Nghệ sỹ Bích Trà: Dù nổi tiếng vẫn không có xe hơi riêng

Là một nghệ sỹ piano giành được nhiều giải thưởng lớn, Bích Trà vẫn giản dị trong thế giới của riêng mình. Dường như cuộc sống ồn ã kia không thể phạm tới tâm hồn âm nhạc của chị

Nếu chọn lựa để sống trong ánh hào quang của mẹ là NSND Trà Giang thì Bích Trà vẫn có thể “thoải mái”. Tuy vậy, cô lại không chọn hệ số an toàn cho sự nghiệp riêng của mình. Bích Trà ngày hôm nay đã trở thành nghệ sỹ dương cầm đầu tiên của Việt Nam có được hợp đồng ghi âm solo với Naxos, một trong những hãng thu âm hàng đầu thế giới. Thành quả đó không thừa hưởng từ NSND Trà Giang hay bất kỳ phép màu nào mà đó là công sức của chính cô.

Hôm nay, Bích Trà dành cho tôi một buổi nói chuyện tại nhà riêng nằm trong con hẻm nhỏ trên đường Phạm Ngọc Thạch. Và tôi bắt đầu bước vào chiếc hộp không gian riêng của Bích Trà…

 

Khung tranh, cây đàn piano cũ và những ấn tượng đầu tiên

Đó là một căn phòng sạch sẽ, ngăn nắp và không trang hoàng cầu kỳ. Mẹ của Bích Trà, NSND Trà Giang mời tôi một ly nước mát lạnh trong lúc tôi đưa mắt ngắm nhìn không gian xung quanh. Tường nhà treo rất nhiều tranh: chân dung tự họa, thiên nhiên, cây cỏ, hoa lá… Cuộc sống xung quanh được tái hiện rất sinh động. Ngoài những khung tranh, góc phòng còn được đặt một chiếc đàn piano, có lẽ là vật kỷ niệm theo thời gian của gia đình.

Nhìn cây đàn piano đó, bỗng dưng tôi nhớ đến hình ảnh của Bích Trà trong show diễn The Piano and The Voice tại Nhạc viện Thành Phố hồi cuối tháng 8–2011. Đỉnh điểm cảm xúc của tôi là khi chùm giai điệu trích từ tập Winterreise- Cuộc lữ hành mùa đông của Schubert vang lên. Rồi âm thanh quyện lấy hình ảnh những gốc sồi già trụi lá bị bao phủ bởi khối tuyết dày trên phông nền dấy lên cảm xúc tột độ của người xem. Bích Trà ngồi trước phông nền, với chiếc đầm in hoa màu nâu và mái tóc dài đen mượt, mải miết tạo nên chuỗi âm thanh dìu dặt.

Khi ngắm nhìn cô với cây đàn piano như vậy, tôi đã tưởng rằng Bích Trà một người phụ nữ ít nói, trầm tĩnh và… khó tiếp cận. Nhưng tôi đã lầm! Bích Trà của ngày hôm nay, trong không gian riêng của cô, lại là một người hoàn toàn khác hẳn. Cô cười nói vui vẻ, thân thiện và giản dị tới đáng kinh ngạc trong chiếc jeans, áo tu-nic hoa cách điệu.

20141007_nghe-si-bich-tra-piano

BAZAAR (BZ): Dường như chị rất hài lòng với cuộc sống hiện tại của mình?
BÍCH TRÀ (BT): Tôi thấy mình may mắn khi làm nghề này. Tôi được đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người và hiểu được cuộc sống theo nhiều khía cạnh khác nhau. Quan trọng nhất là tôi được làm những việc mình muốn và mở rộng hiểu biết của mình.

BZ: Hơn 20 năm sinh sống và làm việc ở nước ngoài có bao giờ làm chị thấy “lạc lõng” với những chuyến thăm nhà ngắn ngủi như thế này không?
BT: Thật ra, con người ta luôn có chỗ không thể hoà hợp được với tất cả mọi người. Rất khó có thể tìm được người để chia sẻ toàn bộ tâm tư tình cảm. Thế nên, dù ở đâu, con người vẫn luôn là những cá-thể-đơn và đôi lúc sẽ “đi lạc”. Về Việt Nam, tôi rất ít có dịp tiếp xúc với xã hội bên ngoài. Nhiều khi tôi cũng muốn hiểu rõ ngọn ngành của cuộc sống Việt Nam nhưng có lẽ tôi chưa đủ điều kiện để hiểu hết về nơi đây.

BZ: Chị có muốn hiểu thật không?
BT: Có chứ! Con người quan trọng nhất là cái gốc rễ của mình. Tiếng Anh họ có chữ “Identity” mà tôi rất thích. Tôi là người Việt Nam, sinh ra ở Việt Nam, lớn lên ở Nga và trưởng thành ở Anh. Hơi dài dòng nhưng không quá phức tạp đúng không?

BZ: Chị nói chuyện rất chắc chắn và giọng Việt rất chuẩn, không pha chút giọng Anh nào. Chị như một gốc cây sồi trong trường đoạn của Schubert. Gió khó có thể đốn ngã được!
BT: Phải tùy loại gió! Gió độc thì chắc chỉ có nước chết thật!

 

Bích Trà – Trà Giang, hai người bạn tinh thần

Tiếng cười của Bích Trà vang suốt cả khoảng không rộng rãi. Căn phòng của chị tách biệt hẳn với con phố nhộn nhịp xe cộ qua lại ngoài kia. Đó là cuộc sống yên lành của riêng hai mẹ con Trà Giang – Bích Trà, là chiếc hộp không gian của riêng chị. Để gặp được Bích Trà hôm nay, tôi phải gọi điện thoại trực tiếp cho NSND Trà Giang, đó là cách duy nhất, vì Bích Trà không có điện thoại khi ở Việt Nam.

BZ: Chị không dùng điện thoại vì bận rộn hay không muốn tiếp xúc với bên ngoài quá nhiều?
BT: Tôi muốn dành nhiều thời gian cho mẹ vì một năm tôi chỉ có thể thu xếp về thăm mẹ hai lần. Tạm thời tôi ưu tiên thời gian cho công việc nhiều hơn.

BZ: Nhưng mẹ chị cũng lớn tuổi rồi. Chị cũng phải ưu tiên chứ!
BT: Con người khi sống thì cần phải được làm việc bạn ạ! Làm việc hết sức mình là đằng khác. Vả lại ở bên Anh, điều kiện để nghiên cứu và biểu diễn nhạc cổ điển cũng nhiều hơn ở mình. Con người mà không làm được hết khả năng của mình thì vừa không tốt cho bản thân vừa không tốt cho xã hội.

Về mặt cá nhân, hai mẹ con chúng tôi nương tựa nhau theo kiểu bạn-tinh-thần nên tư tưởng cũng khá thoải mái. Chúng tôi trò chuyện qua Skype hàng ngày. Bây giờ, mẹ có em và các con của dì từ Tiệp Khắc về sống cùng nên khi đi xa, tôi cũng đỡ lo lắng hơn. Ít ra, không khí gia đình cũng làm mẹ tôi bớt cô đơn.

Hơn mười năm trước, ba tôi qua đời là một mất mát tinh thần lớn của cả gia đình. Mẹ tôi không nhận lời đóng phim nên tôi nghĩ về tinh thần bà cũng buồn chán lắm. Cũng may là mẹ tôi thích vẽ. Năm 60 tuổi, mẹ đi học và từ đó say mê vẽ tranh. Tôi cũng cảm thấy an ủi phần nào. À, tranh trên tường phần lớn là tác phẩm của mẹ đấy! Đẹp không?

