“Nghỉ học” không có nghĩa là “từ bỏ tri thức”

Việc bỏ dở con đường học tập ở giảng đường đại học không còn là trường hợp hi hữu hay mới mẻ. Thế nhưng, cần hiểu như thế nào về khái niệm học tập để không đánh đồng “nghỉ học” với “từ bỏ” tri thức?

Ảnh: Pexels

NEGAV đã gây bão dư luận khi có phát ngôn đầy tranh cãi về việc nghỉ học trước hàng ngàn khán giả trên sân khấu ca nhạc. Câu nói của nam rapper ngay lập tức trở thành đề tài nóng trên mạng xã hội với nhiều ý kiến chỉ trích, cho rằng phát ngôn này đang cổ xuý cho việc bỏ học.

Tuy nhiên, câu chuyện này cũng mở ra một vấn đề quan trọng không kém về định nghĩa của việc học: Liệu học tập có nhất thiết phải tuân theo những con đường truyền thống hay không và nghỉ học liệu có đồng nghĩa với việc từ bỏ tri thức?

Quá trình học tập của mỗi người đều khác nhau, không giới hạn ở nhà trường

Khi nói đến khái niệm “học tập”, không ít người mặc định đó là việc theo học ở các trường lớp, nhận bằng cấp và tuân theo một lộ trình đã được định sẵn. Hệ thống giáo dục truyền thống đã tồn tại lâu đời và mang lại nhiều giá trị to lớn cho các thế hệ cũng như sự phát triển của toàn thế giới.

Song, vẫn tồn tại một số giới hạn nhất định đối với một số cá nhân. Những giới hạn đó có thể trở thành rào cản đối với sự sáng tạo, tư duy khác biệt và khả năng phát triển của bản thân họ. Trong bối cảnh này, một số bộ phận, đặc biệt là giới trẻ đã lựa chọn con đường khác để truy cầu tri thức.

Nghỉ học không có nghĩa từ bỏ hoàn toàn việc học. Thay vào đó, nó có thể là một cách để những người trẻ tìm kiếm phương pháp học tập phù hợp hơn với bản thân, đặc biệt là khi họ cảm thấy không thể phát huy hết khả năng của mình trong môi trường giáo dục truyền thống. Có thể nói, với tư duy ngày càng cởi mở của xã hội, định nghĩa về việc học không còn bị giới hạn trong khuôn khổ giảng đường đại học mà đã được mở rộng trong nhiều lĩnh vực của đời sống.

Nghỉ học không đồng nghĩa với từ bỏ con đường tri thức

Ảnh: Pexels

Việc nghỉ học trong nhiều trường hợp không nên đánh đồng với từ bỏ tri thức. Trái lại, rất nhiều tấm gương đã chứng minh con đường học tập của họ không cần tuân theo hệ thống giáo dục truyền thống. Họ lựa chọn những con đường khác, đôi khi ít người nghĩ đến để tiếp tục quá trình tự học và phát triển bản thân.

Thực tế cuộc sống đã chứng minh rằng, không ít nhân vật nổi tiếng đã gặt hái thành công to lớn mà không cần theo đuổi con đường học vấn chính thống.

Ví như Steve Jobs – người sáng lập Apple. Ông đã nghỉ học chỉ sau một học kỳ tại Đại học danh tiếng Reed vì không đủ khả năng chi trả học phí. Tuy nhiên, điều này không ngăn cản ông tiếp tục con đường học tập từ cuộc sống thực tiễn. Steve Jobs từng chia sẻ rằng, những kiến thức về thiết kế và công nghệ mà ông học được sau khi nghỉ học chính là nền tảng giúp ông xây dựng đế chế Apple hùng mạnh ngày hôm nay. Câu chuyện của Steve Jobs cho thấy, tri thức không nhất thiết phải đến từ trường học mà có thể đến từ nhiều nguồn khác nhau. Từ sự đam mê, trải nghiệm cuộc sống, sự tìm tòi, khám phá và nỗ lực không ngừng của mỗi cá nhân.

Hay như Elon Musk – nhà sáng lập SpaceX và Tesla. Doanh nhân này là một ví dụ khác về việc học tập không theo lộ trình truyền thống. Mặc dù Musk có nền tảng học vấn từ trường đại học nhưng những thành tựu ông đạt được trong lĩnh vực công nghệ và vũ trụ phần lớn nhờ vào khả năng tự học. Ông từng thừa nhận rằng, nhiều kiến thức mà ông sở hữu không đến từ trường học mà từ đến việc đọc sách, tự nghiên cứu và thử nghiệm thực tế.

Vậy, nghỉ học có phải là dấu chấm hết cho tri thức? Câu trả lời chắc chắn là không.

Con đường học tập vô cùng đa dạng và điều quan trọng nhất không phải là bạn học ở đâu, mà là bạn học như thế nào. Trong thời đại công nghệ 4.0, tri thức không còn bị giới hạn bởi những bức tường của trường học. Internet, sách báo, các khóa học trực tuyến và chính thực tế cuộc sống là những nguồn tài nguyên quý giá để con người viết tiếp hành trình học hỏi của mình.

Ảnh: Pexels

Bỏ học không phải con đường phù hợp với tất cả mọi người

Nghỉ học đối với một số người có thể là sự khởi đầu cho một hành trình khám phá bản thân đầy mới mẻ. Nhưng với nhiều người khác, đó có thể là sự mạo hiểm không đáng có. Có những người thành công khi lựa chọn con đường khác biệt không có nghĩa nghỉ học là giải pháp phù hợp với tất cả mọi người.

Hệ thống giáo dục truyền thống luôn đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nền tảng kiến thức và kỹ năng cơ bản cho hầu hết mọi người. Chính vì vậy, bỏ học không nên là một quyết định dễ dàng hay trở thành một trào lưu mà phải được cân nhắc kỹ lưỡng dựa trên nhiều yếu tố như đam mê, mục tiêu cá nhân và hoàn cảnh thực tế của mỗi người.

Với những ai đang cảm thấy bế tắc trên con đường học vấn, trước hết, hãy thử tìm hiểu những cách học khác.

Bạn có thể tham gia các khóa học ngắn hạn, học từ công việc thực tế hoặc học từ những chuyên gia trong lĩnh vực mà bạn theo đuổi. Bạn cũng có thể xây dựng kiến thức từ việc tự học thông qua sách báo, tham gia các cộng đồng chia sẻ tri thức trực tuyến hoặc học hỏi từ những người đi trước. Chúng ta có thể không đến trường nhưng phải luôn học tập, trau dồi kiến thức, nâng cấp bản thân, dù theo đuổi bất kỳ nghề hay công việc nào.

Từ câu chuyện của nghệ sĩ trẻ với những tranh cãi xung quanh việc nghỉ học, chúng ta cần có cái nhìn rộng hơn về khái niệm học tập. Học không chỉ là quá trình tiếp thu kiến thức ở trường lớp mà còn học từ cuộc sống, từ trải nghiệm và từ những thất bại. Steve Jobs hay Elon Musk bỏ học giữa chừng nhưng không từ bỏ giáo dục. Họ chỉ đi một con đường khác để chinh phục tri thức mà thôi. Vậy nên, dù bạn chọn con đường nào, điều quan trọng nhất vẫn là sự kiên trì, đam mê và tinh thần không ngừng vươn lên để hoàn thiện nhân cách và tri thức mỗi ngày.

Ảnh: Pexcels

Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm