hợp chất hữu cơ quan trọng như germanium, glycoside panaxin, các vitamin B1, B2, axit béo như axit panmitic, streari, linoleic và axit amin.

Nhân sâm có tác dụng gì?

tác dụng của nhân sâm

Theo y học cổ truyền, tác dụng của nhân sâm đối với sức khỏe gồm bổ khí, ích huyết, sinh tân, định thần, ích trí. Thảo dược này còn giúp trị chứng chân khí suy kém, cơ thể thường xuyên có cảm giác mệt mỏi, đoản hơi, đoản khí, chân tay lạnh, mạch yếu, người gầy yếu, cơ thể vừa mới khỏi bệnh, kém ăn, trí nhớ suy giảm, người bị căng thẳng thần kinh, nóng trong người, háo khát, đái tháo, tim loạn nhịp, sinh dục kém, trẻ em quá gầy yếu, chậm lớn…

Theo y học hiện đại, công dụng của nhân sâm bao gồm:

1. Tăng cường năng lượng

Đối với những người cảm thấy yếu và mệt mỏi, nhân sâm có thể giúp kích thích tinh thần, cải thiện tâm trạng, tăng độ tập trung.

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng căng thẳng oxy hóa là nguyên nhân chính gây mệt mỏi mãn tính. Do đó, tác dụng của nhân sâm là giúp giảm tác hại của các gốc tự do, từ đó làm giảm tình trạng căng thẳng oxy hóa. Ngoài ra, những hoạt chất trong thảo dược này còn giúp “quét sạch” các gốc tự do, đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa mệt mỏi.

Theo một nghiên cứu khác năm 2014, nhân sâm còn giúp giảm mệt mỏi do ung thư gây ra ở những người đang điều trị bệnh.

2. Cải thiện chức năng não

Cải thiện chức năng não

Ảnh: Pixabay

Nhân sâm giúp cải thiện chức năng não, như khả năng ghi nhớ, hành vi và tâm trạng của người bệnh. Theo một nghiên cứu, một trong những tác dụng của nhân sâm là giúp cải thiện nhận thức ở người mắc bệnh Alzheimer.

Ginsenoside giúp tăng cường trí nhớ, khả năng học hỏi và tăng tỷ lệ sống sót của tế bào não. Nó tiếp tục bảo vệ các tế bào não khỏi sự tấn công của các gốc tự do. Nhân sâm cũng giúp truyền tín hiệu và thông điệp từ não đến các bộ phận khác của cơ thể. Thảo dược này còn giúp giảm viêm nhiễm của các tế bào não và ngăn ngừa suy giảm trí nhớ.

3. Nhân sâm có tác dụng gì? Chống viêm trong cơ thể

Một công dụng tuyệt vời khác của nhân sâm là chống viêm do có chứa các hợp chất ginsenoside có thể ức chế tình trạng viêm và tăng khả năng chống oxy hóa trong tế bào. Chúng tác động đến hệ miễn dịch theo nhiều cách và làm giảm viêm.

>>> Đọc thêm: 14 LỢI ÍCH TUYỆT VỜI CHO SỨC KHỎE KHI ĂN CÀ CHUA

4. Cải thiện rối loạn cương dương

Cải thiện rối loạn cương dương

Ảnh: Pixabay

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nhân sâm có thể giúp cải thiện chứng rối loạn cương dương ở nam giới. Các hợp chất trong thảo dược này giúp chống lại tình trạng stress oxy hóa trong các mạch máu và mô ở dương vật, đồng thời giúp khôi phục chức năng bình thường.

Ngoài ra, nghiên cứu đã chỉ ra nhân sâm có thể làm thúc đẩy quá trình sản xuất oxit nitric, một hợp chất giúp thư giãn cơ ở dương vật và tăng lưu thông máu.

5. Tác dụng của nhân sâm giúp hạ đường huyết

Nhân sâm có thể giúp kiểm soát lượng đường huyết ở những người mắc và không mắc bệnh đái tháo đường.

Theo một nghiên cứu 2014, thảo dược này có thể giúp điều trị bệnh tiểu đường. Các hợp chất ginsenoside có thể ảnh hưởng đến quá trình sản xuất insulin trong tuyến tụy và cải thiện tình trạng kháng insulin bằng các cơ chế khác.

>>> Đọc thêm: 14 CÔNG DỤNG CỦA CỦ NGHỆ TRONG CHĂM SÓC SỨC KHỎE VÀ LÀM ĐẸP

6. Phòng ngừa cảm cúm

Phòng ngừa cảm cúm

Nhân sâm có thể giúp điều trị và phòng ngừa cảm cúm và virus hợp bào hô hấp (RSV). Theo một nghiên cứu, chiết xuất nhân sâm có thể cải thiện sự sống sót của các tế bào biểu mô phổi của người bị nhiễm virus cúm.