20141007_nghe-si-bich-tra-tranh-nsnd-tra-giang

Quả thật, tranh của NSND Trà Giang vẽ rất có hồn. Những mảng màu mềm mại tạo nên các hình khối bắt mắt và phong cảnh thiên nhiên nhẹ nhàng, lãng mạn. Thì ra, không gian chúng tôi ngồi, không được trang trí bằng những món hàng xa xỉ. Thay vào đó, các bức tường ở đây được phủ đầy kỷ niệm và giá trị của thời gian. Bích Trà bảo rằng điều quý giá nhất mà ba của cô, nghệ sỹ – giáo sư violon Bích Ngọc để lại chính là lòng yêu thương và một tủ sách cũ. Những cuốn sách của ba đã mở một thế giới muôn màu vun đắp cho cuộc sống của cô ngày hôm nay.

 

Tôi không có xe hơi và ít đòi hỏi về vật chất

Bích Trà cũng chia sẻ thêm rằng gia đình cô sống hướng nội nhiều hơn hướng ngoại. Khi bạn cảm thấy hạnh phúc thì bạn mới có thể đem đến hạnh phúc cho người khác được. Đó là cách cô giải thích cho phong cách sống của gia đình. Trà bảo tôi, cô không quan tâm đến xe hơi xịn hay nhà cao cửa rộng. Trà muốn sống vừa đủ để tinh thần được chia sẻ, thảnh thơi hơn.

BZ: Tôi nghe nói rằng, dù là nghệ sỹ piano quốc tế thành công, chị vẫn không có chiếc xe hơi nào cả?
BT: Vì tôi không thích đi xe hơi. Tôi muốn bảo vệ môi trường. Ở London, tôi thường đi bộ hoặc xe buýt. Thỉnh thoảng, nếu đi diễn xa thì tôi đi tàu điện hay xe khách công cộng. Tôi không thích tàu điện ngầm. Tôi muốn nhìn ngắm mọi thứ xung quanh.

BZ: Chị có thể “xê dịch không gian” để đưa tôi đến với cuộc sống của chị tại London được không?
BT: Được chứ! Đó là một cuộc sống vừa vặn, xung quanh tôi luôn có sách và cây đàn. Ở London, tôi đã dành dụm mua được một căn hộ nhỏ ở tầng 15. Tôi tự nấu ăn. Nếu không đi diễn, tôi ở nhà hoặc đi bộ ra ngoài công viên thư giãn ngắm sông nước mây trời. Tôi thích thiên nhiên. Cầm quyển sách ra công viên thấy cuộc đời thảnh thơi lắm. Tôi nghĩ vật đắt giá nhất trong nhà tôi là ô cửa sổ. Nó mở cho tôi một tầm mắt rộng lớn, để thấy mọi thứ thật bé nhỏ.

BZ: Hãy tìm một nửa còn lại để chia sẻ chiếc hộp không gian của riêng chị đi. Chị thấy đề nghị này hợp lý không?
BT: Quá hợp lý. Nhưng mà ở đâu để tìm đây? Người tốt thôi vẫn chưa đủ. Tình yêu thôi vẫn chưa đủ. Cuộc sống đâu đơn giản theo kiểu trắng-đen. Trong bảng màu sắc, giữa trắng và đen còn có hàng nghìn sắc độ màu khác nhau nữa. Khi ba tôi mất, tôi thấy cuộc sống này thật ngắn ngủi. Thế nên đừng gò ép vào những điều không đúng với mình. Nếu không đúng thì nên bỏ qua cho nhẹ nhàng.

BZ: Cảm ơn chị rất nhiều.

20141007_nghe-si-bich-tra-steinway-and-sons

Đầm dạ hội: BCBG, vòng tay: Swarovski.

Bài: Thành Nhân – Stylist: Quỳnh Anh – Trang điểm: Nguyễn Hùng – Ảnh: Danny Nguyễn

Xem thêm