Nhận biết dấu hiệu bị nhiễm trùng khi xỏ khuyên tai và cách khắc phục

Cùng Harper's Bazaar tìm hiểu về các biện pháp chăm sóc vùng xỏ khuyên tai và dấu hiệu cảnh báo nguy cơ nhiễm trùng

Nhận biết dấu hiệu bị nhiễm trùng khi xỏ khuyên tai và cách khắc phục. Ảnh: Brandon Maxwell / ImaxTree

Xỏ khuyên tai từ lâu đã trở thành một xu hướng làm đẹp phổ biến, tương đối an toàn. Tuy nhiên, việc xỏ khuyên tai có thể dẫn đến một số rủi ro như nhiễm trùng mà không phải ai cũng biết. Bởi vì phần lớn chúng ta thường chỉ chú tâm đến việc chọn mẫu mã đẹp mắt, mà không biết cách chăm sóc hợp lý. Dưới đây là một số vấn đề cần lưu ý khi xỏ khuyên tai để bạn tham khảo.

Vì sao xỏ khuyên tai dễ bị nhiễm trùng?

Nhiễm trùng lỗ xỏ khuyên tai xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào vết thương. Các triệu chứng của nhiễm trùng bao gồm sưng đỏ, đau, ngứa hoặc nhức nhối. Đôi khi, vết thương khuyên tai có thể chảy máu hoặc chảy mủ màu trắng, vàng hoặc xanh. Bạn cần lưu ý rằng, khi xỏ khuyên tai mới, vết thương hở trên da cần mất vài tuần để lành lại. Trong thời gian đó, bất kỳ vi khuẩn nào xâm nhập vào vết thương đều có thể gây nhiễm trùng.

Xỏ khuyên có thể áp dụng ở nhiều vị trí khác nhau trên tai, từ thùy tai (dái tai hoặc trái tai), vành tai đến các vùng sụn tai… Tùy vào vị trí xỏ mà có mức độ đau cũng như nguy cơ nhiễm trùng khác nhau.

Thông thường, vùng thùy tai có mô mềm và mỡ, với sự lưu thông máu mạnh. Xỏ khuyên ở vị trí này lành nhanh chóng, giảm nguy cơ nhiễm trùng. Vùng vành tai, sụn tai có mô dày, cứng và lưu thông máu ít hơn. Khuyên tai xỏ ở vùng này có nguy cơ nhiễm trùng cao hơn. Đồng thời nhiễm trùng tại đây đôi khi có thể rất nghiêm trọng.

Vùng vành tai, sụn tai có nhiều nguy cơ bị nhiễm trùng khi xỏ. Ảnh: Fendi / ImaxTree

Các triệu chứng nhận diện

Dấu hiệu cơn đau nhẹ và đỏ là tác động của quá trình lành vết thương sau khi xỏ khuyên tai. Điều này có thể dễ nhầm lẫn với triệu chứng của nhiễm trùng.

Nếu bạn thấy một nốt sưng nhỏ ở phía sau vùng xỏ khuyên tai, đừng nghĩ rằng đó là triệu chứng của nhiễm trùng. Những nốt nhỏ được gọi là sưng hạt, đôi khi có thể xuất hiện xung quanh vết thương. Chúng thường là dịch còn đọng lại và bạn có thể điều trị bằng cách sử dụng nước ấm.

Bạn có thể nhận biết vết thương xỏ khuyên tai bị nhiễm trùng với các triệu chứng sau:

  • Sốt nhẹ.
  • Mủ hoặc dịch tiết chảy ra từ vết thương.
  • Đỏ, ấm hoặc sưng quá mức quanh vùng xỏ khuyên tai.
  • Sưng và đau khi chạm vào vùng xỏ khuyên tai hoặc xương sườn tai.

Nhiễm trùng phổ biến thế nào?

Nhiễm trùng sau khi xỏ khuyên tai là một vấn đề khá phổ biến mà nhiều người gặp phải. Mặc dù, hàng triệu người trên khắp thế giới xỏ khuyên tai mỗi năm và hầu hết họ không gặp vấn đề nghiêm trọng. Tuy nhiên, việc xảy ra sưng, đỏ và nhiễm trùng là điều khá phổ biến sau khi mới thực hiện. Điều quan trọng cần lưu ý là chăm sóc đúng cách để điều trị nhanh chóng và không dẫn đến tình trạng tệ hơn.

Theo một nghiên cứu, đã có đến 35% người xỏ khuyên tai gặp ít nhất một trong những vấn đề sau:

  • Nhiễm trùng nhẹ: 77%.
  • Phản ứng dị ứng: 43%.
  • Hình thành sẹo (sẹo lồi): 2,5%.
  • Rách do va chạm: 2,5%.

Ảnh: Brandon Maxwell / ImaxTree

Các yếu tố nguy cơ gây nhiễm trùng, bị sưng khi lỗ xỏ khuyên tai là gì?

Nhiều yếu tố có thể tăng nguy cơ bị nhiễm trùng khi xỏ khuyên tai. Một số tình trạng sức khỏe nhất định có thể ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch của cơ thể và khả năng chống nhiễm trùng của bạn như:

  • Bệnh tiểu đường.
  • Vấn đề về tim mạch.
  • Hệ thống miễn dịch suy yếu.
  • Nếu bạn dùng corticoid hoặc thuốc làm loãng máu, cần hỏi bác sĩ để biết việc xỏ khuyên có an toàn hay không.

Làm thế nào để điều trị nhiễm trùng?

Cơ sở y tế sẽ hướng dẫn bạn cách điều trị nhiễm trùng khuyên tai. Họ có thể đề xuất nhiều liệu pháp khác nhau để giúp làm lành vết thương bị nhiễm trùng. Một số phương pháp điều trị nhiễm trùng thường bao gồm:

  • Chườm khăn ấm lên vùng dái tai hoặc sụn tai bị nhiễm trùng.
  • Vệ sinh vùng xỏ khuyên tai bị nhiễm trùng bằng nước muối sinh lý.
  • Sử dụng thuốc mỡ kháng sinh trên vùng bị ảnh hưởng.
  • Uống kháng sinh đối với các trường hợp nhiễm trùng nặng hơn.

Với việc chăm sóc đúng cách, hầu hết vấn đề nhiễm trùng sẽ giải quyết trong vài ngày. Nếu vết thương xỏ khuyên tai không có sự cải thiện, bạn nên gặp bác sĩ để được tư vấn và điều trị tốt hơn.

Ảnh: Fendi / ImaxTree

Làm thế nào để ngăn ngừa nhiễm trùng, bị sưng sau khi xỏ khuyên tai?

Chăm sóc hợp lý cho vết thương sau khi xỏ khuyên tai là cách quan trọng để ngăn ngừa nhiễm trùng, bị sưng tấy, chảy mủ. Điều này cũng đảm bảo quá trình làm lành vết thương diễn ra một cách suôn sẻ và an toàn.

  • Không tháo khuyên tai ra quá sớm. Giữ yên khuyên tai cả ngày lẫn đêm cho đến khi vết thương lành hoàn toàn, quá trình này có thể mất đến sáu tuần.
  • Rửa tay trước khi chạm vào vùng xỏ khuyên.
  • Sử dụng nước sạch để vệ sinh cho vùng xỏ khuyên tai 2 lần/ngày.
  • Sau khi làm sạch, bạn có thể dùng cồn kháng khuẩn, thuốc mỡ kháng sinh lên vùng xỏ khuyên tai 2 lần/ngày.
  • Xoay khuyên tai hàng ngày sau khi thoa thuốc mỡ kháng sinh, tuy nhiên hạn chế xoay quá nhiều.
LƯU Ý: Hãy chắc chắn rằng, bạn đến một cơ sở xỏ khuyên tai có kinh nghiệm, uy tín và đảm bảo vệ sinh để quá trình làm đẹp được diễn ra thuận lợi và an toàn. Sau khi xỏ khuyên tai, việc chăm sóc cẩn thận và tuân thủ hướng dẫn cũng rất quan trọng để ngăn chặn các vấn đề không mong muốn xảy ra.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:

Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm