Nhà thờ Notre Dame de Paris mở cửa sau trận cháy lịch sử

Sau khi bị tàn phá bởi một trận hỏa hoạn vào năm 2019, nhà thờ Notre Dame de Paris đã được xây dựng lại với chi phí khổng lồ lên tới 700 triệu euro chỉ trong vòng năm năm. Kinh phí được đóng góp từ 150 quốc gia cùng nhiều nhà mạnh thường quân, trong số đó có các tập đoàn thời trang xa xỉ hàng đầu thế giới như Kering và LVMH

Không gian bên trong nhà thờ Đức Bà – Notre Dame de Paris sau khi mở cửa. Ảnh: Christophe Petit Tesson / AP

Sau hơn năm năm đóng cửa trùng tu vì trận hỏa hoạn tàn khốc năm 2019, nhà thờ Đức Bà – Notre Dame de Paris đã tái mở cửa vào hôm thứ Bảy 7/12. Quá trình trùng tu đã bị gián đoạn nhiều lần vì đại dịch toàn cầu, song những hình ảnh của những bức tường trắng sáng và trần nhà được sơn phết lại đã xóa nhòa ký ức u ám, chứng minh rằng sự chờ đợi này là đáng giá.

Để khôi phục diện mạo như xưa cho Nhà thờ Đức bà Paris, khoảng 2000 kiến trúc sư, nhà sử học và nghệ nhân đã cùng hợp tác. Sử dụng kinh phí lên đến 700 triệu Euro, họ áp dụng các kỹ thuật xây dựng từ thế kỷ 13, kết hợp với công nghệ tân tiến nhằm ngăn chặn những thảm họa tương tự trong tương lai. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết trong một tuyên bố rằng nỗ lực kéo dài năm năm này là một “thách thức mà nhiều người coi là điên rồ”.

Quá trình trùng tu nhà thờ Đức Bà Paris

Ảnh: Stephane de Sakutin / AFP via Getty Images

“[Để khôi phục] Notre Dame, mọi thứ vốn đều khó khăn. Nhà thờ trông bình thường, nhưng thực ra lại rất bất thường,” trích lời Pascal Prunet, một trong những kiến ​​trúc sư trưởng chịu trách nhiệm trùng tu. “Khó khăn lớn nhất cho chúng tôi nằm ở vấn đề hình học hơn là vấn đề kỹ thuật.”

Ông cho biết rằng nhà thờ Đức Bà Paris có hình thù rất đặc trưng. Kiến trúc cổ này là một mê cung của những đường cong phức tạp, làm từ đá và gỗ, tất cả đều bị hao mòn qua nhiều thế kỷ. Hệ quả là tòa nhà chứa nhiều mái vòm và tường không khớp nhau, không vuông vắn. Quá trình tái tạo nhà thờ không thể đạt đến độ chính xác chi tiết như vậy, nếu không có công nghệ quét, hình ảnh và đồ họa hiện đại.

Chiếc đàn organ khổng lồ và Cửa sổ Hoa hồng. Ảnh: Sarah Meyssonnier / AP

Khi ngọn lửa bùng cháy làm đổ chóp nhọn vào tháng 4/2019, giàn giáo xung quanh cấu trúc đã bị rơi vào bên trong, bị nung nóng bởi lửa và làm tan chảy mái chì của nhà thờ gây chướng khí ô nhiễm nguy hiểm. Do đó điều đầu tiên trong quá trình khôi phục là loại bỏ những rác thải kim loại đã bị nung chảy này. Một đội ngũ đặc nhiệm, bao gồm cả hướng dẫn viên leo núi, đã được thành lập riêng cho nhiệm phụ này. Sau đó, một cấu trúc giàn giáo khổng lồ được lập nên cho phép các nghệ nhân và công nhân tiếp cận những phần bị hư hỏng khác.

So sánh không gian bên trong nhà thờ trước và sau khi trùng tu: 2024 (phải) và 2017 (trái). Màu sắc của tường đá ngả kem, ấm áp, không còn tối và lạnh lẽo như lúc trước. Ảnh: Martin Bureau và Sarah Meyssonnier / AFP / Getty Images

Trong quá trình loại bỏ ô nhiễm từ chì, đội ngũ trùng tu đã nảy ra ý tưởng nhân tiện làm sạch bên trong nhà thờ. Các nghệ nhân chuyên phục chế phát hiện ra rằng dung dịch latex giúp loại bỏ chì cùng có thể gột bỏ lớp bụi bẩn và muội nến đóng cặn qua hàng nhiều thế kỷ.

Thành quả của họ là tìm lại màu kem cho 42.000m² tường đá, và nội thất bên trong Nhà thờ Đức bà đầy màu sắc sặc sỡ với các tông xanh lam, vàng, đỏ và nâu. Thậm chí, những màu sắc này rực rỡ đến mức độ nhiều người tưởng lầm rằng nhà thờ đã gắn thêm các nguồn chiếu sáng mới! Khi nhà thờ mở cửa, chúng ta cũng có thể ngắm Notre de Dame de Paris với sắc thái huy hoàng khi nó lần đầu tiên được xây dựng.

“Cảm giác như thể [nhà thờ] mới ra đời, mặc dù Nhà thờ Đức Bà đã rất cũ”, thợ xây Adrien Willeme, người tham gia vào quá trình trùng tu, cho biết. “Vì kiến trúc đã được phục hồi và vệ sinh rất cẩn thận, nó trông thực sự phi thường”.

Khung gỗ mới. Ảnh: AP

Song song với việc gột rửa bụi bẩn, những phần bị hư hỏng đã được chắp vá với đá và gỗ mới. Cấu trúc mái và chóp được xây dựng lại theo kích thước ban đầu, bởi các thành viên của Charpentiers sans Frontières – một tổ chức phi lợi nhuận gồm các nghệ nhân làm mộc chuyên nghiên cứu các kỹ thuật lịch sử. Hơn 1400 cây sồi, với kích cỡ lớn và thân thẳng tắp, đã được vận chuyển từ khắp nước Pháp về Normandy để được xử lý. Thân gỗ phải được cắt và gọt theo đúng tỉ lệ để vừa khít với nhau, bởi kiến trúc Notre Dame de Paris sử dụng kỹ thuật ghép mộng gỗ, dùng chốt chứ không dùng đinh vít.

Khung cửa với các bức tượng bas-relief đã được làm sạch. Ảnh: Stephane de Sakutin / AFP via Getty Images

Ngoài kiến trúc mộc, rất nhiều các nghệ nhân khác đã hội tụ cho quá trình trùng tu nhà thờ Notre Dame de Paris. Các bức tượng đồng được xử lý để phù hợp với màu sắc trong những tấm ảnh từ thế kỷ 19. Các chuyên gia đã mất một năm để phục chế các bức tranh và tranh tường, sử dụng ống tiêm chứa keo để gắn lại các mảnh sơn. Và chuông đã được tháo ra khỏi tháp chuông để được vệ sinh.

Trích lời nghệ nhân làm mộc Will Gusakov, “Công việc trùng tu không chỉ để duy trì hiện vật cổ, mà còn lưu giữ di sản văn hóa về kỹ năng và kỹ thuật của những người có khả năng tạo ra các hiện vật này”.

Nhà thờ Notre Dame de Paris mở cửa long trọng

Không gian bên ngoài Nhà thờ Đức Bà Paris trước thềm mở cửa chính thức vào hôm Thứ Bảy, 7/12/2024. Ảnh: Julien de Rosa / AFP / Getty Images

Nhà thờ thu hút hàng triệu giới mộ đạo và du khách tham quan hàng năm, trước khi phải đóng cửa trùng tu vào ngày 15/4/2019. Từ lúc đó đến nay, khu vực này bị phong tỏa. Không một ai được đặt chân tới ngoại trừ các nghệ nhân, kiến ​​trúc sư và những người tham gia quá trình tái thiết.

Khi mở cửa vào cuối tuần qua, lễ ra mắt nhà thờ Notre Dame de Paris mới cũng được xem như một buổi lễ cực kỳ long trọng và nghiêm cẩn, áp dụng một số biện pháp an ninh từ Thế vận hội mùa hè Paris 2024. Bởi vì tham gia buổi lễ là những quan chức chính phủ cấp cao, gồm Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump và Thái tử William của Anh, cùng với chủ tịch tập đoàn LVMH và Kering – tỷ phú Bernard Arnault và François-Henri Pinault.

Những giới mộ đạo đầu tiên tham gia Thánh lễ ở nhà thờ Notre Dame de Paris sau khi nhà thờ tái mở cửa, vào Chủ Nhật, 8/12/2024. Ảnh: Michel Euler / AP

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:

Harper’s Bazaar Vietnam

Xem thêm