7. Tác dụng của nhân sâm với phụ nữ: chống lão hóa

Collagen là một loại protein trong da, chịu trách nhiệm về sức mạnh, độ đàn hồi và độ mịn của da. Khi da tiếp xúc liên tục với tia cực tím, có thể tạo ra các gốc tự do, làm ảnh hưởng đến collagen và phá vỡ hệ thống bảo vệ chống oxy hóa của da. Lúc này, quá trình lão hóa bắt đầu.

Nhân sâm có chứa các chất chống oxy hóa mạnh mẽ, hỗ trợ trẻ hóa làn da bằng cách làm giảm các gốc tự do và bảo vệ collagen. Thảo dược này cũng làm ức chế hình thành nếp nhăn và làm ẩm da, giúp da luôn tươi trẻ.

>>> Đọc thêm: BỘT QUẾ CÓ TÁC DỤNG GÌ? 13 CÔNG DỤNG VÀ TÁC HẠI CẦN BIẾT

8. Nhân sâm có tác dụng gì? Cải thiện hệ miễn dịch

Nhân sâm có tác dụng gì? Cải thiện hệ miễn dịch

Các nghiên cứu cho thấy thành phần nhân sâm có đặc tính adaptogenic, giúp tăng cường hệ miễn dịch, kích thích sự trẻ hóa tế bào và khôi phục các tế bào bị tổn thương ở những người lớn tuổi.

9. Phòng ngừa một vài loại ung thư

Ginsenoside có trong nhân sâm giúp giảm viêm và chống oxy hóa. Nó giúp bảo vệ quá trình các tế bào phát triển và phân chia bình thường bằng cách ngăn chặn quá trình sản xuất và tăng trưởng của các tế bào bất thường.

Theo một nghiên cứu, người dùng nhâm sâm sẽ có ít nguy cơ mắc một số loại ung thư như ung thư môi, miệng, thực quản, dạ dày, ruột kết, gan và phổi so với những người không dùng.

Nhân sâm cũng có thể giúp cải thiện sức khỏe của bệnh nhân đang hóa trị, giảm tác dụng phụ và tăng cường tác dụng của một số loại thuốc điều trị.

>>> Đọc thêm: 13 LỢI ÍCH TUYỆT VỜI CỦA QUẢ DÂU TÂY CHO SỨC KHỎE VÀ LÀN DA

10. Công dụng của nhân sâm giúp bảo vệ tim mạch

Công dụng của nhân sâm giúp bảo vệ tim mạch

Nhân sâm giúp bảo vệ các mô tim chống lại tổn thương và ngăn ngừa suy tim. Thảo dược này cũng giúp kiểm soát bệnh đái tháo đường, cholesterol cao và tăng huyết áp. Đây là những yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch.

Ginsenoside có trong nhân sâm kích thích giải phóng oxit nitric, do đó gây giãn động mạch và mở rộng mạch máu. Điều này đảm bảo lưu lượng máu có thể di chuyển khắp cơ thể mà không gây ra bất kỳ tải trọng hoặc áp lực nào cho tim. Nhân sâm bảo vệ thêm lớp màng bên trong của tim và ngăn ngừa tổn thương.

Tác dụng phụ khi dùng nhân sâm không đúng cách

Bên cạnh những tác dụng tuyệt vời của nhân sâm, thảo dược này có thể gây ra những tác dụng phụ nếu người dùng sử dụng không đúng cách, như:

• Đau đầu
• Các vấn đề về giấc ngủ
• Rối loạn tiêu hóa
• Thay đổi huyết áp và đường huyết
• Tiêu chảy
• Nhịp tim nhanh
• Phản ứng da nghiêm trọng

>>> Đọc thêm: CÔNG DỤNG VÀ TÁC HẠI ÍT AI BIẾT CỦA HOA ATISO ĐỎ

Những ai không nên hoặc cần thận trọng khi dùng nhân sâm?

công dụng của nhân sâm

Bên cạnh việc tìm hiểu nhân sâm có tác dụng gì, bạn cũng cần phải biết những ai không thể hoặc thận trọng khi dùng loại “thần dược” này để tránh những trường hợp nguy hiểm với sức khỏe.

Những đối tượng không nên dùng nhân sâm gồm:

• Người thường xuyên bị đầy hơi, chướng bụng, căng tức, đau bụng, sôi bụng, phân nát, lỏng hoặc tiêu chảy. Những người này dùng nhân sâm có thể nguy hiểm đến tính mạng.

• Người bị nôn mửa, trào ngược, tăng huyết áp.

• Người hay mất ngủ nhưng sức khỏe yếu.

• Trẻ em, phụ nữ có thai và đang cho con bú.

• Người đang dùng các loại thuốc chống đông máu. Tốt nhất, bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng nhân sâm.

Một lưu ý cuối cùng bạn cần biết là sử dụng nhân sâm kéo dài có thể làm giảm hiệu quả của nó đối với cơ thể. Để đạt lợi ích tối đa, bạn nên dùng nhân sâm theo chu kỳ 2-3 tuần rồi nghỉ 1-2 tuần.

Hy vọng Bazaar Vietnam đã giúp bạn hiểu rõ nhân sâm có tác dụng gì, cũng như cần lưu ý những gì trước khi dùng thảo dược này.

Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm